Hoạt động mua bán cà phê giữa nông dân, đại lý và nhà xuất khẩu đang trầm lắng trong khi các hãng nhập khẩu cà phê nước ngoài thì giao dịch nhộn nhịp, thậm chí các nhà xuất khẩu trong nước còn phải mua lại cà phê của các hãng nước ngoài để giao hàng.
Sáng nay, 20/6 giá cà phê tại thị trường nội địa nhích dần qua mức 48.500 đồng lên 48.700 đồng/kg nhưng hoạt động mua bán trao tay rất trầm vắng vì lượng hàng còn tồn đang chủ yếu nằm trong tay người giàu chưa cần bán vội, cốt nuôi giá lên. Dựa trên sản lượng ước chừng 1.100.000 tấn cho niên vụ 2010/11, nay tồn kho trong dân tại các tỉnh còn rất mỏng, phân tán với chừng 100.000 tấn.
Trong khi đó, hoạt động mua bán lại có vẻ nhộn nhịp hơn tại một số hãng kinh doanh cà phê nước ngoài đóng tại TPHCM. Hiện nay, lương tồn kho tại các kho ngoại quan và kho riêng của các hãng kinh doanh nước ngoài vẫn không hề suy giảm, trên 200.000 tấn. Trong đó, số lượng tồn kho của hai hãng lớn đã chiếm trên một nửa, trên 100.000 tấn.
Nhờ lượng hàng tập trung, các hãng kinh doanh nước ngoài đang chào bán mạnh trở lại cho các hãng kinh doanh cạnh tranh khác và cho các nhà xuất khẩu Việt Nam đang thiếu hàng giao theo hợp đồng.
Do giàu vốn và có chiến lược gom hàng tốt, các hãng này có khi đã mua giá cà phê lọai 2, 5% đen bể trừ lùi 120 dưới giá Liffe và nay họ bán ra với mức trừ lùi 50-60 đô la/tấn, lời bình quân 50-60 đô la/tấn.
Hiện nay, nếu bán ngược lại cho thị trường nội địa, các hãng kinh doanh cà phê nước ngoài có giá tốt hơn so với việc đưa hàng sang bán cho Liffe. Giá chuẩn robusta loại 2 của Liffe được ấn định -30 đô la/tấn tại các kho do Liffe chỉ định tại châu Âu và Bắc Mỹ. Việc họ bán tại chỗ, tiền nhận ngay, giao hàng tại kho của họ tại các nơi chung quanh TPHCM, giá trừ lùi 50-60 đô la/tấn dưới giá Liffe đối với họ là giá lý tưởng.
Mùa cà phê của Việt Nam bắt đầu từ tháng 10 đến hết tháng 09 năm sau. Từ đầu mùa đến nay, giá càng ngày càng cao, nên đại bộ phân nông dân đã bán hết. Có lúc giá nội địa lên mức 51.500 rồi 52.000 đồng/kg, là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Hàng cà phê trong nông dân thì hết hoặc phân tán, trong khi các công ty xuất khẩu đang chật vật với lãi vay của đồng vốn, với các hợp đồng còn nợ chưa giao, thị trường cà phê nội địa Việt Nam buộc phải nhường sân cho một vài hãng kinh doanh nước ngoài.
Tại sao văn phòng đại diện các hãng café nước ngoài tại TPHCM lại được phép mua cà phê rồi nay bán lại cho các DNVN?
Theo qui định thì văn phòng đại diện chỉ làm công tác xúc tiến thương mại thôi. Đề nghị các cơ quan chức năng phải làm rõ chỗ này.
DNVN đồng vốn yếu thì thua là phải.
Mua đón bán khống đó mà , như đánh bạc vậy, tới lúc giao hàng mà không mua được trong dân thì mua lại cái đã bán mà trả ( chắc chắn lúc này ….)
VPDĐ của các hãng cafe nước ngoài (như : Noble, Luis, Amajaro..) có được phép mua cà phê rồi nay bán lại cho các DNVN hay không ?
Xin trả lời Là Có
Thứ nhất,khi anh cho người ta tham gia thị trường cafe thì người ta có quyền mua bán cho bất kỳ khách hàng nào miễn là có lãi. Điều này có nghĩa là DNNN có thể mua cà phê của các DNVN rồi sau đó lại bán cho các DNVN (khi các DNVN đã bán theo kiểu Mua đón bán khống – như bạn CUBA nói- thì thiếu hàng giao -> mua hàng trong dân lại không có -> mua ngược lại các DNNN). đây chỉ là bài toán kinh tế đơn giản ,ai cũng biết ,nhưng không có cách giải.
Thứ hai, “Theo qui định thì văn phòng đại diện chỉ làm công tác xúc tiến thương mại thôi. Đề nghị các cơ quan chức năng phải làm rõ chỗ này” -> Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam VICOFA đã lên tiếng rồi bạn ơi. Họp hết cơ quan này rồi tới ban ngành kia -> đâu lại hoàn đấy. Vì nước chúng ta đã gia nhập WTO nên phải chấp nhận “cuộc chơi” thôi.
@Công Thành :
Cho hỏi có đang làm cafe ko vậy ? Giờ ai mà chả biết Louis bán nội địa hà rầm, bán đúng luật nhé.
Sao anh Vỹ lại hỏi vậy? Theo tôi hiểu thì các Cty cafe nước ngoài mở Văn phòng đại diện thì làm sao được tham gia mua bán. Còn có mở Cty kinh doanh hay ko thì tôi ko rõ. Cho nên câu hỏi của tôi rất rõ ràng là hỏi về văn phòng đại diện và chức năng mua bán của nó có đúng không? Đúng luật chỗ nào thì anh nói mới biết chứ không nói làm sao tôi biết được. Chuyện tôi làm cafe hay không thì có nghĩa gì hả anh? nông dân hiểu biết có hạn mà anh. Cám ơn anh Vỹ trước.
Tôi cũng biết là họ còn viết tin về thị trường cafe đăng trên báo chí của ta nữa!
Rất đơn giản, không có chiến lược phát triển lâu dài thì chết chắc. Họ thành lập cty TNHH nên được mua mà. Còn thị trường có cầu thì có cung, và điều chỉnh bởi “bàn tay vô hình” (của ông Adam Smith thì phải) chứ có thấy “bàn tay hữu hình” nào đâu?
@ anh Công Thành :
Thôi thì mình dài dòng 1 chút.
1.VPDD có được phép mua bán ko ? câu trả lời là ko, khi anh mua bán, anh mua bán trực tiếp với nước ngoài qua hợp đồng (by fax chẳng hạn) VPDD chỉ “care document” cho Cty mẹ thôi.
2.Làm sao họ mua bán được ?
– Như các anh chị trên đã nói : mua lại chính cái hợp đồng đã bán đó (cái này giải thích dài dòng lắm) nhưng dân cafe thì gọi như vậy đó, chủ yếu là giấy tờ thôi và đảm bảo với anh là đúng luật .
– Khi giao hàng FOB, các cty nước ngoài -thông qua VPDD của họ có quyền chỉ định giao tới kho ngoại quan, và tại đây cty nước ngoài có quyền bán cho 1 bên thứ 3 (thủ tục thôi – bằng cách trong ô consignee : ghi là to order of cho “ai đó”) thế là xong, và cũng đúng luật luôn. Đây chỉ là 1 thủ thuật trong ngoại thương thôi.
Thật ra chuyện này bắt đầu từ năm 2000, cũng lâu rồi và cái kho đầu tiên làm chuyện này có lẽ là Kho Trường Thọ – của Giám Đốc Sỹ (giờ thì kho này ko còn nữa).
Thật bất ngờ bây giờ DN Việt Nam lại Nhập khẩu Cafe về, chuyện thật mà tưởng bịa. Chở củi về rừng ư ? các doanh nghiệp của ta có tầm nhìn quá… chiến lược, thua trên sân khách, thua luôn trên sân nhà. Bà con nông dân xin ngả mũ Kính chào.