Đắk Lắk: Khó mở rộng diện tích cây ca cao

Hiện nay, tuy ca cao hạt lên men ở tỉnh Đắk Lắk đang được bán với giá ổn định từ 52.000 đến 58.000 đồng/ kg nhưng loại cây này vẫn không thu hút được người trồng. Toàn tỉnh mới có 1.742 ha ca cao, trong đó diện tích cho sản phẩm 440 ha, với năng suất bình quân 45,34 tạ quả tươi/ ha.

Theo kế hoạch đến năm 2012, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đưa diện tích cây ca cao tăng lên 6.000 ha và đến năm 2020, tăng lên trên 8.000 ha, nhưng với tình hình trên mục tiêu này khó có khả năng trở thành hiện thực.

Nhiều cuộc hội thảo, xây dựng các mô hình trình diễn trồng ca cao trên các vùng đất xám bạc màu, trồng ca cao xen dưới tán điều, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao được tỉnh Đắk Lắk chú trọng nhân rộng nhưng cũng chưa thuyết phục được người dân.

Nguyên nhân chính là do bà con các dân tộc còn chưa quen với việc canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản nên loại cây này trước mắt khó mở rộng được diện tích.

Được biết, từ năm 2007 đến năm 2010, từ nguồn vốn hỗ trợ của cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, hơn 3.100 hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Lak, Ea Kar, Ea H’Leo đã tham gia dự án phát triển ca cao bền vững, trồng được 456 ha ca cao ghép.

Dự án cũng thành lập được 81 câu lạc bộ nông dân trồng ca cao; đồng thời tạo điều kiện cho các hộ này được tập huấn về quy trình kỹ thuật thâm canh và sơ chế sản phẩm ca cao sau thu hoạch. Hiện nay, phần lớn diện tích ca cao trong vùng dự án đều phát triển khá tốt, nhiều nơi đã bắt đầu cho thu hoạch.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Anh Vũ

    Theo tôi thấy cây ca cao trồng xen trong vườn điều hoặc trồng thành hàng chắn bớt gió cho cây cà phê là có hiệu quả nhất và tăng thêm thu nhập cho bà con.
    Những vùng nguồn nước tưới cho cây cà phê không bảo đảm và chất đất không phù hợp thì phát triển điều xen ca cao là phù hợp với “nhà nghèo” hơn cả.
    Những mô hình như vậy nên phát triển.

  2. Văn Minh

    Xét về mặt hiệu quả thì cây ca cao chắc chắn cho thu nhập cao hơn cây điều và có thể hơn hẳn cả cây cà phê, do bà con chưa nắm được hết nên còn tỏ ra e ngại.
    Hy vọng ngành khuyến nông cần cụ thể hóa để bà con mới biết để lựa chọn.
    Đừng vận động theo kiểu mặt trận không ăn thua đâu.

  3. Niềm tin

    Cái khó của người trồng ca cao bây giờ là ko có cơ sở giống đáng tin cậy. Ba năm sau mới biết kết quả, lâu quá, khi đó thì chẳng còn ai chịu trách nhiệm.

    1. CLB Cacao

      Bà con đồng bào dân tộc không quen với loại cây có yêu cầu kỹ thuật cao thì ngành khuyến nông để làm gì? vì sao chưa thuyết phục được bà con?
      Ko khó để trả lời!

  4. daicachuaboc

    Cây Ca cao tại sao lại chậm phát triển ở Việt Nam, đặc biệt từ những năm gần đây có rất nhiều dự án phát triển Ca cao? Có rất nhiều vấn đề, nhưng chủ yếu là các vấn đề sau:
    – Người dân vẫn chưa hiểu biết nhiều về loại cây này, mặc dầu có rất nhiều dự án phát triển Ca cao. Vai trò của người làm Dự Án như thế nào?
    – Cơ sở thu mua chưa đại trà, chưa có nhà máy chế biến Ca cao tại Việt Nam. Tất cả các dự án đều hô hào trồng cây này, trồng cây kia nhưng lại không có thực hiện điều quan trọng nhất là Nơi tiêu thụ. Việc tiêu thụ vẫn chỉ là các công ty nước ngoài thu gom.
    – Đa số các dự án mang tính hô hào là chính. Dự án thực hiện mang tính chồng chất, có nghĩa là 100 người dân trước được tập huấn như vậy, qua dự án sau cũng 100 người dân đó được tập huấn cũng như vậy.
    – Tập tính người Đồng Bào là Nông nghiệp thu gom, hái lượm. Cây Ca cao vào nền nông nghiệp của người Đồng Bào là rất hợp lý. Thế mạnh như thế vậy các Dự Án đã triển khai như thế nào, Khuyến nông sinh ra để làm gì nhỉ? Hơn nữa, không chỉ có người Đồng Bào trồng Ca cao để đổ nỗi Ca cao khó phát triển mà diện tích người Kinh canh tác thì sao?
    Làm sao cho dân tin bây giờ để phát triển Ca cao đây, trong khi cơ hội phát triển Ca cao ở Đak Lak là cực lớn?

  5. Người bên lề

    Tôi không biết cây ca cao vào nước ta và vào Dak Lak từ khi nào nhưng đầu những năm 80, khi đi ngang lô cao su, khoảng nhà máy Bia hiện nay, tôi được chỉ cho thấy một số cây ca cao trồng thử nghiệm dưới tán cao su. Về sau không nghe cây ca cao phát triển vì không biết phải thu hoạch chế biến như thế nào? tiêu thụ ở đâu? không thấy nhà máy chế biến hay cơ sở thu mua?… Qua những năm 90 thì cây cà phê phát triển và cây ca cao bị quên lãng.
    Nói vậy để thấy 30 năm trôi qua mà cây cao cao chưa phát triển vững chắc trên đất Dak Lak là có nhiều lý do, mà trách nhiệm chủ yếu thuộc về ngành Khuyến Nông và bên cạnh là Viện KHKT Nông Lâm Nghiệp Tây nguyên.
    Tôi liên tưởng đến cây Măcca qua một số bạn bè từ Úc về kể lại và cho là loại cây nông sản số 1 hiện nay. Được biết đã đưa cây Măcca về trồng thử nghiệm do dự án Úc tài trợ hơn 10 năm rồi mà đến nay bà con có ai biết nó đầu cua tai nheo thế nào ngoài mấy bài viết sơ sài được Y5Cafe sưu tầm trên trang Web này. Nên tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của ngành Khuyến nông và công tác khoa học nghiên cứu giống cây trồng. KHKT là phải đi trước trong thời đại công nghệ.
    Cứ đi theo đít con trâu thì biết bao giờ mới khá được phải không bà con?

  6. daicachuaboc

    Ôi bàn về Khoa Học chi cho bùn Bác ơi!
    – Trên thế giới, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật thường gắn liền với cái mới, cái chưa có quy luật. Chứ ở nước ta thì ngược lại. Cái gì mà có rồi thì cũng nghiên cứu để công bố. Thậm chí, thế giới họ đã công bố rồi, mình cũng phải nghiên cứu lại. Hic hic, chứ nghiên cứu cái mới, khoa học đi trước thì lấy cái gì để công bố? Đó là chưa kể số liệu khống để có kết quả phù hợp và tốt! Nghiên cứu xong, kết quả cất vào tủ vì có ứng dụng được gì đâu.

Tin đã đăng