Mặc dù được “thi đấu” trên “sân nhà” nhưng các doanh nghiệp thu mua cà phê trong nước đang đứng trước nguy cơ lép vế khi không thể thu gom đủ lượng cà phê theo kế hoạch do bị doanh nghiệp nước ngoài lấn át. Đây chính là bài học về năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội trong sân chơi WTO.
Xem thêm: > Tổ chức mạng lưới thu mua cà phê: Việc làm trái pháp luật của các DN nước ngoài
Nội “lép vế”
Chưa khi nào, người trồng cà phê ở Tây Nguyên lại vui như năm nay khi giá thu mua tăng cao, lên tới 50.000 đồng/kg, mức kỷ lục kể từ năm 1994 trở lại đây. Ông Chu Văn Thành ở thị trấn Nam Ban (Lâm Hà – Lâm Đồng) cho hay, giá cà phê tăng cao khiến nông dân rất phấn khởi bởi có nhiều doanh nghiệp vào thu mua, đặc biệt, nông dân rất thích bán cà phê cho doanh nghiệp nước ngoài bởi giá cao hơn và việc mua bán dễ dàng. “Trước đây, bán cho các công ty trong nước nhanh nhất cũng phải 3-4 ngày mới được nhận tiền, thì nay bán cho các đầu mối của doanh nghiệp nước ngoài chỉ 1-2 ngày là thanh toán xong”, ông Thành cho hay.
Trái với sự phấn khởi của nông dân, các doanh nghiệp thu mua cà phê trong nước lại đang “ngồi trên đống lửa”. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ 20 Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam bức xúc: “Các doanh nghiệp ngoại tham gia trực tiếp vào việc thu mua cà phê đã và đang đẩy doanh nghiệp nội vào con đường… phá sản”.
Ông Nam phân tích, hiện giá cà phê đã lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua, nhưng bởi khó khăn về vốn nên phần lớn các doanh nghiệp nội tại Đắk Lắk mới chỉ thu mua, xuất khẩu được khoảng 30 – 35% kế hoạch niên vụ 2010-2011. Ngược lại, các doanh nghiệp ngoại đã thu mua được hàng trăm nghìn tấn cà phê. “Các doanh nghiệp nước ngoài đang vi phạm pháp luật Việt Nam. Căn cứ vào Thông tư số 09/2007/TT-BTM ngày 15/7/2007 của Bộ Thương mại, nay là Bộ Công Thương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu không được lập cơ sở để thu mua hàng xuất khẩu”, ông Nam khẳng định.
Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng, việc doanh nghiệp trong nước không thể mua được cà phê xuất khẩu dễ dẫn đến nguy cơ phá sản hàng loạt. Và khi không còn doanh nghiệp trong nước tham gia xuất khẩu, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được dịp lũng đoạn thị trường cà phê Việt Nam.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết, theo quy định về lộ trình thực thi cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), quyền xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua gom hàng hoá tại Việt Nam để xuất khẩu. Có nghĩa, việc tổ chức mạng lưới thu gom cà phê trực tiếp của các doanh nghiệp nước ngoài hiện nay là trái quy định. Việt Nam chỉ khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sâu vào việc chế biến, kỹ thuật phát triển cà phê sạch.
Bài học cho doanh nghiệp nội
Theo ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường của Viện Nghiên cứu thương mại, nếu cấm các doanh nghiệp nước ngoài thu gom cà phê thì đó chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải là “trị bệnh từ gốc” và cũng không thể giúp doanh nghiệp trong nước lớn mạnh được.
Chính các doanh nghiệp trong nước thu mua cà phê của nông dân với giá thấp đã vô tình tạo điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài có cơ hội “làm mưa làm gió” trên thị trường nông sản của nước ta. Thực tế suốt 10 năm qua, lợi ích mà nông dân trồng cà phê được hưởng quá nhỏ, ngay cả lợi nhuận mà các doanh nghiệp trong nước tham gia xuất khẩu cà phê thu được cũng không lớn. Trong khi, dẫu cấm các doanh nghiệp nước ngoài thu gom cà phê trực tiếp, phần lớn lợi nhuận vẫn rơi vào túi các thương nhân nước ngoài.
“Chúng ta đang tạo thêm tầng nấc trung gian một cách hợp pháp giữa người nông dân và người mua hàng, khiến cho giá trị hàng hóa của người nông dân phải cõng thêm chi phí cho giai đoạn trung gian” __ Trong bài: Nông dân phải được hưởng ưu thế của hội nhập
Do đó, cần phải kiên quyết áp dụng các biện pháp tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, đồng thời hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển để họ đủ sức đánh bật các doanh nghiệp nước ngoài ra khỏi thị trường nội địa. Cần khuyến khích gia tăng mạnh vốn đầu tư, kể cả vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghiệp chế biến cà phê. Như vậy, sẽ vừa giải được bài toán nhức nhối giá cà phê, vừa góp phần không nhỏ vào việc nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
Trước những ý kiến khác nhau, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo thông tư hướng dẫn về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo dự thảo, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu các mặt hàng phù hợp với danh mục hàng hóa; được trực tiếp mua hàng hoá của thương nhân có đăng ký kinh doanh mua bán hoặc có quyền phân phối hàng hoá đó để xuất khẩu…
Nhiều ý kiến cho rằng, khi thông tư này được ban hành, chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngoại được công khai thu mua cà phê từ những thương lái có đăng ký kinh doanh. Đây sẽ là thách thức lớn cho các doanh nghiệp nội, nếu không khẩn trương đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh nhưng cũng là hướng đi cần thiết để đưa ngành chế biến, xuất khẩu cà phê lên tầm cao mới.
Tui ko biết cho tới khi nào mấy ông DN cafe nội mới hiểu ra được vấn đề căn bản “đi buôn là phải có vốn”, người kinh doanh buôn bán phải tìm ra nguồn vốn chứ ngồi đó mà kêu ca cái nổi gì ! mấy ông nầy giống như đi chợ mua đồ mà ko có tiền rồi cứ đòi mua thiếu xong đem đi bán lại kiếm tiền lời! làm ăn kinh tế gì mà cứ luôn kêu rên thiếu tiền … thiếu vốn … vay ko được… vậy thì đi mua cafe mà làm gì … kiểu nầy chắc tại thiếu TÀI rồi ! sao ko lên Buôn Ma Thuột kiếm ông Vũ mà hỏi ? người ta khởi đầu sự nghiệp chỉ bằng 1 chiếc xe honda đó thôi mà kiếm tiền nhiều quá xá ! đâu có khi nào nghe ông ấy kêu rên thiếu tiền… thiếu vốn gì đâu nào !… thiệt đúng là … hết biết luôn !
Có lẽ năm vừa qua nhà nước ta “thử” cho DNNN vào để đánh giá năng lực của DNTN đó bác, chính sách nhà nước ta có phần đặc quyền, đặc lợi cho DNTN, nếu không các DNTN chưa kịp cải tổ thì đã bị DNNN bóp chết rồi. Chính vì chính sách đặc lợi này mà họ có “cái quyền” được kêu, được ưu đãi. Với cái thói “chây ỳ” này có lẽ Việt Nam lên để DNNN mua trực tiếp trong 2_3 năm nữa để “ép” thì may ra mới có hy vong cải tổ các DNTN, còn như thế này thì sẽ chẳng có chuyển biến gì.
Đã có biện pháp ”liên kết” giữa các DNTN với nhau để cùng lớn mạnh và nhà nước sẵn sàng cho vay tiền để phát triển. Nhưng cứ đà này thì thật là o ép dân quá.
Đọc bài báo trên của Kinh tế nông thôn tôi thấy có gì đấy không ổn? DNTN không mua được cà phê bị phá sản không thuyết phục lắm bởi vì vay tiền không mua được thì hoàn trả lại nhà nước chứ đi đâu mà mất! phá sản ở đây chỉ có thể do ” tính cua trong lỗ” chưa làm đã lo tính ăn nên khi sự việc diễn ra không theo ý muốn mới thất bại chứ sao! đằng nay cứ đổ lỗi lên đầu người khác phải không bà con? So với DNNN yếu kém đủ thứ nhưng giỏi hơn họ ở tài kêu ca còn lâu mới khá lên được. Nông dân chúng tôi đang cần thậm chí rất cần bạn đồng hành chứ không cần thêm nợ nần cho nghèo đi. Bài báo cho thấy DN chỉ chú trọng đến lợi nhuận của mình còn lợi ích người nông dân, lợi ích quốc gia bị quên đi mất. Ra đi là phải.