Các doanh nghiệp (DN) thu mua cà phê trong nước đang có nguy cơ phá sản do sự cạnh tranh khốc liệt của các DN nước ngoài. Nhiều người lo ngại nếu DN ngoài nước “thâu tóm” phần lớn thị trường thì tình trạng “ép” giá đối với người trồng cà phê có thể sẽ xảy ra. Do vậy, liên kết lại để nắm thị trường đang được xem là bài toán hữu hiệu cần phải làm.
Xem thêm: > Tạo đột phá cho ngành cà phê
Liên kết để kinh doanh và phát triển công nghệ chế biến
được xem là bước đi hữu hiệu nhất của các DN cà phê của Việt Nam
Thua trên “sân nhà” vì thiếu và yếu
Xem thêm: > Thua là phải
Từ đầu năm đến nay, giá cà phê lên cao, các DN 100% vốn nước ngoài đã thành lập nhiều cơ sở thu mua cà phê ngay tại các địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, ước tính họ đã mua khoảng 60% lượng cà phê xuất khẩu của cả nước. Trước tình hình đó, Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam và nhóm 20 DN xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam đã có văn bản thông báo cho rằng, các DN nước ngoài làm trái luật và có thể gây nhiều hệ lụy, nguy cơ phá sản của các DN trong nước có thể sẽ xảy ra. Nhiều ý kiến còn lo ngại rằng, một khi đã thao túng được thị trường, các DN nước ngoài sẽ thoả sức ép giá nông dân và gây khó khăn cho việc điều tiết thị trường nội địa…
Thế nhưng, theo các nhà phân tích thị trường thì đó chỉ là quan điểm một phía, quy luật cạnh tranh, nhất là khi chúng ta đã gia nhập WTO thì những suy nghĩ này cần phải xem lại. Đổ hết lỗi cho các DN nước ngoài là chưa thỏa đáng, DN trong nước bị thua ngay trên “sân nhà” bởi chúng ta đang thiếu và yếu: vừa thiếu vốn lại vừa thiếu liên kết. Nếu thiếu vốn thì ở mức nào đó còn chấp nhận được nhưng thiếu sự liên kết, thậm chí làm “yếu” lẫn nhau là điều đáng phải bàn. Cụ thể, hiện nay, hình thức trừ lùi để có cơ sở vay tiền trong hợp đồng mua bán mỗi khi nợ ngân hàng đến thời điểm đáo hạn được các DN thường áp dụng. Khoản trừ lùi vô tình trở thành “vũ khí” để các DN xuất khẩu trong nước cạnh tranh và hạ giá bán của nhau. Đại diện một doanh nghiệp cà phê đưa ra ví dụ, công ty A trừ lùi 50 USD/tấn, lập tức công ty B trừ lùi 60 USD/tấn. Cứ thế mức trừ lùi tăng dần gây thiệt hại không chỉ cho DN, nông dân mà cả hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, do cách làm ăn độc lập nên các DN xuất khẩu cà phê ít “ngồi lại với nhau” để tạo được mặt bằng giá ổn định mà thường vẫn mạnh ai nấy làm. Trong khi đó, việc liên kết giữa DN với người trồng cà phê lại cực kỳ hạn chế, chỉ có một ít doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Các nhà nhập khẩu nước ngoài do nắm được sản lượng cà phê của các DN trong nước, hơn thế họ lại biết DN trong nước cần bán được hàng để có vốn xoay vòng. Do vậy, việc ép giá trở thành câu chuyện hàng năm, không tránh khỏi.
Liên kết phát triển công nghệ chế biến
Ông Lương Văn Tự – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho rằng, hiện nay chúng ta thiếu một tổ chức ngành hàng cà phê đủ mạnh để gắn kết các DN nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng bằng những chiến lược có tầm cỡ, toàn diện và thiết thực. Điều này có thể học tập ở những nước đi trước chúng ta hàng trăm năm như Brasil, Colombia, Ấn Độ, Indonesia.
Ông Đoàn Triệu Nhạn – người đã có nhiều năm nghiên cứu về thị trường cà phê kiến nghị, hiện nay Nhà nước khuyến khích các DN nước ngoài vào đầu tư công nghệ chế biến cà phê. Từ trước đến nay, chủ yếu Việt Nam xuất khẩu cà phê hạt nên những trường hợp như Công ty TNHH Olam đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê tại Long An rất được hoan nghênh. Việc mua cà phê trực tiếp trong dân phục vụ cho sản xuất chế biến tại các nhà máy trong nước thì cũng cần khuyến khích. Ông Nhạn cho rằng, mặc dù hiện nay các DN trong nước đang ở vị trí bất lợi khi cạnh tranh với các DN nước ngoài vì họ được vay vốn với lãi suất thấp hơn nhiều so với các DN trong nước. Tuy nhiên, thay vì kêu gọi sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để “chữa cháy” nhất thời, các DN xuất khẩu cà phê trong nước cần phải bắt tay nhau để tổ chức liên kết thành một tập đoàn lớn, đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài.
Một vấn đề mang tính chiến lược lâu dài và bền vững là DN cần phải liên kết lại để đầu tư công nghệ chế biến nhằm tập trung xuất khẩu cà phê thành phẩm. Lợi nhuận thu về qua phát triển công nghiệp chế biến lớn hơn rất nhiều lần so với xuất khẩu cà phê thô.
Các nhà phân tích nhận định, nếu chúng ta làm được điều này thì chẳng những tăng giá trị các sản phẩm cà phê “Made in Vietnam” trên thị trường quốc tế mà còn giải quyết được vấn đề giá quá “bèo” và nỗi lo của bà con trồng cà phê.
Theo tôi DN trong nước đã rút ra kinh nghiệm từ chính họ, vì trước nay ko có DN nước ngoài họ tha hồ ép giá người dân ? Vậy hãy để họ cạnh tranh với nhau thì người dân mới ko bị ép. Nếu ko có DN nước ngoài thì giá cà fê hôm nay có được 35 không chứ đừng nói là 50.
Làm sao liên kết lại với nhau bây giờ, khó lắm, mà có liên kết được cũng không thể nào đấu nổi DNNN: vốn họ mạnh, quản lý kinh doanh họ rất giỏi.
Tôi có ý tưởng này: DNTN liên kết với DNNN, nội ngoại kết hợp lợi cả hai bên, lợi cho nông dân.
Chỉ một câu hỏi mong được trả lời : nếu không có DNNN thì ai sẽ bảo đảm các DNTN không câu kết với nhau để ép giá nông dân? Ai ? Ai ? Ai ?
Tui còn nhớ chính xác là ngày 8/12/2010 khi cà phê đã lên đến 34.500 đồng thì quan chức Vicofa, Cục Chế Biến và các thương nhân nổi tiếng ở ĐakLak cho rằng cà phê sẽ hạ nhiệt vào kỳ cuối năm dương lịch và Tết Nguyên Đán xuống chỉ còn 30.000 đồng/kg nên các DN trong nước không thu mua để chờ giá xuống, “ngồi nhìn cơ hội” trôi vào tay DNNN, nhưng đợi hoài chẳng thấy sung rụng! Nhưng sau lại la làng ầm ĩ cả lên mà ai cũng biết.
Vậy là DNTN thương bà con nông dân trồng cà phê vất vả nhỉ?
Thương kiểu này nhúm xương cũng không còn.
Âu cũng là quy luật, người mua khi nào cũng mong giá xuống, nhưng tiếc thay trình độ còn kém quá nên mới bị người đời mỉa mai hoài, nhiều lúc cũng thấy thương hại họ.
Theo dõi tình hình xuất khẩu cà phê VN tôi rất quan tâm đến khoản trừ lùi. Không hiểu đây có phải là sự khôn ngoan của ta hay không? Năm qua mức trừ lùi bình quân 100 USD/tấn một triệu tấn mất 100 triệu USD tính ra khoảng 2000 tỷ VNĐ bà con ạ ( tiền này biếu không nước ngoài) tính ra bằng 1/50 vụ Vinashin Thật lãng phí tài sản quốc gia! Liệu nguồn sản xuất cà phê là vô tận mãi không? cứ bỏ công sức cày cuốc, bón phân là cây cà cho trái để bán mãi không? Khó đấy! này nhé đất canh tác ngày càng bạc màu, suy thoái môi trường càng ngày càng thấy rõ, biến đổi khí hậu diễn ra ác liệt,… Những nhà chiến lược lược nước ngoài hình như đã thấy được vấn đề này còn các nhà chiến lược của ta hầu như chỉ loay hoay việc buôn bán chưa xong làm sao giúp được nông dân cà phê thoát nghèo được.
Nhiều bài báo viết : Khi DN 100% vốn nước ngoài đã thành lập nhiều cơ sở thu mua cà phê tại các địa phương thuộc tỉnh… như bài này. Thế mà khi được yêu cầu chỉ ra một số cơ sỏ thu mua cụ thể của DN ngoại thì không ai chỉ được.
Bà con nào thấy cơ sở thu mua đó đầu cua tai nheo thế nào chỉ cho cafe chim tôi được tận mắt thấy xem thử. Xin cám ơn nhiều.
Tôi cũng chưa thấy DNNN nào mua trực tiếp của nông dân cả, họ vẫn đang mua thông qua đại lý, cty có xuất hoá đơn rõ ràng, không ai có thể kiện DNNN được, họ vẫn đang làm đúng luật đó thôi.
Đây có thể là một tin tốt lành cho bà con nông dân mà cũng có thể là một tai họa vì khi chưa liên kết thì ít nhiều cũng có sự cạnh tranh chứ khi đã liên kết rồi cộng với hàng rào kỹ thuật (hạn chế sự cạnh tranh của DNNN) thì tha hồ mà ép giá … nông dân chỉ có ngủm…
Ồ nhà nước chúng ta đang sợ vấn đề đó, nhưng bản thân mình thấy có vẻ như các doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào mua thì bà con chúng ta mới đỡ bị các DN yêu quý mà nhà nước đang muốn bảo hộ để ép giá những người Nông dân chúng ta thấp cũng 500 đ/kg. Mĩnh nghĩ có lẽ đây là một tin tốt lành hơn là một tin xấu. DNNN có ép mình hay không là do luật pháp của VN có nghiêm minh hay không. Nếu nghiêm minh nhứ Bác Hồ Cẩm Đào thì không có chuyện dám ép đâu.
Từ khi được phát sóng trên thời sự VTV ngày hôm sau tôi đã thấy chính phủ có lưu tâm và can thiệp, rõ ràng DNNN có lợi thế về vốn và lãi suất vay nhưng chúng ta có lợi thế sân nhà, nông dân, đại lý, và cả trọng tài” đều là Việt Nam. Chính phủ đã phát động “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, không lẻ đại lý và doanh nghiệp thu mua lại đi bán cho DNNN mà lại không bán cho DNTN. Đề nghị các DNTN xem xét lại mình và chính phủ cần phải học hỏi cơ chế và chính sách quản lý của Brazil là khá thành công.
Dân gian thường có câu: “Thuốc bổ của người này có thể là thuốc độc của người khác”. Tại VN, có người khen cà phê (???) ngon, nhưng nhiều người lại chê là dở, chưa kể là hiện nay vấn đề lạm dụng hóa chất trong rang xay cà phê quốc nội bị mất kiểm soát. Hóa chất không rõ nguồn gốc được sử dụng tràn lan ngay cả ở những công ty rang xay quốc nội danh tiếng nhất, chưa nói là tỷ lệ pha trộn bắp đậu nhiều hơn cà phê.
Cái mà người ta thường gọi là cà phê thành phẩm made in VN coi chừng có đường thắng cháy đen (caramen quá mức có thể sinh chất gây ung thư), thuốc nhuộm, chất tạo bọt, chất thơm, chất tạo độ đắng, chất tạo màu, chất tạo độ keo,…). Ai kiểm soát chất lượng các sản phẩm này? Nhà nước? Không! Tổ chức độc lập? Không!
Ngày nay, chính người sử dụng phải biết tự bảo vệ mình. Nhiều người hiểu biết và khôn ngoan hơn có xu hướng sử dụng cà phê tự rang hoặc mua ở một vài nơi rang xay có uy tín không pha trộn hóa chất để bảo đảm sức khỏe.
Cà phê hòa tan thì sao? Ai dám bảo đảm rằng cà phê hòa tan được sản xuất từ cà phê nguyên liệu tiêu chuẩn? Thế hàng chục tấn cà phê đen mốc đem đi đâu mà vẫn có người mua với giá rất cao?
Đó là mới nói chuyện ở VN. Còn đối với người nước ngoài thì sao? Một điều chắc chắn rằng họ sẽ không uống cà phê theo gu người VN, mà các nhà rang xay ở các nước họ mới biết người tiêu thụ thích gu gì để có công thức pha trộn thích hợp. Vậy theo ông Nhạn thì ta nên đầu tư chế biến cà phê bột hay cà phê hòa tan? Nên nhớ là cà phê TN cũng có bán ở bên Mỹ nhưng ở các siêu thị người Việt mà cũng chỉ thỉnh thoảng người Việt mua mà thôi chứ làm gì đã thâm nhập được các siêu thị của Mỹ. Tại sao vậy? Đơn giản là người Mỹ không thích uống cà phê gu VN mà họ cũng chẳng tin tưởng về chất lượng.
Tóm lại ta đầu tư nhiều nhà máy rang xay để tiêu thụ trong nước chăng? trong khi cái mà các nhà rang xay nổi tiếng trên thế giới muốn lại là cà phê nhân chất lượng tốt! Điều mà ai cũng thấy hàng ngày là ta luôn muốn mua gạo về nấu cơm chứ không muốn mua cơm nấu sẵn ở các tiệm ăn.
Để thị trường cà phê ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ theo tôi không phải là do những lý do của những chủ doanh nghiệp như thiếu vốn hay bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm thị trường mà không đặt ra câu hỏi ngược lại đó là làm thế nào để mình có thể đánh bật doanh nghiệp nước ngoài trên thương trường cà phê. Trong kinh doanh mình không nên đổ lỗi cho chính mình và thay vào đó thì mình có thể học hỏi kiến thức nhiều hơn, theo tôi các doanh nghiệp nên tạo lòng tin nhiều hơn cho người tiêu dùng, hay cho chính nhân dân, thay vì mình muốn kiếm 1 khoản lợi nhuận lớn trong thị trường cà phê thật nhanh. Thay vào đó là có thể xây dựng 1 thương hiệu vững chắc bằng chính chất lượng sản phẩm của mình tạo ra, và tạo niềm tin lớn cho người tiêu dùng thì không bao giờ xẩy ra chuyện các doanh nghiệp thua trên sân nhà hay người dân bị chèn ép về giá cả!