Muốn giành thắng lợi trong cuộc chơi với các doanh nghiệp nước ngoài thì các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cà phê trong nước buộc phải nâng cao năng lực hoạt động, đổi mới phương thức kinh doanh và tích cực bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân cũng như bảo vệ thương hiệu cà phê Việt…
Bộ Công thương đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định chi tiết Luật Thương mại và hướng dẫn về hoạt động mua bán hàng hóa, các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Điểm quan trọng nhất trong dự thảo thông tư là quy định về thực hiện quyền xuất khẩu.
Theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu sẽ được phép xuất khẩu các mặt hàng phù hợp với danh mục hàng hóa đã được cấp phép. Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng sẽ được trực tiếp mua hàng hoá của thương nhân có đăng ký kinh doanh mua bán hoặc có quyền phân phối hàng hóa đó để xuất khẩu; được trực tiếp làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa tại cơ quan hải quan theo quy định hiện hành của pháp luật. Tuy nhiên, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu sẽ không được lập cơ sở để thu mua hàng xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, nếu thông tư này được thông qua, sẽ chấm dứt mâu thuẫn trong quá trình thu mua cà phê nói riêng, các sản phẩm nông sản xuất khẩu nói chung giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước hiện nay. Bởi theo dự thảo thông tư này thì, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ có quyền thu mua hàng hóa để xuất khẩu thông qua các đại lý thu gom chứ không được trực tiếp cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước thu mua nông sản của nông dân.
Khi bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2010 – 2011, Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam đã kiến nghị cơ quan chức năng cần chấn chỉnh hoạt động các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc thu mua cà phê. Bởi doanh nghiệp nước ngoài có số lượng ít nhưng đã thu mua đến 40% sản lượng cà phê, trong khi 140 doanh nghiệp trong nước chỉ thu mua được 60% sản lượng. Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Cà phê- cacao đề nghị rà soát lại hoạt động thu mua và xuất khẩu nông, lâm sản của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài có liên quan đến lĩnh vực nông, lâm sản.
Tuy nhiên, trước động thái trên của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều khẳng định rằng, họ không thu mua trực tiếp nông sản từ nông dân, mà thu mua thông qua các đại lý. Cụ thể là thu mua qua các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân hoặc hộ kinh doanh có đăng ký, có nộp thuế, có hóa đơn khi xuất bán hàng. Bởi lẽ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bắt buộc phải sử dụng hóa đơn đỏ trong quá trình mua bán để đáp ứng quy chuẩn kế toán, kiểm toán khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.
Như vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ có thể thu mua nông, lâm sản thông qua doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể có đăng ký thì mới có thể có hóa đơn đỏ. Trong khi đó, người nông dân nước ta chưa có thói quen sử dụng hóa đơn đỏ, nên doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nếu mua trực tiếp của nông dân sẽ mất thêm thời gian và chi phí để lập bảng kê khai hàng hóa có xác nhận của cơ quan thuế.
Theo Bộ Công thương, cam kết của Việt Nam với WTO về quyền xuất khẩu của các nhà đầu tư nước ngoài không bao gồm quyền lập cơ sở thu mua nhưng lại bao gồm quyền ký hợp đồng thu mua với cơ sở kinh doanh hợp pháp trong nước. Như vậy, khó có thể tránh được sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài vào quá trình thu mua cà phê, cũng như các mặt hàng nông sản khác. Khoan bàn đến vấn đề doanh nghiệp nước ngoài tham gia thu mua nông sản lợi hại thế nào. Nhưng rõ ràng, khi các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào quá trình thu mua nông sản sẽ tạo thế cạnh tranh mạnh mẽ hơn đối với doanh nghiệp trong nước.
Muốn giành thắng lợi trong cuộc chơi với các doanh nghiệp nước ngoài thì các doanh nghiệp trong nước buộc phải nâng cao năng lực hoạt động, đổi mới phương thức kinh doanh và tích cực bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân cũng như bảo vệ thương hiệu cà phê Việt.