Tây Nguyên dồn sức chống hạn cho cây cà phê

Người trồng cà phê tại Tây Nguyên đang dồn sức nạo vét các công trình thuỷ lợi, đào và khoan mới hàng ngàn giếng tận dụng tối đa nguồn nước để chống hạn cho cây cà phê.

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên, tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum nắng nóng kéo dài làm cho hệ thống sông, suối, ao, hồ khô kiệt nước.

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 452.000ha cà phê, trong đó đã có hàng chục ngàn ha cà phê thiếu nước tưới làm giảm năng suất hoặc mất trắng trong niên vụ tới. Chỉ riêng tỉnh Đắk Lắk đã có trên 10.000 ha cà phê thiếu nước tưới, trong đó có gần 3.000 ha cà phê khả năng bị mất trắng.

Theo quy trình kỹ thuật thâm canh cây cà phê, vào mùa khô phải tưới từ 3 đến 5 đơt nước, mỗi chu kỳ tưới từ 22 đến 24 ngày, mỗi đợt tưới phải đạt 400 lít nước/gốc cà phê.

Hiện các nông hộ trồng cà phê tại các huyện trọng điểm cà phê của các tỉnh như Ea H’Leo, Krông Búk, Cư M’Gar (tỉnh Đắk Lắk), Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), Đắk Min (tỉnh Đắk Nông)… đã đầu tư vốn đào, khoan mới hàng ngàn giếng nước, mỗi giếng đào sâu xuống từ 20 đến 30m mới có nước để lấy nước chống hạn cho cây cà phê. Nhiều hộ gia đình đầu tư 20 đến 30 triệu đồng đào giếng ngay giữa các hồ, đập để lấy nước bơm cứu sống cho cây cà phê khỏi chết khô.

Huyện Krông Búk (Đắk Lắk) đã chỉ đạo các hợp tác xã dùng nước hướng dẫn đồng bào các dân tộc đầu tư nạo vét giếng, hồ đập, khơi thông dòng chảy, điều tiết, phân phối nguồn nước hợp lý, tránh không để xảy ra tình trạng tranh chấp nguồn nước giữa các vùng, các hộ gia đình có nương rẫy cà phê liền kề.

Huyện cũng có kế hoạch trích ngân sách địa phương hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc mua xăng dầu phục vụ chống hạn cho cây cà phê, đồng thời hướng dẫn cho người dân có diện tích càphê ở những vùng không chủ động được nguồn nước cần sớm chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp dài ngày khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Viện Khoa học Kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên đã khuyến cáo đến các tỉnh, các nông hộ cần sớm quy hoạch lại diện tích cà phê, không nên mở rộng diện tích tràn lan, chỉ phát triển cà phê ở những vùng đất thích hợp, chủ động được nguồn nước. Theo đánh giá của các địa phương, phần lớn diện tích cà phê bị thiếu nước tưới đều phát triển tự phát, không nằm trong vùng quy hoạch.

Đồng thời các địa phương kiên quyết chuyển đổi, thay thế cây trồng khác đối với những khu vực trồng cà phê không đủ nước tưới, có độ dốc trên 15 độ, kém hiệu quả. Đồng thời, việc mở rộng việc trồng cây che bóng, tạo đai rừng chắn gió trong vườn cà phê sẽ không những giảm số lần tưới nước cho vườn cây trong mùa khô mà còn góp phần tích cực trong việc phát triển cà phê bền vững.

Một hướng đi khác giúp người dân trồng cà phê hạn chế thiệt hại do thời tiết khô hạn là là mua bảo hiểm hạn hán. Hiện, tỉnh Đắk Lắk đã có trên 30 nông hộ trồng cà phê đã tham gia mua bảo hiểm hạn hán cho cây cà phê niên vụ 2011-2012.

Hợp đồng bảo hiểm ký với mỗi nông hộ được dựa vào việc đo lường tổng lượng mưa tại trạm đo mưa gần nhất và hiện trạng của diện tích cà phê.

Nếu tổng lượng mưa trong suốt thời hạn bảo hiểm đo được tại trạm đo mưa xuống thấp hơn một ngưỡng nhất định được thống nhất từ trước, công ty bảo hiểm có trách nhiệm trả tiền bồi thường cho các nông hộ.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Envi-Agri

    Hi hi, vấn đề bây giờ không phải là khuyên bà con không nên mở rộng diện tích, hay “các địa phương kiên quyết chuyển đổi, thay thế cây trồng khác đối với những khu vực trồng cà phê không đủ nước tưới” vì điều này đã nói đi nói lại mãi rồi mà chả có hiệu quả gì. Việc cần phải làm ngay là phải nghiên cứu việc tiết kiệm và sử dụng thực sự hiệu quả nguồn nước đang có và xa hơn, các biện pháp lưu trữ các nguồn nước tự nhiên như làm ao hồ chứa nước mưa, tăng lượng nước thấm vào đất, vv. Và nhà nước nên có biện pháp quản lý nguồn tài nguyên nước tốt hơn, vì hiện ngành nông nghiệp dùng nước lãng phí quá.

Tin đã đăng