Ngành cà phê: Đầu tư khoa học là vấn đề cấp bách

Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về sản lượng xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, để loài cây công nghiệp này phát triển bền vững, nhu cầu áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, thay đổi thói quen canh tác và trang bị thiết bị công nghệ chế biến hiện đại đang là bài toán khó với ngành cà phê Việt Nam.

Xem thêm: > Tầm nhìn cà phê

Nhiều thách thức

Hiện ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức bởi tình trạng biến đổi khí hậu, sâu bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, nông dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiếu chuyên nghiệp nên chưa chủ động trước diễn biến của thị trường.

Việt Nam có khoảng 540.000ha cà phê với sản lượng trên 1,1 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, số cà phê già cỗi và sâu bệnh cần phải đưa vào chương trình tái sinh là 30% diện tích. Ông Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Nguyên nhân của tình trạng cà phê nhanh già cỗi là do trồng trên những vùng đất không phù hợp. Một số diện tích cà phê bị sâu bệnh như rệp, sáp, tuyến trùng, nấm gây hại nặng. Trong khi đó, nông dân loại bỏ hoặc giảm cây che bóng mát để tăng mật độ trồng làm tăng tác động của khô hạn, nắng nóng đối với cây cà phê. Nguyên nhân quan trọng khác là do người trồng thâm canh cà phê quá mức. Năng suất trung bình toàn quốc là gần 2 tấn/ha, nhiều nơi đạt 3-4 tấn/ha. Đây là mức rất cao so với thế giới. Khi giá cà phê lên cao, đạt năng suất tối đa, người nông dân không tuân thủ quy trình kỹ thuật sử dụng phân bón hóa học, nước tưới và thuốc bảo vệ thực vật cao hơn mức khuyến cáo.

Theo kết quả điều tra của Viện Khoa học kỹ thuật nông – lâm nghiệp (KHKTNLN) Tây Nguyên, chỉ có khoảng 50% số hộ bón phân NPK phù hợp với quy trình, số hộ còn lại bón phân cao hơn so với mức khuyến cáo từ 10-23%. Lượng nước tưới cũng cao hơn từ 6.000 -7.000m3/ha/năm. Việc không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc cà phê làm cho vườn cây xuống cấp nhanh, sâu bệnh gia tăng, chi phí và giá thành tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Trương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết: Vinacafe hiện có 19.221ha cà phê, tập trung ở các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Nông, Quảng Trị, trong đó có gần 11.000ha trồng trong giai đoạn 1980-1986 và hiện có hơn 1.500ha bị sâu bệnh, nhất là bị tuyến trùng, rệp sáp hại rễ, khiến vườn cà phê nhanh già cỗi, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao.

Cũng theo ước tính của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trong vòng 5-10 năm tới, diện tích cà phê cần phải trồng thay thế và chuyển đổi khoảng 140.000-160.000ha. Rõ ràng, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển bền vững ngành cà phê hiện đang là vấn đề cấp bách.

Đầu tư xứng tầm cho cây cà phê

Theo Viện KHKTNLN Tây Nguyên, giải pháp về khoa học kỹ thuật là nghiên cứu, lai tạo, tuyển chọn các giống cà phê có năng suất cao, chín tập trung, kích cỡ hạt lớn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đã được quan tâm. Hiện nay, Viện đã nghiên cứu, lai tạo và tuyển chọn được chín dòng cà phê vối, gồm TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13. Đây là những giống cà phê mới đạt năng suất cao, từ 4,2-7 tấn nhân/ha, chất lượng tốt, kháng bệnh cao và có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Từ năm 2006 đến nay, Viện đã sản xuất, cung cấp từ 5-7 tấn hạt giống lai đa dòng cà phê vối, cà phê chè cho tất cả các vùng trồng cà phê. Ngoài ra, Viện còn xây dựng trên 5ha vườn nhân chồi các dòng vô tính cà phê vối để mỗi năm cung cấp khoảng 4 triệu chồi ghép chất lượng cao, giúp người trồng cải tạo dần các vườn cà phê già cỗi, năng suất kém. Một giải pháp kỹ thuật quan trọng nữa để phát triển cà phê bền vững là khai hoang, thu gom rẽ nhằm loại bỏ nguồn dịch hại trên đồng ruộng… Tuy nhiên, để những giống cà phê phẩm cấp tốt này đến được với người trồng thì Viện không tự giải quyết được.

Theo các chuyên gia, để nâng cao giá trị của cà phê xuất khẩu “Made in Việt Nam”, hướng đến xuất khẩu thành phẩm chứ không phải là sản phẩm thô sau đó được chế biến và mang thương hiệu nước ngoài cần đẩy mạnh công nghệ chế biến. Hiện nay, nước ta có gần 50 nhà máy chế biến cà phê nhưng phân bố không đồng đều, nên có nhà máy không phát huy hết hiệu quả hoạt động làm giảm hiệu quả kinh tế.

Ông Phan Huy Thông cho biết thêm, đã đến lúc các địa phương trồng cà phê cần khẩn trương rà soát, phân loại chất lượng trên diện tích hiện có; xác định diện tích cà phê cần trồng lại hoặc chuyển đổi trong thời gian tới và có cơ chế hỗ trợ trồng tái sinh cây cà phê hoặc chuyển đổi cà phê theo hướng làm cuốn chiếu, mỗi năm trồng lại khoảng 15-20% diện tích mới có khả năng nâng cao giá trị cây cà phê

Theo Bộ NN&PTNT, dự thảo quy hoạch phát triển cây cà phê đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 sẽ sớm được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Với quy hoạch này, cây cà phê sẽ có cơ hội được đầu tư xứng tầm để đón đầu nhu cầu sử dụng cà phê ngày càng lớn của thế giới. Tuy nhiên, thay đổi lề lối canh tác, sớm ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất là việc cần làm ngay từ lúc này.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Người bên lề

    Ông Phạm Huy Thông, Cục Phó Trồng trọt không biết gì nên nói sai thì có đáng trách không? Nhưng cương vị chuyên môn thì không được sai.
    Ông Nguyễn Văn Trương, Phó Tổng Giám Đốc Vinacafe nói sai càng đáng trách hơn. Vì sao?
    Các vị cho rằng cây cà phê nhanh già cỗi, năng suất thấp vì…. Nhưng chính các vị cũng xác nhận trồng từ khoảng 1980-1986, thử hỏi chừng ấy thời gian đủ để cho cây cà phê già cỗi chưa? sao còn vì này vì nọ thêm làm gì cho rối rắm, sao không nhìn thẳng vào sự thật, còn muốn che đậy điều gì?
    Trên diễn đàn này đã có lần tôi đã nói vui : qua từng ấy thời gian rồi mà bà con nông dân vẫn còn bắt các ông già bà già của vinacafe đẻ nữa không thấy tội sao. Ai không tin thì đến diện tích liên kết của bà con ở vinacafe mà coi, cà phê ở đó còn đẻ khỏe lắm, cho năng suất cao lắm.
    Nhưng từ 2 mùa rồi đã thấy rõ sự thoái hóa, già cỗi !
    Còn xin nói thêm: Viện KHKT-NLNTN cho rằng chi phí, giá thành tăng cao thế Viện có thấy năng suất tăng cao không? Đối với số diện tích nhỏ của nông hộ (mà các vị cho là nhỏ lẻ) thì làm sao cho nó nở to ra không ngoài cách thâm canh tăng năng suất? Bài toán này xin các nhà KH giải giúp cho nông dân với. Xin vô cùng cám ơn các vị!

Tin đã đăng