Hồ tiêu Việt Nam được mùa, trúng giá lớn

Nếu những năm trước loại tiêu lép nhà vườn rất khó bán thì năm nay cũng được thương lái, đại lý vào tận vườn hỏi mua liên tục với giá cao.

Trong vòng nửa tháng qua, giá hạt tiêu trên thị trường kỳ hạn Kochi-Ấn Độ đã tăng đến 8,8%. Chốt phiên 5/4, giá hạt tiêu tăng thêm 255 Rupi, lên mức 26.029 Rupi/100kg, tương ứng với 5.777 USD/tấn, cho kỳ hạn tháng 5/11. Đây là mức tăng khá cao của một ngày, phản ánh cho thấy thị trường hạt tiêu thế giới vẫn còn tăng trưởng nóng.


Giá hạt tiêu giao dịch kỳ hạn tháng 5/11 tại sàn Kochi-Ấn Độ

Giá trong nước càng tăng cao

Hiện nay, vùng trồng tiêu ở Đông Nam bộ đang thu hoạch ở giai đoạn cuối, nguồn hàng đưa ra thị trường không còn dồi dào. Cũng là lúc các nhà đầu cơ nhỏ, các thương lái, đại lý chuyển sang giai đoạn dự trữ nên giá tiêu đã liên tục tăng trưởng nóng từng ngày.

Mặc dù số hạt tiêu thu hoạch cuối vụ không được đẹp, nhất là có độ ẩm còn hơi cao do thiếu nắng nhưng sáng 6/4, tại Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, giá tiêu đen xô đã lên mức 104.000 đồng/kg, bình quân mỗi ngày giá tăng gần 1.000 đồng/kg, giá tiêu trắng 140.000 đồng/kg, giá tiêu đặc sản vẫn không đổi là 160.000 đồng/kg.

Nếu những năm trước loại tiêu lép nhà vườn rất khó bán thì năm nay cũng được thương lái, đại lý vào tận vườn hỏi mua liên tục với giá cao.

Trong khi đó vùng trọng điểm hạt tiêu ở Tây nguyên chưa thể đẩy mạnh thu hoạch vì trời vẫn còn thiếu nắng nhưng giá hạt tiêu đã ở mức cao ngay từ đầu vụ. Giá hạt tiêu đen xô đã được các đại lý nông sản ở Đak Lak hôm nay thu vào đúng giá 100.000 đồng/kg.

Đặc biệt tại vùng trọng điểm hạt tiêu, nơi có thương hiệu hạt tiêu Chư Sê nổi tiếng, chiếm khoảng 17% sản lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam, dự kiến năm nay chỉ thu được khoảng 8.000 tấn hạt tiêu.

Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết, do biến đổi khí hậu, thời tiết không thuận lợi như mọi năm nên niên vụ 2010/2011 Chư Sê có thể cho năng suất giảm gần 30%. Hiện nay thương lái đã cho người vào tận rẫy đặt giá 100.000 đồng/kg hạt tiêu đen.

Điều còn làm nhà vườn lo lắng, trái với nhiều năm, giờ khắc này Tây nguyên đang nắng to, hạn nặng để chuyển mùa thì Tây nguyên vẫn âm u, lạnh kéo dài, chưa có nắng nên ảnh hưởng đến chất lượng hạt tiêu thu hoạch và chậm được đưa ra thị trường.

Thế giới thiếu hạt tiêu

Dự kiến năm nay, nhu cầu hạt tiêu thế giới tăng bình quân 5% và sản lượng tại các nước trồng tiêu sụt giảm nên có nhiều dự báo khác xa nhau về số liệu, nhưng vẫn chung nhau ở điểm cơ bản là dự kiến thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 35.000-40.000 tấn.


Tỷ trọng xuất khẩu hạt tiêu thế giới năm 2010

Phân tích sẽ thấy, lượng hạt tiêu sản xuất của các nước Trung Quốc, Indonesia, Brazil giảm vì mất mùa, chỉ đủ để tiêu thụ nội địa ngày càng gia tăng. Số còn lại để đưa tham gia thị trường xuất khẩu không đáng kể nên thế giới vốn đã thiếu càng thiếu hụt hơn. Nguồn cung hiện chỉ trông chờ vào hạt tiêu của Ấn Độ và Việt Nam do Indonesia và Brazil phải đến cuối tháng 7 mới thu hoạch.

Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá tiêu đen xô trong nước có khả năng tăng lên 110.000 – 120.000 đồng/kg, giá xuất khẩu cũng sẽ lên hơn 6.000 USD/tấn tiêu đen và 8.000 USD/tấn tiêu trắng.

Có thể nhận thấy giá dự kiến đó sắp trở thành hiện thực. Và người trồng tiêu nước ta sẽ có thêm một vụ tiêu thắng lợi nữa trong hoàn cảnh giá cả nông sản thế giới ngày càng tăng cao.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. chuotdong

    Thứ bảy và chủ nhật vừa rồi tui lội một vòng Gia Lai, Đăk Lăk … xem tình hình sản lượng tiêu năm nay ở khu vực Tây Nguyên thế nào. Với khu vực Đông Nam Bộ nêu trên thì hình như tiêu đề bài viết ko chính xác.
    Nay vụ tiêu chưa kết thúc nhưng HỒ TIÊU VIỆT NAM MẤT MÙA ĐƯỢC GIÁ THÌ ĐÚNG HƠN.
    Cuối vụ các bạn thống kê xem chuot nói có sai ko nhé. Nguồn cung ra thế giới lúc này chỉ có độc nhất VIỆT NAM (Ấn Độ chỉ đủ tiêu thụ nội địa).Cung ko đủ cầu giá còn bay vèo vèo cho coi.

    1. Người bên lề

      Chuotdong sáng suốt !
      Trước hết xin thành thật khen chuotdong, 1 bạn đọc sáng suốt.
      Xin trao đổi mấy ý sau nhé !
      -Tiêu đề bài viết là do tòa soạn, còn khi viết thì tác giả đặt tên khác (xin miễn tiết lộ), nên tác giả cho tui biết, cũng không vui vì thấy khập khiễng (nên khen chuotdong là vậy).
      -Có biết Hiệp hội tiêu Chư Sê công bố năm ngoái được bao nhiêu không? (mà năm nay 8.000 tấn).
      -Có căn cứ nào để cho là Ấn Độ chỉ đủ tiêu thụ nội địa? mong chỉ giúp với.
      Tính trao đổi thêm nhưng thấy không tiện, hẹn khi nào gặp!
      Vào đây thì biết, nha :http://cafef.vn/20110406053259327CA39/ho-tieu-viet-nam-duoc-mua-trung-gia-lon.chn

  2. chuotdong

    Ko phải chuot dư sức mà lội một vòng cho tốn tiền tốn bạc người bên lề ạ. Chuot chạy khắp chả là chuot cần số tiền khá lớn nên tính tham khảo để bán tiêu hay cà có lợi hơn thôi. Lội xong cũng là lúc ông xã nhà chuot bán mất 1 tấn tiêu rồi. Hơi buồn, chuot viết ít chữ khuyên mọi người có tiêu nên giữ lại.
    Hiệp hội tiêu Chư Sê năm ngoái bạn cứ lấy ước đạt năm nay cộng với 30% sản lượng năm nay và hãy bằng lòng với cách tính tạm thời là vậy chứ chuot cũng ko biết đâu mà lần.
    Chuot căn cứ và hơi tin ( vì có lý) vào trang mục: THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH- THẾ GIỚI THIẾU HẠT TIÊU, VIỆT NAM HƯỞNG LỢI. theo”TBKTSG”.Đăng lúc 10h30 sáng ngày 31.3. 2011.
    Bài viết có đoạn: “Vụ tiêu của Ấn Độ sắp kết thúc nhưng Ấn Độ lúc này ko có vai trò lớn trên thị trường tiêu thế giới, bởi họ tiêu thụ gần như toàn bộ sản lượng của chính mình”.
    Mặt khác, ko riêng Chư Sê mất mùa 30% mà ngay cả Dăk Lăk còn mất mùa đậm hơn thế.
    Các khu vực mất mùa suy ra tổng thể ko thể cho số liệu được mùa đúng ko bạn.

  3. chuotdong

    Nông dân thời @ bây giờ khôn lắm rồi, ko ngu ngơ như bò đội nón nữa đâu nhé. Tuần vừa qua, Gia Lai nắng cháy mặt, hồ tiêu phơi 3 nắng là âm độ. Họ ko bán đổ bán tháo vì có sẵn bài học kinh nghiệm vụ cà phê vừa qua quá rồi. “Thằng anh có lú thằng chú nó khôn” phải ko bà con? Biết phân tích, phán đoán có cơ sở chứ ko phải ai nói gì cũng nghe theo.

  4. Tiêu sọ

    BBT cho hỏi.
    Tui đọc báo thấy giá tiêu đen XK bình quân 4.460 USD/tấn mà thu mua trong nước 106.000 đồng/kg tiêu xô, tương tự là xuất 6.964 USD/tấn tiêu trắng mà thu mua đến 160.000 – 170.000 đồng/kg.
    Có gì mâu thuẫn trong này không? Mong sớm được trả lời.

Tin đã đăng