Theo tính toán sơ bộ, sản lượng cao su của Thái Lan có thể mất đi 120.000 tấn do lũ lụt và sạt lở đất.
Giá cao su giao dịch kỳ hạn tại Tokyo tăng 4% trong phiên giao dịch ngày 4/4 lên mức cao nhất của 1 tháng qua, nhờ đồng Yên suy yếu, giá dầu mỏ cao và nỗi lo nguồn cung.
Tại Sở giao dịch hàng hoá kỳ hạn Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn tháng 9 đã tăng 16,7 yên, tương đương 3,9 % lên 444,1 yên/kg. Trước đó, có lúc giá đạt 444,7 Yên/kg – cao nhất kể từ ngày 8/3. Giá cao su kỳ hạn tháng 8 trong khi đó đạt 461 yên/kg.
Giá cao su tại Tocom được dùng làm giá tham chiếu cho cao su toàn cầu.
Các thương nhân đang lo lắng về nguồn cung từ Thái Lan khi quốc gia xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới có khả năng không đạt sản lượng 3,3 triệu tấn như mục tiêu đề ra do lũ lụt và lở đất đã tàn phá khoảng 8.000 héc ta trong tổng số 1,92 triệu hécta cao su của nước này. Theo tính toán sơ bộ, con số sản lượng mất đi có thể khoảng 120.000 tấn.
Giá dầu Brent trên thị trường London đã vượt 120 USD/thùng trong phiên hôm qua, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York lên trên 108 USD/thùng – các mức cao chưa từng thấy trong 2 năm rưỡi qua – do căng thẳng chính trị leo thang ở Trung Đông và Bắc Phi làm tăng nỗi lo nguồn cung trong khi kinh tế tăng trưởng thúc đẩy nhu cầu. Giá dầu tăng cao khiến người ta không mặn mà với cao su tổng hợp mà chuyển sang mua cao su thiên nhiên nhiều hơn.
Yên yếu cũng hỗ trợ cho giá cao su. Đồng tiền của Nhật đã ở mức thấp nhất 11 tháng so với Euro trước khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ sớm nâng lãi suất cơ bản.
Trên các thị trường khác, giá cao su tấm hun khói RSS3 giao tháng 5 của Thái lan tăng 0,1 USD lên 5,9 USD/kg, giá cao su SMR20 của Malaysia tăng cùng mức lên 5,7 USD/kg, giá cao su SIR20 của Indonesia tăng 0,05 USD lên 2,35 USD/lb. Giá cao su tấm chưa hun khói USS3 của Thái Lan đạt 172 baht/kg, tăng 4 baht so với phiên cuối tuần trước. Thị trường Thượng Hải Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ trong phiên 4/4 .