Chỉ tính riêng giá dầu diesel tăng cao, người trồng cà phê ở Tây Nguyên đã phải mất thêm gần 3.000 tỉ đồng/năm, chưa kể nhiều chi phí khác tăng theo như phân bón, nhân công…
Xem thêm: Cách giảm tưới nước cà phê mùa khô
Tình hình căng thẳng này một lần nữa cho thấy, người trồng cà phê không thể tiếp tục duy trì lối canh tác lạc hậu, tốn kém và gây hại cho môi trường sinh thái.
Tưới nước, bón phân hợp lý và trồng cây che bóng sẽ giúp
người trồng cà phê tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.
Đầu vào tăng thêm hàng nghìn tỉ
Chỉ trong vòng một tháng qua, giá dầu diesel đã tăng từ 14.750 đồng/lít lên 21.100 đồng/lít. Ông Nguyễn Hải (người trồng cà phê ở xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, Đắc Lắc) khái toán: “1ha cà phê cần 400 lít dầu diesel/năm, với mức tăng 6.350 đồng/lít, chi phí tăng thêm là 2.540.000 đồng/ha”. Với hơn 400.000ha cà phê toàn vùng, nhu cầu tiêu thụ khoảng 444.000m3 dầu/năm, người trồng cà phê Tây Nguyên phải bỏ ra thêm hơn 2.819 tỉ đồng/năm.
Bên cạnh đó, giá phân bón cũng liên tục tăng mạnh từ sau Tết Nguyên đán. Hiện giá sa Nhật (loại hạt trung trắng) đã tăng từ 4,7 triệu đồng/tấn lên 5,4 triệu đồng/tấn, urea Trung Quốc (loại hạt đục) tăng từ 8,8 triệu lên 10 triệu, kali Israel (dạng hạt) tăng từ 10,6 triệu lên 11,5 triệu.
Theo quy trình bón phân phổ biến, cà phê có năng suất dưới 3,5 tấn/ha thì phải bón 205kg sa, 800kg urea, 800kg kali, 1.050kg lân. Nếu tạm lấy mức tăng giá phân bón khoảng 2 triệu đồng/ha, nông dân Tây Nguyên lại mất thêm không dưới 800 tỉ đồng.năm.
Biến đổi khí hậu cũng là yếu tố làm tăng chi phí sản xuất cà phê, mà biểu hiện rõ nhất là nước mặt ngày càng cạn kiệt, nước ngầm chui sâu. Một khảo sát của đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước 704 cho thấy, hiện nước ngầm ở Tây Nguyên đã sụt xuống 3 – 5m so với năm 2006.
Theo đó năng lực khai thác của giếng khoan toàn vùng cũng đã giảm từ 600.000m3/ngày xuống còn 400.000m3/ngày. Còn theo dự báo của ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, trong 2 đợt tưới còn lại từ nay đến hết mùa khô, khoảng 1/3 diện tích cà phê toàn vùng sẽ không còn nước tưới.
Cắt giảm đầu tư, vẫn tăng lãi
Hiện năng suất cà phê bình quân của VN là 2,3 tấn/ha, nhưng theo các nghiên cứu thực nghiệm của Viện KHKT nông – lâm nghiệp Tây Nguyên, cà phê được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật hoàn toàn có thể đạt năng suất trên 3,5 tấn/ha. Muốn vậy, trước hết người trồng cà phê phải tưới nước tiết kiệm (450 lít/gốc thay vì 650 lít/gốc), bởi việc tưới xả láng không chỉ lãng phí tài nguyên mà còn làm giảm năng suất cà phê.
TS Lê Ngọc Báu – Viện trưởng Viện KHKT nông – lâm nghiệp Tây Nguyên – còn cho rằng, người trồng cà phê VN phải cắt giảm từ 10 – 23% lượng phân bón (tùy nơi), đây chính là tỉ lệ thừa làm tăng chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, trồng cây che bóng cho các vườn cà phê cũng là yêu cầu không thể trì hoãn.
Thực tế cho thấy, trên 20% số diện tích cà phê có cây che bóng của Đắk Lắk chỉ phải tưới 3 đợt, giảm từ 1 – 2 đợt tưới cho nông dân, tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng đầu tư thuỷ lợi cho ngân sách (khoảng 15 hồ chứa dung tích lớn). Ngoài ra, cây che bóng còn cho thu nhập trên vườn cà phê tăng thêm 25% từ quả (bơ sáp, sầu riêng…), chưa kể nguồn thu đáng kể từ khai thác gỗ (mít, muồng…).
Theo ông Nguyễn Văn Sinh – PGĐ Sở NNPTNT Đắk Lắk – lợi ích từ quy trình canh tác này đã rõ, song nhiều năm qua chính quyền và cơ quan chức năng vẫn phải ra sức vận động người dân thực hiện. Nhưng hơn bao giờ hết, giá vật tư tăng cao đang là động lực để người trồng cà phê Tây Nguyên nhanh chóng từ bỏ lối canh tác lãng phí, triệt để áp dụng quy trình sản xuất khoa học để giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận.
Cần phải có một quy trình chuẩn, chứ nói khơi nông dân biết đâu mà lần. Nước mình tiến sĩ nhiều mà nông dân còn thua xa nông dân Nhật!
Các ông toàn nói khoác có ai quan tâm gì đến nông dân mấy, dân được gọi là dân đen rồi thế mà mấy ông vẫn bỏ mặc, cái thực chất là nhà báo tuyên truyền cho dân học hỏi còn hiệu quả hơn.
Có ai dân thì người ấy cũng “bầm & dập” cả, chỉ mong những người được coi là nô bộc của dân, làm việc cho xứng đáng với trách nhiệm của mình xứng đáng với số tiền mà dân đen phải bỏ ra thì những người dân và đất nước này được nhờ lắm rồi.
Baì viết trên phân tích quá hay, bà con nông dân chúng ta cũng nên tham khảo mà áp dụng, trồng cây che bóng giảm lượng nước tưới mà tăng thêm thu nhập trên cây che bóng. Tôi ở Di Linh, tôi dự định trồng cây keo đậu vào trong vừơn làm cây che bóng và trồng tiêu vào không biết có phù hợp không. Bà con nào có kinh nghịêm xin chỉ dùm.
Bạn định trồng keo dậu để che bóng cho cây cà phê là phù hợp nhất, vì keo là dòng họ đậu tán lá vừa phải, hằng năm lá rụng xuống rất tốt cho đất, trồng tiêu vào là rất hợp nhưng cây keo có nhược điểm hằng năm lượng hạt rụng xống rất tốn công làm cỏ.
Cây che bóng mát thì ở đâu chả trồng, nhưng quan trọng là trồng cây gì, mật độ, và chăm sóc tán ra sao? Tôi ở Cư Kuin, nhà có trồng muồng xen cà phê nhưng nước mấy năm gần đây cũng phải tưới 4-5 đợt. Cái bài viết này chỉ nói chung chung điều ai cũng biết. Tình hình là còn phải chờ lâu để các ông còng nghiên cứu thử nghiệm tá lả nữa cơ.
Chào bà con, như kinh nghiệm của gia đình tôi ở Đak Mil thì trồng sầu riêng là hiệu quả không tốt. Vì đa số các vườn cà phê đã được trồng với khoảng cách các cây là trên, dưới 3m. Bên cạnh đó cà phê lại là loài cây ưa sáng, vì thế khi sầu riêng lớn lên, nó cạnh tranh ánh sáng và dinh dưỡng với cà phê, làm cho năng suất cà phê bị giảm sút. Hiện nay tại Đak Mil người dân đã lần lượt chặt bỏ sầu riêng được trồng xen trong cà phê rồi (sầu riêng khoảng 10năm tuổi). Tôi nghĩ, không biết đối với những vườn cà phê mới trồng có mật độ trồng thưa, liệu có hiệu quả khi trồng xen cùng sầu riêng chăng??? (nhưng nếu khoảng cách các cây cà phê lớn thì làm sao năng suất cà phê lớn được?).
không biết nên trồng cây gì bây giờ?
Không biết kỹ thuật trồng cây che bóng thế nào chứ tôi thấy cứ trồng 1 cây sầu riêng vào vườn cà phê thì có ít nhất 4 cây cà phê cạnh đó ra đi vì thiếu nắng, bị tranh chấp dinh dưỡng. Lá cà phê thật to, bẹt mà trái thì không có mấy. Có bỏ phân cho mấy cũng bằng thừa.
Hồi xưa tôi cũng có thấy người ta trồng vông trên cao để hạn chế nắng nhưng cà phê cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, năng suất khoảng 2 tấn/ ha là cao.
Bây giờ người ta trồng thưa hơn, cát tỉa cành, phân bón tưới tắm đầy đủ thì năng suất bình quân cũng 4 tấn/ Ha.
Vậy tôi nên chọn lối nào??
Cây che bóng cũng chỉ bố trí ít thôi, nhiều quá năng suất giảm nhiều và hay bị sâu bệnh
Bài viết “nhạt” quá, không biết đã ăn hết mấy bao muối của nông dân rồi mà nói thế? một khi đưa ra cách chăm bón, chi phí sản suất, năng suất cụ thể nhưng đó là lấy báo cáo thực nghiệm ở đâu? mỗi giai đoạn người dân lại có giống mới, quy trình sản xuất phải khác? bây giờ nói trồng cây xen canh trong vườn cà phê thì phải nói ví dụ cụ thể hoặc kem file cho dân biết? mỗi cây xen canh có một loại tán khác nhau thì khoảng cách như thế nào cho phù hợp với từng loại cà phê, từng loại thổ nhưỡng,…Để làm được điều đó trước tiên phải nói được đặc tính của giống cà phê đó với các loại nhu cầu ( trong đó có ánh sáng ) chứ không thể nói bừa làm ẩu được bằng không chỉ đưa dân vào chỗ chết.
– Trong canh tác cà phê, việc trồng cây che bóng có ý nghĩa hết sức quan trọng vì nó mang tính bền vững. Bền vững ở đây có nghĩa là vườn cây có năng suất ổn định, chất lượng thử nếm tốt, sâu bệnh hại ít bùng phát, … Tuy nhiên, nó cũng có giới hạn là năng suất không cao vì hiệu bản thân cây cà phê là cây ưa bóng nhưng khi tán lớn thì chính nó cũng đã tạo được tán lớn. Vì năng suất không cao nên nhiều nơi trong những năm qua chặt bỏ cây che bóng, thậm chí cả cây chắn gió.
– Còn việc trồng cây che bóng hay xen loại nào, như thế nào thì tuỳ mục đích của người sản xuất, cân đối lợi ích của các loại cây trong cùng 1 diện tích để có thu nhập cao. Ví dụ: Trồng sầu riềng làm cây xen, thì khoảng cách cũng phải ít nhất là 12 x 12 m. Như vậy, trong giữa 2 hàng sầu riêng không thể nào trồng được 4 hàng cà phê mà cho năng suất như trồng thuần. Hoặc, trồng cây che bóng như keo hay muồng đen. Nếu là keo thì ánh nắng tán xạ nhiều nên thích hợp, có người lại chọn muồng đen vì muồng đen mai mốt trồng tiêu cho bám vào lại tốt hơn keo.
– Việc tưới nước, bón phân cũng rất phức tạp. Tưới khoảng bao nhiêu là đủ, thì còn tuỳ vào mỗi chân đất, điều kiện từng nhà,… Theo tôi, không nên tưới nhiều hơn quy trình canh tác cà phê vì không phải là phí nước hay tốn kém mà vì sự trực di (đi xuống) và rửa trôi của dinh dưỡng đất.
Thân chào!