Thách thức của ngành điều với vị trí số 1 thế giới

Hạn chế tối đa việc xuất khẩu điều nguyên liệu, giữ lại điều thô trong nước để chế biến, là xu hướng chung của các nước sản xuất điều trên thế giới hiện nay.

Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới nhưng có khoảng 30-50% số lượng xuất khẩu là phải nhập điều thô nguyên liệu từ bên ngoài về để tái chế.

Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, theo kế hoạch năm 2011, ngành điều dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 450.000 tấn điều thô nguyên liệu, bằng 120% sản lượng điều thô trong nước sản xuất.

Hiệp hội cũng cho biết điều thô nhập chủ yếu từ các nước châu Á và châu Phi, trong đó chiếm 70 % sản lượng nhập từ các nước thuộc vùng Tây Phi.

Tuy nhiên kế hoạch này cũng khó thực hiện, vì nhìn chung do tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến năng suất mùa màng nông sản nên chất lượng và sản lượng điều của các nước sản xuất chủ chốt trên thế giới đều giảm sút nghiêm trọng.

Đồng thời khuynh hướng hạn chế tối đa việc xuất khẩu điều thô nguyên liệu, giữ lại điều thô trong nước để chế biến, là xu hướng chung của các nước sản xuất điều trên thế giới hiện nay. Điều này sẽ gây trở ngại lớn cho kế hoạch xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam.

Khó khăn về vốn

Điều khó thực hiện kế hoạch nữa là nhu cầu vốn vay tín dụng của ngành điều ngày càng tăng cao do giá cả thị trường các loại nguyên liệu nông sản cũng tăng nhanh theo tốc độ lạm phát.

Hiện các doanh nghiệp của ngành cần khoảng 9.000- 10.000 tỉ đồng để mua hết 300.000 tấn điều thô từ người dân và 12.000 – 13.000 tỉ đồng để nhập khẩu khoảng 450.000 tấn điều thô từ nước ngoài về để chế biến xuất khẩu. Đây là một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối diện, đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất cao, ngân hàng hạ mức tính dụng cho vay như hiện nay, ông Nguyễn Đức Thanh, Phó chủ tịch thường trực VINACAS cho biết

Cũng theo ông Thanh, khoảng tháng 4 và 5, Việt Nam bắt đầu vào chính vụ thu hoạch điều, hiện các doanh nghiệp đang khẩn trương tìm kiếm và huy động nguồn vốn để kịp thời thu mua theo kế hoạch.

Theo số liệu của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, năm 2010, ngành điều đã xuất khẩu được 194.662 tấn điều nhân, đạt kim ngạch xuất khẩu 1,13 tỉ đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng 37 % trong xuất khẩu điều nhân của thế giới.

Ngành cũng dự kiến năm nay phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1,4 – 1,5 tỉ đô la Mỹ, đạt mức tăng trưởng khoảng 32 % so với năm 2010 và tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về xuất khẩu điều nhân của thế giới.

Có thể thấy kế hoạch của ngành điều năm 2011 rất lạc quan nhưng cũng rất khó thực hiện, do những yếu tố khách quan không thuận lợi, bị phụ thuộc, chi phối mạnh mẽ. Trong khi chỉ tiêu đặt ra có mức tăng trưởng lên đến khoảng 32 % là rất cao, trong bối cảnh và điều kiện thực hiện kế hoạch như vậy quả là một thách thức thật sự, đòi hỏi các doanh nghiệp ngành điều phải hết sức nổ lực mới có thể đạt được kế hoạch.

Nguồn nguyên liệu

Hiện nay các doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các thị trường ngoài, theo như kế hoạch đã dự kiến, để chế biến. Tuy nhiên việc tìm kiếm nguồn điều thô năm nay sẽ là rất khó khăn.

Được biết, do tác động của biến đổi khí hậu nên năng suất điều thế giới năm nay giảm sút nghiêm trọng. Ngoài ra, khối lượng điều tồn kho của các thị trường xuất khẩu điều hiện đang ở mức thấp hơn so với những năm trước.

VINACAS cho biết, trong năm nay, Indonesia, nước nhiều năm trước đây cung cấp nguyên liệu cho ngành điều nước ta, giảm gần 40% sản lượng điều thô thu hoạch. Báo cáo của ngành điều Ấn Độ cũng cho biết, nguồn cung của nước này sẽ giảm 30% trong năm nay trên sản lượng đạt được 695.000 tấn của năm 2008-2009, buộc nước này phải lên kế hoạch nhập 350.000 tấn điều thô để đáp ứng nhu cầu trong nước. Do vậy, nguồn nguyên liệu điều thô nhập khẩu của Việt Nam năm nay sẽ là từ các nước châu Phi.

Nhưng tại các nước châu Phi cũng đang lên kế hoạch chế biến hạt điều trong nước để xuất khẩu thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô như lâu nay… Vì vậy, năm nay chắc chắn các doanh nghiệp ngành điều sẽ gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất.

Đất đai

Còn một điều quan trọng nữa không thể không đề cập. Đó là đất đai trồng điều lâu nay ở nước ta không được quan tâm chăm sóc, bón phân đầy đủ nên đã thoái hóa, bạc màu. Các vườn điều cũng cho thu hoạch đã lâu năm, bước vào giai đoạn già cỗi, Trước đây việc trồng trọt vẫn theo tự phát nên khâu chọn lọc giống cũng không được kỹ nên sản lượng điều bình quân của nước ta rất thấp trong bối cảnh năng suất cứ giảm dần hàng năm.

Để giữ vững vị trí số 1 thế giới thực sự là thách thức lớn đối với ngành điều nước ta hiện nay.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. meo mu

    Dân ta ngoài hai bàn tay chẳng có gì cả thế mà đã làm được nhiều thứ : xuất khấu gạo, cà phê robusta, tiêu, điều nhất thế giới. Thế mà nhiều ông cứ chê là sản suất nhỏ lẻ này nọ… nghe ghét ghê. meo thấy chúng ta không cần theo phương thức sx tập trung hay gì đó như nước ngoài, phương tây,… thực tế đã nói lên tất cả, chúng ta có quyền tự hào về thành tích này.
    Dân ta nghèo mà làm được như thế là tốt rồi dù rằng năng suất chưa được phát huy tối đa, nhưng có lẽ vấn đề bây giờ không phải là ở nông dân mà là ở khâu chế biến, tính trung thực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Nói là thế nhưng chẳng biết Việt Nam ta lấy gì để làm được điều đó, khó khăn thật chồng chất khi ta chẳng có cơ sở hạ tầng và làm chủ khoa học của riêng mình.

Tin đã đăng