Đầu tuần, giá cà phê robusta sụt hai phiên liên tiếp được cho là do lượng cung dồi dào từ 2 nước sản xuất robusta chủ chốt của thế giới là Việt Nam và Indonesia đẩy mạnh tiến độ xuất khẩu khi sắp hết tháng, chuyển kỳ hạn.
Giá cà phê robusta trên thị trường London giảm 94 USD, xuống còn 2.510 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 5/11, và giảm 37 USD xuống còn 2.405 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 7/11.
Giá cà phê arabica trên thị trường New York cũng giảm 6 cent, xuống còn 262,25 cent/lb và giảm 5,95 cent, xuống còn 264,75cent/lb cho cùng 2 kỳ hạn. Đây là những phiên đầu tuần có mức giảm khá mạnh.
Được biết, khối lượng cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam trong 6 đầu của niên vụ 2010/11 đã chiếm hơn 80% sản lượng dự kiến dành cho xuất khẩu nên nguồn hàng gần như cạn kiệt.
Thế giới chỉ còn trông chờ vào vụ mùa của các nước đang thu hoạch, trong đó có những nước lớn đáng chú ý như Indonesia, Papua New Guinea, Ecuador, Tanzania và một phần cà phê robusta của Brazil. Hiệp Hội Các Nhà Xuất Khẩu Cà phê Indonesia (AEKI) cho biết, mặc dù sản lượng thấp hơn vụ trước nhưng đã có gần 40% lượng cà phê của vụ mới được đưa ra thị trường.
Giá cà phê trong nước ở Tây nguyên vẫn duy trì ở mức trên 47.000 đồng/kg nhân xô.
Giữa tuần, giá cà phê thế giới tăng trở lại nhưng mức tăng cũng không lớn đủ để tạo ra những đột biến mới. Đồng thời, thị trường có những quan ngại mới về nguồn cung từ các nước sản xuất chủ chốt.
Brazil sắp bước vào vụ thu hoạch của chu kỳ cho sản lượng thấp trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa ngày càng cao. Colombia đang bị nấm Roya tấn công vào lá cà phê, làm ảnh hưởng tới quá trình quang hợp khiến sản lượng sụt giảm. Uganda đang bị hạn hán, thiếu nước ngọt trầm trọng. Còn tại Việt Nam, hiện tượng hoa cà phê thối rụng do bị lạnh và mưa kéo dài cũng đang xuất hiện khắp Tây Nguyên.
Giá cà phê thế giới biến động trái chiều trong phiên giao dịch cuối tháng 3, nhưng sức ép về nguồn cung lên thị trường vẫn rất lớn, chưa có dấu hiệu thay đổi khả quan.
Tổ chức Cà phê Quốc tế ICO hôm 31/3 nhận định, xuất khẩu cà phê arabica toàn cầu đang đối diện với khả năng thắt chặt do cả Braxin, Colombia, Peru lẫn Indonesia đều sẽ không cho sản lượng cao như dự kiến. Giá cà phê arabica đắt đỏ cũng sẽ khiến người ta chuyển sang dùng loại robusta rẻ tiền hơn.
Cuối tuần, giá cà phê có một phiên kết thúc vào ngày Cá tháng Tư khiến nhiều người cứ tưởng như đùa. Trên sàn London, cà phê robusta giảm 107 USD, xuống còn 2.421 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 5 và giảm 76 USD xuống còn 2.342 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 7, mức giảm khá lớn và nhất là quá đột ngột.
Theo các nhà quan sát thị trường, nguyên nhân sụt giảm là do hoạt động bán thanh lý của các nhà đầu tư trên sàn, kết hợp với nguồn cung dồi dào từ phía thương nhân của Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Giá giảm trong phiên này còn được cho là do USD mạnh lên trước báo cáo đầy lạc quan của Tổng thống Ohbama về nền kinh tế Mỹ, bao gồm tình hình thất nghiệp giảm mạnh và người Mỹ mạnh tay chi tiêu hơn trong tháng 2.
Hãng tin Reuters cho rằng, giá cà phê đang đứng trước một giai đoạn sụt giảm cần thiết.
Giá cà phê trong nước cũng giảm theo bình quân 1.000 đồng/kg xuống còn ở mức 47.600-47.700 đồng/kg.
Giá cà phê nhân xuất khẩu cuối tuần cũng ở mức 2.240-2.250 đô la Mỹ/tấn với mức trừ lùi không đổi là 100 đô la Mỹ/tấn.
Anh Văn (Giacaphe.com)
Để coi các ông nhà ta hôm nay âm theo giá tháng nào đây? Tháng 5 hay tháng 7 !
Tháng gì thì tháng, đang kiếm cho có hàng thực để giao mà kiếm không có bà con ơi.