Tranh mua cà phê và những nỗi lo

Trên quan điểm thông tin cần nghe từ nhiều phía, vừa qua Thời báo Kinh tế Sài gòn có bài viết về tình hình tranh mua cà phê hiện nay và những lo lắng của các nhà kinh doanh cà phê ; để rộng đường dư luận, Ban biên tập Y5cafe xin giới thiệu đến bà con nông dân ý kiến về vấn đề này từ bài báo, xin mời bà con tham khảo.

(TBKTSG) – Giám đốc một công ty xuất khẩu cà phê ở Daklak vẫn chưa hết “bức bối”, khi 100 héc ta cà phê mà công ty ông bỏ vốn đầu tư cho nông dân đã bị các công ty nước ngoài vào mua hết… Câu chuyện tranh mua cà phê xuất khẩu đã “nóng” lên trong thời gian qua, nhưng để tìm lối ra cho ngành cà phê xuất khẩu của Việt Nam, không chỉ đơn thuần là việc tranh mua.

Kho cà phê

Doanh nghiệp trong nước: thiệt đơn, thiệt kép

Theo ông Vân Thành Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Daklak (Inexim Daklak), “việc doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh thu mua với doanh nghiệp trong nước là chuyện bình thường”. Tuy nhiên, việc cạnh tranh trong thu mua có thật sự bình đẳng hay không là vấn đề cần phải xem xét lại.

Ngay từ đầu vụ, Công ty Inexim Daklak đã đầu tư cho 100 hộ nông dân ở xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, tỉnh Daklak với diện tích trên 100 héc ta cà phê. Nông dân được hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư giống cà phê, ứng tiền mua phân bón, xăng dầu cho việc tưới tiêu. Đến mùa thu hoạch, sản lượng cà phê dự kiến công ty sẽ mua ở xã Cư M’gar là 300 tấn. Nhưng công ty không mua được đến 50% lượng cà phê dự kiến này, vì các công ty nước ngoài đã mua trước. “Thử hỏi việc tranh mua của các công ty nước ngoài như vậy có lành mạnh và bình đẳng không?”, ông Huy bức xúc nói. Nếu doanh nghiệp nước ngoài chịu đầu tư cho nông dân và toàn quyền thu mua trên những diện tích mà họ đầu tư, hay mua cà phê trôi nổi trên thị trường là điều bình thường. Đằng này lại khác.

Một khó khăn khác đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê là mức lãi suất vay ngân hàng quá cao. Theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex, hiện mức lãi suất mà các ngân hàng cho doanh nghiệp kinh doanh cà phê vay tiền đồng đã lên đến 18-20%/năm. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài vay đô la với mức lãi suất chỉ 5,5%/năm và với vốn vay rẻ như vậy, việc họ mua cà phê của nông dân với giá cao hơn cũng là điều dễ hiểu. Doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh với các thương nhân nước ngoài do lãi vay quá cao.

Để xuất khẩu được 2.200 đô la Mỹ/tấn cà phê, Inexim Daklak đã từng mua cà phê với giá 48.000 đồng/ki lô gam. “Công ty tôi không ngại canh tranh, bởi quy luật thị trường phải cạnh tranh. Họ mua cho nông dân với giá thế nào, tôi mua bằng mức giá đó. Nhưng cạnh tranh phải lành mạnh…”, vị Tổng giám đốc Inexim Daklak nói. Những doanh nghiệp kinh doanh cà phê trong nước phải được hưởng mức lãi suất cho vay bằng các đồng nghiệp nước ngoài.

Cuộc tranh cãi về việc tranh mua vẫn chưa có hồi kết, dù Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài tổ chức mạng lưới thu mua trực tiếp cà phê trong dân là trái với quy định của pháp luật Việt Nam. Thông tư số 09/2007/TT-BTM của Bộ Công Thương nêu rõ: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu không được lập cơ sở để thu mua hàng xuất khẩu”. Còn điểm c, khoản 2.1 của thông tư này quy định: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trực tiếp mua hàng hóa của thương nhân có đăng ký kinh doanh mua bán hoặc có quyền phân phối hàng hóa đó để xuất khẩu”.

Trong khi đó, các thương nhân nước ngoài vẫn đẩy mạnh mua cà phê trực tiếp của nông dân.

Hệ lụy nào?

Nhiều công ty nước ngoài mạnh tay mua cà phê là tín hiệu đáng mừng cho nông dân trồng cà phê trong nước. Nhưng nhiều cảnh báo đã được đưa ra, như thời gian đầu, giá mua cà phê sẽ được đẩy lên cao, nhưng khi đã nắm được toàn bộ vùng nguyên liệu, giá chắc chắn sẽ giảm xuống. Vì khi đó các doanh nghiệp này đã có vị thế độc quyền mua. “Doanh nghiệp trong nước với tiềm lực tài chính có hạn, không thể cạnh tranh với những công ty nước ngoài sẽ dẫn đến phá sản là điều tất yếu”, ông Đỗ Hà Nam âu lo.

Lời cảnh báo này có lẽ cũng không thừa, nếu các doanh nghiệp ngành cà phê, ca cao vẫn còn nhớ vào năm 2008, một công ty nước ngoài chuyên thu mua ca cao Việt Nam với chất lượng kém, độ tạp chất lên đến 4%, trong khi tiêu chuẩn xuất khẩu hạt ca cao chỉ cho phép tối đa 1%. Với việc cho phép 4% tạp chất, công ty đã khuyến khích nông dân và các nhà thu mua trung gian trộn thêm tạp chất vào ca cao trước khi bán. Thời điểm đó, công ty nước ngoài này bị lên án cố tình phá hoại ngành ca cao Việt Nam. Doanh nghiệp buộc phải nâng chất lượng thu mua ca cao của Việt Nam lên.

Nhiều chuyên gia trong ngành phân tích, công ty nước ngoài nói trên có thể muốn độc quyền thu mua ca cao ở Việt Nam, bằng cách tung tiền ra mua toàn bộ sản lượng ca cao xuất khẩu của Việt Nam với những tiêu chuẩn thu mua từ nông dân dễ dàng hơn. “Câu chuyện này đã cho doanh nghiệp trong nước một bài học nhãn tiền về việc tự nâng cấp và cải tiến năng lực thu mua của mình để có thể tồn tại và cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài”, một chuyên gia trong ngành nông sản phân tích.

Với việc Việt Nam buộc phải mở cửa thị trường thu mua hàng nông sản theo lộ trình thực hiện WTO, đây là cơ hội sàng lọc những doanh nghiệp thực sự có năng lực dựa trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng với nhau.

Cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng

Ông Vân Thành Huy mong Nhà nước tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. “Nông dân bán được cà phê với giá cao là điều đáng mừng, nhưng chính sách quản lý vĩ mô đã gây bất bình đẳng trong việc thu mua”, ông Huy nói. Chính sách mua tạm trữ cà phê cho nông dân mà Nhà nước đưa ra là hoàn toàn đúng, nhưng trong quá trình thực hiện, chính sách này không hỗ trợ đúng đối tượng mà Nhà nước hướng tới.

Cụ thể, khi Chính phủ có quyết định chính thức hỗ trợ vốn mua tạm trữ cà phê cho nông dân vụ cà phê trước, quyết định thu mua tạm trữ chỉ có hiệu lực trong vòng một tháng rưỡi. Nhưng hết một tháng, nhiều doanh nghiệp vẫn không có tiền để mua tạm trữ do ngân hàng chưa giải ngân. Khi doanh nghiệp trong nước nhận được tiền, các thương nhân nước ngoài đã mua hơn 70% tổng lượng hàng tạm trữ khi giá còn thấp. “Rõ ràng, cả doanh nghiệp và nông dân đều không hưởng lợi được từ sự hỗ trợ của Nhà nước”, ông Huy nói.

Mở cửa thị trường, ngoài nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, cần những chính sách hỗ trợ đồng bộ kịp thời của Nhà nước giúp doanh nghiệp tồn tại và bớt đi những nỗi lo.

Theo : TBKTSG

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. dak lak

    Tôi đọc bài phỏng vấn của ông Huy mà nghe buồn buồn. Vì sao lại đổ lỗi cho DN nước ngoài? bây giờ chúng ta thử làm 1 cuộc điều tra nhỏ xem hiện nay có bao niêu phần trăm nông dân trồng cà phê mang hàng đi bán cho DNNN? tỉ lệ này có thể là 1/1000. Theo tôi biết thì tại địa bàn Đăk Lăk hiện nay nông dân chủ yếu bán cho các đại lý thu mua nông sản hoặc các DNTN. Việc cà phê chảy vào kho của cty nước ngoài hay cty nội thì do các đại lý và DNTN quyết định. Mà họ thì có giấy phép kinh doanh, họ thích bán cho cty nào có lợi nhuận cao hơn thì họ bán.
    Theo tôi thấy thì hầu như tình hình thu mua cà phê của các cty nội rất thụ động dẫn đến thua lỗ. ví dụ: khi đầu mùa giá cà phê chỉ 37.000đ đến 39.000đ các cty ngoại lúc nào cũng mua cao hơn 300đ đến 500đ, vậy thì họ gom hàng là chuyện đương nhiên. Khi ngày 10/3, giá cà phê ngoài thị trường các đại lý tư nhân thu mua 49.000đ, còn các công ty như Inexim, 2/9 thì không thu mua, đến 11h30 mới thu mua nhưng cũng chỉ mua 48.000đ, cty Vina buổi sáng chỉ mua 47.800đ đến trưa mới mua 48400đ. Vậy thử hỏi các vị là người có cà phê các vị sẽ bán cho cty nhà nước hay bán cho đại lý? Còn việc đầu tư cho nông dân nhưng không có kế hoạch chặt chẽ thua lỗ là chuyện thường ấy mà. Sao lại đổ lỗi cho công ty nước ngoài? đúng là “trâu cột ghét trâu ăn”.

  2. nguyễn hữu dũng

    Bài viết trên của TBKTSG là tầm bậy bởi khi tham gia vào WTO Việt Nam đã cam kết rồi . Mà đâu có nhiều doanh nghiệp bỏ vốn ra để đầu tư cho nông dân trồng cà fe đâu , chủ yếu do người nông dân tự đầu tư nên ai mua cà fe với giá cao thì người nông dân họ bán thôi ? Việc có nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào tham gia mua cà fe là một điều đáng mừng cho người nông dân vì người nông dân không bị các doanh nghiệp trong nước ép giá như bấy lâu nay.

  3. tam daklak

    Tôi đồng ý với anh bạn Daklak, kinh tế thị tường mà, anh không thể đổ lỗi cho ngân hàng hay ai khác. Nguồn vốn anh có thể huy động ở đâu thì tùy, người dân chỉ biết bán đến mức cao nhất là các đại lý thu mua, còn trên đó thì không biết. Các đại lý thì chỗ nào cao là bán, nếu anh mua thấp hơn họ, không mua được là lẽ đương nhiên.

  4. tam daklak

    Cũng cần nói thêm về tiền mua hỗ trợ của nhà nước. Có thể chủ trương là hoàn toàn đúng, và tiền rót về là hoàn toàn có, nhưng bị ách ở cửa phát ra cuối cùng. Vì sao? Nhân viên ngân hàng phải chờ xem doanh nghiệp nói năng thế nào đã.

  5. Anh Tiến

    Nếu đầu tư cho dân nhưng khi mua sản phẩm lại ép giá xuống thì người sản xuất vẫn sẽ bán cho người mua khác, đó là quy luật thị trường.

  6. Trà Hoa Nữ

    Giá cà phê lại xuống nữa rồi, có ai dự đoán gì ko? Hi vọng là sau lễ hội hoạt động thu mua bắt đầu lại, giá cà phê tăng trở lại nữa …

  7. nguyen anh tuan

    Giá cả kiểu này đau tim thiệt nhưng mình phải lì với mấy người đó thì mới ok đươc. 1 ăn cả 2 ngã về không, cà phê thiếu mà còn như vậy nói gì tới lúc cà phê dư.

  8. hanoicomuakhongem

    Tôi thấy bà con nông dân chúng ta bán cà phê được giá thì rất đáng mừng, dù gì có sự cạnh tranh trong thị trường cà phê tránh sự độc quyền của nhà nước cũng là tín hiệu tốt. Thế nhưng chúng ta là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới mà không có chiến lược nhằm giữ gìn tài nguyên quốc gia (vàng đen) mà để cho các DN nước ngoài bành trướng thì cho dù hiện nay họ mua cao hơn DN trong nước nhưng nếu sau này họ chiếm lĩnh thị trường rồi liệu lúc đó họ mua ép giá chúng ta thì chúng ta phải làm gì? Theo tôi chúng ta cần có chương trình đầu tư lâu dài cho người nông dân trên cả phương diện tài chính kỹ thuật và thu hoạch, kết hợp giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) và quy hoạch tập trung vùng nguyên liệu, có phương án thu hoạch khoa học phù hợp để đảm bảo cà phê không thu hoạch bừa bãi… (nói chung là biện pháp nhiều lắm) và các nhà phải có trách nhiệm trong tất cả các khâu song song với người nông dân thì chắc chắn họ sẽ không phải bán cà phê cho người nước ngoài làm gì.

  9. Tí em

    Trong bài phỏng vấn mới đây trên cafeF, ông Chủ tịch tập đoàn cafe Thái Hòa cho biết giá cà phê Arabica mua xô đã 105.000 VND/kg. Vậy thì bà con ở Lâm Đồng có thu nhập cao hơn bà con ở Dak Nông, Dak Lak nhiều nhỉ, vì arabica ở 2 tỉnh này năng suất và chất lượng kém lắm!
    Tí em đang dự tính đi Lào 1 chuyến xem sao.

  10. Nguyễn Đắc Xuân

    Tác giả bài báo chẳng hiểu gì về thị trường cà phê, về phương thức mua bán nên bài viết trở thành cái loa cho 1 ai đó, tiếc là lại đăng trên một tờ báo có uy tín về kinh tế.

  11. Ân qp

    Tôi thấy bà con bán cà phê vẫn bị ép giá, khi giá cà phê lên ra hỏi đại lý thì Cty chưa phát giá hoặc Cty chì mua giá thấp, giá cà 49 thì đại lý mua chỉ 48. Làm sao bà con mình bán giá cao thì hãy xem xét lại? Tôi nghỉ chỉ có đại lý …? Còn chuyện DNNN mua cà phê của dân thì ở huyện Cư Mgar tôi chưa thấy.

  12. Bien Ho

    Thất sự buồn cười cho phát biểu của ông Văn thành Huy , bán cho ai là quyền của nông dân , họ thấy có lợi thì họ bán , việc đầu tư của ông với bà con nông dân thì ông phải có biện pháp quản lý để thu mua số lượng đã ký kết , nếu bên nào vi phạm thì phải có biện pháp chế tài . Làm ăn như thế chả trách từ số lượng gần cả trăm Doanh nghiệp nhà nước XK đến nay chỉ còn trên đầu ngón tay . Bây giờ thì cố la làng như con khóc xin Mẹ là nhà nước cho bú để tiếp thêm tiền cho các ông phá , thu vén vào túi cho nhiều thôi .
    Nói sòng phẳng , khi VN vào WTO thì chuyện mở cửa để hàng hóa được mua bán thông thoáng hơn là chuyện sẽ được luật hóa , làm gì có chuyện ngăn sông cấm chợ nữa mà van xin. Hơn nữa có cạnh tranh và có nhiều người tham gia vào thị trường thì người nông dân càng có nhiều cơ hội để bán với giá cao hơn , để các ông 1 mình 1 chợ như trước đây liệu nông dân có được lợi hay chỉ có thiệt thòi mà thôi .

  13. dak lak

    Chào bác hanoicomuakhongem, tôi nghĩ bác đã hiểu về quy luật cạnh tranh của cơ chế kinh tế thị trường tự do cạnh tranh. Nhưng sao bác lại nghĩ theo hướng tiêu cực như vậy? đã nói tự do cạnh tranh thì quyền hạn thu mua của các DN phải như nhau, DN nào yếu thì phá sản là lẽ đương nhiên. Nhưng đã nói kinh tế thị trường thì ko bao giờ có sự thao túng. Khi DN này phá sản nếu thấy kinh doanh cà phê có lãi thì sẽ có nhiều DN khác nhảy vào thu mua. Chưa nói chuyện hiện nay ở VN ko phải 1 DN nước ngoài mà nhiều DN nước ngoài và nhiều DN nhà nước đang cùng cạnh tranh. Trong cuộc chiến kinh tế thị trường kẻ yếu thất bại, kẻ mạnh thì tiếp tục cạnh tranh. Càng tự do cạnh tranh thì nông dân chúng ta càng được lợi. Phương châm của nhà nước ta là “xây dựng nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật của nhà nước”. Nhưng các luật của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập mà. Đừng để các DN nhà nước cứ dựa vào những bất cập của pháp luật mà bóp méo nền KTTT. Tại sao hàng năm nhà nước ta phải bù lỗ cho DN này, DN kia? Nếu như DN nào điều hành không đúng dẫn đến phá sản thì chúng ta cứ làm theo luật DN. Nếu nhà nước muốn hỗ trợ cho nền nông nghiệp thì cần hỗ trợ cho nông dân, người trực tiếp sản xuất ra hạt cà phê và nhận được sự cay đắng của nó. Nếu nhà nước cứ hỗ trợ vốn vay hay bù lỗ cho các DN thì làm giám đốc những DN này quá sướng hay sao?

  14. trần trung giang

    Theo tôi thấy thì thị trường hiện nay đang có xu hướng bình ổn giá vì các doanh nghiệp nước ngoài đã thu mua được khá nhiều từ thị trường trong nước, vì vậy trong thời gian sắp tới giá sẽ giảm tiếp và dao dộng từ 40.000-42.000 cho tới tháng 5. Bà con tranh thủ bán ít để chi tiêu cho vụ tưới còn ai có tiền mật thì thôi khỏi bán. Chúc bà con vui.

  15. thao lan

    Buồn quá giá cà phê lại hạ nữa rồi, sao không thấy ai dự đoán giá sẽ lên 50.000 hay 60.000 như bữa trước nữa vậy. Hôm giá 49.000 nhà mình quyết định không bán đợi giá lên, vậy mà bây giờ…

  16. tennis

    Mình nghĩ cũng nên bán bớt một ít đi, chứ tình hình Nhật Bản thế này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến giá cà phê. Hiện giờ, theo mình chắc giá cà phê nếu có tăng trở lại cũng mất vài tuần hoặc hơn, nên ai có cần tiền đầu tư cho vụ tới thì nên bán bớt, còn ko thì tiếp tục chờ.

  17. nguyen nha

    Đúng là giá cà phê trong mấy ngày trở lại đây lên xuống thất thường quá. Động đất ở Nhật ít nhiều có ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của thế giới. Mong sao cho giá bình ổn trở lại để bà con nông dân bớt đau tim, tập trung sức của cho vụ mùa tới.

  18. hoangvanthuong

    Mình làm ra hạt cà phê cực khổ lắm nên ở đâu mua giá cao là bán thôi . Ai mà ép giá nông dân là tôi ghét cay ghét đắng luôn . Muốn không cho doanh nghiệp nước ngoài mua được hàng thì doanh nghiệp nội hãy mua giá cao nên , doanh nghiệp nội mà mua giá thấp thì … Nói tóm lại là cứ giá cao ta bán thôi .

  19. Đại Ngàn

    Mấy ông ở Cư Mgar thấy thế nào, TBKTSG nói có đúng không?
    Theo tôi cà phê anh nào mua cao ta bán. Chẳng ai phải bàn luận gì cho mệt mất thời gian. Cà phê 49.000đ, điện thoại bán công ty nói chưa phát giá. 11giờ điện hỏi còn 48.000đ, không bán, thế là hết cơ hội.

    1. DATDIT

      Khổ lắm bạn ạ! tôi bán 1tấn cho tư thương hộ trả đúng 49 đấy. Khi nhận tiền họ trừ tạp chất, hột nâu sâu, đen vỡ và không đủ độ. Tính đi tính lại thì còn có 47,8 thôi. Lỡ rồi không nhẽ đòi lại cà phê (ba ngày sau khi giao cà, tôi mới nhận được tiền đấy), nhưng vẫn mừng vì hôm nay dựa trên bảng giá trực tuyến giá cà chỉ còn 44 hoặc 45 gì đó./.

  20. cà chua kiu

    Ở chổ tui đa số bà con nông dân thu hoạch xong cân luôn cà tươi cho đại lý, số còn lại phơi rồi xay nhân cũng gởi đại lý nốt. Nên khi bán bị đạị lý ép giá là chuyện đương nhiên, cà ở trong kho họ rồi, họ trả mấy mình cũng phải chịu thôi. Chẵng lẽ đòi cà lại, mà đòi cũng sao được. Nếu mà để ở nhà thì đi làm lo sợ mất trộm, cũng đành nhắm mắt chịu ép thôi chứ biết làm sao. Chổ tui K’rông Pắc chẳng thấy ông DNNN nào cả, muốn bán cho ông cũng chịu thôi.

  21. KBI

    Nội dung bài báo thật là phi lý, cụ thể doanh nghiệp đầu tư vốn, kỹ thuật là để nông dân bán cho doanh nghiệp nội sao ? có ràng buộc không ? nói vậy chẳng khác nào là ép dân. Giá cà thấp không ông nào giúp đỡ nông dân, giá cao các doanh nghiệp ta la làng để nhà nước hổ trợ… ngán !

  22. nguyễn anh tuấn

    Lo gì chứ, tại vì thế giới mấy bữa nay lo cho Nhật Bản nền kinh tế lớn trên thế giới nên thị trường tất nhiên cũng lộn xộn một thời gian, nếu cứ giữ nguyên lập trường thì mới chắc thắng được. Đã nghiện cà phê rồi thì thà không ăn sáng còn hơn là không được uống cà phê, mà lo gì nà.

  23. Gia nghi

    bà con cứ yên tâm 1+1=2 quy định xưa tới giờ roài cung thiếu thì có ép giá đằng trời,thà nhịn đói còn hơn để chó sói ăn thịt đưng để mấy nhà buôn ép giá nè

  24. thangthang

    Theo quan điểm của tôi ông Huy phát biểu như vậy chỉ đúng vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước thôi, còn bây giờ chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 và Việt nam đã gia nhập WTO mà mở cửa cho mọi thành phần kinh tế đầu tư ,kinh doanh và phát triển tại Việt Nam. Nhà nước đã mở cửa cho họ đầu tư thì phải cho họ cạnh tranh bình đẳng chứ. Quy luật của phát triển kinh tế là:“có cạnh tranh thì mới phát triển ”vì thế mà chất lượng hàng hoá và dịch vụ mới được nâng cao người dân chúng tôi mới được nhờ. Nếu quả thực đúng như lời ông nói thì các doanh nghiệp của ta phải bỏ ngay kiểu kinh doanh tranh mua, tranh bán kinh doanh thiếu đạo đức ấy đi thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững được. Còn nông dân làm ra nông sản cũng bán được giá cao bõ công quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Nông dân chúng tôi cũng là người Việt Nam cũng yêu nước ,hiểu và sống tự do trong khuôn khổ pháp luật nhà nước cho cho phép chứ ! Chế tài nhà nước đâu mà xảy ra tình trạng như vậy phải bà mẹ “nhà nước ”quá nuông chiều để cho những đứa con “doanh nghiệp” mắc bệnh lơ mơ như thế thì dân cà phê chúng tôi chưa thể đỡ khổ chứ mơ chi hết khổ. Nói tóm lại các ông doanh nghiệp cứ trồng và có cà phê đi thì các ông sẽ hiểu tại sao nông dan trông cà phê chúng tôi lại làm như vậy.

  25. phongviennongdan

    Phóng viên bản địa đọc bài này thấy bức xúc quá liền đi mở cuộc điều tra coi tụi DNNN này sao mà dài tay thế ; điều tra nắm thông tin mãi mà chỉ thấy nông dân ở Cư MGar toàn bán cho các Đại lý trên địa bàn . Sao mà kỳ thế ? lại tiếp tục điều tra : Chuyện đầu tư là có thật, cam kết bán lại sản phẩm ( nếu theo giá thị trường ) cũng có thật, công ty phát giá mua theo theo giá thị trường cũng có thật luôn (nhưng chỉ phát giá tới Cty con của mình tại Cư MGar , giá thơm lắm : Giá thị trường + thêm 300 đ/kg đối với các nông hộ có trong danh sách). Quản lý cái Cty con kia là đám bạn bè , con cháu ở AK . Chúng vì tình nghĩa có Ông Tổng đỡ đầu nên chặt giá của nông dân xuống 500 đ/kg. Làm sao mà dân bán được ? Làm sao trách được nông dân đây?

  26. Nông dân

    Nghĩ cũng thiệt buồn cười cho cái nghĩa, cái tình và chữ tín trong mua bán, bởi qua bài trả lời của Ông Huy tui thấy sao nó giống như một đoạn trong bài chuyện cái ao, đầu tư ao thả cả nhưng đến mùa thu hoạch thì có cả đã đến câu cá rồi câu luôn tình. Ôi thê thái nhân tình còn nhiều điều cần suy nghĩ…
    Đầu vụ thì chúng tôi được công ty đầu tư cho học tập, cung cấp tài liệu, ứng phân… nhưng đến ngày thu hoạch thì có một vài doanh nghiệp đã chào giá cao hơn công ty, có một số hộ đã bán cho nhóm này nhưng có một số hộ như chung tôi vẫn bán cho công ty bởi chúng tôi được lợi rất nhiều từ chương trình 4C mà công ty đã triển khai.

  27. Nông dân

    Các bác cứ nói khó làm sao ấy, tui là nông dân được nắm trong danh sách 4C đây, đến mùa thu hoạch công ty đã đến tận nhà mua theo giá đã cam kết có công thêm 200đ, nhưng vì họ thu mua tại nhà dân nên trừ lại 100đ gọi là phí vận chuyển. Nông dân tui thấy chuyện này là rất đổi bình thường trong mua bán, nếu ta mang từ xã ra huyện để bán dĩ nhiên giá cao hơn một tí nhưng bù lại tiền vận chuyển đã ăn của chúng ta biết bao nhiêu rồi. Ngẫm lại bài báo nay Nông dân tui thấy, suy cho cùng thì những nông dân chúng ta đã tạo lên cho thị trường một cuộc mua bán không sòng phẳng, chúng ta cứ thấy giá ở chỗ nào cao hơn là tức tốc chạy đến bán, nhưng khi bán xong rồi nghĩ lại giá nào cũng thế thôi, nhưng cái chính ở đây là chuyện lảm ăn không đẹp của những doanh nghiệp ngồi chơi xơi nước đến khi thấy thu hoạch là tích cực đi săn lùng và mua cao hơn, nhưng thật chất giá họ mua ấy sao bằng cái giá mà những doanh nghiệp đã đầu tư cho nông dân mình chứ. nghĩ đi nghĩ lại mà nghĩ vẫn không ra. Ôi… thế thái nhân tình.

  28. vanthanhtam_gialai

    Cạnh tranh như thế nào là tùy từng đơn vị. Nhưng làm thế nào để bà con nông dân có được những thuận lợi nhất về giá cả, giao dịch, thông tin kịp thời và thêm vào những ràng buộc khi đầu tư thì chắc là sẽ cạnh tranh mua được.
    Tôi đồng ý với Ông Biển Hồ 2 tay

  29. Nông dân

    Bác phongviennongdan gi ấy ơi, Bác điều tra sao mà hay thế. Tui cũng bán hàng hai đợt mà có thấy chặt chém gì đâu. Lần một thì tui bán tại nhà hơn 5tạ giá được cộng 200đ theo chương trình 4C, nhưng vì mua tại nhà nên họ xin 100đ gọi là phí vận chuyển. Lần hai thi do số lượng 2t3 nên tui đem ra công ty họ bán và dĩ nhiên họ không trừ tui 100đ phí vận chuyển. Điều này đúng hẳn hoi, còn cái mà bác nói là chém xuống 500đ gì đó thì tui không biết thế nào, chứ nông dân tui có danh sách hẳn hoi và cứ như thế mà bán lấy tiền. Còn việc công ty con của họ mua thấp hay mua cao thì tui chẳng quan tâm làm gì cho mệt, bởi họ phải làm ăn và tính toán họ mới có cái giá đưa ra để mua chứ. Công ty con hay công ty mẹ thì đều phải làm ra tiền, bởi nếu họ không có tiền thì chả lẻ đi làm công không.Suốt một năm quần quật giữa trời để trông đến mùa thu hoạch, người nông dân chúng ta ai chẳng muốn giá cao để có lãi, nhưng giá cao đột biến quá trong một giai đoạn nhất thời thì liệu có vui chăng. Nông dân tui, tuy ít học nhưng cứ ăn chắc mặc bền, làm ăn sao cho có bạn có bè, miễn sao không thiệt mình, thiệt người, để khi cần còn có nhau. Ai chả muốn làm giàu, nhưng giàu trên sự giành giựt của người khác thì xin cho nông dân tui kíu vậy. Vài lời tham gia cùng diễn đàn. Nếu có gì đó không phải, mong các bác lượng thứ cho.

  30. Nông Văn Dân

    Đúng như nhan đề bài báo”Tranh mua cà phê và những nỗi lo”. Ý Văn Dân nói ở đây là nỗi lo của người dân nhận khoán vườn cây của các nông trường, cty cà phê thuộc tổng công ty cà phê VN, chứ không phải nổi lo của các nhà DNVN. Từ chỗ cạnh tranh với DNNN không nỗi, nay Tổng Cty cà phê việt nam lại đưa ra kiểu khoán vườn cây theo hình thức DN đầu tư tưới nước, phân bón,… đến mùa người lao động trả tiền đầu tư bằng sản phẩm cà phê quả tươi, nhằm thu mua sản phẩm giá rẻ của người dân. Làm theo kiểu này người nông dân không chủ động được SX, VD : khi trời mưa người dân cần phân bón thì chưa có phân, khi đưa phân về lúc đó trời lại nắng, hoặc người nông dân tự tưới giá thành chỉ bằng 1/3 DN đầu tư, vì DN phải đi qua nhiều “cửa”. Đó là chưa nói đến đã hơn 20 năm nay khoán thẳng cho người dân tự đầu tư 100% nên họ chủ động đào giếng, múc hồ, mua sắm máy móc, ống dây… mỗi gia đình đầu tư khoảng 20-30 triệu đồng, nay DN đầu tư luôn tưới, thì những thứ trên vất hết chứ còn gì. Đây là mối lo ngại nhất, đúng là ” Trâu Bò húc nhau, ruồi muỗi chết”.

Tin đã đăng