Thị trường thế giới chưa bao giờ chứng kiến giá cả hàng hóa tăng trưởng đột biến cả hai chiều mạnh mẽ và sâu sắc như trong tuần lễ vừa qua, thể hiện sự bất an, lúng túng của xã hội trong việc định hướng cho một cuộc sống ổn định và lâu dài. Giá cà phê cũng bị cuốn hút theo.
Đầu tuần, giá cà phê robusta trên thị trường London liên tục tăng mạnh tổng cộng 167 USD, tức 6,53%, lên mức 2.557 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 5/11, mức cao nhất trong 3 năm qua mà người dân trồng cà phê mơ ước khi bước vào năm dương lịch mới.
Giá cà phê arabica trên thị trường New York cũng tăng theo liên tục tổng cộng 20,05 cent, tức 7,32%, lên mức 293,85 cent/lb, mức cao nhất của 34 năm, cho cùng kỳ hạn.
Gới phân tích thị trường thế giới cho rằng giá cà phê tăng mạnh là do các nhà sản xuất và xuất khẩu khắp nơi găm hàng với kỳ vọng giá còn cao hơn nữa trong bối cảnh có quá nhiều yếu tố tốt hỗ trợ cho thị trường.
Tất cả nguồn tin đều tập trung vào dự báo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đưa ra ngày 9/3 và cho rằng dự báo này là nguyên nhân chính đã làm nóng thị trường. Dự báo cho thấy sản lượng cà phê toàn cầu vụ này sẽ chỉ đạt 133,7 triệu bao, thấp hơn nhiều so với dự báo 136,8 triệu bao đưa ra trong tháng trước. ICO còn cho biết sản lượng giảm là do niên vụ này Indonesia mất mùa khi nguồn cung thấp hơn 16,5% so với vụ trước.
Ngày 10/3, một ngày trọng đại trong lịch sử dân tộc nói riêng của người dân DakLak, nơi được mệnh danh là thủ phủ của cây cà phê Việt, giá cà phê lập kỷ lục lịch sử mới với 49.100 đồng/kg nhân xô.
Tuy rằng đến trưa hôm đó giá cà phê tại DakLak đã điều chỉnh giảm còn 47.800-47.900 đồng/kg nhân xô. Giá tăng quá mạnh làm bà con đang rất hoang mang trong quyết định bán. Nhiều người còn kỳ vọng giá sẽ chạm mức lý tưởng 50.000 đồng/kg.
Cuối tuần, giá cà phê lại quay đầu giảm mạnh liên tiếp, mức giảm mạnh nhất trong mấy tháng gần đây ngay liền sau phiên giá cao đạt kỷ lục mới. Sự sụt giảm không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia và những người theo dõi thị trường vì hoạt động chốt lời đã diễn ra ồ ạt sau giá tăng cao là tất yếu.
Cà phê robusta ở London giảm 136 USD, tức 5,54% , xuống còn 2.421USD/tấn ; cà phê arabica ở New York giảm 20,15 cent, tức 7,22%, xuống còn 274,85 cent/lb. Giá cà phê nhân xô trong nước cũng giảm tổng cộng 2.500 đồng/kg xuống còn ở mức 45.300-45.400 đồng/kg.
Tuy nhiên, các nhà phân tích thị trường nhận định, giá cà phê thời gian tới dù có điều chỉnh giảm cũng không thể quá sâu ; trong năm nay, giá cà phê sẽ duy trì vững trên mức 40 triệu đồng/tấn.
Giá cà phê xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ cuối tuần ở mức 2.280 – 2.300 USD/tấn, FOB-HCM, với mức trừ lùi co về còn 100 – 120 USD/tấn.
Anh Văn (Giacaphe.com)
Mình cũng hy vọng là giá cà phê sẽ còn tăng vì cung không đủ cầu !
Qua tuần giá cafe sẽ còn giảm nữa, thị trường sụt giảm sức mua trầm trọng vì cú sốc do động đất ở Nhật bản và cháy mỏ dầu ở Lybia. Thị trường sẽ ổn định và tăng trưởng trở lại vào tuần cuối tháng. Đó là suy nghĩ của cá nhân tôi, xin được có ý kiến đóng góp.
Tôi cảm thấy hơi buồn. Bởi thị trường cà phê Việt Nam có quá nhiều bất ổn và có quá nhiều điều để nói. Phải chăng một số biện pháp nhà nước đưa ra đã thực sự đưa tới hiệu quả như sự kỳ vọng của mọi người? Hỗ trợ vốn, lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu cà phê Việt Nam, mở sàn giao dịch cà phê,… nhưng những chính sách ấy đã và đang đem lại lợi ích cho ai?… hiệu quả như thế nào?…
Có nên chăng hãy hỗ trợ trực tiếp người trồng cà phê Việt Nam? Hãy hỗ trợ vốn để họ có khả năng tái đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật để người dân bớt khổ, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Quan trọng nữa là hãy tìm cho họ 1 lối thoát cho thị trường cà phê…
Tôi nhớ niên vụ cà phê 2009 khi mà một loạt các đầu mối tư nhân thu mua cà phê ở Việt Nam phá sản, vỡ nợ. Ba tôi cũng mất hơn 2 tấn cà mà cho đến nay vẫn chưa lấy được hết nợ. Thế nhưng đầu mối ấy bây giờ vẫn mở đại lý thu mua như thường?… Cũng vì cái vụ phá sản ấy mà sinh ra cái sàn giao dịch… thật đáng hoan nghênh! Nhưng tôi cũng bắt đầu hoài nghi vào cái sàn giao dịch ấy.
Công ty xuất khẩu cà phê 2/9 tỉnh Dak Lak, ngày 10/3/2011 thị trường cà phê VN sôi nổi nhất, trong khi thị trường tự do giá cà phê sáng là 49 trưa đã 50, ba tôi khấp khiểng cầm tờ biên nhận bắt xe buýt qua công ty để chốt giá nhưng công ty không phát giá. Vui thật đấy!…
Một điểm tôi thấy mừng là một số doanh nghiệp nước ngoài đã vượt rào vào kinh doanh tại thị trường cà phê Việt Nam. “Sự phát triển là cuộc đấu tranh của các mặt đối lập”, điều này buộc các doanh nghiệp Việt muốn tồn tại thì phải thay đổi.
Hy vọng cafe tăng thêm giá nữa cho bà con nông dân đỡ vất vả !