Cần có hành động thiết thực với người trồng cà phê

“Người nông dân cần tiền tươi thóc thật, họ không cần những lời hô hào đao to búa lớn, khua chiêng gõ trống” – đó là ý kiến của ông Phạm Quang Vũ TGĐ Vinacafé Biên Hòa.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm nay thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, ông cho biết các hoạt động của Vinacafé Biên Hòa tại Lễ hội Cà phê lần này?

Chúng tôi sẽ đưa đến Lễ hội năm nay những sản phẩm cà phê chất lượng cao. Tại khu vực gian hàng, Vinacafé có tổ chức những cuộc thi dành cho người trồng cà phê nhằm phổ biến những kiến thức về chăm sóc và thu hoạch cà phê để có hiệu quả kinh tế tốt nhất. Ngoài ra, đối với người tiêu dùng, Vinacafé tổ chức buổi giao lưu mang chủ đề “Cà phê thật – Cuộc sống thật” giữa người tiêu dùng và các chuyên gia hàng đầu VN trong lĩnh vực cà phê và sức khỏe, dinh dưỡng.

Dự kiến các chuyên gia sẽ tham dự là các ông Đoàn Triệu Nhạn – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao VN, ông Lê Anh Tuấn – Chuyên gia về cảm quan cà phê, bác sĩ Lương Lễ Hoàng – một nhân vật rất quen thuộc với người dân phía nam.

Ông Phạm Quang Vũ - Tổng giám đốc Vinacafé trao hỗ trợ cho nông dân
Ông Phạm Quang Vũ – Tổng giám đốc Vinacafé trao hỗ trợ cho nông dân

Tại sao lễ hội lần này Vinacafé không có các hoạt động tiếp thị quy mô, hoành tráng như những năm trước, thưa ông?

Trong nhiều năm trước, Vinacafé có chuỗi chương trình quảng bá trong và ngoài nước xoay quanh sự kiện Ly cà phê khổng lồ đoạt kỷ lục Guinness Thế giới. Và đến nay, chúng ta có thể nhận thấy tiếng vang và hiệu quả của nó trong chiến lược đẩy mạnh tiêu dùng nội địa và xuất khẩu cà phê VN. Sản lượng cà phê thương hiệu Việt Nam được tiêu thụ trong nước có mức tăng trưởng đều, ngày càng nhiều hơn người tiêu dùng thế giới biết đến cà phê Việt Nam, những năm gần đây cà phê VN thu về ngoại tệ rất lớn (trên dưới 2 tỷ USD/năm) chỉ sau lúa gạo.

Năm nay, trong bối cảnh kinh tế này, việc giảm bớt các hoạt động tiếp thị bề nổi nhằm triển khai và cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, tham gia đảm bảo an sinh xã hội. Mặt khác, các hoạt động tiếp thị gây tiếng vang lớn trước đây của Vinacafé là nhằm hướng tới mục tiêu phát triển cà phê bền vững.

Vậy theo ông, cần phải làm gì để cà phê Việt Nam phát triển bền vững?

Rất nhiều việc phải làm. Tựu trung có 3 lĩnh vực chính: cà phê nguyên liệu, công nghệ chế biến và thị trường ổn định. Vinacafé trước đây đã đi sâu vào hai lĩnh vực sau. Bây giờ cần phải quan tâm hơn lĩnh vực thứ nhất. Liên quan đến lĩnh vực này, chúng tôi nhận thấy, ổn định đời sống của người trồng cà phê có ý nghĩa quyết định đầu tiên.

Vinacafé đã làm gì cho người trồng cà phê?

Từ rất lâu, chúng tôi mua cà phê giá cao hơn thị trường, tất nhiên chất lượng phải cao hơn.

Gần đây, chúng tôi có chương trình “Hành động thiết thực vì người trồng cà phê”. Trước thời điểm khai mạc Lễ hội, Vinacafé có chuỗi hoạt động xã hội như thăm hỏi, hỗ trợ vốn cho những hộ trồng cà phê có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ những suất khuyến học cho con em họ.

Vậy lợi ích của Vinacafé khi thực hiện công tác xã hội này? Hẳn doanh nghiệp phải tính đến, thưa ông?

Đối với một đơn vị sản xuất kinh doanh không thể không tính đến những hiệu quả, lợi ích cho mỗi hoạt động. Song, hiệu quả và lợi ích trong công tác xã hội phải được hiểu theo các góc độ, khía cạnh khác nhau: lợi ích hữu hình và lợi ích vô hình; lợi ích lâu dài và lợi ích trước mắt; lợi ích cho chính doanh nghiệp và lợi ích xã hội. Để hài hòa được các lợi ích, đó là một vấn đề.

Mặt khác, chúng tôi hiểu rằng con người là giá trị tối cao, là mối quan tâm hàng đầu của xã hội, giữa xã hội và doanh nghiệp có mối quan hệ tương hỗ và mật thiết với nhau. Chính vì vậy, quan tâm đến con người, tạo điều kiện để bà con nông dân tiếp tục gắn bó với loại cây trồng đặc biệt này không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của Vinacafé: trách nhiệm của một Thương hiệu Quốc gia đại diện cho ngành cà phê Việt Nam đối với người trồng cà phê cả nước.

Người ta thường nói đến một nghịch lý về cà phê, đó là lợi nhuận từ cà phê không đến với người trồng, ý kiến của ông như thế nào?

Tôi cho rằng đây không phải là nghịch lý, vấn đề là ở giá trị gia tăng. Thông thường hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ sẽ tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn sản xuất nông nghiệp, và lợi nhuận luôn tỉ lệ thuận với hàm lượng giá trị gia tăng. Vấn đề là làm sao để thu hẹp khoảng cách chênh lệch càng ngắn càng tốt. Để làm được điều này, theo tôi các doanh nghiệp chế biến cà phê cần thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn của người trồng cà phê, họ cần “tiền tươi thóc thật” chứ không cần những lời hô hào đao to búa lớn, khua chiêng gõ trống.

Chương trình hỗ trợ người trồng cà phê của Vinacafé như một ví dụ. Sau đợt đầu thực hiện tại Buôn Ma Thuột, Vinacafé Biên Hòa sẽ phối hợp, vận động các đơn vị trong Tổng công ty Cà phê Việt Nam và các doanh nghiệp cà phê khác cùng chung tay góp sức để các đợt hỗ trợ tiếp sau có quy mô lớn hơn, rộng hơn. Điều này sẽ góp phần tích cực cùng cả nước kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội như mục tiêu mà Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp tham gia.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. cuba

    Xong lễ hội thì ai mà nhớ những lời này nữa, cả cuộc phỏng vấn ngôn từ như nhà triết học, tất cả là mỹ từ, nhưng suy ngẫm sâu sắc thì cũng như bà con mình hay nói đùa : nói như ném đá vào không trung ! hì. bà con hãy lo mà làm ăn , đừng nên có được cái gì đó từ những lời nói này ! hì.

    1. người ngoài cuộc

      Gửi cuba.
      cuba có biết trong lễ hội cafe 2008, khi chiếc trực thăng hạ thấp để cẩu tách cafe khổng lồ đã quạt gió làm gãy cành phượng ở trường BC-BMT nay là Hồng Đức, làm 2 cháu học sinh nữ bị thương rất nặng, số phận các cháu đó giờ ra sao rồi? Có bà con nào biết không?
      Đọc bài này nghĩ mà buồn !

  2. Nông dân CÀ

    Mong sao Vinacafe bỏ vốn ra mua rẫy cà phê bán lại cho hộ nghèo vì có lao động mà không có đất canh tác, được trả chậm tiền mua rẫy trong 10 – 15 năm (khi trả xong nợ mới giao bìa đỏ), đồng thời hỗ trợ vốn và kỹ thuật chăm sóc trong những năm đầu để có thu hoạch giúp thoát nghèo.
    Chỉ cần 1 năm giúp được 100 hộ thoát nghèo là đội ơn lắm lắm!! (khoảng 10 tỷ)
    Xin Các nhà doanh nghiệp cùng chung tay hưởng ứng!

  3. dân việt

    Nghe ông này nói tui hết muốn làm cà phê luôn. Cách làm đó không công bằng! Chúng tôi không muốn nghèo còn quý ông thì muốn lãi nhiều rồi mang “thí” lại để được tiếng gọi là “hỗ trợ”. Thôi đi…cho chúng tôi yên!

  4. hoang long

    Ý kiến của bác Cà khó thực hiện lắm bác ơi,vì đã nghèo kèm theo không biết cách quản lý và tính toán làm ăn, nếu có một ha cà phê thì rồi cũng bán rẻ để lấy tiền chi tiêu cho cuộc sống thôi. Ở chỗ tôi giáo xứ hô hào toàn giáo dân đóng góp tiền và hiến tặng quỹ đất thặng dư để cấp cho các hộ nghèo trong giáo xứ, rút cục mấy năm trời họ cũng chả thoát ra được cảnh nghèo,thế chấp sổ đỏ vay vốn không có khả năng chi trả,rút cục ngân hàng xiết nợ tịch biên đất đai đấu giá bán lại cho người khác.
    Theo tôi những người có khả năng quản lý tốt biết cách tính toán làm ăn, thì hãy rộng lượng nhận những người nghèo đó vô làm công nhân cho mình, ngoài trả lương cho họ cần giúp cho họ cái cần câu chứ không phải con cá, bằng cách đầu tư có chiều sâu nâng đỡ con em họ đỡ đầu hoặc giúp tiền cho con em những hộ đó ăn học đến nơi đến chốn, chỉ có cách đó là giúp họ thoát nghèo hữu hiệu nhất thôi. Vì đã nghèo thường hay chán đời nhậu nhẹt bê tha, không có đầu óc cầu tiến và học hỏi kỹ thuật, nên thường họ không biết cách tính toán làm ăn và chăm sóc cà phê đâu. Muốn cho họ thoát nghèo chỉ có cách là nâng cao dân trí cho họ bằng cách là đầu tư cho con em những hộ đó ăn học đến nơi đến chốn.Khi con em họ dân trí cao thì lúc đó chính những con em đó đã đưa bố mẹ chúng thoát ra khỏi cảnh nghèo.

  5. Thiện Tâm

    Đọc bài của các bác sao tôi thấy hơn buồn , theo tôi khi Doanh nghiệp và Nông dân chưa thống nhất được với nhau cách làm nào cho hợp lý để đôi bên cùng có lợi thì các bác nên đưa ra các ý kiến của mình, đằng này các bác cứ chê trách người này người nọ nghe sao nó buồn quá.
    Thử hỏi : Nông dân làm ra sản phẩm không có các Doanh nghiệp thu mua thì hậu quả sẽ ra sao và ngược lại . Mong các bác tìm ra giải pháp tốt để nông dân được nhờ . Cảm ơn các bác nhiều lắm.

  6. Thảo Sơn

    “…Tại khu vực gian hàng, Vinacafé có tổ chức những cuộc thi dành cho người trồng cà phê nhằm phổ biến những kiến thức về chăm sóc và thu hoạch cà phê để có hiệu quả kinh tế tốt nhất…”.
    Đâu phải người trồng cà phê nào cũng có thể dự lễ hội. Đã có tâm sao không đưa những thông tin về “những kiến thức về chăm sóc và thu hoạch cà phê để có hiệu quả kinh tế tốt nhất” lên mạng của Vinacafe và các Website khác để bà con nông dân được hưởng lợi, qua đó các doanh nghiệp cũng hưởng lợi. Nếu không làm được như vậy thì “Người nông dân cần tiền tươi thóc thật, họ không cần những lời hô hào đao to búa lớn, khua chiêng gõ trống” của Ngài nói có lẽ chỉ nên hiểu theo vế sau.
    Bà con nông dân nên đoàn kết chia sẻ với nhau những kinh nghiệm để mọi người đều có được vụ mùa bội thu. Bà con sợ ai cũng trúng mùa thì mất giá ư? Giá không phải do ta quyết định mà do cả thế giới, nhất là những người đầu cơ. Xin đừng bỏ mồi bắt bóng!

Tin đã đăng