Ngành cà phê Việt Nam: Tăng vốn, nâng chất lượng

Chưa bao giờ cà phê nhân xô tăng giá kỷ lục như hiện nay. giá tăng cao đã kéo theo tình trạng tranh mua quyết liệt ở các vùng nguyên liệu như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng…

Trao đổi với chúng tôi về tình hình sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê, ông LƯƠNG VĂN TỰ, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết:

Giá cà phê tăng cao là do biến đổi thời tiết làm mất mùa ở một số nước trên thế giới, lượng tồn kho thấp và giảm liên tục, nhiều nước trồng cà phê đã phải tiến hành thay vườn cà phê già, điển hình như Colombia sản lượng cà phê đang từ 12 triệu bao giảm xuống còn 7 – 8 triệu bao mỗi năm.

Ngược lại nhu cầu tiêu thụ cà phê trên thế giới tăng từ 2%-2,5%/năm; sản lượng cà phê arabica giảm – giá tăng cao kéo giá cà phê robusta tăng.

Giá tăng, người được hưởng lợi đầu tiên là nông dân, bởi vụ cà phê năm trước có lúc giá rớt xuống 23,5 triệu đồng/tấn, khiến người trồng cà phê “mất ăn mất ngủ”. Sau khi Chính phủ có quyết định tạm trữ cà phê từ tháng 4-2010, giá bắt đầu tăng dần và đến nay do tác động của các yếu tố trên đã đẩy giá cà phê cao chót vót từ 39 – 41 triệu đồng/tấn trở lên.

Thưa ông, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước than phiền những doanh nghiệp nước ngoài tự ý tổ chức mạng lưới thu gom cà phê trực tiếp trong dân đã gây bất ổn cho ngành. Xin ông cho biết cụ thể việc này ra sao?

Ông LƯƠNG VĂN TỰ: Việc một số doanh nghiệp nước ngoài xây dựng mạng lưới thu gom cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên là có thật. Điều này trái với những quy định của luật pháp Việt Nam. Hiệp hội đang đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra và có biện pháp xử lý các vi phạm trên của doanh nghiệp nước ngoài.

Có ý kiến lo ngại, nếu ngăn không cho doanh nghiệp nước ngoài thu mua cà phê trong dân thì liệu có xảy ra tình trạng doanh nghiệp trong nước “ép giá”, ảnh hưởng đến quyền lợi của người trồng cà phê?

Cả nước hiện có trên 140 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Các doanh nghiệp này tổ chức thu mua và xuất khẩu cà phê, đồng thời bán lại cho khoảng 20 doanh nghiệp nước ngoài có nhà máy hoặc cơ quan đại diện tại Việt Nam. Lâu nay giá cà phê hình thành trên cơ sở giá thị trường và tự do thương lượng giá giữa người mua và người bán nên không có chuyện ép giá. Tôi lấy ví dụ như ở Indonesia xuất khẩu cà phê mỗi năm gần 10 triệu bao nhưng chỉ có 5 doanh nghiệp xuất khẩu.

Nếu đem Indonesia ra so sánh thì chúng ta có quá nhiều người mua cạnh tranh nhau để bán cho 20 nhà nhập khẩu nước ngoài. Các nhà nhập khẩu này bán lại cho 8 nhà rang xay cà phê lớn trên thế giới. Như vậy là ngược với câu châm ngôn “trăm người bán vạn người mua”. Đây cũng là nghịch lý gây bất lợi cho ngành cà phê Việt Nam.

Hiện nay chúng ta khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài (cũng như trong nước) đầu tư vào lĩnh vực cà phê rang xay, chế biến cà phê hòa tan như Nestlé, Olam, Vinacafe Biên Hòa, Cà phê Trung Nguyên đang làm. Khuyến khích chuyển giao kỹ thuật trồng cà phê GAP, UTZ, Rain Forest, cà phê cân bằng thân thiện với môi trường để tăng chuỗi giá trị cà phê lên cao.

Về lâu dài, chúng ta cần làm gì để phát triển bền vững ngành cà phê, đồng thời tạo dựng thương hiệu trên trường quốc tế?

Cà phê là mặt hàng thu hoạch một vụ nhưng bán quanh năm. Thời gian qua, ngay thời điểm đầu vụ nhiều người thường bán cà phê ồ ạt dẫn đến giảm giá. Điển hình như năm 2001, cà phê giảm dưới mức giá thành gây thua lỗ nặng cho người kinh doanh và hàng loạt hộ đã phá bỏ cà phê để trồng cây khác. Để phát triển bền vững ngành cà phê, theo tôi, hàng năm vào đầu vụ các doanh nghiệp nên mua tạm trữ từ 200.000 – 300.000 tấn cà phê.

Làm được điều này, các ngân hàng cần cung cấp đủ nguồn vốn với thời hạn vay từ 6 – 9 tháng. Mặt khác, người trồng cà phê nên liên kết lại để có điều kiện áp dụng kỹ thuật, xây dựng các cơ sở xay và chế biến nhằm giảm bớt phụ thuộc vào thời tiết khi vào vụ thu hoạch. Liên kết để tăng nguồn vốn, nâng chất lượng và nâng giá cà phê tăng lên.

Điều lo ngại hiện nay là số lượng cây cà phê già trong cả nước chiếm gần 30%. Vì vậy, cần sớm có chương trình tái canh cho cây cà phê để giữ sản lượng. Vấn đề khó khăn là nguồn vốn, cộng với thời gian tái canh mất khoảng 5 năm thì người dân lấy gì để sống. Bộ NN-PTNT đang triển khai nhiều chương trình tái canh cây cà phê từ các nguồn vốn của ngân hàng, doanh nghiệp… Bộ cũng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh liên kết từ khâu canh tác, chế biến đến xuất khẩu nhằm tạo sức mạnh và sự đồng thuận, hạn chế cách làm riêng lẻ, cá thể.

Chúng ta sớm đưa 2 sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột và Triệu Phong vào hoạt động và kết nối với thị trường thế giới. Tập trung xây dựng thương hiệu và mạng lưới tiêu thụ. Đây là công việc khó khăn đòi hỏi vốn, công nghệ, kỹ năng và quyết tâm cao của các doanh nghiệp, cũng như sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các bộ ngành liên quan

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông dân "ngốc"

    “Cả nước hiện có trên 140 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Các doanh nghiệp này tổ chức thu mua và xuất khẩu cà phê, đồng thời bán lại cho khoảng 20 doanh nghiệp nước ngoài có nhà máy hoặc cơ quan đại diện tại Việt Nam.”
    Sao lại là ĐỒNG THỜI bán lại cho DN nước ngoài? mà không là nông dân bán trực tiếp cho mạng lưới thu mua của DN nước ngoài.
    Vậy là bắt nông dân chúng tôi phải nuôi tầng nấc trung gian DN trong nước này nữa sao?!
    không thể như thế được!
    Còn chuyện khuyến khích DN nước ngoài chế biến sâu và chuyện cấm mua trực tiếp là hai việc hoàn toàn khác nhau!
    Đâu phải không cho mua trực tiếp thì DN nước ngoài quay sang chế biến sâu!
    Đây là ngụy biện để hướng người nghe qua ý khác mà bỏ qua việc bảo thủ lợi ích cục bộ trong việc loại DN nước ngoài khỏi sân chơi thu mua.
    Thôi! Nông dân chúng tôi không còn “ngốc” như quý ngài nghĩ nữa đâu!
    Quý ngài có hiệp hội DN cà phê, thì chúng tôi sẽ có “HIỆP HỘI NHỮNG NGƯỜI TRỒNG CÀ PHÊ” để cân bằng quyền lợi của chúng tôi thôi!
    Bạn nông dân nào đăng ký tham gia hiệp hội, xin đăng ký ngay qua anh THỊNH CÒI!
    Tôi xin đăng ký là hội viên đầu tiên! Email: binhhoa987@yahoo.com

  2. NGT

    Bạn nông dân ngốc phát biểu chưa chuẩn lắm.

    Theo bạn thì khỏi cần có DN làm gì phải không? DNNN hay DN trong nước thì cũng là DN hết . Bạn nói DN trong nước hưởng lợi từ nông dân vậy DNNN làm không công cho bạn chắc. Không có các DN thì bạn có bán được hàng không? Nói như bạn thì bạn SX cà phê sau đó rang xay và bán trực tiếp cho những người có nhu cầu uống ( Đừng bán cho quán vì chủ quán sẽ kiếm lợi nhuận trên SP của bạn) . Bạn cũng biết hạt cơm của bạn ăn , cái áo của bạn mặc phải qua bao nhiêu trung gian mới đến được với bạn không?
    Bạn tưởng rằng kiếm được lợi nhuận trong KD dể lắm sao? bao nhiêu DN phá sản bạn có biết không? Bạn có ôm SP của bạn đi thương thảo giá cả với nước ngoài được không?
    Đó là một loạt câu hỏi của tôi dành cho bạn. Nếu có gì làm bạn phật ý mong bạn thông cảm bỏ qua.
    NTG

    1. Lâm hà

      Mấy cái DN này cho phá sản chết hết đi. Đừng lo, lớp đàn em sẽ thay thế xứng đáng khi không còn các ông anh bụng bự háu ăn làm kỳ đà cản mũi.
      Lấy gì để đàm bảo khi không có DNNN thì DN trong nước sẽ bảo đảm lợi ích của nông dân mà không quay lại chèn ép nông dân thậm tệ hơn nữa ! AI SẼ BẢO ĐẢM !

      1. toanthang

        Cần thiết, cho mồi lửa rồi làm mới lại. Đừng để cái đống phế liệu này chiếm hết chỗ, mất công dọn dẹp tốn kém lắm.

    2. cuôr dang

      Gì cũng được, nhưng trừ mấy cái doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trước nay của vicofa ra. Cương quyết không thỏa hiệp, không bán cafe nữa. Bấy nhiêu năm thế quá đủ rồi.

  3. NGT

    XIN NÓI THÊM VỚI BẠN NÔNG DÂN NGỐC

    Hiện nay cà phê và các mặt hàng nông sản cung nhỏ hơn cầu nên bạn chê DN trong nước và muốn họ biến đi . Nhưng khi cung lớn hơn cầu rồi bạn sẽ thấy: lúc đó các DNNN còn hơn vua. Hàng giao tận cảng với số lượng và chất lượng đúng theo yêu cầu còn bị chê tới chê lui.Bạn thử nghĩ xem lúc đó các DNNN còn cất công đến tận nơi để thu mua từng tấn hàng nữa không? Bạn có còn bán trực tiếp cho họ được không?
    NTG

  4. Ha Phương

    Ai”ngốc”ai giỏi thì “hồi sau sẽ rõ”… là người nông dân làm ra hạt cà phê hoặc bất cứ thứ gì cũng mong bán được giá cao. Đó là tất yếu… nếu cà phê cao giá, DN trong nước không mua nổi, chắc DNNN… lỗ chắc.

  5. HA LONG BAY

    Các bạn ơi mình cũng là dân làm cafe, mấy ngày qua theo dõi thông tin về cafe thấy giá lên rất mừng vì nhà mình vẫn còn tuy không nhiều . Vào diễn đàn mình thấy các bạn mổ xẻ moi móc,tiêu cực có ,tích cực có. Nhưng một việc có lẽ chúng ta phải nhìn lại là đang vạch áo cho người xem lưng, người nước ngoài nghĩ gì khi vì họ mà chúng ta đấu đá nhau .Theo tôi coi chừng chúng ta đang trúng kế ly gián điệu hổ ly sơn cũng không chừng.

  6. Huy BMT

    Có lẽ sau đận này, các DN sẽ có chiến lược tốt hơn và cái “3 nhà” sẽ phát huy đúng như mục đích mong muốn và tên gọi của nó. Còn các nông dân chúng ta nên mừng và cũng không nên có những lời “cay nghiệt” qúa với các DN, cùng lắm thì họ không mua, không bán rồi làm báo cáo là không hoàn thành chỉ tiêu thôi. Gần nhà mình có anh làm ở Cafe Control nói là không mua được cà phê, tình hình này có khi cà phê lên quá 50.000VNĐ/kg luôn đó.

  7. Hoàng Mai Linh

    Bạn Huy BMT không cần phải hạ mình để thương vay khóc mướn cho các DN nội làm gì. Nông dân cà phê vẫn biết phải đõi xử với DN nội như thế nào. Bạn thấy có DN nội nào và kể cả Vicofa có cần gì lên tiếng, trong khi trên rất nhiều báo chí và các thông tin thể hiện đồng tình với bà con nông dân không chỉ riêng ngành cà phê. Tôi thấy bạn nói là cũng hiểu được bạn rồi, “cùng lắm là không mua không bán” thì nhà nước dẹp mấy cái DN đó đi là được rồi.

  8. NGT

    MỘT BÀI TOÁN NHỎ :
    Chỉ tính riêng tiền lãi vay ngân hàng :
    Lãi suất thương mại ở hầu hết các nước là 3%/ năm. Lãi suất ở VN 20%/ năm.
    Chênh lệch lãi suất : 20%-3% = 17% /năm. tương đương 1,4%/tháng.
    Vòng quay tiền : 6 tháng/vòng ( mang tính tương đối )
    Giả sử giá cà phê là : 42.000 đ/kg thì tiền lãi mà DN trong nước phải trả cho NH cao hơn DNNN là : 42.000 x 1.4% x 6 = 3.528 đ ( chỉ mới tính lãi suất đơn ).
    Ở đây tôi chỉ mới tính vốn cần để mua 1 kg cà phê chưa tính đến chi phí thu mua, chi phí cố định và rất nhiều khoản chi khác cũng là tiền đi vay.
    Một bài toán nhỏ để bạn Ha Phương thấy rằng dù DNNN ngoài có mua cao hơn 3.000d/kg thì họ vẫn lãi hơn DN trong nước. Ngoài ra còn rất nhiều khó khăn khác mà DN trong nước gặp phải còn DNNN thì không.
    Cũng xin nói thêm là tôi cũng không ưa gì các DN nhà nước nhưng đây là cái nhìn khách quan ( cho là chủ quan cũng được) của tôi. Thật sự là họ làm ăn rất yếu kém, không hiệu quả. DN của họ lổ dài dài chứ không phải vì ép dân mà DN nhà nước được lãi to đâu ( Cón lãnh đạo và nhân viên của các DN thì tôi không dám nói vì không biết cụ thể).
    NTG

  9. Huy BMT

    Có lẽ bạn Hoàng Mai Linh nghi sai ý của mình rồi, không phải mình “thương vay, khóc mướn”. Còn các hiệp hội ở VN thì bạn cũng biết rồi ” có tiếng mà chẳng có miếng ” có can dự vào được việc gì đâu. Gần đây thì có mổi thủy sản ( cá tra, tôm, .. ) thì còn có tí chút ảnh hưởng. Còn về giá cà phê gần dây lên cao thì cung do thị trường thế giới quyết định là chính, còn các DN cung chỉ là “mua đi, bán lại” thôi. Giá thị trường ( thê’ giới ) không tăng thì bạn có bán được giá cao không, cái chính vẫn là ảnh hưởng ” cung và cầu “. Còn các chính sách mua tạm trữ thì bạn cũng đã thấy, các DN lớn ( là DN ký xuất khẩu ) thì mình không biết thế nào, chứ các Đại lý vay được vốn ưu đãi thì đi làm việc khác rồi ( như mua đất, đầu tư bất động sản, có khi còn đầu tư chứng khóan nữa ấy chứ, … ) còn bạn thấy người nông dân VN có ảnh hưởng được gì đến thị trường chưa? Mình có nghe 1 câu như thế này ” người nông dân như bao khoai tây, để trong bao thì như vậy nhưng khi đổ ra sân thì mỗi củ lăn mỗi nơi “, sẽ không ai nghe ai khi chưa có 1 chính sách đảm bảo quyền lợi của nông dân ( trong đó có mình nữa ). Còn về DN thì còn nhiều việc để nói, ví như hiện nay chúng ta có nhiều nguồn thông tin để nắm bắt ( Internet, báo, đài, tivi, .. ) nên có những nhận định như vậy thôi, còn mang tính quyết định thì ……..

Tin đã đăng