Thị trường cà phê hoà tan: Đua nhau giành Top 1

Nếu như trước những năm 2000 thị trường cà phê hoà tan còn khá nghèo nàn về chủng loại sản phẩm và ít được nhà đầu tư quan tâm thì đến nay thị trường này đã chiếm đến 1/3 tỷ trọng sản lượng cà phê được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Đi cùng với sự tăng trưởng này là những cuộc chiến gay gắt giữa các thương hiệu cà phê hoà tan, đầu năm mới các “đại gia” đã bắt đầu tung chiêu, hứa hẹn thị trường sẽ sôi động hơn trong năm 2007 này.

qua ca phe
Văn hóa cà phê tại VN góp phần thúc đẩy thị trường cà phê rang xay và cà phê hòa tan cùng phát triển.

Cà phê hoà tan “nở nồi”

Không đơn thuần là sản phẩm hay hàng hoá cà phê tại thị trường VN còn là một nét văn hoá và lời mời “đi uống cà phê” đã trở thành câu nói cửa miệng của nhiều người. Theo các nhà kinh doanh trong ngành, thị trường cà phê hiện đã phân chia thành 2 phân khúc rõ ràng: cà phê rang xay (cà phê phin) chiếm khoảng 2/3 sản lượng cà phê được tiêu thụ tại VN và cà phê hoà tan chiếm 1/3.

Cũng theo các nhà kinh doanh, thị trường cà phê hoà tan đang có xu hướng “nở nồi” vì có các ưu thế như giúp người dùng tiết kiệm thời gian, sản phẩm có tính năng động, trẻ trung phù hợp với xu hướng tiêu dùng của giới trẻ (lớp người tiêu dùng mới) hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân thúc đẩy thị trường này đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2006: từ 20-25%.

Để tham gia vào cuộc chơi này nhiều thương hiệu đã quyết định đầu tư lớn như VinaCafe với một nhà máy cà phê hoà tan 20 triệu USD, với công suất 3.000 tấn/năm, Trung Nguyên thì có một dây chuyền sản xuất cà phê hoà tan G7 lên tới 10 triệu USD, công suất 2.00 tấn/năm…

Ngoài những tên tuổi kinh doanh cà phê hoà tan quen thuộc như NesCafe (Nestle), VinaCafe, G7Coffee (Trung Nguyên)… cuối năm 2006 vừa qua thị trường đã xuất hiện thêm các nhãn hiệu mới như Café Moment (Công ty CP Sữa VN – Vinamilk), Max Coffee (Singapore).

Ông Vikas Ahuja, Giám đốc Tiếp thị Công ty TNHH Nestle VN cho hay, thị trường cà phê hoà tan VN đang có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư vì tốc độ phát triển nhanh và tiềm năng của thị trường. Tuy nhiên, cũng theo nhận định của ông Vikas Ahuja các nhà đầu tư sẽ chưa tham gia ngay lúc này vì thị trường đang trong giai đoạn cạnh tranh cao trào. “Nhà đầu tư sẽ rất cân nhắc khi nhảy vào một thị trường đang có nhiều thương hiệu ra sức tranh sáng tranh tối như hiện nay” – ông Vikas Ahuja nói thêm.

Tranh giành vị trí top 1

Như vậy, hiện các “đại gia” cà phê hoà tan đang tranh giành gì? Theo kết quả khảo sát mới nhất của một công ty nghiên cứu thị trường, hiện VinaCafe vẫn đang là thương hiệu dẫn đầu thị trường cà phê hoà tan, chiếm khoảng 45% thị phần, tiếp theo là NesCafe với 38% và G7 khoảng 10%… còn lại là các nhãn hàng khác.

Có thể thấy, diễn biến cạnh tranh gay gắt chỉ có khả năng xảy ra ở các tên tuổi dẫn đầu thị trường. Nếu như VinaCafe có thế mạnh thâm nhập thị trường sớm và am hiểu thị trường nội địa thì NesCafe có thế mạnh là một tập đoàn đa quốc gia, kinh nghiệm “chinh chiến” tốt và đặc biệt là có được những phương pháp tiếp thị học được từ các nước trên thế giới.

Dường như không bằng lòng với vị trí thứ 2, theo thông tin mà chúng tôi có được hiện Nestle đang lên một kế hoạch tỉ mỉ để soán đổi vị trí top 1 này trên thị trường.

Chiến dịch này sẽ bắt đầu được thực hiện vào tháng 3/07 với tên gọi “Phương pháp tiếp cận người tiêu dùng 360 độ”, theo đó công ty này sẽ dùng tất cả các phương pháp tiếp cận người tiêu dùng từ trên phố đến chợ, siêu thị, nhà ở và trên mạng… để đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Trước khi thực hiện chiến dịch này Nestle cũng đã khảo sát khẩu vị, sở thích dùng cà phê hoà tan của khách hàng và cải tiến sản phẩm (tung ra 3 sản phẩm cà phê 3 trong 1 mới). Cho tới thời điểm này ông Vikas Ahuja vẫn không tiết lộ tổng kinh phí sẽ đầu tư cho các hoạt động này nhưng có thể khẳng định con số này có thể ở mức triệu USD.

Còn VinaCafe mặc dù luôn tỏ ra tự tin với vị trí dẫn đầu nhưng vẫn liên tục tung ra các chương trình chiêu thị, khuyến mãi lớn để níu chân khách hàng như các chương trình Hái lộc xuân, cảm ơn khách hàng…

Hiện cuộc đua năm 2007 mới bắt đầu, vị trí top 1 vẫn chưa thể ngã ngũ lúc này nhưng với khách hàng một điều có thể chắc chắn là được nhà sản xuất quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng.

VN là một trong những nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, năm 2006 tổng sản lượng cà phê xuất khẩu đạt khoảng 800.000 tấn, giá trị xuất khẩu tăng khoảng 45% (kim ngạch xuất khẩu đạt 1,07 tỷ USD) – tăng 45% so với năm trước.

Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN cho biết thêm, so với cùng kỳ, giá xuất khẩu cà phê Robusta VN đã tăng khoảng 40%, vượt hơn 1.400 USD/tấn và sẽ còn tăng nhẹ. Với yếu tố thuận lợi này, trong năm 2007, dự báo xuất khẩu cà phê ước đạt 910.000 tấn, kim ngạch xấp xỉ 1,3 tỷ USD, tăng trên 7% về lượng và tăng 24% so với năm 2006.

Tập đoàn Nestle mỗi năm thu mua trung bình khoảng từ 20 25% sản lượng cà phê xuất khẩu của VN phục vụ cho việc sản xuất tại 15 nhà máy trên toàn thế giới.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng