​Mùa… canh trộm cà phê

Tây nguyên đang bước vào mùa thu hoạch cà phê. Những năm gần đây ngoài nỗi lo giá cả, mất mùa thì người nông dân phải chịu đựng một nỗi ám ảnh khác: trộm cà phê.

>> Biện pháp hạn chế nạn ăn cắp cà phê vào vụ thu hoạch

Ông Nguyễn Văn Toàn – nông dân trồng cà phê ở bên mép hồ thủy điện Plei Krông (xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà, Kon Tum) – nghẹn ngào khi đứng giữa những hàng cà phê vừa bị trộm vặt trụi: “Năm nào cũng thế, quần quật chăm tưới cả năm trời đến lúc bát cơm bưng kề miệng lại bị giật mất”.

trom ca phe
Chỉ sau một đêm, hàng chục gốc cà phê trĩu quả bị cắt trụi

“Chèo thuyền, đổ bộ, đánh tỉa”

Trước đây cà phê để chín rục, trái khô rơi xuống đất nhưng cũng chẳng bao giờ mất một trái. Còn bây giờ lơ là vài ba giờ là nếm trái đắng ngay! Thôi, miếng ăn của ai thì người nấy giữ. Anh em chúng tôi ở đây mất cà phê nhưng cũng chẳng dám báo công an vì sợ bị trả thù, đành hẹn nhau đêm ra rẫy nằm vậy

Chủ vườn NGUYỄN KHẮC HẢO

Nhưng ông Toàn với 20 gốc cà phê bị tuốt gọn chỉ sau một đêm chưa phải đã là hộ bị thiệt hại nặng nhất. Những ngày cuối tháng 10, các khu rẫy cà phê ở dọc hồ thủy điện Plei Krông như có động, người vào ra liên tục.

Các chủ rẫy ai cũng cắp dao sau lưng, đi lại giữa những hàng cà phê chỉ còn xơ xác thân cành mà lòng uất nghẹn. Trộm đến, người quen cũng hóa thành kẻ bị nghi ngờ, chẳng ai dám tin nhau trọn vẹn.

Tôi dừng xe trước lô cà phê của ông Nguyễn Khắc Hảo – thôn 2, thị trấn Đắk Hà (huyện Đắk Hà). Ông Hảo đang bực bội, mặt nóng bừng vì phát hiện hai hàng cà phê sát mép hồ chỉ còn trơ cành. “Chú ở đâu đến? Vô đây để làm gì?” – ông Hảo gằn giọng.

Tôi trả lời: “Cháu ở trên phố xuống, nghe chuyện bà con đang mất cà phê nhiều quá nên xuống đi coi thế nào”. “Vậy chú là công an à? Chú điều tra cho nhà tôi chứ cứ để năm nào cũng trộm thế này riết chịu sao nổi”.

Nghe tôi trả lời không phải công an, ông Hảo bỗng thở dài: “Cán bộ cũng có giúp được gì đâu, thấy năm nào cũng có người xuống. Nhưng cà phê vẫn cứ mất. Trộm cướp như rươi”.

Nhẩm tính sơ sơ chỉ riêng những nông trang cà phê nằm ở thôn 3, xã Hà Mòn (Đắk Hà) sát bên mép hồ thủy điện Plei Krông đã có gần chục hộ bị mất cà phê. Đối với những nông dân ở đây ngoài cây cà phê ra họ chẳng trông đợi vào nguồn sống nào khác.

Trộm vào vườn cà phê vặt trụi, cây cà phê đang trĩu quả bỗng đứng trơ xương dưới nắng khô hanh khiến người nông dân như cháy từng khúc ruột. Giá trị vật chất mấy cây cà phê chưa hẳn là lớn, nhưng trộm đã đánh vào thứ nhạy cảm nhất của người dân: miếng ăn hằng ngày.

“Giá cà phê bây giờ là 40.000 đồng/kg. Mỗi cây cà phê tươi ở đây được khoảng 30kg. Mỗi ký tươi bây giờ ít cũng gần chục ngàn đồng. Chỉ vài giờ vào vườn, chúng có thể hái được 40-50kg. Ở cái đất này chả có thứ gì kiếm tiền nhanh và dễ đến thế” – ông Hảo thở dài.

bao ve vuon ca phe
Những chủ vườn cà phê ở Đắk Hà tự tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ cà phê trước mùa thu hoạch – Ảnh: B.D.

Bà Nguyễn Thị Xoa – hộ có rẫy cà phê kế bên – thì lắc đầu: “Nhà nước vận động chúng tôi không được hái cà phê xanh, phải giữ thương hiệu cà phê Đắk Hà. Nhưng đợi cho cà phê chín mà cứ bị mất thế này, chúng tôi chịu không nổi”.

Những nông dân ở Đắk Hà nói từ khi hồ thủy điện Plei Krông ngập lên các thung lũng, tạo ra những hồ nước ngăn cách các nông trang cà phê thì trộm nhiều hẳn. Mặt hồ thủy điện ban đêm vào mùa cà phê không yên tĩnh, người đi đánh cá quần đảo ở hồ liên tục. Có người đánh cá thật, nhưng cũng có kẻ trà trộn vào đó để áp thuyền nhảy lên lô cà phê chôm chỉa.

Những lô cà phê mùa thu hoạch chín đỏ phủ khắp trải xuống sát mép hồ, kẻ trộm giả vờ kè thuyền vào bờ để thả lưới nhưng chỉ cần thấy không có người là bước lên bẻ cà phê ào ạt. Thấy ánh đèn nhấp nháy, bước chân giẫm thình thịch dưới mặt đất là ngay lập tức bơi thuyền ra xa, chủ rẫy biết có trộm nhưng đành đứng trên bờ nhìn ra bất lực.

Hái quả, bẻ cả thân cành

Chúng tôi đi qua những nông trang cà phê bạt ngàn ở xã Ngọc Wang, Hà Mòn, Đắk La, Ia Chim (tỉnh Kon Tum)… đâu cũng thấy cảnh người nông dân tập hợp thành từng nhóm ngồi uống nước chát giữa những lô cà phê, vừa bàn chuyện chống trộm.

trom be canh ca phe
Dùng kéo cắt luôn cành

Vườn ai nấy giữ

Hỏi tại sao nạn mất trộm cà phê năm nào cũng lặp lại, ông Lê Văn Lịnh – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai – cho biết rất khó giải quyết triệt để nạn trộm cắp cà phê ở các vườn rẫy người dân.

“Chúng tôi phối hợp với các đơn vị tuyên truyền, khuyến cáo người dân tăng cường canh gác bảo vệ mùa màng, chủ yếu vẫn là cà phê của ai thì người nấy giữ và việc tăng cường các biện pháp an ninh cũng chỉ góp phần hạn chế được phần nào. Các vườn rẫy của dân ở nơi ít người qua lại, người đi rẫy qua lại cũng có thể hái trộm được, các đối tượng trộm chuyên nghiệp thì có thể điều tra tìm ra được chứ người đi qua rồi thấy cà phê đẹp, hái cắp thì đúng là rất khó” – ông Lịnh nói.

Người trồng cà phê tại Ngọc Wang chẳng thể nào quên được câu chuyện xảy ra ở những mùa cà phê trước, đến mùa hái bỗng có tốp người bặm trợn từ đâu tới, tung dao đòi “nạp tiền bảo kê”.

Chủ vườn khóc trên rẫy cà phê, có người uất chịu không nổi liền đến xã báo công an, nhưng nhiều người cũng phải cắn răng nạp cà phê cho kẻ cướp.

“Hồi đó nhận được thông tin chúng tôi cử anh em xuống ngay, đúng là có nhóm người đòi cướp cà phê, đòi nạp cà phê tươi làm chi phí “bảo kê” thật nhưng chúng tôi muốn “hốt” trọn ổ nên hơi mất thời gian. Sau vụ đó, bốn năm đối tượng bị tóm gọn, rẫy cà phê bình yên trở lại” – một cán bộ Công an huyện Đắk Hà nhớ lại.

Ở Đắk Lắk thời điểm này rẫy cà phê lại là nơi “đêm vui hơn ngày”. Nhiều hộ có cà phê ở xa nhà phải đem chăn màn ra rẫy dựng lều thắp đèn canh trộm.

Trộm cà phê gây nhức nhối đến độ năm nào đầu mùa cà phê UBND tỉnh, công an tỉnh, sở nông nghiệp và chính quyền các xã cũng phải lên kế hoạch để đảm bảo an ninh trật tự, chống trộm cắp và ngăn chặn hái cà phê non.

Anh Nguyễn Thế Hùng – cán bộ nhà nước tại TP Buôn Ma Thuột – khi nghe bố gọi buồn bã trong điện thoại cũng phải xin cơ quan nghỉ phép để đưa con về nhà phụ bố canh vườn. Nhưng chỉ vài giờ sơ sẩy, vườn cà phê của nhà anh ở thôn 6, xã Ea Kpam (Cư M’Gar, Đắk Lắk) cũng bị trộm vào vặt tới 20 cây. Đau xót hơn, không chỉ mất quả mà cả cành, thân cây cà phê đang ở độ tuổi cho năng suất cao nhất cũng bị chặt trụi. Mất mát tăng lên gấp nhiều lần.

“Một cây cà phê phải mất 3-4 năm chăm bón mới cho quả. Trộm vào hái quả, bẻ cả thân cành thì cây cà phê coi như chết trắng” – anh Hùng chua xót.

Đêm ở rẫy cà phê của những nông dân như ông Toàn, ông Hảo, bà Xoa… một màu tối đen như mực. Chỉ cách vài bước chân mà người chẳng thấy mặt người. Những nông dân sốt ruột, nằm không ngủ được đành hẹn nhau ra rẫy cà phê ngồi rít thuốc.

Bên kia bờ hồ thủy điện, tiếng gõ be thuyền của người đánh cá nghe lộc cộc dưới mặt nước, tiếng chó sủa ở các ngôi làng thỉnh thoảng lại tru tréo lên, có lúc đuổi dồn rồi nhanh chóng mất hút. Chỉ còn những người nông dân đứng lặng lẽ canh trộm, canh vườn cà phê của mình trước những ngày thu hoạch.

Không thể tìm ra thủ phạm

Công an tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk hằng năm đều triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, chống trộm cắp trong thời điểm mùa thu hoạch cà phê của nông dân.

Tuy nhiên theo công an các tỉnh này, cà phê của người dân hầu hết nằm ở khu vực trống trải, ít người qua lại, các vụ trộm cắp diễn ra chủ yếu vào ban đêm nên rất khó cho công tác điều tra.

“Hầu hết đối tượng trộm chủ yếu là thanh niên, người dân đi làm rẫy rồi thấy cà phê thì hái trộm. Ngoài ra, do sợ bị trả thù, phá hoại vườn rẫy nên nhiều người khi bị mất cắp không báo lên chính quyền khiến công tác điều tra gặp khó khăn” – thiếu tá Đặng Minh Thắng, đội trưởng đội tổng hợp Công an huyện Đắk Hà (Kon Tum), nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Vỹ – phó trưởng Công an xã Ea Kpam (Cư M’Gar, Đắk Lắk) – cho hay đã nhận được nhiều tin báo mất trộm cà phê của dân, nhưng hầu hết rẫy cà phê bị mất đều nằm xa dân, hai ba ngày sau khi bị trộm người dân mới báo công an nên rất khó tìm ra thủ phạm.

>> Trộm cắp tràn lan, cà phê còn xanh cũng hái

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. dac ha

    chủ vườn đâu có nộp TÔ cho họ. Tích cực truy lùng, điều tra bắt thu tiền chạy, nếu chuyên nghiệp thì đóng như đóng hụi vậy, hoặc tầng phi vụ như Lâm tặc đóng cho giữ rừng vậy mà. Bắt để mà truy tố thì ko lợi cho mình mà con hại bị thù.Nên bà con đừng trông mong ji vào họ. Của ai người nấy giữ đi, lập tổ liên doanh liên kết lại thì kẻ trộm sẽ sợ thôi.

    1. Trịnh Thức Pleiku

      Làm bẫy chông dài độ 5 đến 10 cm, cắm bảng cảnh báo ở những nơi hay bị trộm và đầu vườn cho họ biết, trên măt đất cắm vài cái cho biết mình ko nói đùa. Bị 1 lần ko dám đến lần 2. Tui đã thử và thành công (thêm chữ rào có điện) mặc dù tui ko dám cắm điện.

  2. k duông

    Chúng ta cũng đừng sợ trả thù, cứ sợ hãi miết thì càng làm cho bọn trộm lộng hành thêm, bắt được cứ hội đồng cả làng dần cho một trận, đừng đánh vào đầu, cứ từ đầu gối trở xuống đánh cho què. Cởi hết quần áo trói lại dẫn đi khắp xóm làng cho quê. Trả thù thì trả thù sợ gì. Tôi bị măt 100 cây cà phê nên rất uất ức, có gia đình đó ăn cắp dữ lắm, đêm chúng có thể hái 2 đến 3 sào cà phê. Gia đình náy ăn cắp chuyên nghiệp cả làng đều sợ nhưng không ai bắt được. Báo chính quyền thì chính quyền kêu phải bắt được lúc đang ăn cắp… !

    Phản hồi bị xóa vì vi phạm nguyên tắc.

  3. k duông

    Đất nước ta ngày nay chưa bao giờ nạn trộm cắp hoành hành như bây giờ, mới đây tôi đi thành phố Sài gòn chứng kiến cảnh cướp giật ngay trước mắt. Một chị khoảng 50 tuổi đang nghe điện thoại, 2 thanh niên đi xe máy chạy tới giựt ngay điện thoại, làm bao nhiêu ngươi ngỡ ngàng chả ai kịp phản ứng chỉ đứng nhìn theo 2 tên cướp. Ở vùng quê còn may mắn hơn là không có cảnh cướp giựt như Sài gòn, chỉ mất cà phê về ban đêm thôi.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

89