Chủ nhà đang đói lả trên chính thủ phủ cà phê của mình

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, các DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đã chiếm lĩnh 50% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam, tương đương 600.000 tấn mỗi năm.

Xem thêm:  > Nhiều doanh nghiệp cà phê Tây Nguyên đang hấp hối

Doanh nghiệp cà phê
Theo UBND TP Buôn Ma Thuột hiện có tới 767 DN khó khăn do thiếu vốn; trong số đó, 110 DN xin tạm ngừng hoạt động từ 6 tháng tới một năm, 14 DN làm thủ tục phá sản. Ảnh minh họa

Điều đó đồng nghĩa với việc các DN FDI đang thống lĩnh thị trường nguyên liệu cà phê xuất khẩu tại Việt Nam. Riêng tại tỉnh Đắk Lắk, trong niên vụ 2010 – 2011, các DN này đã thu mua khoảng 200.000 tấn cà phê, chiếm 50% tổng sản lượng cà phê của cả tỉnh. Các DN FDI đang hưởng lợi hàng chục ngàn tỉ đồng từ các vùng nguyên liệu cà phê xuất khẩu do ngân sách Nhà nước và các DN Việt Nam đầu tư, xây dựng.

Góp thêm vị đắng cà phê, một “đại gia” cà phê ở Đắk Lắk từng được Hiệp hội Cà phê Thế giới xếp hạng là công ty xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất toàn cầu, có dấu hiệu trở thành con nợ lớn với mức nợ khó trả lên đến gần 2.000 tỉ đồng.

Theo chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, hiện ở nơi được xem là thủ phủ cà phê này, có tới 767 DN khó khăn do thiếu vốn; trong số đó, 110 DN xin tạm ngừng hoạt động từ 6 tháng tới một năm, 14 DN làm thủ tục phá sản. Như vậy, chẳng khác nào cảnh các ông chủ đang đói lả trên thủ phủ cà phê của chính mình.

Mổ xẻ nguyên nhân, ngoài chuyện muôn thuở là do DN nội địa thiếu vốn và chịu lãi suất cao, sâu xa vẫn là câu chuyện quản lý. Đây cũng là một chuyện dài nhiều tập, ai cũng biết nhưng không giải quyết rốt ráo. Để có vùng chuyên canh cà phê hơn nửa triệu hecta như ngày nay, Việt Nam đã phải đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, nghiên cứu khoa học…

Thế nhưng, vùng nguyên liệu đó lại đang được “mở cửa” để cho các DN FDI hưởng lợi. Nói như Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) – ông Lương Văn Tự – thì “thực chất, chúng ta đang làm cho người khác hưởng”! Về mặt pháp lý, Nghị định 23 không cho phép các DN nước ngoài được mở mạng lưới gom cà phê trực tiếp nhưng trên thực tế, do mạnh về vốn, lại thừa kinh nghiệm thương trường, thương nhân FDI chỉ cần nhích giá mua lên chút đỉnh đã dễ dàng đánh bật DN nội ra khỏi “sân chơi”. Dù vậy, đến nay vẫn chưa có chế tài để xử lý.

Không ít DN nội đã phải mua lại nguyên liệu cà phê của DN nước ngoài. Chưa kể, cách làm ăn manh mún, thiếu liên kết của DN nội cũng đang tự giết mình. Nhiều DN cà phê Việt Nam bán hàng theo hợp đồng giao sau và trừ lùi một mức nhất định theo giá sàn giao dịch London ở thời điểm giao hàng để có hợp đồng vay vốn ngân hàng. Và chuyện cứ bán trừ lùi rồi mua hàng giá cao khi thị trường biến động chốt giá không kịp, bị lỗ là tất yếu. Chi phí đầu vào cao hơn, trong khi giá bán lại thấp hơn, không thua lỗ mới là lạ!

Hiện Bộ NN-PTNT đang triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng và hình thành vùng nguyên liệu cà phê bền vững cho các DN trong nước. Bởi theo tính toán, nếu chương trình tái canh trên 135.000 ha cà phê không đem lại hiệu quả, sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ giảm sút trên 30% trong vài năm tới. Để làm được điều này, số vốn đầu tư lên tới hơn 10.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nếu không có biện pháp quản lý, chấn chỉnh tình trạng “ăn xổi”, nhiều người lo ngại rằng DN nước ngoài lại hưởng lợi từ khoản đầu tư đó.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. ng buôn gió

    Theo như bài báo các DN FDI đang ưởng lợi tới HÀNG CHỤC NGHÌN TỶ ĐỒNG. Vậy thì các DN chủ nhà bao nhiêu năm nay KD độc quyền đã HƯỞNG LỢI bao nhiêu và số tiền đó đi đâu mà để đến bây giờ lại thiếu trước hụt sau chứ? (như đại gia gì đó ở Đak Lak nợ tới 2.000 tỷ đồng)

  2. Trung Ngôn

    Việc có hàng chục, thậm chí hàng trăm DN làm ăn thua lỗ hoặc có khó khăn xin tạm ngừng hoạt động trên địa bàn BMT như ông Chủ tịch thành phố nói là chuyện bình thường trong cơ chế thị trường. Nhưng các báo trích dẫn, xào qua xào lại trở thành DN cà phê mới là chuyện đáng để nói.
    Hiện nay các DN thu mua cà phê là đầu mối trung gian giữa nhà nông và nhà chế biến xuất khẩu nội cũng như ngoại. Làm sao mà tầng nấc trung gian này biến mất một cách dễ dàng như vậy được.
    Việc đầu tư, hình thành vùng chuyên canh nguyên liệu phải có mặt của cả 4 nhà (nhà nước và nhà khoa học nữa) chứ 2 nhà (nhà nông và nhà DN) thì không thể ngồi chung một mâm được vì tầm nhìn hạn hẹp và quyền lợi của 2 nhà này vẫn còn mâu thuẫn nhau.

    1. Cafe con

      Tui đọc báo cũng thấy viết là ông Chủ tịch BMT nói là có 767 DN khó khăn do thiếu vốn chứ ông có nói 767 DN kinh doanh cà phê đâu. Ngay trong bài báo này trích dẫn lại theo tôi là cố lập lờ đánh lận khi gây nhầm lẫn giữa DN và DN cà phê giống như @Trung Ngôn đã có ý kiến.
      Bài báo này có nhan đề cũng hay nhỉ !

  3. V. Đ. Hùng

    Mình đi buôn, người ta cũng đi buôn. Mình lỗ cành hông, người ta lại thắng (theo bài báo).
    Minh ở trong nước, chi phí thấp; người ta đến từ bên ngoài chi phí cao: mình lỗ te tua, người ta lại thắng.
    Mình được bảo bọc bằng cơ chế, quan hệ; người ta chỉ cậy theo luật. Mình thua lỗ thí mạng, người ta thắng.
    Mình ở ngay trên địa bàn, được cả chính quyền và nhân dân ủng hộ từ trên xuống dưới; người ta nước ngoài, bị nghi ngại, bó tay đủ điều… Mình thua lỗ, người ta thắng.
    Mình ở nhà cao cửa rộng, đi đâu nhậu nhẹt sung sướng, tiền hô hậu ủng; người ta ở nhà thuê, chịu khó, biết làm: người ta thắng, mình thua.
    Mình cũng có thị trường như người ta, thậm chí to hơn; người ta cũng thế. Mình càng ngày càng mất thị trường vì thiếu uy tín; người ta không ráng không rướn, chỉ làm trong sức chịu đựng của mình: người ta thắng, mình thua lỗ.
    Mình nợ bảo hiểm, thuế tùm lum; người ta trễ một ngày bị đòi lên đòi xuống, bị phạt te tua… Mình thua lỗ, người ta thắng.
    Mình có bằng, có trình độ, ai cũng khoe rằng mình có bằng kinh tế, cử nhân, tiến sĩ này kia; họ chỉ là những nhà buôn… Mình thua lỗ, họ thắng.
    Vậy, mất tiền, thua lỗ của các công ty ta, nằm ở đâu?
    Sao báo chí lại có bài so sánh thiếu nhìn trước, không nhìn sau… như thế nhỉ?
    Tưởng mình rỡ ràng rồi, thì nên thôi chuyện Tấm Cám. Nay, còn quá hơn Tấm Cám.
    Nếu tôi là khách ngoại, chẳng cần ở xứ này làm gì. Làm ăn mất sướng, hôm nay người này chọc, ngày mai người kia chửi… cũng chỉ vì những ganh ghét, tị hiềm nhỏ nhoi; không dám nhìn mình, nhìn sự thực để sửa chữa mình.
    Xin các bạn hãy thử trả lời hay tìm phản biện cho những lập luận trên để thấy mình sai hay đúng.

    1. linhdukich

      Thấy hay không dám phản biện chỉ có suy nghĩ 01 điều : mình thấy các doanh nghiệp, các đại lý nhỏ trung gian của ta, chắt chiu, ăn chắc, mặc bền vẫn sống tốt, có thấy kêu la gì đâu.

  4. k dai

    Thua lỗ là chuyện bình thường, vì các doanh nghiệp không có kiểm toán hẳn hoi lên lời hay lỗ mỗi một tháng và một quý không nắm rõ, tới lúc vỡ nợ mới té ngữa ra. Tiền vay để mua cà phê cho lại không lo mua cà phê, lại mua xe con đi, mỗi lần đổ xăng mấy triệu bạc lại cứ móc tiền vốn ra chi trả tới lúc nào đó rồi phá sản. Điệp khúc thành lập rồi phá sản là chuyện như cơm bữa không xa lạ gì.

  5. hoa hoa hoa

    Như bài viết kia thì DN nội làm ăn thua lỗ là do có các DN nước ngoài nhảy vào?
    Tôi nghĩ cũng may có các DN nước ngoài nhảy vào mà người dân trồng cà đỡ bị ép giá.

  6. Tư Cà Nam Đà

    Thời điểm này Chính phủ đang trong giai đoạn tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước nếu đã phát hiện những đứa con này hư hỏng nhiều năm rồi, nay không thể bao bọc, bảo kê nó nữa mà cho nó chết đi cho rồi không kêu ca gì hết. Chính phủ hãy bảo vệ lợi ích của người dân và uy tín của hạt cà phê VN trên thị trường thế giới, bằng cách loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn yếu kém nợ lương, nợ thuế lâu năm … Tạo điều kiện cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính có hiệu quả (không kể DN nội hay DN ngoại), khi DN và người dân trên địa bàn làm ăn khá giả thì mới có sức chung tay cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới huy hoàng hơn. Nếu dân giầu thì nước mạnh, nước không mạnh là do luôn bao, bọc bảo kê cho các DN dỏm.

  7. BienHo

    Khi làm ăn thua lổ hay thất bại điều gì quý quan chức của ta hay tìm cách đổi thành họ Đổ, tìm nguyên nhân để đổ lỗi, để chạy trốn trách nhiệm . Nóng nhất hiện nay là các ông Lớn như VBMT, INEXIM… làm ăn thua lổ lớn, tương tự như EVN đổ lỗi trong vụ Thủy Điện Sông Tranh 2.
    Ko lẻ lại thừa nhận sai trong quản lý, thừa nhận tham nhũng tùm lum từ trên xuông… Cách hay nhất là đổ do các Doanh nghiệp nước ngoài là dễ dàng nhất, có vẻ hợp lý nhất.
    Chỉ cần bỏ ra ít tiền thuê mấy anh bồi bút viết là xong, hy vọng đánh động nhà nước để giải cứu. Ui cha, xưa như hạt cà phê quý ngài ơi !
    Nông dân chúng tôi chả ai thiết tha với các ngài đâu, thời làm mưa làm gió quý vị qua rồi, làm ăn như thế phá sản là tất yếu thôi.
    Chúng tôi đề nghị đưa các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lổ ra xét xử, quy rõ trách nhiệh vật chất rõ ràng, đừng huề cả làng, làm như thế tội cho hạt cà phê chúng tôi quá.

  8. Tèo

    Mình có cả 1 công thức soạn sẵn trên Excel chỉ việc bỏ giá mua và giá bán vào là biết ngay lời hay lỗ. Để biết kinh doanh cà phê “dễ hay khó”

    Đê bữa nào mình rảnh mình break down nó ra cho bà con “cười sảng khoái” 1 bữa.

    Dễ là nhìn vào hiểu liền, khó là… tiền lấy về làm gì để có… tiền, cái đó mới khó. Cái này thì doanh nghiệp ngoại thua doanh nghiệp nội chắc luôn.

    Ha ha ha, đọc bài báo mà cười đau cả bụng.

  9. Hồ BẠT TỤY

    Tôi cũng đồng quan điểm với bạn V.Đ.Hùng. Bạn viết quá chính xác, không có gì phải bàn nữa cả.
    Đó là quy luật. Cám ơn bạn đã nói thay chúng tôi.

  10. Thuận Hòa

    V.Đ.Hùng viết rất sâu sắc và thâm thúy. Người ta là nhà buôn còn mình thì bằng cấp cử nhân tiến sĩ… mà lỗ thì hóa ra bằng mình là bằng mua chắc chắn rồi. Hay bằng của mình chỉ tương đương với các nhà buôn nhỏ lẻ của NN? Quả thực chúng ta cần phải cố gắng tự kiểm điểm lại chính bản thân mình đã làm- chưa làm và sẽ làm được những gì cho ngành cafe Việt Nam. Xét cho cùng các doanh nghiệp kinh doanh lâu nay báo lỗ nhưng tài sản của các nhà quản lý doanh nghiệp họ có bị sạt nghiệp hay vẫn nảy nở ra nhỉ? Cái này mà nhà nước làm nghiêm kiểm tra kỹ lưỡng thì chắc chắn việc báo lỗ nó nằm trong két sắt ở nhà của các vị quản lý hết rồi. Việc vùng nguyên liệu của ông Lương Văn Tự đã nói là ở đâu chứ tại Di Linh- Lâm Đồng mình chỉ thấy bà con nông dân bỏ tiền của mồ hôi ra chứ chưa hề có một doanh nghiệp nào hỗ trợ ngay từ trứng nước cả? Có ai biết chỉ giùm với?

  11. Văn Thành

    Tháng trước tui có đọc một bài báo, không nhớ rõ tác giả nhưng chắc nhiều người cũng có đọc : dù cho nông dân bây giờ quyết găm càphê để thắt chặt nguồn cung nhưng các DNXK không đáng lo ngại, bởi vì : bây giờ họ đã tỉnh táo và rút được kinh nghiệm các niên vụ trước, họ không ký hợp đồng giao xa nữa mà thay vào đó là mua đứt bán đoạn . Thử hỏi, họ chặt chẽ như thế mà cứ kêu lỗ là sao? Bây giờ hội nhập rồi mà không chịu đổi mới, khó khăn một tí là kêu la ầm ỉ, chuyển sang họ “đỗ” hết. Người dân khó khăn gian khổ kêu có ai chịu nghe đâu cho nên phải tự bảo vệ mình bằng nhiều cách để tồn tại cùng với cây cà phê.

    1. Cafe đen

      Bài báo phỏng vấn các sếp của Hội cà phê Vicofa đó. Các sếp cũng nói do trước đây bán trước mua sau nên có một số doanh nghiệp thua lỗ nhưng số đó ít thôi, nay rút kinh nghiệm rồi.
      Tìm mấy bài báo đó trên trang Y5 này chứ đâu.

  12. tieuphong

    Các sếp của mình chẳng ai kém cả, dở thế nào được trong khi các sếp ai cũng có nhà lầu, xe hơi. Theo tôi các sếp đều bị một loại bịnh mà làm ăn hơi trở ngại một tí là căn bịnh ấy lại phát ra, đó là bịnh…THAN!

  13. trương nhat quang

    Tại sao các công ty nhà nước thua lỗ trên nhiều diễn đàn đã nói : đó là không có chủ mà cũng là của những ông chủ là các ông “giám đốc các công ty” khi lãi thì các ông chủ hưởng lỗ thì “nhà nước” chịu. Các ông chủ ra sức xà xẻo thì làm sao mà không lỗ. Tôi có biết một ông giám đốc công ty XNK cà phê mà có nhà cửa ở bên Úc, con cái đi du học, nhà có cả gần trăm ha cà phê … Tiền ở đâu mà ra? Khi nhà nước bù lãi suất thu mua cà phê trong kho không có mấy cà phê nhưng vẫn được xác nhận với số lượng gấp nhiều lần để moi tiền nhà nước chia nhau…

    1. Tâm cafe

      Xã hội mình bây giờ không cùng tiếp tay nhau ăn cắp tiền nhà nước mới là chuyện lạ. Có người còn bảo không ăn cắp của nhà nước là có tội nữa. Bó tay cho loại tư tưởng này!

  14. Thâm Tâm

    Đọc bài này thấy tức cười, tầm nhìn của người viết là tầm nhìn của những năm 60 của thế kỷ trước!
    Cứ thấy người ta làm ăn được là gen ăn tức ở, bài xích, cứ phát ngôn vô tư mà chẳng dựa vào một căn cứ khách quan nào cả.
    Luật chơi là luật chơi chung, vậy mà người ta thắng còn mình thì cứ lỗ chổng mông, đã dỡ còn không biết tự trọng, còn bô bô… đúng là hết thuốc.
    Nói một cách hình ảnh là một thằng không ra gì, học dỡ, giỏi ăn chơi, hưởng thụ, thu vén, biển thủ, giỏi phù phép tiền dân tiền nước vào túi riêng của mình… nhưng thấy người khác kiếm tiền nhiều hơn mình thì mất ăn mất ngủ, đổ bịnh nặng vì tiếc của…
    Sao không thấy nhà nông nào chửi thằng nước ngoài vậy cà? Tui cũng là nhà nông, tui không hiểu biết nhiều, nhưng tui thấy cái mầm họa của nền kinh tế VN chính là cái tư tưởng giống như tư tưởng của tác giả bài báo này.

  15. daklak

    Đồng ý là các DN nước ngoài có vốn nhiều hơn nhưng đâu có nghĩa họ bỏ tiền ra nhiều hơn mà không thu lợi nhuận đâu? chắc chắn đi buôn là tính đến lợi nhuân rồi, trong khi các DN nước ngoài họ nâng giá lên hơn chút và con đường vận chuyển xa hơn một chút vậy họ có lời không?

  16. vâns quang hiêp

    Bài của a hùng viết rất đúng ý của bà con ta. Phải chăng chính phủ ta đã quá ưu đãi với các ông lớn nên tài của mấy ông thì không thống kê hết còn doanh nghiệp càng ngày càng thua lỗ. Đó là cách làm ăn của người Việt Nam

  17. Chú cuội

    Các Bác trên diễn đàn rất sôi nổi, nếu các bác là chuyên viên kiểm toán nhà nước, kiểm toán ở các đơn vị cà phê kinh doanh nhà nước không lỗ mới là chuyện lạ…? Tôi nói không cực đoan đâu, doanh nghiệp nhà nước lúc nào cũng chi phí cao cho bộ máy hoạt động của mình, giá cà sau thu hoạch mấy tháng nay vẫn nằm im và lãi suất vẫn cứ phải trả… chỉ có nhà nước là thiệt hại thôi, doanh nghiệp nào lỗ thì thay Giám đốc khác là …ổn

Tin đã đăng

Tin mới nhất

93