Giá cà phê Indonesia cao hơn giá thế giới lần đầu tiên trong 10 tháng

Giá cà phê robusta của Indonesia và Việt Nam thường ở mức trừ lùi so với giá cà phê tại London, nhưng nay cà phê của Indonesia đã có giá cộng 20 USD bởi cung yếu.

Giá cà phê robusta của Indonesia được chào bán với giá cộng so với thị trường London trong tuần này (tuần thứ 16) – lần đầu tiên kể từ tháng 6/2010 bởi nguồn cung thắt chặt do mưa hồi đầu năm nay làm giảm chất lượng hạt.

Các thương nhân cho biết, giá cà phê sẽ tiếp tục cao hơn giá tại London trong vài tháng tới.

Tuần này, giá cà phê nhân robusta loại 4, 80 lỗi của Indonesia được chào bán với giá cộng 20 USD/tấn so với giá kỳ hạn tháng 7 tại London, giao trong giai đoạn tháng 5 hoặc tháng 6, tức là 2.499 USD/tấn, FOB, cảng Lampung ở đảo Sumatra.

Hồi cuối tháng 3, giá cà phê Indonesia có giá trừ lùi 50 – 70 USD/tấn so với kỳ hạn tháng 7 tại London.

Trên thị trường hàng hóa kỳ hạn London (Liffe), giá cà phê giao tháng 7 đóng cửa phiên 14/4 giảm 31 USD xuống còn 2.469 USD/tấn do hoạt động chốt lời. Trong năm nay, giá cà phê robusta thế giới đã tăng 17% bởi cung yếu.

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) ước tính, dự trữ cà phê ở các nước sản xuất quan trọng đầu vụ 2010/11 đã ở mức thấp nhất kể từ năm 1965.

Các nhà xuất khẩu Indonesia tin tưởng, giá cà phê robusta sẽ tiếp tục đạt giá cao hơn giá thế giới ít nhất là đến cuối vụ bởi vụ này sản lượng rất thấp. Nhưng khả năng giá sẽ trừ lùi cũng xảy ra nếu giá tại London tăng lên mức 2.500 – 2.600 USD/tấn.

Giữa tháng 6 năm ngoái, giá cà phê robusta của Indonesia giao dịch ở mức cộng 10 – 50 USD/tấn so với giá kỳ hạn tại London do mưa khiến vụ thu hoạch của họ phải trì hoãn từ tháng 3 đến tận tháng 6, làm thắt chặt nguồn cung.

Cung yếu trong năm ngoái đã buộc các nhà xuất khẩu Indonesia phải dự trữ 120.000 tấn cho đến tận năm nay, và vừa đẩy ra nước ngoài vào tháng 3 do giá tăng, kết quả là Indonesia có lượng cà phê xuất khẩu tăng gấp 3 lần trong tháng trước, đạt 29.391,88 tấn.

Vụ thu hoạch cà phê ở Indonesia thường bắt đầu từ tháng 3 hoặc tháng 4, nhưng nông dân đã hái sớm những quả chín từ hồi tháng 1 do hoa ra sớm hơn ở một số vùng từ vụ trước. Vụ năm ngoái, Indonesia kết thúc vào tháng 8.

Cà phê robusta của Indonesia thường được trồng ở vùng Lampung, Bengkulu và các tỉnh phía nam đảo Sumatra – chiếm 85% tổng sản lượng cả nước. 15% còn lại là cà phê arabica. Indonesia còn nổi tiếng với loại cà phê chồn đắt đỏ.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. quan tam

    Xem bài viết này chúng tôi rất phục người Inđô bởi tính dân tộc cao cả, giá mà VN ta cũng vậy nhỉ! Động đất sóng thần vừa qua ở Nhật Bản đã làm cho nhân loại thế giới đầy thán phục về tính kiên cường của họ. Ta thì sao đây? Hãy vươn xa tầm nhìn để học hỏi nhiều hơn, chứ cứ luẩn quẩn tầm nhìn hạn hẹp còn rất rất lâu nữa mới khá lên được đúng không bà còn dân mình nhỉ.

  2. phuceadar

    Nếu so về trình độ canh tác của người dân Indo ko bằng Việt Nam ta. Nhưng họ có những nhà buôn kinh doanh có lương tâm ! Họ biết nâng cao giá trị của hạt cà phê và luôn đồng hành với nông dân, chứ ko như nhà buôn ta luôn canh me sự thiếu thông tin, nhẹ dạ của nhà nông để mà trục lợi, khi cảm thấy khó ăn rồi thì chuyển qua cướp cạn , mà pháp luật cũng bó tay ?

    1. Cafe chim

      Không phải nhà buôn nào cũng như phuceadar nói đâu. Ở ta cũng có nhà buôn kinh doanh có lương tâm đấy chứ! nhưng tiếc là số đó cũng còn quá ít vì thế đã làm mất niềm tin trong nông dân.
      Buôn có bạn bán có phường, vậy thì nhà buôn không thể làm bạn hay không phải là bạn của nông dân hay sao? cả hai đều là một mắc xích trong cùng một chuỗi xích mà đúng không các bác. Chỉ mong sao chúng ta cùng tựa lưng vào nhau để mà sống các bác ạ.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

88