Vụ “xù nợ” ở Gia Lai: Lộ mặt “Giám đốc lừa đảo”

Như thông tin chúng tôi đã đưa tin, nhiều ngày qua, ở huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai nhiều hộ nông dân trên địa bàn phải “dở khóc, dở cười” bởi một doanh nghiệp đã “xù nợ” hơn 20 tỷ đồng rồi bỏ trốn. Khiến cho người dân trong cảnh bần cùng, mất hết vốn liếng, nợ nần chồng chất.

Công Ty Khang Ngần
Một cơ sở thu mua của công ty Khang Ngần

Công ty TNHH MTV Khang Ngần có trụ sở đặt tại thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) do ông Nguyễn Văn Khang làm giám đốc, với phương thức kinh doanh thu mua, ký gửi sản phẩm các mặt hàng nông sản như: cà phê, tiêu, điều, mì, bắp của người dân sau thu hoạch, chờ lúc giá cao rồi chốt giá, nhiều hộ gia đình trong huyện Đức Cơ đã gửi nhiều lô hàng có trị giá hàng tỷ đồng và một số ngân hàng ở đây cũng là nạn nhân của công ty TNHH MTV Khang Ngần với số tiền lớn, thế nhưng ngày 09/3 vừa qua ông giám đốc Khang đã “xù nợ” rồi bỏ trốn khiến cho ngời dân nơi đây phải trong cảnh bần cùng, nợ nần chồng chất.

Trắng tay nợ vẫn chồng chất

Trong nỗi hoang mang, lo lắng tột độ, gia đình lục đục, vợ rầy la vì bị trắng tay, sợ rằng rồi đây lại lâm vào cái cảnh không nương rẫy lấy gì mà mưu sinh và nuôi các con ăn học. Anh Nguyễn Ngọc Tuyển (SN 1974), trú tại thôn Thống Nhất, xã Ia Din (huyện Đức Cơ) hiện đang đối mặt với nguy cơ mất vườn cà phê do không có tiền trả nợ ngân hàng.

Lấy nhau từ hai bàn tay trắng, gặp rất nhiều khó khăn, phải làm thuê làm mướn từng ngày. Qua nhiều năm tích lũy và vay mượn người thân, vợ chồng anh mua được 3 héc ta đất rẫy để trồng cà phê. Có đất, không vốn đầu tư, vợ chồng anh đã quyết định thế chấp rẫy cà phê cho Ngân hàng NN &PTNT huyện Đức Cơ để vay 80 triệu đồng. Sau một thời gian vất vả làm lụng, vụ mùa này vợ chồng anh thu hoạch được 5 tấn cà phê vỏ. Sợ để cà phê ở nhà dần dần sẽ bán hết không có tiền trả nợ, qua quen biết, anh Tuyển đem 5 tấn cà phê đến công ty TNHH MTV Khang Ngần ký gửi chờ giá cả lên cao sẽ cắt giá lấy tiền trả nợ ngân hàng. Ai ngờ, vào đầu tháng 3- 2011, thấy giá cà phê lên cao (23.000 đồng/kg cà phê vỏ), anh quyết định đến công ty cắt giá cà phê để lấy tiền về trả nợ cho ngân hàng thì được ông Nguyễn Văn Khang giám đốc công ty hẹn 5 ngày sau đến lấy, nhưng chỉ hai ngày sau ông Khang đã “bỏ trốn”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Tuyển cho biết: Nghe người dân kháo nhau là công ty Khang Ngần “bể nợ” và ông Khang giám đốc công ty đã bỏ trốn, tôi đến công ty thì thấy công ty của ông Khang đóng cửa, gọi điện thoại không được, máy đã bị tắt. Giờ tôi lo quá, không biết lấy đâu ra tiền trả nợ ngân hàng đây. Giờ chỉ biết trông chờ vào cơ quan công an giúp để làm sao mà tôi lấy lại tiền chứ không chỉ có nước “chết”.

Nông dân gia Lai
Anh Tuyển (ngoài cùng bên trái) cùng ông Mai đang tường trình sự việc.

Cùng chung “số phận” như anh Tuyển, ông Lê Đình Mai, trú cùng xã Ia Din (Đức Cơ) cũng vậy vụ mùa vừa qua gia đình ông thu được hơn 6 tấn cà phê vỏ. Như nhiều người dân khác trên địa bàn ông đem đến ký gửi vào công ty TNHH MTV Khang Ngần, chờ giá cao sẽ cắt. Ngày 7- 3- 2011 anh đến để cắt giá nhưng với “chiêu bài” cũ, ông Khang giám đốc hẹn 5 ngày sau đến lấy tiền. Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày (tức ngày 9-3-2011) ông Khang đã bỏ đi đâu không rõ, tất cả điện thoại đều không liên lạc được. Lo sợ, ông Mai đã làm đơn trình báo và nhờ Công an huyện Đức Cơ can thiệp để mong lấy lại được số tiền trên trả nợ.

Ông Mai cũng cho chúng tôi biết: Hiện tại gia đình ông rất là khó khăn. Do không có đất, ông phải thuê đất người khác để trồng cà phê với mức khoán 4 tấn cà phê vỏ mỗi năm. Để có tiền đầu tư, ông đã phải thế chấp nhà vay ngân hàng 100 triệu đồng để mua phân bón, thuê lao động, hy vọng sau khi thu hoạch sẽ có tiền trả nợ. Giờ lâm vào tình cảnh này, ông không biết phải làm thế nào. Nợ ngân hàng đã đến hạn phải trả, nếu không lấy được tiền, khả năng ông sẽ bị mất nhà.

Đó chỉ là hai trường hợp mà chúng tôi được tiếp xúc, như theo người dân nơi đây thì còn nhiều lắm những hộ nông dân trên địa bàn cùng chung số phận như anh Tuyển và ông Mai.

Lộ rõ chân tướng “ kẻ lừa đảo”.

Theo như người dân nơi đây kể lại: Ông Nguyễn Văn Khang, sinh năm 1958 quê ở Hải Phòng vào Gia Lai làm ăn từ năm 1987. Năm 2006, ông Khang mở đại lý thu mua nông sản và mua bán phân bón, thuốc trừ sâu. Thấy việc kinh doanh thuận lợi, năm 2008, ông Khang thành lập Công ty TNHH MTV Khang Ngần, do ông làm giám đốc, có trụ sở đặt tại đường Kpăh Klơng, thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ). Với ngành nghề kinh doanh là thu mua cà phê, điều, tiêu, mỳ, hàng nông sản. Từ chỗ quen biết, qua lại mua phân bón nên người dân đã tin tưởng ký gửi cà phê thu hoạch cho công ty ông Khang để chờ giá cao cắt giá, ngờ đâu…

Qua xác minh, không chỉ việc nông dân ký gửi cà phê bị ông giám đốc Khang “xù” mà có người do quen biết, tin tưởng đã đem tài sản của mình thế chấp ngân hàng để bảo lãnh cho ông Khang vay tiền, như trường hợp của ông Hồ Vĩnh Xuyên, trú tại thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ). Trong quan hệ mua bán làm ăn, ông Xuyên đã quen biết và thân thiết với ông Khang. Cuối năm 2009, vì thiếu vốn làm ăn, ông Khang đã hỏi vay ông Xuyên một số tiền. Do không có tiền và tin tưởng ông Khang, ông Xuyên đã thế chấp ngôi nhà của mình đang ở để bảo lãnh cho ông Khang vay 200 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đức Cơ. Đến thời điểm đáo hạn ngày 31-12- 2010, ông Xuyên yêu cầu ông Khang trả nợ ngân hàng để lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trả lại cho ông. Thế nhưng, ông Khang đã phớt lờ và tự ý gia hạn nợ với ngân hàng mà không cho ông biết.

Khó xử hơn, ông đã rủ em trai mình là anh Hồ Vĩnh Hiếu ký gửi gần 10 tấn cà phê vỏ tại công ty Khang Ngần. Đầu tháng 3, vợ chồng anh Hiếu thấy công ty Khang Ngần có vẻ nghi vấn đến cắt giá nhưng ông Khang đã không chịu, phải dùng áp lực mạnh ông Khang mới đồng ý cắt nhưng không đưa tiền (số tiền hơn 200 triệu đồng), rồi viết giấy tay vay lại số tiền đó hẹn vài ngày sau trả. Đến hẹn ông Khang không trả mà cứ hẹn lần, hẹn lữa. Lần cuối cùng, ông Khang hẹn đến ngày 10-3-2011 sẽ trả, nhưng ngày 9-3, ông Khang đã biến mất.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trần Trọng Sơn, Phó trưởng Công an huyện Đức Cơ cho biết: Từ ngày vợ chồng ông Khang bỏ đi (9-3-2011), nhiều người dân đã gửi đơn, điện thoại tố giác vợ chồng ông Khang có hành vi chiếm đoạt tài sản với số tiền từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty TNHH MTV Khanh Ngần còn huy động vốn từ hai ngân hàng trên địa bàn huyện với số tiền gần 3 tỷ đồng. Hiện tại, chúng tôi đang thu thập chứng cứ để có hướng xử lý.

Năm nào cũng vậy, biết bao vụ vỡ nợ đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai, những tưởng người dân đã đúc rút được những bài học xương máu ấy, ai ngờ vẫn nhẹ dạ cả tin. Vụ vỡ nợ ở Đức Cơ một lần nữa rung lên hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người phải luôn cảnh giác, coi chừng dẫn đến trắng tay như bao người dân nơi đây.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Lê Anh Đồng

    Được mùa, được giá, tham, cuối cùng thua thằng lừa đảo. Đúng là nhẹ giạ cả tin. Chuyện xẩy ra liên tục đã mấy năm nay rồi, thế mà người dân cũng không rút kinh nghiệm. Bây giờ chỉ có kêu trời sao mình ngu thế…

  2. tran sung

    Ở chổ tôi đại lí thu mua huy động vốn với lãi suất 3%/tháng nghe ham thật nhưng ớn quá “Tham thì thâm” mà phải không bà con.

  3. Hồ Điệp

    Những việc tương tự thế này diễn ra nhiều rồi mà sao vẫn còn người cả tin vậy, bài vở cũ mèm mà vẫn được nhiều người mắc bẫy. Tôi ở Daklak cũng đang nghe 1 vụ (còn đang trong vòng nghi vấn), mà nếu là sự thật thì sẽ có khối người vỡ mật vì quy mô của nó, đến tận 18.000 tấn cafe bị xù đó bạn. Khiếp quá!!! Tôi mà có cafe thì làm sao nhỉ??? Đừng tin bất cứ ai …

    1. Đakdoa

      @Hồ Điệp
      Vấn đề bạn nói thì ko riêng ở chổ bạn đâu mà tất cả các khu vực ở có cà phê.
      Do tâm lý của nông dân là trữ cà phê ở nhà thì ko có kho lưu trữ và ko an toàn và bị hao hụt trong quá trình bảo quản. Chính vì lý do này mà tất cả các bà con đều mang cà phê lên các đại lý gửi và cắt giá theo thời điểm.
      Nhưng mà bà con ko biết được cà phê mà bà con ký gửi đã bị các đại lý xuất đi ngay khi họ cảm thấy được giá. Theo cách này thì Đại lý sẽ gặp 2 trường hợp
      1 – Giá xuống theo thời gian thì đại lý sẽ hốt bạc và giàu lên 1 cách bất thường trong khi bà con thì ngày càng khốn đốn.
      2 – Giá lên theo thời gian như hiện nay thì các đại lý sẽ vỡ nợ vì thua lỗ trong khoản bù trừ giá quá lớn.
      VD : tết âm lịch : 40.200 Đ/kg Hiện nay : 47.200 Đ/kg (Đại lý lỗ : 7 Tr/Tấn).
      10 hộ nông dân (10 tấn/hộ) khoản lỗ : 700tr –> Đại lý vỡ nợ và xảy ra xù nợ
      Sự thật là khi bà con gửi cà phê ở đại lý là : giống như cầm lưỡi dao và đại lý cầm cán.
      Hiện nay thì vấn đề lừa đảo tài chính đang núp bóng dưới các doanh nghiệp thu mua cà phê. nhưng bà con lại không nhận ra rằng khi bà con gửi cà phê đồng nghĩa là bỏ con giữa chợ

      1. anhchangnongdan

        bác nói đúng, kiểu kí gửi cafe kiểu này thì hên xui quá! người nông dân cần có 1 tầm nhìn, chứ không chỉ biết chăm chỉ làm rồi lại cho thằng lừa đảo. thiết nghỉ hiệp hội nông dân ở đâu, cần phải có 1 tổ chức do chính người nông dân lập ra để bảo vệ quyền lợi cho chính họ.

  4. Bực

    Nhà mình gửi CTy -DN nhà nước rồi thì chẳng lo gì cả. Nhưng đọc bài này thấy tội nhiệp cho họ những người chân lấm tay bùn 1 nắng 2 sương bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Thành quả của mình bị những kẻ vô lương tâm ,vô đạo đức cướp mất. Nhà nước nên có luật trừng trị bọn này đích đáng để làm gương cho kẻ khác đang có ý định lừa gạt ,cướp bóc sức lao động của người dân.
    Ở diễn đàn này đa số là nông dân, chúng ta nên dùng cho nhau những ngôn từ tình cảm và lịch thiệp. Chắc tran sung và lê anh đồng ko phải là nông dân… ko an ủi họ thì thôi còn chửi người ta làm gì cho phải tội?. Có chửi thì chửi những thằng đại lý ăn cướp của dân ý , thằng tồn tại thì cướp caí ngọn, thằng chạy làng thì cướp cả gốc. Đúng là 1 lũ vô đạo đức.
    Người ta gửi cà cho đại lý ko phải vì” tham”, tham là tham thế nào ? gửi vào kho họ rồi bị họ ép giá thì có. Để ở nhà bao giờ cũng bán được giá cao hơn cà gửi ở cùng thời điểm. Nhưng có một điều là để ở nhà an ninh ko đảm bảo dể bị mất trộm. Chổ tui năm ngoái có nhà để cà ở nhà bị trộm nó lấy hết , nên gửi cho chắc ăn. Có người cũng gửi vào kho bị chạy làng như trên , nên chả biết đâu mà lần, đành chấp nhận may nhờ rủi chịu vậy thôi !

  5. hoang long

    Đa số những người này rất là khôn ngoan, cái khôn của họ có hại cho người khác chỉ có lợi cho chính họ vì họ được đào tạo từ hồi hợp tác xã phải lừa gạt mới tồn tại.

  6. ngvanthuan

    Ai cũng vậy thôi , ngọt là tin hết , huống hồ gì mình là người nông dân , lương thiện thật thà , lũ lừa đão đó phải tử hình nó

  7. cuop_007

    Nông dân bị lừa thì xót thật, không biết trong số các bác có ai là người đồng bào không? ở chỗ em đa phần những gia đình người đồng bào Ê ĐÊ cứ thu cà phê xong là phải gửi đại lí nếu đẻ ở nhà thì cứ mạnh ai thì người đó bán và chỉ trong một thời gian ngắn là hết ngay. Tuy nhiên có đại lí thì “xù” được, có dại lí không dám “xù” vì khi họ tập trung chở từ vài cái xe càng đến vài chục cái ở đại lí với dao phát sáng lòa, mặt đầy sắc khí , tập trung mấy ngày thì các đại lí run tay phải trả họ để còn mua bán. Thật đáng mặt anh hùng, chúng ta lên học hỏi tinh thần tổ chức và đoàn kết của họ.
    Còn đây là tinh thần trách nhiệm và tính minh bạch của cơ quan nhà nước “… Đến thời điểm đáo hạn ngày 31-12- 2010, ông Xuyên yêu cầu ông Khang trả nợ ngân hàng để lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trả lại cho ông. Thế nhưng, ông Khang đã phớt lờ và Tự Ý gia hạn nợ với ngân hàng mà không cho ông biết.” Tại sao thế? ông Khang “tự ý” gia hạn là sao? vậy có thể nói: Ông Khang có “đủ phép màu” một cách hợp pháp để tự ý ra hạn với ngân hàng, hoặc ông Khang…

  8. omem2207

    Thật tội nghiệp cho những người bị lừa gạt,ở Đăk Mil (Đăk Nông) cũng vậy có một doanh nghiệp phá sản, người dân mất hằng trăm tấn mà có đòi được đâu còn chủ nợ thì chuyển tài khoản cho anh em của mình mua đất, mua rãy, Thật là buồn nhưng ở đâu cũng vậy thôi, tham thì thâm mà biết cho mình chứ chẳng nghĩ cho người khác.

  9. tran sung

    Bạn Bực lầm rồi tôi là nông dân thứ thiệt tôi cũng hiểu nhưng khó khăn mà người nông ân đang đối mặt. Bạn nên đọc kỷ phản hồi của tôi rồi hãy nói chứ đừng hồ đồ như vậy….

  10. Đặng Nghĩa

    Mình ở cái huyện nhỏ nhỏ mà năm nào cũng nghe có vụ vỡ nợ liên quan đến đại lý thu mua nông sản. khiếp! Có nhà mất vài trăm triệu như không! Quen biết mỗi người góp một vài trăm ngàn đến hỏi thăm, động viên. Tội! Có ai có cách nào giúp người nông dân thoát được cảnh này không nhỉ?

    1. Hoài Bão

      Bạn à, mình ko biết bạn ở đâu. Đúng là làm ra hạt cafe một nắng hai sương mà bị ăn giựt thì đau đớn lắm. Theo tôi nếu mọi người cố được thì xây tạm cái kho mà cất, ở Daklak mọi người có thể mang đến gửi ở Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC), gửi ở đó yêu cầu bạn một làm số thủ tục hồ sơ nhưng ko rườm rà lắm đâu và tài sản của bạn còn được mua bảo hiểm, nói chung là rất an toàn. Sau này nếu bán được ở đó luôn thì bán còn ko mình lấy cafe ra mang bán chỗ khác. Tôi có thể tư vấn cho mọi người việc này.

  11. Minhbd

    Trong thời điểm giá cả nhiều biến động như thế này, giải pháp ký gửi cà phê cho các Công ty Nhà nước là tối ưu nhất. Nhà máy chế biến cà phê của chúng tôi tại xã Bàu Cạn, Chư Prông, Gia Lai luôn là địa chỉ tin cậy cho bà con. Mong rằng bà con phải tính kỹ trước khi có quyết định cho gia đình trong việc ký gửi cà phê.

  12. HỒ XUÂN HƯƠNG

    Thân chào bà con nông dân chúng mình, đúng là có câu “bụng cứ rốn, hay đồng tiền liền khúc ruột”. Vậy mà bà con mình cứ bị cái khó nó bó cái khôn, làm lụng vất vả cả năm tới mùa thu hoạch lo canh trộm ngoài vườn đến mất ăn mất ngủ thế mà thu xong lại mang vào nhà người khác gửi, nhà mình ở Bảo Lộc có một số đại lý vô tâm, cafe bà con gửi thì bán hết khi cần ra cắt thì hẹn tới hẹn lui không có tiền, lại còn chiêu trừ tạp, trừ ẩm thì khởi phải nói, còn giá thì bao giờ cũng thấp, như vậy là còn may mắn vì còn cafe để bán. Theo mình nghĩ nếu bà con đã có cafe thì ít ra cũng có thể xây một chỗ tạm gọi là kho để đựng cafe, nhiều thì không có chứ năm bảy tấn thì chắc là được, có như vậy mới không còn cơ hội cho bọn ngồi mát ăn bát vàng nữa. Chúc bà con luôn khỏe mạnh và sáng suốt trong những quyết định của mình .

  13. Nguyễn Vũ Thiện

    Còn tôi thì không bao giờ tin ai cả. Nếu dư nhiều qúa không có chỗ để thì nên đỗ vàng mà cất vì vàng tôi thấy chẳng bao giờ mất giá . Mà nếu mình có việc đột xuất thì đem ra bán cũng nhanh nhất . Các bạn nên làm theo cách của tôi . Không nên tham quá mà bị mất cả chài lẫn chì…

  14. nguyen trong quynh

    Cứ như nhà mình bố mẹ kêu ký gửi mà tôi kêu đừng bao giờ tin vào các thương buôn. Mình ký gửi rồi nó bán rồi, lúc ra cắt giá rẻ thì còn lấy được tiền chứ đắt là khó lấy lắm. Tôi khuyên mọi người tôt nhất và an toàn nhất là để ở nhà mình, muốn bán lúc nào thì bán, an toàn 100%.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

90