Đầu năm 2024 đến nay, giá tiêu tăng trở lại sau thời gian dài rớt giá. Tuy nhiên, nông dân trồng tiêu trên địa bàn Kiên Giang vẫn kém vui vì tiêu mất mùa, sản lượng thấp.
THẤT MÙA, SẢN LƯỢNG GIẢM
Nông dân trong tỉnh Kiên Giang đang vào mùa thu hoạch tiêu chính vụ, hiện giá tiêu trên thị trường có dấu hiện khởi sắc trở lại. Giá tiêu thương lái thu mua tại vườn dao động từ 100.000-120.000 đồng/kg, tăng khoảng 30.000-40.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù giá tiêu tăng cao so với cùng kỳ năm trước nhưng nông dân tại các vùng chuyên canh trồng tiêu trên địa bàn tỉnh như TP. Phú Quốc, TP. Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, Gò Quao, Giồng Riềng vẫn kém vui vì năng suất, sản lượng tiêu giảm mạnh.
Ông Giang Na Ri, ngụ ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương nói: “Tiêu năm nay thất mùa, sản lượng thu hoạch đạt thấp vì thời tiết nắng nóng, thiếu nước tưới. Trung bình mỗi bụi tiêu chỉ thu hoạch được 300 gram, sản lượng giảm gần một nửa so với năm ngoái. Giá tiêu tăng, nhưng tiêu lại thất mùa nên lợi nhuận vụ tiêu này không cao”.
Ông Ngô Hoàng Dũ – chủ cơ sở sản xuất tiêu Hoàng Dũ, ngụ xã Thuận Yên, TP. Hà Tiên cho biết: “Năm nay, do nắng hạn kéo dài, nhiều vườn tiêu bị thiếu nước tưới, cây kém phát triển, ít đậu trái, sản lượng thu hoạch khá thấp. Hiện đang vào mùa thu hoạch tiêu, sản lượng thu mua tiêu của cơ sở chưa nhiều. Một ngày cơ sở chỉ mua được vài chục ký tiêu, đa số nông dân thất mùa, một phần trữ lại chờ giá tăng thêm”.
DIỆN TÍCH THU HẸP
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, những năm gần đây diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Tính đến cuối năm 2023, diện tích tiêu toàn tỉnh khoảng 384ha, giảm gần 100ha so với năm 2022. Sản lượng thu hoạch 650 tấn.
Giá tiêu xuống thấp, trong khi chi phí đầu tư chăm sóc, phân bón tăng cao, càng trồng càng lỗ, nên nhiều hộ phá bỏ chuyển sang cây trồng khác. Thêm vào đó, bệnh chết nhanh, chết chậm bùng phát, khiến diện tích tiêu ngày càng thu hẹp. Một số hộ còn duy trì, bám trụ nhưng không đầu tư chăm sóc, khiến tiêu chậm phát triển, năng suất thấp, sản lượng thấp.
Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao Dương Duy Duyệt, toàn huyện chỉ còn duy trì khoảng 70ha tiêu tập trung tại 2 xã Vĩnh Hòa Hưng Nam và Vĩnh Hòa Hưng Bắc, diện tích giảm gần 200ha so với trước.
Nguyên nhân là do giá tiêu trên thị trường giảm, khiến người dân thua lỗ, không còn mặn mà đầu tư chăm sóc, năng suất và sản lượng giảm đáng kể. Nhiều hộ phá bỏ cây tiêu, chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Thêm vào đó, thời tiết diễn biến thất thường, bệnh chết nhanh, chết chậm xuất hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị gây thiệt hại nặng nề cho người dân.
Anh Võ Chí Ngoan – Giám đốc Hợp tác xã nông dân Nguyên Tiêu, ngụ ấp 2, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao cho biết: “Hợp tác xã có 47 hộ trồng tiêu leo cây tràm. Do ảnh hưởng bệnh chết nhanh, chết chậm, cộng thêm giá tiêu giảm mạnh, nhiều hộ chuyển đổi sang trồng sầu riêng, măng cụt… Diện tích tiêu của hợp tác xã thu hẹp, giảm gần 80%. Lúc trước, đến mùa thu hoạch, mỗi tuần hợp tác xã nhận thu mua trên 10 tấn, hiện nay, mặc dù giá tiêu tăng, sản lượng thu mua chưa được 200kg/ngày”.
Ông Nguyễn Văn Thọ, ngụ ấp 2, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao có 4.000 bụi tiêu, do giá tiêu bấp bênh, trong khi tiền đầu tư phân bón, chăm sóc, thuê mướn lao động hái lại cao, ông Thọ đã chuyển đổi phần lớn sang cây ăn trái, chỉ chừa lại khoảng 1.000 bụi tiêu.
Ông Thọ cho biết: “Với chi phí phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay thì giá tiêu phải ở mức từ 150.000 đồng trở lên tôi mới có lãi. Hiện giá tiêu tăng nhưng tôi chưa vội bán ra, thu hoạch xong, phơi, dự trữ lại, hy vọng giá tiêu còn tăng thêm để gỡ lại chi phí đầu tư sau thời gian dài lỗ vì giá thấp”.
Thị trường tiêu khởi sắc trở lại, tạo động lực giúp cho nông dân khôi phục diện tích tiêu. Tuy nhiên, để giúp nông dân duy trì phát triển cây tiêu, đại diện Hợp tác xã nông dân Nguyên Tiêu, anh Võ Chí Ngoan kiến nghị ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang cần có chính sách hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trồng tiêu theo hướng an toàn, đạt chuẩn hữu cơ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và địa phương cần hỗ trợ nông dân trong việc đẩy mạnh liên kết sản xuất với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra ổn định, giúp người trồng tiêu an tâm sản xuất.
Theo Báo Kiên Giang (Link bài viết gốc)