Đau dạ dày có nên uống cà phê muối?

Cà phê chứa nhiều loại axit như chlorogenic, N-alkanoyl-5-hydroxytryptamide. Nếu uống nhiều cà phê làm tăng nồng độ axit trong dạ dày, co thắt ruột, gây rối loạn tiêu hóa hoặc khởi phát triệu chứng trào ngược. Uống cà phê khi đói có thể hại niêm mạc dạ dày, tăng nguy cơ viêm loét, đau dạ dày nặng hơn.

Pha trộn nguyên liệu cà phê, muối, kem, sữa đặc tạo nên cà phê muối với vị đậm đà, được nhiều người yêu thích. Thêm muối vào cà phê không giúp giảm độ axit, caffeine nên không thể hạn chế ảnh hưởng của những chất này đến dạ dày.

Thêm muối vào cà phê có thể giảm vị đắng, hạn chế dùng các thành phần khác như kem, đường, sữa. Tuy nhiên, uống loại cà phê này thường xuyên làm tăng lượng muối tiêu thụ, có thể tăng nồng độ muối trong dạ dày, dẫn đến thay đổi độ nhớt trên bề mặt niêm mạc, phá vỡ hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày, dễ tổn thương.

Những tổn thương này thúc đẩy sự xâm nhập của vi khuẩn helicobacter pylori (HP) và các hợp chất gây ung thư dạ dày hoặc trầm trọng thêm tình trạng nhiễm trùng. Theo thời gian, chúng có thể hình thành các tổn thương tiền ung thư như viêm teo dạ dày, chuyển sản ruột.

Nồng độ muối cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn HP phát triển, hoạt động mạnh hơn trong môi trường axit dạ dày. Đây là tác nhân gây viêm loét dạ dày, tá tràng và ung thư dạ dày.

Bạn nên hạn chế sử dụng cà phê nói chung. Thay vào đó, bạn có thể uống trà thảo mộc như gừng, hoa cúc, cam thảo, bạc hà, nước mật ong ấm hoặc soda chanh… Chúng giúp trung hòa axit trong dịch vị, dịu co thắt dạ dày, chống viêm nhiễm, giảm đầy hơi, khó tiêu, ợ nóng, buồn nôn.

Đau âm ỉ, nóng rát, tức tại vùng thượng vị… cảnh báo các bất thường ở dạ dày. Nếu cơn đau kéo dài, dữ dội, có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Người bệnh nên đi khám để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán, đưa ra lời khuyên phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Tin mới nhất

60