Tổng hợp thị trường cà phê tuần 7 (15/02/2021 – 20/02/2021)

Việc đáo hạn hợp đồng quyền chọn của kỳ hạn tháng 3 đã hỗ trợ các thị trường cà phê phái sinh diễn biến như đã suy đoán, trong khi các tác động tiêu cực của đại dịch covid-19 vẫn còn nặng nề nên cũng chưa thể khẳng định được điều gì, nhất là với đầu cơ ngắn hạn còn nắm lượng mua ròng khá nhiều trên thị trường London…

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T5/2021 tuần 7 (từ 15/02/2021 – 20/02/2021)

Tính chung cả tuần 7, thị trường London có 2 phiên giảm và 3 phiên tăng. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3 tăng tất cả 1 USD, tức tăng 0,07 %, lên 1.343 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng tất cả 2 USD, tức tăng 0,15 %, lên 1.369 USD/tấn, các mức tăng rất nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Trái lại, thị trường New York có 1 phiên giảm và 3 phiên tăng. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 5 tăng tất cả 6,1 cent, tức tăng 4,96 %, lên 129,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng tất cả 6 cent, tức tăng 4,8 %, lên 131 cent/lb, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình. 

Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên tăng 0 – 100 đồng, lên dao động trong khung 31.600 – 32.200 đồng/kg.

Giá cà phê tiếp tục biến động theo xu hướng trái chiều khi các giới đầu cơ trên hai sàn kỳ hạn thể hiện sự điều chỉnh cân đối vị thế trước đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 3.

Giá cà phê Arabica tiếp nối đà tăng do đầu cơ đã bán ròng quá mức trước áp lực xuất khẩu tăng liên tục từ các nước sản xuất khu vực Mỹ – Latinh. Trái lại, giá cà phê Robusta khó có thể tăng khi lượng mua ròng cũng đã quá mức do thị trường suy đoán khả năng nguồn cung sẽ dồi dào khi Việt Nam vừa thu hoạch vụ mùa mới với áp lực bán hàng để trang trải công nợ cuối năm và nhu cầu tiền mặt chi tiêu cho kỳ lễ Tết Cổ truyền dài ngày.

Hiệp hội Cà phê Hạt (GCA) của Mỹ đã báo cáo tồn kho tại các kho cảng trong tháng 1 đã giảm thêm 2,26%, xuống đăng ký ở mức 5.843.171 bao. Số tồn kho này chưa tính khối lượng lớn cà phê đang được vận chuyển bằng container quá cảnh khắp Bắc Mỹ và tồn kho tại chỗ của nhà rang xay ước khoảng 1,2 triệu bao. Trong khi nhu cầu của Mỹ và Canada từ nguồn cung này ước khoảng 585.000 bao mỗi tuần thì tổng số tồn kho này sẽ đảm bảo hơn 10 tuần hoạt động rang xay, được hầu hết coi là một dự trữ rất an toàn.

Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) mới nhất từ ​​thị trường cà phê Arabica ở New York cho thấy, tính đến thứ Ba ngày 09/02, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã giảm vị thế mua ròng bớt 13,47% xuống đăng ký mua ròng ở 19.752 lô, tương đương với 5.559.604 bao. Vị thế mua ròng này rất có thể đã bị giảm hơn nữa sau giai đoạn thương mại tích cực hơn kể từ sau đó.

Báo cáo CFTC mới nhất từ thị trường cà phê Robusta tại London cho thấy, tính đến cùng kỳ báo cáo, đầu cơ ngắn hạn của các Quỹ quản lý tiền đã giảm vị thế bán ròng bớt 32,8%, xuống đăng ký bán ròng ở 11.835 lô, tương đương với 1.972.500. Vị thế bán ròng này rất có thể đã được giảm bớt sau giai đoạn thương mại tổng thể đi ngang nhưng có phần tích cực hơn kể từ sau đó.

Tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến thứ Hai ngày 15/02 đã giảm 300 tấn, tức giảm 0,21 % so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở 143.070 tấn (tương đương 2.384.500 bao, bao 60 kg).

Anh Văn (Giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79