Cây cà phê là cây chủ lực trong cơ cấu kinh tế nông lâm công nghiệp của Đắk Lắk. Tham gia sản xuất cà phê có khoảng 216.000 gia đình với 1.180.000 nhân khẩu. Hàng năm cà phê đưa về gần 600.000 USD kim ngạch xuất khẩu, chiếm trên 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Giới thiệu tổng quan
Vùng đất Tây nguyên trước đây chia làm 3 cao nguyên : CN Công tum, CN Đác Lắc, CN Lâm Viên theo 3 vùng hành chính do chính quyền bảo hộ Pháp thành lập. Thủ phủ của cao nguyên Đak Lak trước đây là Bản Đôn (làng đảo). Chính quyền thực dân khi thành lập tỉnh Darlac đã chọn buôn của Ama Thuột (hay Ma Thuột) làm Đại lý Hành chính và đặt tòa Công sứ để cai trị với tên gọi Ban Mê Thuộc. Từ đó cho đến nay Buôn Ma Thuột là tỉnh lỵ của Đak Lak. Buôn Ma Thuột đã được công nhận là đô thị loại 1 từ năm 2009.
Đak Lak lại nằm vào vị trí trung tâm mà phía bắc là tỉnh Kon Tum, Gia Lai và phía nam, đông nam là tỉnh Đak Nông, Lâm Đồng nên cũng là trung tâm chính trị – kinh tế xã hội –an ninh quốc phòng của vùng Tây Nguyên.
Định vị thương hiệu cà phê Đak Lak
Cuối thế kỷ XIX cây cà phê được đưa vào nước ta ở Phủ Quỳ Nghệ An, Kẽ Bàng Quảng Bình và Di Linh Lâm Đồng. Qua đầu thế kỷ trước có thêm vùng Ban Mê Thuộc và Công Tum.
Sở dĩ Đak Lak được biết đến như thủ phủ của cây cà phê và trở thành thương hiệu cà phê nổi tiếng là nhờ vào sự thuận lợi tự nhiên mang lại.
Thuận lợi đầu tiên là do điều kiện đất đai và khí hậu. Nằm ở độ cao bình quân 500m so với mực nước biển, tầng đất đỏ bazan màu mỡ và tương đối bằng phẳng nhất Tây nguyên, thời tiết phân làm hai mùa mưa nắng rõ rệt nên Đak Lak rất thích hợp với cây cà phê Vối (robusta). Thuận lợi tiếp theo là trong thời kỳ chiến tranh tuy sản lượng còn thấp nhưng Việt Nam đã có một số thương hiệu cà phê được biết đến ở Đông Nam Á như Cầu Đất, Di Linh, Mô-ka Đà Lạt, Buôn Hồ, Ban Mê Thuộc… trong đó có hai thương hiệu Buôn Mê Thuộc và Buôn Hồ cho sản lượng nhiều nhất được xuất sang tận châu Âu. Còn Mô-ka Đà Lạt là cà phê Chè (arabica), được xem là sản phẩm cà phê cao cấp dành cho giới giàu có ở Hồng Kông.
Hiện nay thương hiệu cà phê Đak Lak, nói riêng là thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã vươn ra tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Diện tích và sản lượng
Đak Lak hiện có 183.000 ha, chủ yếu là cà phê Vối (robusta), chiếm 85% là diện tích do dân tự trồng và quản lý, số còn lại tập trung trong các công ty, doanh nghiệp nhà nước. Trong đó diện tích già cỗi cần thanh lý khoảng 28.000 ha, tái canh và trồng mới 14.200 ha. Sản lượng hàng năm đạt 420.000 tấn, chiếm 34,5% sản lượng cà phê của cả nước. Cây cà phê ở Đak Lak được thâm canh tăng năng suất vào hàng cao nhất thế giới, bình quân 2,5 tấn/ha, có nhiều vườn cây đạt năng suất 5 – 6 tấn/ha cà phê nhân xô.
Ảnh hưởng tới đời sống kinh tế
Cây cà phê là cây chủ lực trong cơ cấu kinh tế nông lâm công nghiệp của Đak Lak. Tham gia sản xuất cà phê có khoảng 216.000 hộ gia đình với 1.180.000 nhân khẩu. Hàng năm cà phê đưa về trên 600.000 USD kim ngạch xuất khẩu, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Đa số người dân có cuộc sống ổn định, xây dựng được cơ ngơi khang trang hiện đại, mua sắm đầy đủ máy móc trang thiết bị cho qui mô sản xuất nông hộ, gắn bó lâu dài với loại cây công nghiệp này. Một số đã trở nên khá giá nhờ vào cây cà phê.
Ảnh hưởng tới đời sống văn hóa
Từ khi cây cà phê được đẩy mạnh xuất khẩu giá trị đem lại đã làm cho không chỉ đời sống vật chất được nâng cao mà đời sống tinh thần cũng đổi thay. Đak Lak là tỉnh có cơ cấu dân số trẻ, số lượng học sinh các cấp rất đông. Có trường đại học Tây Nguyên được thành lập từ năm 1977, Viện KHKT Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (nguyên là Viện Nghiên cứu Cà phê Việt Nam)…
Chính quyền các cấp đã quan tâm chú trọng đầu tư xây dựng “điện đường trường trạm”, nhà văn hóa thôn buôn… giúp cho nông dân càng thêm yêu mến Đak Lak và gắn bó lâu dài với cây cà phê khi đã có thế hệ nông dân thứ ba của Việt Nam chào đời trên mảnh đất quê hương mới này.
Để phát huy những giá trị và hiệu quả của cây cà phê đem lại đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu cho thương hiệu“Cà phê Buôn Ma Thuột”, Đak Lak đã tổ chức “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột” lần thứ I năm 2005 và lần thứ II năm 2008, Tuần Lễ Văn hoá cà phê tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh năm 2007… Kế thừa những thành công của Lễ hội cà phê năm 2005 và năm 2008, Tuần lễ Văn hoá cà phê năm 2007 và tiến xa hơn với mong muốn trở thành sự kiện quan trọng của ngành cà phê Việt Nam mang tầm quốc tế, từng bước khẳng định chỗ đứng và khẳng định vị thế của thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, Đak Lak sẽ tổ chức “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột” lần thứ III từ ngày 10 – 13/03/2011 với khát vọng trở thành “Lễ hội Cà phê Quốc tế”.
Những vấn đề còn tồn tại và hướng giải quyết
Hiện nay việc sản xuất cà phê cơ bản vẫn là tự phát, nhỏ lẻ và manh mún. Đa số nông hộ quản lý diện tích dưới 2 ha. Việc đưa tiến bộ khoa học vào còn khó khăn, hạn chế nhất là khâu công nghệ sau thu hoạch. Khoảng gần 20.000 hộ là liên kết với các công ty, đơn vị quốc doanh trên danh nghĩa. Ngoài diện tích vườn cà phê được giao họ phải đầu tư hoàn toàn cho đến khâu cuối cùng, thực chất không khác gì làm khoán nộp tô. Khi cần hỗ trợ vốn, vì không có chủ quyền đất đai đang canh tác nên họ không biết bám víu vào đâu. Rất cần một chính sách về đất đai ở tầm vĩ mô cho người nông dân.