Tìm nguyên nhân khiến 30 lô sầu riêng xuất Trung Quốc nhiễm cadimi

Kể từ khi Việt Nam xuất sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, đã có 30 lô hàng bị trả về do có cadimi vượt ngưỡng, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết đang tìm nguyên nhân.

Chiều 1/4, tại cuộc họp báo thường kỳ quý I, ông Nguyễn Quang Hiếu, trưởng phòng hợp tác quốc tế (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết 30 lô hàng sầu riêng bị trả về là tính tổng từ khi Việt Nam xuất khẩu chính ngạch mặt hàng này sang Trung Quốc từ tháng 9/2022, chiếm chỉ 0,01%.

Ông Hiếu thông tin về 30 lô sầu riêng nhiễm cadimi bị Trung Quốc trả về. Ảnh: Việt An
Ông Hiếu thông tin về 30 lô sầu riêng nhiễm cadimi bị Trung Quốc trả về. Ảnh: Việt An

Theo ông Hiếu, 30 lô hàng có hàm lượng kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn hiện chưa ảnh hưởng tới việc xuất khẩu sầu riêng, song đây là lời cảnh báo cho nhà sản xuất.

Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể dẫn tới cadimi vượt ngưỡng, do chất này có từ nhiều nguồn khác nhau: trong đất, nước, tự nhiên. Song ông Hiếu cho rằng có thể do nguồn đất bị nhiễm cadimi hoặc do nguồn nước, khí thải từ nhà máy. Cũng có thể do sau thu hoạch, nguồn nước rửa sản phẩm nhiễm cadimi.

Từ những nguyên nhân trên, Cục Bảo vệ thực vật đưa ra khuyến cáo các đơn vị sản xuất cần điều chỉnh vật tư đầu vào, điều chỉnh biện pháp canh tác để giảm hấp thụ cadimi, trước khi xuất khẩu cũng nên kiểm tra kỹ hàm lượng cadimi.

Trước đó, trong tháng 5 và 6/2023, phía Trung Quốc đã phát hiện và cảnh báo 6 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu có nhiễm cadimi vượt ngưỡng quy định.

Bốn tháng sau đó, Trung Quốc phát hiện tiếp một lô hàng vi phạm. Từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, Trung Quốc liên tục phát hiện, cảnh báo thêm 23 lô hàng sầu riêng khác bị nhiễm cadimi. Hai doanh nghiệp ở Lạng Sơn và Hà Nội được cho là có nhiều lô hàng nhiễm nhất với 8 lô.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trước đó Trung Quốc đã từng cảnh báo việc này nhưng mức độ nhẹ, riêng lần này nặng hơn. Cho nên, Việt Nam cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và khắc phục nhằm đảm bảo uy tín cho ngành sầu riêng nói chung và rau quả Việt Nam nói riêng.

Sau khi nhận được cảnh báo từ Hải Quan Trung Quốc, Cục Bảo vệ Thực vật đã gửi công văn tới các địa phương có liên quan để rà soát nguyên nhân. Đồng thời, Cục cũng đề nghị áp dụng các biện pháp ngăn chặn nhằm tránh tái diễn vi phạm.

Tháng 7/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký kết với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam. Trái sầu riêng phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc, cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải loại bỏ các đối tượng dịch hại như ruồi đục trái và các loài rệp sáp; không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép…

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2023, nước này nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam tăng 1.107% về lượng và tăng 1.035,8% về trị giá so với năm 2022. Trong năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 493 nghìn tấn sầu riêng từ Việt Nam, trị giá 2,1 tỷ USD.

Việt Nam hiện có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia tỉ dân này. Trong đó, có 708 mã số vùng trồng được cấp phép.

👉 Xem giá sầu riêng mới nhất hôm nay

Nguồn: VnExpress.net (link bài viết gốc)

Tin mới nhất

62