Chi tiết các loại lệnh khi giao dịch hàng hoá

Giacaphe.com đã đúc rút và tổng hợp lại những loại lệnh phổ biến và dùng nhiều nhất khi giao dịch hàng hoá phái sinh để các bạn tiện tra cứu

Khi tham gia vào thị trường hàng hoá phái sinh, sẽ có vô vàn các loại lệnh hỗ trợ bạn trong quá trình giao dịch. Tuy nhiên vì chính quá nhiều loại lệnh sẽ khiến bạn không nhớ hết gây rối không biết nên dùng loại nào hoặc khi cần thì dùng loại lệnh nào là tốt nhất, đặc biệt là các bạn mới tham gia.

Giacaphe.com đã đúc rút và tổng hợp lại những loại lệnh phổ biến và dùng nhiều nhất để tiện tra cứu, chỉ cần nhớ những lệnh ở bên dưới các bạn có thể tự tin ra vào lệnh khi giao dịch.

1. Lệnh thị trường (Market order)

Là lệnh mua hoặc bán một Hợp đồng phái sinh giá cả hàng hóa cho Tháng giao hàng cụ thể tại mức giá tốt nhất của Sàn ngay thời điểm lệnh được đưa vào Sàn.

Khi nào nên dùng: Khi bạn muốn vào lệnh ngay tại thời điểm đặt lệnh, thường sẽ được khớp ngay lập tức, giá khớp sẽ do biến động thị trường vào thời điểm bạn vào lệnh.

2. Lệnh giới hạn (Limit order)

là lệnh mua hoặc bán Hợp đồng phái sinh giá cả hàng hóa với mức giá xác định trước.Theo đó, Khách hàng đặt Lệnh giới hạn với mức giá xác định trước tốt hơn Giá thị trường tại thời điểm đặt lệnh và giá khớp lệnh (nếu có) là mức giá xác định trước này hoặc giá tốt hơn.

Khi nào nên dùng: Đây là lệnh phổ biến và được dùng nhiều nhất khi giao dịch hàng hoá, giá khớp lệnh sẽ bằng với giá bạn đặt. Khi bạn muốn mua hoặc bán ở một khối lượng và giá bạn mong muốn.

Nhược điểm của lệnh này là đôi khi chỉ khớp một phần trong tổng số khối lượng bạn muốn mua hoặc bán.

3. Lệnh dừng (Stop order)

Là lệnh mua hoặc bán khi giá thị trường chạm đến mức giá xác định (giá dừng). Lệnh dừng để mua sẽ trở thành Lệnh thị trường (Market order) khi Hợp đồng phái sinh giá cả hàng hóa được giao dịch bằng hoặc cao giá dừng, Lệnh dừng để bán sẽ trở thành Lệnh thị trường khi Hợp đồng phái sinh giá cả hàng hóa được giao dịch bằng hoặc thấp hơn giá dừng.

Khi nào nên dùng: Loại lệnh này giúp bạn đặt trước để chặn lỗ hoặc chốt lời, hoặc mua – bán đón đầu xu hướng thị trường.

(Lưu ý: Ý nghĩa của loại lệnh này khác với phần đông các nhà đầu tư mới tham gia suy nghĩ đó là bạn có thể đặt lệnh dừng ngay cả khi bạn chưa mở một vị thế nào. Để hiểu vị thế mở là gì xin xem bài viết sau đây: Vị thế mở khi giao dịch hàng hoá phái sinh)

4. Lệnh dừng giới hạn (Stop limit order)

Đây là một loại dạng khác của Lệnh dừng. Theo đó, Lệnh dừng giới hạn để mua sẽ trở thành Lệnh dừng khi Hợp đồng phái sinh giá cả hàng hóa được giao dịch bằng hoặc cao hơn giá dừng và Lệnh dừng giới hạn dể bán sẽ trở thành Lệnh dừng khi Hợp đồng phái sinh giá cả hàng hóa được giao dịch bằng hoặc thấp hơn giá dừng.

5. Lệnh thị trường nếu chạm – Market if touch (MIT)

Là loại lệnh kết hợp giữa Lệnh thị trường và Lệnh giới hạn với giá xác định trước tốt hơn Giá thị trường tại thời điểm đặt lệnh. Lệnh thị trường nếu chạm sẽ trở thành Lệnh thị trường khi Giá thị trường đạt đến mức giá xác định trước hoặc tốt hơn.

6. Lệnh hủy (Cancellation)

Là lệnh dùng để hủy bỏ lệnh đã ra trước đó.

7. Lệnh chuyển tháng (Spread order)

Là lệnh đồng thời mua và bán cùng một khối lượng Hàng hóa tại hai tháng giao hàng khác nhau. Đối với lệnh này Khách hàng không quy định cụ thể mức giá sẽ được thực hiện của hai tháng giao hàng mà chỉ quy định mức chênh lệch giá của hai tháng đó.

8. Lệnh có giá trị đến khi bị hủy bỏ – Good-Till-Canceled-Order (GTC)

Là lệnh có hiệu lực trong thời gian thị trường mở cửa của ngày lệnh được đưa lên Sàn cho đến khi nó được thực hiện hoặc bị hủy bởi một Lệnh hủy.

9. Lệnh có giá trị trong ngày (Intraday Order) là lệnh chỉ có hiệu lực trong thời gian mở cửa của ngày lệnh được đưa vào Sàn.

10. Lệnh thị trường khi mở cửa – Market on Opening (MOO) là Lệnh thị trường được Nhà môi giới đưa vào Sàn ngay khi mở cửa của ngày đặt lệnh.

11. Lệnh thị trường khi đóng cửa – Market on Close (MOC) là Lệnh thị trường được Nhà môi giới đưa vào Sàn vào gần thời điểm đóng cửa của ngày đặt lệnh.

12. Lệnh hủy lệnh khác – One cancels the other (OCO) là lệnh cho phép đặt hai lệnh đồng thời, theo đó lệnh nào được thực hiện trước sẽ đồng thời hủy lệnh còn lại.

13. Lệnh toàn bộ hoặc không – Fill-or-Kill (FOK) là lệnh được thực hiện toàn bộ ngay khi lệnh đưa vào Sàn hoặc sẽ bị hủy luôn.