Kon Tum: ‘Xã hội đen’ đặt giá sàn cho thu gom cà phê?

Chủ tịch UBND xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum xác nhận có thông tin một nhóm người lạ mặt đến xã với mục đích đe dọa không cho ai thu gom cà phê cao hơn giá họ đưa ra.

Tháng 10, thời điểm người dân trồng cà phê trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum rục rịch bước vào đầu vụ thu hoạch. Theo đó, sự xuất hiện nhiều lái buôn kéo về những vùng trồng cà phê trọng điểm để thu mua. Để gom được hàng, nhiều lái buôn cạnh tranh, đấu đá nhau gay gắt khiến mặt hàng cà phê tươi trở nên sôi động, giá cả thay đổi theo từng ngày.

Theo phản ánh của nhiều chủ cơ sở thu mua cà phê trên địa bàn xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, vào thời điểm đầu mùa, mặt hàng cà phê tươi đang rất “nóng” được nhiều người săn đón để mua.

xa hoi den thu mua ca phe o kon tum
Một cơ sở thu mua cà phê nhỏ lẻ tại xã Sa Loong.

Tuy nhiên, một điều bất cập khiến nhiều chủ cơ sở thu mua tại xã Sa Loong bức xúc: “Dạo gần đây, địa bàn xã xuất hiện một người phụ nữ tên Mai Quế tìm đến để thu gom cà phê. Để một mình độc quyền thu mua, thao túng cả vùng, bà ta cho đám “xã hội đen” mặt mày hung tợn, cởi trần, xăm đầy mình đến từng điểm thu mua nhỏ lẻ, để đe dọa, dằn mặt.

Qua đó, bà ta yêu cầu tất cả các điểm thu mua cà phê tươi phải thu với giá 6.500 đồng/kg. Dù gom được ít hay nhiều cũng phải bán lại cho bà ta với giá 7.000/kg. Nếu người nào không thực hiện theo “phán quyết” đưa ra thì bà Mai sẽ cho “xã hội đen” đến quậy phá không cho làm ăn”.

Trao đổi với PV, chị Trần Thi T. (30 tuổi), chủ cơ sở thu mua tại xã Sa Loong bức xúc: “Mấy hôm trước, bà Mai Quế đưa cả đám “xã hội đen” rải quân khắp tất cả các địa điểm thu mua cà phê ở đây. Vừa rồi, bà ta cũng kéo gần chục tên đến quán nhà tôi. Bà Mai nói “tao nghe bảo mày thu với giá cao để tao bảo mấy thằng lính đến ngồi tại quán coi mày có mua được không”.

Sau đó, bà Mai yêu cầu tôi phải thu mua với giá 6.500 đồng rồi bán lại cho bà ta với giá 7.000 đồng. Tuy nhiên, tôi thẳng thắn, buôn bán kiếm lời ít đồng người ta mua giá thế nào tôi mua thế ấy. Tôi là dân gốc ở đây, gia đình anh em ở đây rất nhiều, bà muốn làm gì thì làm, chúng tôi cũng không chịu thua thiệt đâu. Sau đó, bà Mai tiếp tục kéo quân đi vào phía các quán sâu bên trong”.

Tiếp đó, một cơ sở thu mua khác có nhiều người tụ tập bàn tán xôn xao về việc bà Mai cho quân trấn áp để thao túng thị trường, khiến nhiều cơ sở thu mua nhỏ lẻ e ngại.

Dù đang tất bật cân đo, thu gom cà phê bốc lên xe nhưng vợ chồng anh Hoàng Minh H. (35 tuổi làng Đắk Vang, xã Sa Loong), người dân thu mua trên địa bàn đã dành chút thời gian chia sẻ với PV.

Theo anh H., cách đây một tuần, bà Mai đi một chiếc taxi màu trắng lên đây, bước xuống xe còn có gần chục thanh niên đầu xanh, đầu đỏ, cởi trần xăm trổ khắp nơi. Nhóm người vừa đi vừa buông lời bóng gió nếu có ai mua cao hơn giá bà ta quy định sẽ cho “xã hội đen” xử.

Anh H. cho biết: “Tôi là dân gốc ở đây nên chẳng sợ, chỉ tội người dân công sức lao động bỏ ra bị ép giá. Hiện tại, nhiều cơ sở thu mua khác có gom được rất nhiều hàng mặc dù mình ngỏ giá cao hơn nhưng họ sợ không bán. Đến khoảng chiều tối, tôi lại thấy xe của bà Mai đến bốc đi”.

Anh H. lo ngại: “Bây giờ mới đầu vụ cà phê chín bói rải rác, chưa có nhiều nên sức cạnh tranh cũng chưa đáng kể. Tuy nhiên, điều tôi lo ngại khi vào vụ chính người dân thu cà phê rầm rộ lúc đó tranh giành địa bàn thế này thì có lẽ đánh nhau to”.

Trao đổi với PV, ông Trần Sỹ Hải, Chủ tịch UBND xã Sa Loong cho biết: “Tôi đã nắm được thông tin “xã hội đen” kéo đến địa phương để thao túng thu mua cà phê. Sau đó, tôi đã liên hệ với một người quen và được xác nhận chuyện một nhóm ‘xã hội đen’ ra giá sàn, không cho ai thu gom cà phê cao hơn giá họ đưa ra”.

Theo ông Sỹ, ông đã chỉ đạo cho Công an xã Sa Loong xuống địa bàn kiểm tra, xác minh cụ thể từng hộ xem như thế nào. Sau đó, công an xã báo cáo người phụ nữ đó không phải người của địa phương mà thuộc xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi.

“Lần tới, nếu phát hiện chuyện đe dọa người thu gom cà phê trên địa bàn, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý”, ông Sỹ nói.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Trung GL

    Có quan huyện tỉnh nào chống lưng mà họ dám lộng hành như vậy ? Người dân một nắng hai sương làm ra hạt cà vất vả, khổ sở trăm bề mà còn bị ép giá nữa thì sống sao nổi đây trời !

  2. Nguyen Quang

    Chắc chụy Mai Quế là 1 thành viên còn xót lại của chế độ bao cấp ngăn sông cấm chợ đây.
    Đề nghị bà con nông dân và đại lý thu mua trong xã Sa Loong đoàn kết lại, cả 1 xã chẳng lẽ không có nổi 500 người dằn mặt vài chục XHĐ ? Đâu ra cái loại ép mua ép bán như vậy, ăn trên mồ hôi nước mắt của nông dân.

  3. nongdancun

    Trước mắt là chính quyền xã giải quyết, kế đến là huyện rồi tỉnh. Nếu một việc đơn giản như thế mà không giải quyết được thì chắc là có “vấn đề”. Vấn đề ở đây có thể là có bàn tay quan chức dùng quyền lực sẳn có bảo kê, chống lưng, đem lại quyền lợi cho người thân, con cháu hoặc nhóm của mình! Nếu sư việc không giải quyết thì đến mùa thu hoạch, các hạng người nầy sẽ thao túng hết thị trường.
    Việc làm của các hạng người nầy rất thiệt hại cho người nông dân. Giá của họ đưa ra quá thấp so với mặt bằng giá trên thị trường. Có thể nói đây là việc làm độc ác, mất nhân tính.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

78