Tin buồn

Xuất khẩu cà phê: được giá nhưng mất lượng

Xuất khẩu cà phê nước ta lại giảm nhưng được cái giá xuất khẩu cao hơn giá niêm yết sàn kỳ hạn. Thị trường cà phê đang cố nói tiếng nói khác với thế giới?

>> Giá cà phê robusta lừng khừng, vì sao?

chi so dong usd the gioi
Biểu đồ 1: Diễn biến chỉ số đồng đô la Mỹ (nguồn: tradingchart.com)

Giá nội địa tách khỏi giá thế giới

Nếu như mức đóng cửa 1.838 đô la/tấn của ngày đầu tuần trên sàn kỳ hạn robusta châu Âu là mức cao nhất tuần này, thì càng về cuối tuần giá giao dịch trên sàn robusta càng yếu, dưới mức 1.800 đô la/tấn để rồi đóng cửa cuối tuần chỉ còn 1.788 đô la/tấn, giảm 32 đô la/tấn so với tuần trước (xin xem biểu đồ 2).

Trên thị trường nội địa, giá cà phê nguyên liệu chống chọi khá tốt, có lúc lên lại mức 39,5 triệu đồng/tấn nhưng cuối tuần chỉ còn 38 triệu đồng/tấn, vẫn còn tốt so với 35 triệu đồng/tấn là mức thấp nhất tính từ đầu niên vụ đến nay vào ngày 13-3-2015, ngay sau ngày kết thúc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2015.

Ở những mức giá từ 35-38 triệu đồng/tấn trên thị trường nội địa, nhiều người “khóa kho” chờ giá. Vì theo họ, giá đầu vụ đã 41 triệu đồng/tấn lúc mà cà phê còn đầy rẫy thì không lý do gì về cuối vụ giá không tăng.

Cứ lấy mức đóng cửa sàn robusta hôm qua là 1.788 đô la/tấn, giá mua nội địa sáng nay là 38 triệu đồng/tấn tức tương đương với 1.775 đô la/tấn, nhà xuất khẩu phải cộng thêm chi phí chuyên chở, kho bãi, làm hàng, xuất khẩu, tài chính và phí quản lý…và chưa tính tiền lời, giá phải cộng thêm 150 đô la nữa mới đủ sở hụi. Giá nội địa tách dần giá thị trường thế giới là thế. Nên ai bán xuất khẩu cộng 50/60 đô la/tấn FOB (giao hàng qua lan can tàu) vẫn lỗ, không thể mua hàng.

Tuy nhiên, những người tham gia thị trường có kinh nghiệm đều cho rằng chính mua bán lòng vòng trong thị trường nội địa, hàng từ tay này sang tay kia, mỗi lúc giá đội lên một ít, làm giá thành của nhiều lô hàng cao, không thể khớp với giá xuất khẩu.

“Hàng có sẵn trong kho, muốn xuất bán do sợ giá kỳ hạn rớt nữa, vẫn không thể nào cân đối được đầu vào và đầu ra, nên đành để đấy”, một chủ doanh nghiệp xuất khẩu đóng tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cho biết. Thật vậy, “khi giá trong nước đòi 39,5 triệu đồng/tấn, cân đối giá xuất khẩu khách hàng chỉ trả 38 triệu đồng/tấn”, ông giải thích.

“Theo tôi, chỉ khi nào nông dân và người trữ hàng rải rác khắp các đô thị của các vùng sản xuất thấy khả năng niên vụ sau được mùa, mưa thuận gió hòa, thì họ mới nghĩ đến chuyện bán ra”, một người ở tại Buôn Ma Thuột cho biết.

Giá cà phê đi nghịch giá đô la

Mới mươi ngày trước đây, giá kỳ hạn đang ở mức 1.708 đô la/tấn, mức thấp nhất tính từ đầu vụ, bất ngờ vụt lên mạnh trên 1.800 đô la/tấn chỉ trong vài ngày, nhiều người cứ tưởng đó là do ảnh hưởng bởi thiếu hụt phía cung-cầu, do tin hạn hán tại Brazil và Việt Nam.

bieu do dien bien gia ca phe
Biểu đồ 2: Diễn biến giá robusta sàn kỳ hạn Ice châu Âu trong tháng 3-2015 (tác giả tổng hợp)

Nhưng đến nay, nhiều người nhìn nhận đợt tăng giá mạnh ấy không liên quan mấy đến cung-cầu và tin đồn khô hạn mà do đồng đô la xuống giá mạnh. Chỉ số đồng đô la Mỹ từ trên 100 điểm có lúc giao dịch chỉ còn 95 điểm, nay đang quay lại mức 97,5-98 điểm. Đó cũng là lý do làm giá cà phê giảm lại vì đồng đô la tăng giá (xin xem biểu đồ 1).

Cà phê Brazil ế!

Trong tuần, thị trường “sốc” trước tin các hãng rang xay nội địa Brazil chê không mua 40.809 bao (tương đương 2.450 tấn) cà phê được chính phủ Brazil đưa ra đấu giá. Người mua đưa ra nhiều lý do để chê như cà phê quá cũ, giá sàn đấu giá đưa ra quá cao với mức khởi đầu 2.226 – 2.600 đô la/tấn! Arabica cũ, tuy mất mùi, nhưng nếu sử dụng để chế biến cà phê hòa tan cũng rất lợi do hàng khô, vì tỉ lệ “thành” cao nhưng người trên thị trường Brazil vẫn chê.

Với mức tiêu thụ khổng lồ hàng năm chừng trên 20 triệu bao cà phê, gần bằng sản lượng cà phê nước ta cả năm, lại liên tiếp có tin đồn hạn hán, mất sản lượng, đáng ra, nếu thiếu thật, người Brazil mua hết không chừa một hột. Thế mà họ chê đến nỗi bộ nông nghiệp chịu trách nhiệm bán lô hàng này phải hoãn đấu thầu, dời lại tuần sau.
Việc từ chối mua hàng đấu thầu giá rẻ ngay từ đầu làm thị trường thắc mắc về những tin đồn thiếu hụt cà phê, hạn hán và tồn kho cà phê của Brazil trước đây. Phải chăng đây là cũng là lý do khiến giá kỳ hạn hai sàn cà phê yếu dần trong mấy ngày cuối tuần?

Xem thêm: >> Thị trường buồn tẻ sau phiên đấu giá bất thành

Xuất khẩu: mất lượng được giá

Tổng cục Thống kê ước xuất khẩu cà phê tháng 3-2015 nước ta chỉ đạt 130.000 tấn giảm 52,6% so với cùng kỳ năm 2014. Trong nửa đầu niên vụ 2014/15 bắt đầu từ 1-10-2014, tổng lượng xuất khẩu cà phê cả nước đạt 649.600 tấn, giảm 25,5% so với cùng kỳ cách đây 1 năm.

Tuy xuất khẩu giảm, Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn cho biết giá xuất khẩu cà phê bình quân hai tháng đầu năm 2015 của nước ta đạt 2.122 đô la/tấn, tăng 12,12% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bình quân sàn kỳ hạn robusta châu Âu theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) chỉ đạt 1.974 đô la/tấn. Như vậy, giá xuất khẩu bình quân vừa qua cao hơn giá niêm yết sàn kỳ hạn đến gần 150 đô la/tấn.

Từ vài năm nay, dù là một nước sản xuất cà phê, giá xuất khẩu nước ta thường cao hơn giá niêm yết nhờ xuất khẩu hàng chất lượng tốt, trên cả chuẩn theo yêu cầu của sàn kỳ hạn.

Nếu một lô hàng (10 tấn/lô) đạt chuẩn, tùy theo chất lượng được xác nhận, cà phê robusta được trả theo mức đấu giá thành công +30 đô la/tấn cho loại thượng hạng so với giá niêm yết, bằng cho loại 1, -30 cho loại 2, -60 và -90 đô la/tấn cho loại 3 và 4…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. anhvu

    Ông nguyễn quang Bình này viết bài nào cái tựa lúc đầu cũng hoành tráng nhưng bài viết càng về sau khiến cho người còn cầm hàng phải run. Nếu ai không vững tâm lí khi đọc bài của ông này về bán hết caphe liền. Cứ tiền của mình không vay ngân hàng để đó được giá thì bán, Bán rồi gửi ngân hàng lãi thấp không đươc là bao mà cho vay ngoài thì mạo hiểm lắm. Cứ thời tiết như thế này nếu caphe xuống 1000usd càng tốt tôi mua 100 tấn để luôn bao giờ lời gấp đôi mới bán chỉ để ít tiền tiêu trong vài năm thôi.

    1. Hoàng Quỳnh

      Tôi đồng tình với anhvu.
      Đọc bài của tác giả Nguyễn Quang Bình hai năm nay nhận thấy hầu hết các bài viết đều trù dập giá xuống. Khi lên luôn nghi ngờ, khi xuống thì “đột quỵ”. Nói cách khác khi giá lên ông cho là vô lý, khi giá xuống ông cho là hợp lý.
      Suy rộng ra hơn có vẻ như ông muốn những người gắn bó với cà phê mình chỉ có nghèo.
      Với tư tưởng của ông:
      Người nông dân trồng cà phê cũng như người kinh doanh cà phê chỉ có thể bán hòa vốn là may rồi, lời chút ít là phúc.
      Bán giá cao là quyền của Tây, của tài phiệt chứ dân mình không có quyền được hưởng điều đó.
      Nội dung văn vẻ khá hay, số liệu quanh quẩn hàng tồn kho này khác…
      Đọc qua xem như có vẻ thông thái, nhưng kỳ thực ông không biết giá đi về đâu, không biết vì sao giá tăng hoặc giảm, không có tầm nhìn chiến lược, thực ra ông không biết gì về giá cà phê?
      Những hiểu biết về cà phê của ông phần lớn những người kinh doanh cà phê lâu năm đều biết cả.
      Muốn xây dựng giá tăng mới khó, muốn làm cho giá giảm thì dễ hơn nhiều. Chẳng hạn như để trồng một cây xanh lớn lên cần phải mất rất nhiều năm chăm sóc, nhưng muốn đốn hạ nó thì chỉ mất vài giờ.
      Bài viết của ông hoàn toàn không có tầm nhìn chiến lược khả dĩ có thể góp phần xây dựng giá cà phê bền vững cho nông dân mà chủ yếu mang tính hủy diệt, hại nhiều hơn lợi.

      1. Lê Đức Phú Cam

        Hoàng Quỳnh mến,
        Nếu viết tin tức về cà phê, hàng hóa, cơ sở thông tin để cấu thành giá không lấy tồn kho, sản lượng, thời tiết, tài chính…thì lấy gì để viết? Nếu bạn có cách nào viết tin hay, hãy góp ý cho các tác giả để họ viết phục vụ chúng ta tốt hơn.
        Hãy đưa “tầm nhìn chiến lược” theo cách của mình để họ viết khá hơn. Khi bạn không đưa ra cách của mình để xây dựng diễn đàn, thì làm sao diễn đàn tốt được hả bạn?

  2. Sang Phạm

    Ủa anhvu,
    Sao 1800/1900 usd anh không mua để cứu người? Tôi thấy ông Bình chưa kích thì chính đích thị anh là người kích bán và cầu mong giá xuống 1000 usd. Chia cho tôi chút khôn của anh nghe.

    1. anhvu

      Mong cũng chẳng được mà không mong cũng chẳng được bạn ơi. Từ khi mấy ông Mỹ mua sàn London giá đi khó lường lắm. Họ đâu có quan tâm tới các yếu tố làm giá lên hay xuống. Miễn sao lên họ cũng phải kiếm được lời mà xuống họ cũng phải kiếm được lời mà thôi. Còn ta thì cứ phải theo họ lấy giá của họ làm giá tham chiếu đấy thôi. Vậy nên tôi nói là nếu giá xuống tới đó thì mua chứ không có ý như bạn nghĩ.

  3. An Nguyên

    Chào anhvu!
    Thực ra, bài viết của tác giả Nguyễn Quang Bình đâu có đưa ra dự đoán nào về giá cà phê trong tương lai. Mục đích bài viết, tác giả chỉ chú trọng diễn giải tình trạng giá cà phê trong quá khứ, giai đoạn từ đầu mùa đến nay, phân tích và dẫn chứng một số yếu tố ảnh hưởng đến thị trường, cấu thành nên giá cà phê đã xẩy ra. Nhưng đó là những gì đã xảy ra, chứ không phải dự đoán trong tương lai, nên các bạn không cần ” cầm hàng phải run “, tùy tình hình thực tế của bản thân mà quyết. Thị trường cà phê đã có lúc thăng, lúc trầm đột ngột không ai đoán trước được. Biết đâu ngày mai trời lại sáng nhỉ???
    Chào A. Nguyễn Quang Bình!
    An Nguyên xin mạn phép phản bác và diễn giải thêm một số điều trong bài viết được không ạ!
    * A có dẫn chứng rằng “những người tham gia thị trường có kinh nghiệm đều cho rằng chính mua bán lòng vòng trong thị trường nội địa, hàng từ tay này sang tay kia, mỗi lúc giá đội lên một ít, làm giá thành của nhiều lô hàng cao, không thể khớp với giá xuất khẩu.”.
    Điều này đúng với hầu hết mọi hàng hóa, khi bị mua bán qua tay nhiều lần thì giá thị trường của mặt hàng đó sẽ vượt xa so với giá trị thực của nó. Còn giá cà phê nội địa thường lấy giá kỳ hạn làm mốc, mua giảm dần từ nhà xuất khẩu xuống đại lý lớn, xuống đại lý nhỏ rồi xuống người dân nên không thể xảy ra trường hợp mua bán qua nhiều tay, giá bị đội lên, cuối cùng mới đến giá nhà xuất khẩu. Giá cả nội đia đôi khi lên xuống ảnh hưởng nhiều từ sự kỳ vọng giá. Nếu cảm thấy sáng sủa, giá có thể cao hơn, còn nếu cảm thấy ảm đạm giá có thể xuống thấp hơn nhưng chủ yếu vẫn xoay quanh giá sàn kỳ hạn.
    Giải thích tại sao giá cà phê nội địa không khớp được giá xuất khẩu, chính là do sự kỳ vọng giá từ đầu mùa đến giờ quá cao. Vào đầu vụ, giá sàn kỳ hạn cao làm giá nội địa cũng cao, các công ty, đại lý và người dân cùng kỳ vọng một mức giá hoàn hảo để rồi giá cao thì người dân mới bán, giá cao đại lý cũng chấp nhận mua dù rằng giá sàn kỳ hạn đang nhích dần xuống. Theo dõi giá hàng ngày từ đầu vụ đến giờ có thể thấy rõ, giá kỳ hạn đã xuống âm hơn 100 USD (hơn 2tr/tấn) trong khi giá nội địa chỉ âm xuống khoảng 1tr/tấn.
    Rõ ràng, không khớp được giá xuất khẩu không phải do giá nội địa bị đội lên do mua bán qua tay mà do sự kỳ vọng nên giá nội địa giảm ít trong khi giá sàn kỳ hạn giảm nhiều.
    * Bàn đôi chút về Xuất khẩu, được giá mất lượng.
    Niên vụ năm ngoai 2013/2014, đầu vụ giá rất thấp, có lúc dưới 30tr/tấn làm người dân không có sự kỳ vọng cao, đến giữa vụ thời điểm giá nằm ngưỡng 35-37tr/tấn thì hầu hết đều xuất, không ai có tâm lý muốn giữ lại chỉ sợ giá xuống. Chính vì vậy, niên vụ 2013/2014 nước ta xuất khẩu được nhiều dù chỉ ở mức giá thấp. Nhưng sang đến niên vụ này 2014/2015, chưa hiểu tại sao giá đầu vụ đã rất cao làm tăng lên sự kỳ vọng trong dân, vì lẽ đó cho dù giá sàn kỳ hạn xuống dù vẫn cao hơn cùng thời điểm năm ngoái nhưng nước ta vẫn chỉ xuất khẩu rất ít.
    Lượng xuất khẩu này một phần từ mua được cầm chừng, một phần từ số lượng cà phê được gửi. Chính lượng cà phê được gửi này là một trong những yếu tố làm chúng ta không thể kiểm soát được giá của chính những hột cà phê do chúng ta làm ra. Nếu cà phê chưa bán mà cũng không đem gửi thì thử hỏi lấy đâu để xuất khẩu cho giới đầu cơ ôm vào lũng đoạn thị trường, ép giá chúng ta.
    Mọi điều ở trên là ngu ý của An Nguyên, mọi người tham khảo thôi nhé !

  4. nguyenanhhao

    Chào An Nguyên,
    Bạn cho rằng “còn giá cà phê nội địa thường lấy giá kỳ hạn làm mốc”, cái gốc của đầu cơ tài chính lợi dụng thị trường nội địa và xuất khẩu của mình là chỗ này và cái gốc để muốn giá tăng theo ý của từng cá nhân cũng nằm ở đây. Bao lâu mình cứ cho giá kỳ hạn là mốc, bấy lâu mình KHÔNG thể làm chủ được giá hàng mình sản xuất. Bất cứ ai đòi cà phê nước mình số 1 thế giới mà còn lấy sàn kỳ hạn làm mốc thì liệu có làm chủ được giá trên thị trường? Nên những ai lên mạng phê bình mà chưa thấy và bày cách nào cho nông dân tách khỏi sàn kỳ hạn để làm chủ giá cho mình, thì có đủ tư cách qui chụp người khác được không hay cũng chỉ đường vào lối mòn cũ hay nói cho đúng đạo đức giả, mị dân.

    1. An Nguyên

      Chào nguyenanhhao!
      Thứ nhất, mình nói ” giá cà phê nội địa thường lấy giá kỳ hạn làm mốc ” là không đúng sao bạn?? Quá khứ và hiện tại vẫn đang tính theo giá sàn kỳ hạn mà.
      Thứ hai, bạn muốn tách khỏi giá sàn kỳ hạn thì bạn phải có đủ năng lực, cái này nẳm ở tầm vĩ mô, người nông dân không thể tự thay đổi được.
      Thứ ba, mình cũng có đưa giải pháp để đỡ bị thao túng giá mà người nông dân dễ thực hiện nhất đó là đừng đem cà phê đi gửi đại lý, cứ để trong nhà được giá thì bán. Tại sao vậy??? Thực ra sàn kỳ hạn là trung gian môi giới giữa người bán và người mua, điều này về bản chất rất tốt nhưng giờ là nơi đầu cơ tài chính… Một số nhà đầu cơ mua vào cà phê thật nhiều và găm lại trên sàn, đến khi đủ số lượng có thể làm chủ thị trường thì họ bắt đầu thao túng giá. Nguồn cà phê này nếu ta chưa bán thì họ lấy đâu ra, chính là từ lượng hàng chưa bán mà lại đem gửi kho đại lý, công ty rồi đến tay các nhà xuất khẩu. Từ thời điểm giá cà phê bắt đầu đi xuống, rất ít lượng cà phê được bán ra nhưng vẫn có cà phê qua cảng xuất đi. Nên nhớ Việt nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất nhì thế giới, nên nếu ta chưa xuất khẩu thì giới đầu cơ không thể có đủ lượng hàng găm giữ thao túng thị trường.

      1. phuceadar

        Không biết An nguyên là nhà kinh doanh hay là chuyên gia mà có tầm nhìn rất chuẩn. gút lại một điều là khi Cá mập chưa gom được một lượng lớn hàng nằm tại Luân đôn thì họ chưa ra tay đâu ? Không biết trong quá khứ chúng ta còn nhớ khi trên sàn lượng tồn kho càng ngày càng cao họ tung tin tồn kho cao và nhà kinh doanh trong nước đua nhau bán và càng bán giá rớt thê thảm. Sau đó vài tháng Vịêt Nam vào giáp hạt hết hàng, giá lên ầm ầm cao điểm 52000d/kg từ dân đến công ty ngồi nhìn mà xót xa ! Hiện nay sàn Luân đôn lại nằm dưới sự điều khiển của New ooc nữa nên càng dễ bị thao túng và đây là cốt lõi của vấn đề !

  5. Gold Coffee

    Thời gian gần đây tôi thấy có nhiều phản hồi “ném gạch đá’ tác giả Nguyễn Quang Bình, bản thân tôi cảm thấy bị tổn thương.
    Thưa Quí vị, không lẽ đọc bài viết của NQB rồi quyết định bán hết cà phê của mình sao? nếu thật là vậy thì quá nguy hiểm cho “nồi cơm” của quí vị. Theo suy nghĩ nông cạn của tôi không đơn giản chỉ vì một bài viết mà chúng ta lại quyết định xuất bán dễ dàng như thế.
    Như vậy tác giả NQB hay nhiều chuyên gia khác nữa họ viết bài chỉ mang lại lợi ích cho chúng ta mà thôi! Dù rằng có chuyên gia viết thuận hoặc có chuyên gia viết nghịch với mong muốn của chúng ta. Nhưng tôi chắc chắn một điều rằng nhờ họ mà mỗi ngày chúng ta có thông tin để đọc, nhờ họ mà chúng ta biết được biến chuyển của thị trường cà phê trong nước cũng như thế giới, bà con có ai nghĩ như tôi không?. Có bà con còn dí dõm ví các bài viết của các chuyên gia trong giacaphe.com là cà phê sáng của họ nữa đấy.
    Cám ơn đã dành thời gian để đọc.

  6. phồng đức quang

    Hiện công ty chúng tôi có nguồn hàng tro trấu ổn định 500 tấn/tháng.giá 7000 đồng bao tại chỗ;nếu giao hàng tận nơi cộng thêm phí vận chuyển; thích hợp cho bà con nông dân trong việc trồng trọt cây ăn trái và rau màu hoặc cho các công ty sản xuất phân hữu cơ vi sinh;giúp phần cãi tạo đất khô cằn đạt năng xuất vuợt trội.chân thành cám ơn 0907827371 anh quang Phản hồi của bạn không được hiển thị do dùng diễn đàn để quảng cáo. Nếu muốn chúng tôi kết nối sản phẩm đến Nông dân xin gởi hồ sơ Công ty, chúng tôi sẽ giúp các bạn miễn phí – BQT

  7. manh tuan

    @ Anh Vũ , Hoàng Quỳnh :

    Mọi ý kiến , bài viết dù của ai cũng chỉ là để tham khảo . Không ai có thể biết được ngày mai sẽ ra sao . Nên mọi quyết định về tài chính của mỗi người thì mỗi người phải tự chịu trách nhiệm . Không thể đổ lỗi cho ai được cả . nếu bạn thấy bài viết của chú NQB sai thì bạn phản biện lại đi nhé , và phải có dẫn chứng và lập luận cho có lý nhé .

  8. Nguyen huong

    Chào bác NQB . Sự thật thường hay mất lòng vậy đó bác ạ , thật buồn cho thị trường giá cả còn mờ mịt, chưa khởi sắc như bà con mong đợi .Nhưng dù giá cà có biến động đến thế nào thì tôi và rất nhiều bà con vẫn hàng ngày mong đc đọc cá bài viết của bác . Xin chúc bác và gd sức khoẻ và niềm vui.

  9. yennguyen

    đọc là để hiểu những gì mình chưa biết, đọc những điều đã biết để chiêm nhiệm thiệt hơn. chỉ mong các bạn phản biện tốt để tiến bộ hơn đừng GATO ném đá.
    bác Bình là chuyên gia nhưng bài viết của bác với mong muốn làm nguội những cái đầu nóng là cần thiết. còn những ai không thích thì các bạn phải thừa nhận bác Bình là chuyên gia chứ không phải Đại Gia trong ngành cà phê thế thôi.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84