Mất vợ vì… phân bón giả!

4 năm nay, 5 cán bộ cấp thôn thuộc xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk) “cực chẳng đã” phải hầu tòa vì trót nhận món nợ từ trên… trời rơi xuống. Vụ án vẫn còn tiếp diễn, các bị đơn gánh chịu nợ nần chồng chất, gia đình bất hòa, con cái bỏ học, vợ chồng đường ai nấy đi.

>> Tin liên quan: Phân bón trả chậm nhưng… kém chất lượng

Bán tài sản để hầu tòa

Năm 2010, ông Lê Thanh Tâm- nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Cuôr Knia khởi kiện “vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” đối với 5 cán bộ thôn gồm các ông Lê Xuân Sự (trưởng thôn 3), Cao Minh Hà (trưởng thôn 4), Cao Quang Nam (chi hội trưởng chi hội nông dân thôn 6), Lưu Thanh Giáp (trưởng thôn 1) và Phạm Văn Trần (trưởng thôn 6) ra tòa cấp huyện. Trước đó, Năm 2008, UBND xã Cuôr Knia đứng ra tín chấp với Công ty cổ phần SX-TM&XD Phú Mỹ (Đồng Nai) và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Việt Mỹ (Bình Dương) mua phân bón trả chậm cho nông dân.

mua ban phan bon gia
Những cán bộ thôn thuộc xã Cuôr Knia bỗng dưng vướng vòng lao lý vì phân bón giả.

Ông Tâm là người trực tiếp đứng ra chỉ đạo các trưởng thôn cho dân đăng ký. Ai muốn mua phân phải có đơn và phải có chữ ký xác nhận của ông Tâm. Trên cơ sơ số lượng đăng ký, ông Tâm nhận phân bón về giao cho các trưởng thôn bán cho dân. Tuy nhiên, khi giao phân bón về cho các thôn, ông Tâm (lấy tư cách cá nhân) tiến hành lập hợp đồng mua bán với các trưởng thôn. 120 tấn phân mà ông Tâm nhận giao về cho dân trong đợt này sau đó bị phát hiện là giả, người dân từ chối trả khoản nợ còn lại (50% giá trị hàng hóa). Ông Trần cho biết: “Lúc đó, chính ông Tâm đã nói công ty bỏ chạy rồi, số tiền còn lại ta xí xóa cho dân”. Thế nhưng bất ngờ, ông Tâm dựa vào các hợp đồng trước đó quay lại đòi tiền các trưởng thôn.

Phiên sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn, tuyên buộc các bị đơn trả cho ông Tâm số tiền 1,3 tỷ đồng. Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn giải quyết lại vì có nhiều thiếu sót về thủ tục tố tụng và nội dung vụ kiện. Đến tháng 5.2014, Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn mở lại phiên xét xử sơ thẩm, tuyên buộc các bị đơn chỉ trả cho ông Tâm tổng số tiền hơn 370 triệu đồng. Đến ngày 30.9.2014, Tòa án nhân dân tỉnh có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do “chờ Viện Khoa học hình sự… giải thích về vấn đề liên quan đến vụ án…”. Đến nay vẫn chưa thấy vụ án tiếp tục đưa ra xét xử.

hau qua cua phan bon gia
Cũng vì vướng vào kiện tụng nên ông Cao Minh Hà sao nhãng chuyện làm kinh tế khiến vườn tiêu bị chết, gây thiệt hại kinh tế.

4 năm dính vào vụ kiện từ khoản nợ “trời ơi”, 5 cán bộ thôn ngày đêm sống thấp thỏm không yên. Lúc đến nhà, ông Cao Minh Hà nghĩ chúng tôi là cán bộ tòa án nên vội hỏi: “Có lịch xử lại rồi hả chú. Lúc nào xử thế. Xử bao lâu. Cần mời nhân chứng nào nữa không”. Khi biết chúng tôi là phóng viên, ông Hà than thở: “4 năm qua toàn cán bộ tòa án về nhà. Lúc thì đưa giấy mời, lúc nhờ phối hợp làm việc này việc kia nên tôi cứ nghĩ là họ. Cũng vì dính kiện, mà tôi bỏ bê ruộng nương, lúa, tiêu khô héo, kinh tế giảm sút nghiêm trọng”. Còn ông Cao Quang Nam tỏ ra bi quan: “Vụ án xử 4 năm với những bản án khác nhau đã được tuyên. Bây giờ vụ việc vẫn chưa kết thúc, không biết tòa sẽ xử như thế nào. Chúng tôi lo lắm”.

Ông Lê Xuân Sự tâm sự:

Ngay từ đầu, vợ đã không muốn tôi làm trưởng thôn. Tôi chỉ nghĩ dân tin dân bầu nên tôi làm. Rồi chuyện xảy ra như giọt nước tràn ly. Vợ tôi mắng nhiếc. 2 vợ chồng xảy ra căng thẳng. Tình cảm vợ chồng sứt mẻ nghiêm trọng. Thấy không thể hàn gắn được nên vợ chồng chỉ còn cách đường ai nấy đi

Cũng từ lúc theo kiện, ông Phạm Văn Trần nhiều đêm thao thức không chợp mắt khiến cơ thể gầy hom, xanh xao. Dẫn chúng tôi đi quanh nhà kho, ông bảo 4 năm qua, ông đã tốn hàng chục triệu đồng tiền thuê luật sư, xăng xe, đi lại, ăn uống, phô tô đơn từ, tài liệu… Ông phải bán thóc, tiêu nên giờ trong kho lúa đã cạn. Nhiều lúc “hụt” tiền, ông Trần phải ngả tay mượn tiền con, bí quá thì “cắn răng” vay ngân hàng. Ông Lưu Thanh Giáp cũng chẳng khá hơn. Ngoài những thứ có thể bán, ông còn bán cả con heo nái, vốn là con vật sinh lời mà gia đình tốn công chăm bẵm nhiều năm.

“Tôi làm trưởng thôn nhiều năm, mỗi tháng hưởng phụ cấp 630 nghìn đồng. Tiền này chưa đủ đổ xăng xe đi làm thì làm chi có của dư của để. Thôi thì có cái chi bán được thì bán để lấy tiền theo kiện thôi”, ông Giáp phân bua và đặt vấn đề nếu như người dân đừng tin tưởng bầu ông làm trưởng thôn thì ông đã không bị dính “quả lừa”, để rồi nhiều năm khốn khổ ngồi ngóng trông chờ kết quả tòa xử như thế này.

“Tan đàn xẻ nghé” vì kiện tụng

Tòa án chưa đưa ra phán quyết cuối cùng, nhưng nhiều bị đơn trong vụ án đã gián tiếp nhận những “bản án buồn”. Năm 2013, khi con trai út của ông Giáp đang học lớp 10 thì cháu đùng đùng nghỉ học. Lý do như ông Giáp kể, khi vướng phải vụ kiện, vợ chồng ông xảy ra lục đục, lớn tiếng cãi vã khiến cháu buồn. Chuyện này cũng lan khắp nơi nên làng xóm, trường học ai cũng biết. Con trai ông cũng vì ngại với bạn bè nên quyết định nghỉ học, hiện đối diện với tương lai rất bấp bênh. Còn ông Cao Quang Nam “tố” cũng vì vướng kiện tụng nên giờ ông vẫn chưa được kết nạp Đảng dù ông đi học lớp cảm tình Đảng 2 năm nay.

phan bon gia
Ông Cao Minh Hà phải bán cà phê để lấy tiền theo đuổi vụ kiện.

Chuyện ông Lê Xuân Sự càng buồn hơn. Lúc chúng tôi tìm về, trong nhà chỉ có vợ và 3 người con, còn ông Sự vắng mặt. Hỏi chuyện mới biết vợ chồng ông ly dị từ năm 2012 dù gia đình 2 họ nhiều lần đứng ra hòa giải. Chán nản, ông Sự xin từ chức trưởng thôn, rồi chuyển về Bình Định làm thuê làm mướn nuôi thân, đến khi tòa gọi thì bắt xe vượt hàng trăm cây số lên. “Ngay từ đầu, vợ đã không muốn tôi làm trưởng thôn. Tôi chỉ nghĩ dân tin dân bầu nên tôi làm. Rồi chuyện xảy ra như giọt nước tràn ly. Vợ tôi mắng nhiếc. 2 vợ chồng xảy ra căng thẳng. Tình cảm vợ chồng sứt mẻ nghiêm trọng. Thấy không thể hàn gắn được nên vợ chồng chỉ còn cách đường ai nấy đi” – anh Sự chia sẻ.

Suốt 4 năm ròng rã theo kiện, 5 vị cán bộ thôn giờ có người đã nghỉ việc, có người chuyển công tác sang làm công an viên, hoặc bí thư chi bộ thôn. Họ mong muốn vụ việc sớm được cơ quan thực thi pháp luật đưa xét xử một cách công bằng, đúng pháp luật để họ yên tâm công tác, cống hiến cho xã hội.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Hoàng Công Danh

    Tôi đã đọc bài viết về vấn đề này cách đây 2 năm cũng chính trên giacaphe.com mà bức xúc quá. Các anh liên quan trong vụ ký kết hợp đồng mua bán phân ở trên cũng do bị lừa, bị rơi vào vòng ma quái của bọn làm phân giả.

    Vấn nạn phân giả tác hại ghê gướm đến đời sống, kinh tế của người dân như thế nào thì chắc không cần nói ai cũng hiểu, và thừa hiểu, Tại sao bao nhiêu năm nay tình trạng này vẫn diễn ra, ngày càng lộng hành và lộ liễu. Quản lý thị trường ở đâu, đang làm gì để ra cái nông nỗi này. Buồn quá bà con ạ

    1. VinhLphat

      Cũng bởi lòng tham hưởng chút hương hoa hồng mà thôi. Chứ con tui thì cứ lên thẳng đại lý cấp 1 của các hãng uy tín như Bình Điền, Phú Mỹ ….có hóa đơn hẳn hoi. Mà lấy rồi cộng chi phí đi lại… rồi tính lại cho dân tính tổng lại vẫn rẻ hơn người ta bán lẻ chán. Lỡ có trúng giả thì có chỗ mà bắt đền

  2. nông dân cà phê

    Thật là bức xúc. Người dân dùng phân bón giả đã bị thiệt hại biết bao nhiêu rồi vậy mà còn phải chịu cảnh kiện tụng, ly tán. Các Quan tòa xét xử cũng thật là vớ vẩn, đáng ra phải xử tội ông Tâm việc buôn bán phân bón giả, không có GP đăng ký kinh doanh… đằng này lại đi đòi tiền của các trưởng thôn (hay trực tiếp là đòi tiền nông dân). Quy kết lại thì các quan tòa gọi là có mắt như mù, từ chức hết đi.

  3. phạm thành biên

    mấy bác cùng những người dân vác đơn kiện bọn buôn bán phân giả, nhưng phải có bằng chứng là còn loai phân đó.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85