Tin buồn

Cà phê hết đắng… đến ngọt?

Trừ ngày giao dịch cuối tuần giảm, giá kỳ hạn robusta và giá nội địa tăng suốt tuần. Hiện tượng ghim hàng lại để mong giá tăng chưa biết thiệt hơn thế nào, nhưng sẽ để lại hệ lụy lớn cho cả ngành hàng cà phê.

>> Có nên ôm cà phê, vay tiền để đầu tư và chờ giá cao

Diễn biến giá cà phê Robusta trên sàn London
Diễn biến giá cà phê Robusta trên sàn London

Rủi ro như giá cà phê

Chỉ trong vòng ba tháng rưỡi nay tính từ đầu niên vụ 2014-15, thị trường chứng kiến giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên ba lần chạm hay cán qua mức 41 triệu đồng/tấn. Quả vậy, thị trường tối thứ Năm 15-1 đã có người bán được mức 41 triệu đồng khi giá kỳ hạn robusta Ice châu Âu vượt ngưỡng tâm lý 2.000 đô la/tấn để chạm mức 2.030 đô la/tấn.

Đáng tiếc, giá cà phê vụt tăng chóng vánh và chỉ cười may cho ai dám đùa với rủi ro. Ngay sau đó, giá kỳ hạn chùng xuống để chỉ còn quanh mức 40,6 triệu đồng/tấn.

Nhìn lại xa hơn, thị trường cà phê nội địa biến động cực kỳ thất thường. Cách nay mươi hôm, giá lên 41 triệu đồng/tấn; mọi người chưa kịp nếm vị ngọt của giá cà phê mang lại thì ngay lập tức chuyển qua vị đắng ngay mấy ngày đầu tuần này vì giá chỉ còn mức 39 triệu đồng/tấn. Người lỡ bán đầu tuần mức thấp, nay kiếm hàng để mua với mức 40,5-41 triệu đồng/tấn… giữa một thị trường quá nóng… thì nếm cà phê kiểu này có khi “phỏng lưỡi” do rủi ro.

Giá cà phê robusta sàn Ice châu Âu đóng cửa phiên cuối tuần hôm qua giảm 28 đô la/tấn chốt tại mức 1.970 đô la/tấn, tăng 7 đô la so với tuần trước. Do vậy, giá cà phê nội địa sáng nay 17-1 quay về mức 40 triệu đồng/tấn.

Thị trường phạt người hấp tấp

“Không mấy khi thị trường căng thẳng kiểu thế này”, giám đốc một công ty xuất khẩu có nhà máy chế biến tại Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết. Nhiều người tin sau khi chạm mức 41 triệu đồng/tấn, giá có khả năng tăng cao hơn. “Tôi tin giá cà phê từ nay thấp nhất cũng phải 43.000đ trở lên. Nhưng thị trường thưởng những ai kiên nhẫn…”, Nguyễn Đăng Trung, một nông dân lên mạng đưa ý kiến về giá kỳ vọng của mình.

Rủi ro trên thị trường ngày càng lộ rõ. Nhiều người tưởng nông dân sẽ bán mạnh khi vào vụ và họ đã vội bán khống cà phê xuất khẩu loại 2,5% đen bể với mức trừ 100 đô la/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB) dưới giá niêm yết sàn kỳ hạn robusta Ice châu Âu cho đợt giao hàng tháng 1-2015. Đến nay, đưa mức bán ấy ra để cân đối mua, chắc chắn không thể nào mua được nếu như không chấp nhận lỗ từ 80-100 đô la/tấn vì có người mới bán ở mức trừ 20 đô la/tấn hay bằng giá kỳ hạn.

Càng lỗ càng liều

Do thị trường cà phê quá nóng và đầy rủi ro, nhiều doanh nghiệp trong nước và nhà nhập khẩu nước ngoài không thể chấp nhận giá 41 triệu đồng/tấn, họ đã mở kho cho gởi hàng và chỉ mua bán với mức chênh lệch (differential) thấp hơn giá sàn kỳ hạn. Nghĩ giá còn tăng, nhiều người đã đưa hàng vào gởi kho và nhận tiền ứng trước, rồi lại dùng tiền ứng mua thêm hàng nhồi vào gởi kho. Có một nhóm khác do không mua được hàng thực vì lỗ, chuyển sang mua hàng giấy trên mạng. Tất cả đều là hình thức đặt cược giá lên mà không lường trước rủi ro khi giá xuống.

Do giá chào xuất khẩu cao từ bằng hay trừ 20 đô la/tấn dưới giá niêm yết sàn robusta, một số nhà nhập khẩu có kho hàng tại các tỉnh đã khuyến dụ người bán xuất khẩu cho mình mua ngay hàng tồn kho của họ. Đây là một kiểu kinh doanh chênh lệch giá với lượng hàng quanh quẩn trong kho nhờ mua với giá rẻ trước đây. Cách xuất khẩu ngược này nói lên rằng giá nội địa quá cao không thể mua được, tạo điều kiện cho nhà nhập khẩu có hàng sẵn bán trục lợi và đưa nhà xuất khẩu vào thế phải đánh bạc. Kết quả từng thấy là người bán xuất khẩu thua lỗ về tay không, hàng thua tiền mất nếu như không chốt giá dần để giảm lượng bán trừ lùi còn treo với kho nhà nhập khẩu.

Giải mã đợt giá tăng lần này

Nhiều nhà môi giới cho biết mấy ngày gần đây đầu cơ đang khống chế sàn kỳ hạn arabica New York đẩy giá tăng lên mức cao nhất tính từ sáu tuần nay sau khi thị trường có tin các vùng cà phê Brazil có thể khô hạn trong hai tháng đầu năm 2015. Sàn robusta nhờ vậy cũng như được chắp cánh.

Rõ ràng thông tin trên chỉ mới là dự báo, nhưng các nhà đầu cơ đã lèo lái làm như thật. Dù sao, đây cũng là dịp có lợi cho người có trong tay hàng thực (physical) nhờ giá tăng cao, đặc biệt trên sàn arabica. Yếu tố thời tiết tại vùng cà phê Brazil sẽ ảnh hưởng đến giá cà phê kỳ hạn rất nhiều.

Cơ quan thống kê sản lượng thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil (CONAB) vừa qua đã phát hành dự báo định kỳ cho sản lượng cà phê năm tới. Không như các nguồn thông tin khác, CONAB cho rằng lượng mưa tại các vùng trồng cà phê trong tháng 11 và 12 năm 2014 đủ để đảm bảo độ ẩm trong đất cho cây cà phê. Lượng mưa trong tháng 1 và 2 năm nay cần theo dõi kỹ vì sẽ ảnh hưởng đến niên vụ cà phê tới đây. Do đó, CONAB dự báo rằng sản lượng niên vụ 2015/16 của Brazil có tăng nhưng không đáng kể, arabica trong khoảng từ 32,5-34,4 triệu bao (bao=60 kg) và robusta 11,6-12,2 triệu bao, riêng về robusta năm tới CONAB báo giảm so với năm nay là 13 triệu bao.

Thường thường dự báo sản lượng cà phê của CONAB là con số thấp nhất trong mọi dự báo. Con số lần này quả đáng ngạc nhiên. Một số nhà phân tích ngành hàng cho rằng con số robusta nhỏ hơn rất đáng suy nghĩ và nghi ngờ. “Không chừng họ báo nhỏ hơn để kích nước khác giữ hàng để họ rộng tay bán ra,” một chuyên gia ý kiến.

Cà phê Brazil chiếm lĩnh thị trường

Thật vậy, tại thời điểm này so với các năm trước, “Brazil đã bán cà phê niên vụ 2014-15 này ra cao kỷ lục, quá xa mức bán bình quân ghi nhận trong lịch sử bán hàng. Hoạt động mua bán nhộn nhịp đến nỗi giá chênh lệch rẻ hơn. Ủy hội Xuất khẩu Cà phê Brazil cho biết, với mức xuất khẩu cà phê tháng 12-2014 đạt 3,12 triệu bao, năm 2014 là năm Brazil xuất khẩu lập kỷ lục với 36,32 triệu bao, mức kỷ lục cũ năm 2010 chỉ là 33,81 triệu bao.

Số liệu tồn kho robusta đạt chuẩn được phép đấu giá cho hợp đồng kỳ hạn Ice châu Âu đạt mức 130.280 tấn tính đến hết ngày 5-1-2015, với giá trị thời điểm hiện nay trên 260 triệu đô la Mỹ. Dự kiến con số này có thể sẽ tăng lên đến 140.000 tấn tại lần báo cáo định kỳ sắp tới vào ngày 19-1. Chỉ trong vòng 10 ngày giữa hai kỳ báo cáo, sàn này đã cấp thêm chứng nhận chất lượng đạt chuẩn cho 9.630 tấn, trong đó Indonesia chỉ có 200 tấn, còn robusta Brazil chiếm phần còn lại. Trước đây, tuyệt đại bộ phần hàng đạt chuẩn là từ Việt Nam. Điều này minh chứng thời gian qua nước ta giảm bán ra do chưa chấp nhận giá để nhường sàn kỳ hạn lại cho hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất.

Tồn kho đạt chuẩn arabica thuộc sàn New York tính đến 15-1 đang ở mức 131.472 tấn, có giá trị thời điểm theo thị trường là trên 553 triệu đô la Mỹ.

Như vậy, vốn bỏ ra cho riêng hàng thực đạt chuẩn chất lượng trên hai sàn kỳ hạn cà phê lên tới 813 triệu đô la Mỹ. Theo một số nhà phân tích, số tiền “đầu tư” vào hàng thực đạt chuẩn của một vài “tay chơi” tầm cỡ chỉ là số lẻ. Vốn xoay để kinh doanh trên sàn hàng giấy của họ còn cao hơn thế nhiều lần.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. toanbmt

    Mọi năm cà fe giá 40k, giá xăng 22k/l là thấy có lãi rồi, nhưng năm nay cf 40, có khi 41, trong khi giá xăng dầu xuống 18k/lit, dầu thô giá 120USD/thùng, giờ dầu thô còn dưới 50USD/ thùng. vậy giá cà 40k là nông dân có lợi rồi. tình trang nông dân găm hàng là có thật, nhưng chịu khó quan sát thì các đại lí lớn năm nay không trữ hàng, một số công ty nuóc ngoài xuất hàng bán ngược cho nguoi dân tạm trữ, như vậy thị trường có sự rối loại nhất định, bà con nên xem xét quyết định hợp lí kẻo bỏ lỡ cơ hội, sau tết cà sẽ không đột biến về giá đâu, đó là điều chắc chắn

    1. bui nguyen

      Gia tăng khoảng 30% so cùng kỳ năm ngoái…? sản lượng giảm 25 đến 30%? xuất khẩu tháng 12 tăng 37,3%? vậy lý gì nói nông dân găm hàng.

  2. longlam

    Chắc bác toanbmt không phải là nông dân nên bác không biết được rằng vụ mùa năm nay nông dân bị mất mùa thê thảm, các bác cứ viết rồi tung hỏa mù làm cho nông dân chúng tôi chẳng biết đâu mà lần. Vụ trước được mùa thì giá 40, 41 là có lời. Như năm nay mất mùa mà bán với giá đó thì có nghĩa là nông dân chúng tôi đổ mồ hôi sôi nước mắt chỉ để nuôi bọn cá mập rồi. Còn bác nói giá dầu giảm thì bác hãy xem thông tin nguồn cung dư thừa của dầu đi rồi hãy nói, đừng tìm cách hùa theo bọn cá mập chỉ tìm cách bỏ mồ hôi, nước mắt của nông dân vào túi…

  3. hieu daklak

    Cà phê Việt Nam thì chưa kịp lên sàn mà sao giá cà phê giấy cứ tăng lại giảm thế nhỉ, chỉ giàu cho nhà đầu cơ lướt sóng.
    Sao cà phê thì xuống thế mà xuất khẩu tháng 12 năm 2014 tăng.
    Ai mà đi ký hợp đồng vào tháng 12 năm 2014? phải chăng là cà phê ký từ niên vụ trước. Nếu tháng 1 /2015 ký nhiều hợp đồng thì tôi sẽ không tin vì giá tháng 1 không thể bán ra.

  4. ngoc

    Thương người dân vất vả mới làm ra hạt cà phê. Tôi rất mong giá lên cho dân nhờ nhưng thực tế thị trương thì bà con cảnh giác, chỉ từ giờ đến Tết âm giá không lên mà xuống, qua tết giá mới lên.
    Tôi không tham gia nhưng tôi biết đúng là thời gian qua một số công ty xuất hàng cho dân ôm. Các bạn liệu mà tính dù sao lượng mình có chả là bao so với mấy tay cá mập.

  5. hồng nguyễn

    Tôi thiết nghĩ cà phê tồn trong dân thì làm sao mà tăng giá được .Nếu đầu cơ họ trữ được nhiều thì giá mới triễn vọng Trong lúc đó đặc biệt người dân lại ồ ạt vay ngân hàng chi phí và còn mua trữ vào , sau đó đến hạn buộc phải trả thì giá thế nào cũng phải bán lúc đó đầu cơ họ tung tiền ra mua khi họ đã gom hết hàng lúc đó giá mấy triễn vọng , vậy vô tình nông dân giữ hàng cho đầu cơ .

  6. thanh HT

    Đầu mùa các công ty cho dân chốt giá cao có lúc lên trên 41k nên bà con mình kỳ vọng. Lại nghe mất mùa ở nhiều nơi nên nhiều người đi vay vốn ngân hàng găm hàng chờ. Tôi nghĩ đây là chiêu trò của các nhà đầu cơ, họ được lợi rất nhiều từ vốn – kho chứa – bảo quản… Qua tết chưa chắc được giá này, vài suy nghĩ cùng bà con.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

76