Tin buồn

Giá cà phê đổ nhào ngày giao dịch đầu năm

Nỗ lực tăng giá cà phê trong những ngày cuối năm đã không kéo dài được ngay trong ngày giao dịch đầu năm 2015: giá cà phê kỳ hạn robusta và thị trường nội địa cùng giảm sâu.

Nhưng may, giá xuất khẩu dựa trên mức chênh lệch đang tăng dần.

>> Giá cà phê rớt: Có gì bất ngờ?

gia ca phe dau nam 2015
Biểu đồ: Diễn biến giá kỳ hạn robusta Ice châu Âu trong tháng 12-2014 (tác giả cập nhật)

Đầu năm…xui xẻo

Ai cũng tưởng cà phê lên lại mức 39,5 triệu đồng/tấn trong những ngày cuối năm 2014, giá cà phê nội địa tại các tỉnh Tây Nguyên chắc lấy đà tăng tiếp, nào ngờ thị trường đổ nhào ngay ngày giao dịch đầu tiên năm mới 2015 trên sàn cà phê Ice châu Âu.

Đóng cửa phiên cuối tuần và cũng là ngày giao dịch đầu năm 2015, giá kỳ hạn robusta chốt mức 1.864 đô la/tấn, giảm 52 đô la/tấn trong ngày và 39 đô la/tấn so với tuần trước. Đây cũng là mức thấp nhất tính từ phiên giao dịch cuối tháng 11-2014 (xin xem biểu đồ). Giá kỳ hạn arabica Ice New York cũng rớt 7,55 xu/cân Anh (cts/lb) sau một tuần, tương đương với 166 đô la/tấn.

Giao dịch trên thị trường nội địa vẫn nhấp nhô theo giá kỳ hạn, cận 40 triệu đồng/tấn, một ít cà phê được bán ra thị trường. Sáng nay, thứ Bảy 3-1-2014, giá cà phê nguyên liệu tại các vùng nguyên liệu quanh mức 38-38,5 triệu đồng/tấn, không khí khá trầm lắng vì người bán chê thấp.

Còn một chút này…

Như vậy, giá cà phê nguyên liệu đang ở các mức thấp nhất tính từ đầu vụ đến nay nếu lấy đỉnh là 42 triệu đồng/tấn lập vào tháng 10-2014. Giá niêm yết thấp, nông dân không bán ra, một số công ty đã nâng giá chào xuất khẩu loại 2,5% đen bể lên bằng giá niêm yết tại sàn kỳ hạn. Tuy nhiên, đại diện của một nhà nhập khẩu có trụ sở ở Thụy Sĩ nói rằng bà chỉ mua trong trường hợp cần kíp cho những lô hàng nhỏ với mức trừ 20 đô la/tấn FOB (giao hàng qua lan can tàu) so với giá kỳ hạn.

Đấy cũng là mức giao dịch xuất khẩu đã thực hiện cao nhất tính từ đầu niên vụ đến nay. Trước đây, một số nhà xuất khẩu đã chào bán vội ở mức trừ 80-100 đô la/tấn nay vẫn chưa giao hàng vì “không ai bán rẻ cho mà mua và chết chắc”, tổng giám đốc một công ty xuất khẩu đóng tại TPHCM cho biết.

Phải chăng đây là yếu tố tạo nên thành công trong cuộc đối đầu cân não giữ giá xuất khẩu cà phê nước ta cao hơn so với sàn kỳ hạn Ice châu Âu trong mấy năm qua?

Điểm nhấn cà phê Việt Nam năm 2014

Năm 2014 đã khép lại. Xuất khẩu cà phê của nước ta 12 tháng qua đạt 1,69 triệu tấn hay 28,17 triệu bao (bao=60 kg), tăng 29,7% so với năm 2013 theo ước tính mới nhất của Tổng cục Thống kê.

Bộ Nông nghiệp & PTNT báo rằng giá xuất khẩu cà phê bình quân trong 11 tháng đầu 2014 đạt 2.096 đô la/tấn, giảm 0,86% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng cao hơn bình quân giá sàn kỳ hạn robusta Ice châu Âu đến 92 đô la/tấn. Thống kê của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho biết giá bình quân trong kỳ của sàn này chỉ đạt 2.004 đô la/tấn.

Có thể nói rằng đây là một điều lạ và đáng tự hào. Vì trên thị trường hàng hóa rất ít trường hợp giá nguyên liệu của nước sản xuất cao hơn giá sàn kỳ hạn trong một thời kỳ dài cả năm, đó là chưa nói đã ba bốn năm nay, giá xuất khẩu bình quân cà phê robusta nước ta đều cao hơn sàn kỳ hạn. Ngay như trường hợp Brazil vừa qua, giá xuất khẩu cà phê arabica phải chịu cảnh “trừ lùi” so với giá sàn Ice New York dù có tin bị hạn hán và mất mùa, có thể ảnh hưởng đến cán cân cung-cầu trên thế giới.

Là một nước sản xuất và xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới, kinh doanh cà phê nước ta hầu như liên thông chặt chẽ với sàn kỳ hạn Ice châu Âu, mọi con mắt và lỗ tai đều nhắm vào, nên từ lâu đã trở thành trung tâm săn tin và tung tin có lợi cho người mua. Ý nghĩa lớn nhất của giá xuất khẩu bình quân cao hơn giá niêm yết sàn kỳ hạn là ở chỗ người bán không dễ bị lung lạc với những tin đồn bất lợi cho mình để buộc người mua phải trả đúng giá theo yêu cầu.

Thất lợi về địa lý như ở xa kho hàng tại châu Âu, Bắc Mỹ so với Brazil, chi phí cao hơn vì các nhà xuất khẩu nước ta thường nhường quyền thuê tàu chuyên chở cho bên người bán, việc giữ được giá cao hơn giá sàn kỳ hạn không tạo ngạc nhiên và đáng thán phục là gì?

Ngoài ra, giá cao hơn giá “thế giới” còn nói lên rằng đẳng cấp chất lượng hàng cà phê robusta của Việt Nam bấy lâu nay là hiển nhiên, nếu không muốn nói cao hơn cả yêu cầu chất lượng theo qui định của của hợp đồng kỳ hạn.

Chất lượng theo chuẩn của hợp đồng kỳ hạn robusta Ice châu Âu thường khó hơn loại xuất khẩu theo thói quen thương mại của hàng cà phê nước ta. Mức giá loại cà phê thượng hạng theo qui định của sàn này cũng chỉ được trả cao nhất là cộng 30 đô la/tấn hàng giao tại các kho thuộc sàn nằm rải rác tại các cảng châu Âu và Bắc Mỹ.

Nếu cộng thêm các chi phí chuyên chở và làm hàng, giá xuất khẩu bình quân thực tế của nước ta năm qua cao hơn nhiều, phải cộng tới chừng 200 đô la/tấn so với giá niêm yết của sàn kỳ hạn.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. hieu daklak

    Buồn vì đầu năm rớt giá, nhưng không biết thị trường có cân cà phê nào xuất không, nhưng tôi nghĩ chỉ có người không biết gì về cà phê mới bán. Có lẽ giá này giao dịch trong nước gần như không có, chỉ có nông dân bán nhỏ lẻ để trả chi phí thôi. Cà phê năm nay mất mùa, cách đây một tháng đã có rất nhiều người đi làm ở ngoài Bắc về quê vì hết việc. Cà phê khu vực nhà tôi giảm một nửa mà giá nhân công không tăng vì nông dân cũng không cần nhiều nhân công.

  2. Trường Tùng

    Hôm nay giá mua vào để trữ 39k nhưng không đủ tiền để mua. Bà con Nông dân vẫn đang bán mạnh quá vì sợ giáp tết cà sẽ hạ không có tiền tiêu tết. Theo nhận định của tôi những ngày giáp tết cà chỉ còn < 40k.

    1. ha thinh

      Bạn ở đâu vậy? Mình ở Đăk Mil Đăk Nông, đại lí họ mua 39,2. Còn ai mua lại đại lí về trữ là 40. đó.

  3. dinhtruong36

    Cà phê không thiếu để xuất khẩu, ở chỗ mình nhiều nhà đã hái và phơi xong, dù không bán nhưng không còn 1 hột cà nào ở trong nhà hết. Với tình trạng này thì qua tết Nguyên Đán hy vọng tình hình mới khá hơn được.

  4. hoàng ngọc

    Cà phê Việt Nam mình mất mùa… Thứ nhất bà còn nông dân giữ lai ko bán, thứ hai ai kẹt bán ít nào thì các đại lí và một số hộ gia đình có tiền người ta ôm lai nên ko có hàng xuất đi. Vì thế giá được các đại lí đẩy lên cao hơn giá niêm yết trên sàn. Coi như hàng chỉ lòng vòng nội bộ ko bán ra ngoài hoặc bán rất ít. Trong khi đó ở các nước khác họ thi nhau xuất chính vì thế cho dù Việt Nam mất mùa rõ ràng nhưng nguồn cung cho thị trường lại vẫn dồi dào ko thiếu. Chính vì thế mà giá ko lên được. Mặt khác 2015 sẽ là năm khó khăn với nền kinh tế thế giới bởi: Mỹ và liên minh châu Âu cấm vận Nga, chiến tranh kinh tế… Về năng lượng thì Opec đối đầu với Mỹ và Nga rớt giá thảm bại. Trung Quốc lăm le biển Đông mà kinh tế Việt Nam phụ thuộc 80% vào Trung Quốc và cà phê là 1 trong số đó. Nhìn chung 2015 là năm rất khó khăn với nền kinh tế nói chung và ngành cà phê nói riêng của VN. Giá có thể còn xuống nữa. Đôi lời chia xẻ từ đáy lòng, mong mọi người bỏ quá.

  5. ho nam

    Tuy giá đầu năm có hạ bởi lý do khi các nền kinh tế ở một số nước EU tăng trưởng chậm hoặc âm và đồng USD mạnh lên so với ERO cho nên giới đầu cơ lấy cớ dìm giá đó. Bà con cứ yên tâm một vài phiên tiếp theo là giá lại lên thôi !

  6. Tâm Cà

    Kinh kinh. Em sợ quá các bác ạ. Năm nay cà em uống còn thiếu chứ đừng nói bán. Nếu ko có cái giá trên 50k/kg thì mùi cà phê mấy thượng đế cũng ko có mà ngửi chứ đừng nói uống hay thưởng thức. Chịu khó ngửi mùi hương nhân tạo của các nhà rang xay nhé

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84