Tin buồn

Đắk Lắk: Vào mùa … mót cà phê

Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 10 đến hết tháng 1 năm sau, người dân tại nhiều địa phương trong tỉnh lại nhộn nhịp vào mùa thu hoạch cà phê sau thời gian dài vất vả chăm sóc. Đây cũng là thời điểm để nhiều người kiếm thêm thu nhập từ việc đi mót cà phê.

Thành quả sau khi người dân đi mót à phê về thường sẽ bán ngay cho các đại lý trên địa bàn.
Thành quả sau khi người dân đi mót cà phê về thường sẽ bán ngay cho các đại lý trên địa bàn.

Công việc kiếm bộn tiền

Mót cà phê là công việc không còn xa lạ với nhiều người và cũng mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân lúc nông nhàn. Người mót cà phê thường vào những vườn, rẫy vừa mới thu hoạch xong nhặt nhạnh những quả cà phê rơi rớt dưới đất và cả những quả còn sót lại trên cành để đem bán.

Công việc này không kén lao động, họ có thể là những cụ già, em nhỏ, hay cả những nhân công hái cà phê tranh thủ giờ nghỉ giải lao để kiếm thêm thu nhập…

Anh Y Sơn Niê ở xã D’liêya (huyện Krông Năng) cho biết, gia đình anh chỉ canh tác có 5 sào cà phê nên vào vụ thu hoạch hằng năm thường hái xong sớm hơn so với các hộ khác trong vùng. Tận dụng khoảng thời gian nông nhàn, năm nào anh và vợ cũng đi mót cà phê để kiếm thêm thu nhập.

Theo anh Y Sơn, hiện nay, người trồng cà phê thường phải thuê lao động thu hái.  Trong khi đó, không ít nhân công lại thiếu trách nhiệm với công việc được thuê mà làm theo kiểu “hết ngày đầy công”, không hái kỹ nên để sót quả trên cành khá nhiều. Chưa kể, khi thu hoạch, người ta thường trải một tấm bạt lớn phía dưới gốc cây để thu gom cà phê, điều này khó tránh khỏi quả bị rơi vãi do bạt thủng, bạt vướng cành cây…

Sau khi thu hái xong, chủ vườn thường để người khác vào mót quả, vì việc này sẽ giúp cho vườn cây sạch hơn, hạn chế mầm sâu bệnh lưu lại trong quả từ vụ này sang vụ khác. Mỗi ngày vợ chồng anh Y Sơn thường mót được khoảng 80 – 100 kg cà phê quả tươi. Với giá bán hiện nay là 10.000 đồng/kg thì mỗi ngày gia đình anh cũng kiếm được từ 800.000 – 1.000.000 đồng.

Công việc này kiếm được nhiều tiền nên đứa con trai học lớp 7 của anh những hôm không đến trường cũng tham gia đi mót cà phê với bố mẹ. Còn tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, một số công nhân thu hái cà phê cho gia đình chị Trịnh Thị Ngọc cũng tranh thủ thời gian nghỉ trưa đi mót cà phê đem bán.

Anh Trần Văn Sinh, từ Bình Định lên Đăk Lăk hái cà phê thuê cho hay, ngoài thời gian hái cà phê thuê cho chủ với tiền công 180.000 đồng/ngày, thì mỗi buổi trưa (khoảng từ 12 – 13 giờ) anh cũng đi mót được bình quân khoảng 5 kg quả tươi, kiếm được khoảng 50.000 đồng.

Nhiều hệ lụy

Mặc dù mót cà phê là công việc kiếm được thu nhập khá, song cũng tạo ra không ít phiền toái cho người dân. Trước tình trạng trộm cắp cà phê diễn ra khá phức tạp như hiện nay thì những người đi mót cà phê cũng khó tránh khỏi sự nghi ngại, cấm cản của người trồng cà phê cũng như lực lượng bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn.

Chị Trần Huyền Như ở thị trấn Ea Pôk (huyện Cư M’gar) cho rằng: Nếu bà con chỉ thuần túy là đi mót cà phê thì không ai ngăn cản, nhưng thời gian qua có nhiều đối tượng lợi dụng mót cà phê để hái trộm ở những rẫy cà phê lân cận chưa kịp thu hoạch.

Do các rẫy cà phê của người dân thường sát nhau, việc thu hái không đồng loạt theo từng vùng, từng đợt khiến cho việc quản lý ngày càng khó khăn hơn. Chính vì vậy, nhiều thôn, buôn trong xã sau khi người dân thu hái xong đã không cho ai vào mót cà phê nữa.

Cũng mang tâm lý chung như chị Như, nhiều hộ dân ở thôn 3, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) từ 2 năm nay không cho bất cứ đối tượng nào mót cà phê nữa, dù là người trong thôn, trong xóm hay những vị khách xa lạ đến hái cà phê thuê.

Theo chị Trần Thị Thu Hương, một người dân nơi đây phản ánh: Nguyên nhân của việc này là do đầu niên vụ cà phê năm ngoái có một số là trẻ em chăn trâu là người trong thôn đi mót cà phê nhưng lại lợi dụng để hái trộm cà phê của rẫy bên cạnh, đã bị người dân phát hiện bắt giữ và đưa lên Công an xã để xử lý.

Các đối tượng này thường chọn những cây cà phê nào trĩu quả liền bẻ cả cành nhét vào bao mang về. Trường hợp này đã tạo nên sự cảnh giác của người dân trong thôn. Để tránh tình trạng trộm cắp cà phê của nhau, tự bảo vệ vườn cà phê của mình, thôn đã quy định không ai đi mót cà phê.

Ông Trần Cảm, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Êbur cho biết, việc người dân đi mót cà phê để kiếm thêm thu nhập là rất tốt, nhất là những hộ có ít ruộng rẫy, những hộ có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, đây là thời gian để họ kiếm thêm thu nhập.

Tuy nhiên, vẫn có những người lợi dụng hình thức mót cà phê để hái trộm cà phê của người khác. Hằng năm, chính quyền xã đã chỉ đạo cho các ban tự quản thôn, buôn, phối hợp với Công an xã một mặt là tuyên truyền, khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh trong mùa vụ cà phê, nếu phát hiện các đối tượng trộm cắp phải báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý; đồng thời, hình thành các tổ an ninh tự quản thôn, buôn để tăng cường các biện pháp tuần tra, canh gác rẫy cà phê cho bà con.

Việc mót cà phê không những giúp bà con có thêm nguồn thu nhập khá cho kinh tế gia đình, mà còn góp phần làm giảm thất thoát cà phê sau thu hoạch. Tuy nhiên, thiết nghĩ những người đi mót cà phê cũng phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình để bảo vệ an ninh trật tự, tài sản, mùa màng chung cho cộng đồng.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nguyễn Thanh Vinh

    KHÓ…
    Cà phê đã hái xong rồi còn sót trái ở những chỗ khó thấy, rơi vãi dưới đất mà không cho người ta vô mót thì … coi sao được. Mà nếu xung quanh còn nhiều lô chưa hái mà để khoảng vài chục người vô mót ở những lô đã hái rồi thì thử hỏi có ai dám về nghỉ trưa không? Hay lại phải bố lực lượng một kèm một như hậu vệ Ý mới đảm bảo?

  2. duc_mdrak

    di mót mà ngày được 50kg thì chỉ có đi hái trộm.chải bạt hái một ngày mới được 5 bao mà di nhặt từng quả từng chùm mà được 1bao sao .có mà nhặt của nhà còn không được 50kg chứ đừng nói đến chuyện đi mót.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

82