Tin buồn

Ai đang dính bẫy trên thị trường cà phê?

“Cây muốn lặng nhưng gió chẳng dừng” – đó là cuộc giằng co giữa thị trường cà phê hàng thực và hàng ảo trong mấy ngày tuần đầu tháng 12-2014, người sản xuất tạm thời chịu thua.

Mua bán chậm vì chờ giá cao

Thị trường cà phê tuần đầu tiên của tháng 12-2014 khá trầm vắng và mua bán chậm chạp. Giá cà phê nguyên liệu trên thị trường nội địa có lúc chao xuống 40 triệu đồng/tấn, nhưng rồi nhanh chóng vực lên lại do bất ngờ với sức bán ra khá hạn chế.

“Đã bắt đầu tháng thứ ba của niên vụ mới 2014/15, thị trường cà phê vẫn chưa thấy nhộn nhịp” đó là nhận định của ông Lê Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty Simexco Dak Lak, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam, tại hội nghị tổng kết niên vụ cũ và bàn phương hướng cho năm mới của Hiệp hội Cà phê và Ca cao (VICOFA) được tổ chức hôm qua 5-12 tại TPHCM.

Một số chủ doanh nghiệp đến từ các nơi đồng tình với ý kiến trên vì “hình như hai bên mua bán đang thăm dò nhau chứ chưa thực sự khởi động”. Những dự báo trước đây nói cà phê nước ta được mùa, đến nay đang phần nào làm bỡ ngỡ phía nhập khẩu, tuy họ còn bán tin bán nghi dù lượng bán ra quá ít.

Tin đồn mất mùa và tâm lý giữ hàng đang còn lởn vởn nhiều trên thị trường. Thật thế, “mới hôm trước đầu niên vụ giá 42 triệu đồng/tấn, nay giá 40-41 triệu, sao mà bán cho đành!”, anh Phan Trọng Nghĩa có vườn tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng tâm sự.

Đợi giá cao trong khi nông dân còn bận rộn với công việc thu hoạch hơn là tính toán bán ra, đó là lý do khiến nhiều nhà xuất khẩu mua chưa được hàng phải bồn chồn.

Biểu đồ 2: Diễn biến giá kỳ hạn arabica Ice New York (nguồn: tradingcharts.com)
Biểu đồ 2: Diễn biến giá kỳ hạn arabica Ice New York (nguồn: tradingcharts.com)

Mỗi thị trường một cung cách

Có lẽ chính nhờ vậy, giá kỳ hạn robusta và thị trường nội địa vẫn chưa suy suyển và  đang nằm trong tay người bán.

Về phía người mua, họ vẫn chưa tỏ ra nôn nóng đối với hàng robusta vì thị trường đang khá dồi dào với hàng arabica chế biến khô từ tồn kho vụ cũ lẫn vụ mới đang được Brazil tung đều ra thị trường với giá trừ so với giá niêm yết arabica New York. Đồng real Brazil (BRL) giảm giá trầm trọng, xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm nay so với đồng đô la Mỹ, cũng là một yếu tố kích xuất khẩu và người mua chuyển sang thị trường arabica tại Brazil. Thật vậy, xuất khẩu cà phê tháng 11 của Brazil lại tiếp tục tăng chưa có dấu hiệu giảm để người ta khả dĩ tin rằng có mất mùa. Tháng qua xuất khẩu của Brazil lại tăng 152.300 bao, tức tăng 5,62% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 2.864.100 bao. “Thị trường arabica tạm thời đang do người mua định đoạt”, một thương nhân nước ngoài cho biết bên lề hội nghị.

Hiện tượng này thể hiện rất rõ trên bảng giá niêm yết của thị trường. Giá kỳ hạn arabica giảm không ngừng trong khi giá robusta được giữ vững. Trên sàn arabica, sau khi mất trên 30 xu/cân Anh (cts/lb) tương đương với trên 660 đô la/tấn tính từ đầu niên vụ 2014/15 đến cuối tuần trước, giá loại cà phê này tuần qua lại tiếp tục mất thêm 7,35 cts/lb hay 162 đô la/tấn, từ 187,45 cts/lb nay chỉ còn 180,10 cts/lb (biểu đồ 1). Tại sàn robusta Ice châu Âu, giá đóng cửa phiên cuối tuần hôm qua chốt mức 2.053 đô la/tấn cơ sở tháng 3-2015, giảm 17 đô la/tấn so với cuối tuần trước (biểu đồ 2).

Biểu đồ 2: Giá đóng cửa robusta Ice châu Âu tháng 3-2015 giao dịch tuần qua (tác giả cập nhật)
Biểu đồ 2: Giá đóng cửa robusta Ice châu Âu tháng 3-2015 giao dịch tuần qua

Giá cà phê nguyên liệu sáng nay 6-12 trên các tỉnh Tây Nguyên đang được giao dịch quanh mức 40,5 triệu đồng/tấn, bằng giá cuối tuần trước dù giá kỳ hạn giảm.

Bẫy giăng đầu mùa

Giá cà phê kỳ hạn giảm nhưng giá cà phê nguyên liệu đứng vững đã làm cho những ai bán xuất khẩu với mức chênh lệch thấp trước đây phải lo lắng. Thật thế, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VICOFA tại hội nghị cho biết rằng trước đây một số doanh nghiệp nghe tin đồn được mùa, đã vội bán xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ với giá thấp như trừ 100-110 đô la/tấn dưới giá niêm yết, nay ắt phải lo lắng. Bán xuất khẩu với mức “trừ lùi” giá rẻ sẽ rất khó mua được hàng trước một thị trường luôn ngóng giá cao như hiện nay nếu họ không chấp nhận cắt lỗ.

Càng rủi ro hơn khi nhiều người không thể mua hàng thực quay sang mua hàng giấy hay còn được gọi là hàng ảo trên mạng. Đây là một dạng đầu cơ giá lên vì họ cứ nghĩ rằng khó mua hàng thực, mua hàng giấy “lấy may” bù vào.

Cấu trúc “vắt giá”, giá tháng giao hàng gần cao hơn giá tháng giao hàng xa là cơ sở để những người này quyết định lao lên sàn mua hàng ảo để mong gỡ gạc cho hàng thực đã bán nhưng chưa mua được hàng. Vì theo lý thuyết, cấu trúc “giá vắt” biểu thị cho thiếu hàng, cần hàng giao nhưng họ quên rằng đấy chỉ là các thao tác thanh lý trên giấy tờ, thủ tục tài chính (nên mới gọi là “hàng giấy”).

Thế nhưng, thực tế những gì xảy ra trên sàn tuần qua có thể khẳng định rằng họ đã mắc bẫy. Cấu trúc vắt giá biến mất với đợt giá lao xuống khi giá tháng giao ngay 11-2014 (spot month) chấm dứt. Chỉ sau vài ngày, đến sáng nay 6-12, giá tháng 1-2015 nay trở thành tháng giao hàng chính đã xuống thấp hơn các tháng giao sau theo bảng giá đóng cửa sàn robusta Ice châu Âu khuya hôm qua:

cf3

Mua hàng giấy lúc giá cao, nay giá quay xuống thấp, thị trường đã đưa họ vào bẫy. Có hai lựa chọn đều khó khăn cho người mua hàng giấy: hoặc là đóng thêm tiền để bảo toàn vị thế mua, hoặc phải thoát khỏi vị thế ấy bằng cách bán giá thấp chịu lỗ.

Đấy không phải là lần đầu. Nhưng cái khó không chỉ riêng cho họ mà còn để lại cho người có hàng thực là trong khi nông dân và các nhà xuất khẩu đang đấu tranh cho giá cao, thì đầu cơ hàng giấy nhảy vào phá thế trận. Thực tế, họ mua khống hàng giấy để mong giá cao bán ra, nhưng đâu biết rằng đầu cơ cá mập bắt bài, dìm giá để treo họ trên sàn với các hợp đồng mua giá cao. Một khi đua nhau bán thoát thân, là lúc họ kích thêm người có hàng thực bán ra do tâm lý sợ giá rớt, sẽ tạo nên những thảm cảnh đau lòng vì bán tháo dây chuyền.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. ho nam

    Người trong nước với những báo cáo và nhận định được mùa, sản lượng tăng để rồi các doanh nghiệp nội mắc bẫy nhưng dân trồng cà phê mới là người chịu thua thiệt !

  2. Trúc Lam

    Thương trường như chiến trường. Dương Đông, kích Tây. Đánh vỗ mặt, đánh tạt sườn. Trận địa giả, khí tài giả. Hô thật đánh giả, hô giả đánh thật… vậy mới cần đến tình báo, trinh sát… Tiền nhân đã dạy “biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Cũng vì thế mà mới cần học tập, đào tạo. Bà con ta có chút ít cà phê nhưng lại là cả sản nghiệp. Có điều kiện nghiên cứu sâu thì tốt nếu không thì thấy có lãi chút ít thì có thể bán dần mà trang trải “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”. Sẽ không tìm ra bậc vĩ nhân nào trong lĩnh vực này có thể khẳng định cà phê lên hay xuống luc nào. Bởi nếu có tìm ra bậc vĩ nhân ấy thì khả năng phát ngôn sẽ phần nhiều ngựợc với thực tế hoặc không có gì mà thôi.

    1. Nguyễn Bùi Thắng

      1. Vĩ nhân không vì lợi của bản thân. Vì vụ lợi cho bản thân thì người khác chịu thiệt thòi vậy thì còn gọi là vĩ nhân nữa không ? tránh từ vĩ nhân ở đây đi anh bạn.
      2. Bán cà phê có phần giống với cổ phiếu ở chổ chốt lời. Giá sau khi bán có lên nữa cũng đừng có tiếc rẻ vì nó đã phù hợp với giá trị của bản thân rồi. Xác xuất thống kê chỉ giúp ích một phần 99% cơ hội thắng vẩn còn 1% cơ hội thua. Vì thế quyết định bán nằm ở nhu cầu cá nhân không nên tham lam.
      3. Nông dân Việt Nam mình trước giờ tâm lý “bầy đàn”. Tuy bây giờ có vẻ có chút ít khôn ngoan hơn nhưng lại trở nên bủn xỉn và có phần tham lam. Tham thì thâm đó là một câu nói chí lí của người xưa.
      Kết : Vì vậy hãy căn cứ vào những thứ thiết thực hơn, đúng đắn hơn mà ra quyết định. Chúc các bạn có những quyết định sáng suốt.

  3. nongdancun

    Việt nam năm nay mất mùa từ 20% đến 30% là điều thực tế trước mắt chứ không còn là tin đồn như trước đây nhiều người đã nghĩ.

  4. Lão Nông Tri Điền

    Bạn Trúc Lam nói chí phải. Làm nông như dân cà phê mình thì thiệt thoì trăm thứ. Ngàn năm mèo vẫn hoàn mèo mà thôi.

  5. lambaoloc

    Bởi vậy đã là nông dân thì phải tích góp thôi, khi tích gióp nhiều rồi thì phải nghĩ ra phương hướng khác. Có như vậy mới tồn tại.

  6. Phan Trọng Anh

    Đôi khi họ chơi chiêu đang ép cho hàng giấy tháo lỗ và dụ cho bán mới, coi chừng bị mắc bẫy, mà tâm lý giá xuống người dân lại càng giữ hàng làm cho mấy công ty không mua được hàng thực tới ngày giao hàng họ đẩy giá cao lên bắt giao hàng thực, nếu không mua được hàng phải mua ngược lại của họ để giao hợp đồng đúng hẹn đã ký. Đơn cử 2011 có nhiều ông lớn bị ra đi vì kiểu này vì bán giá thấp và mua giá cao để giao hợp đồng, chiêu bài này chuẩn bị lập lại nữa rồi. Theo Hiệp hội cà phê không khuyến khích bán hàng giao xa mà nên bán hàng giao ngay còn gọi là outright để đỡ rủi ro cho người bán, nếu làm được như vậy tôi đố đầu cơ dám bán mạnh xuống đấy vì họ mua khống hàng giấy khu 1900-1950 hơi nhiều. Đôi điều chia sẻ.

    1. Anh Văn

      Bạn nhận định khá chính xác. Điều tôi đang nghĩ là DNXK – VN phải mua lại hàng của chính mình đã bán để giao hợp đồng kỳ này.

  7. nguyễn dũng tiến

    Tin tưởng cà phê sẽ đạt giá cao trong tháng 7 năm 2015, qua khảo sát vườn cà phê tại tỉnh nhà giảm khoảng 40-50%, thay vào đó là hồ tiêu. Lượng cà phê tại Đăk Lăk diện tích cà phê lớn nhất nước, trong số này được trồng vào khoảng năm 1990-1995 đến nay đã già cổi, sản lượng thấp kém. Theo đó trồng hồ tiêu ít chi phí, công việc chủ yếu là công kĩ thuật chỉ cần làm tốt thì cứ 01 sào hồ tiêu cũng bằng 7-8 sào cà phê do vậy hiện tượng chặt bỏ không tái canh cà phê tương đối nhiều, hằng ngày quan sát trên đường thấy lượng thân cà phê được vận chuyển để đốt than là khá lớn, cách đây vài năm không có hiện tượng này.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84