Lâm Đồng: Khốn đốn vì cà phê rụng trái hàng loạt

Cơ quan chức năng hiện chưa xác định được nguyên nhân của tình trạng này để hướng dẫn cho nông dân.

Những ngày qua, hàng trăm hecta cà phê trên địa bàn xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng bị rụng trái hàng loạt. Người trồng cà phê ở đây rất lo lắng, vì chưa có biện pháp xử lý. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng chưa xác định được nguyên nhân của tình trạng này để hướng dân cho nông dân.

Xem thêm: >> Ngăn chận cây cà phê rụng quả non

Đưa tay chỉ vườn cà phê rộng 3ha đang xanh tốt nhưng quả xanh đã rụng đầy gốc, ông Trần Thế Trường, ở thôn Hiệp Thạnh 2, xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng buồn rầu kể, ngay khi phát hiện cà phê có dấu hiệu rụng trái hàng loạt vào tuần trước, gia đình đã nhanh chóng mua nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật về phun, xịt nhằm cứu chữa, nhưng kết quả vẫn không có chút gì khả quan. Cứ đà này, thì đến cuối vụ cả vườn cà phê sẽ chẳng còn lại quả nào.

Ông Trần Thế Trường nói: “Vườn nhà tôi thì bị cách đây hơn 1 tuần rồi. Tôi cũng thường đi xem và xịt thuốc, thực tế là tôi đã xịt thuốc đến 5 lần rồi. Tôi cho rằng bệnh này mới xuất hiện trong năm nay chứ mọi năm thì không thấy có. Giờ nó rụng nhiều quá, ảnh hưởng kinh tế rất nhiều. Hiện tượng này mới xảy ra mà đã thấy xót ruột quá rồi”.

Tương tự, 5 hecta cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn ở gần đó cũng bị rụng quả hàng loạt, mỗi khi có cơn gió mạnh thổi qua. Ông Tuấn cho biết, vườn cà phê của gia đình có dấu hiệu phát bệnh cách đây 1 tháng. Thời gian gần đây, cuống trái đen dần, sau đó có màng trắng bao phủ, từng chùm trái bị thối và rụng hàng loạt. Mặc dù gia đình đã sử dụng một số thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt, nhưng chưa có hiệu quả, chắc chắn năng suất niên vụ cà phê này sẽ giảm sút mạnh.

“Cây cà phê có dấu hiệu bất thường cách đây 1 tháng, khi nó phát bệnh thì nông dân chúng tôi đi xịt thuốc, nhưng bệnh càng ngày càng phát nhiều, càng rụng trái nhiều,” ông Tuấn nói. “Bệnh ảnh hưởng kinh tế phải 50%, cụ thể là bây giờ tính tiền phân bón, dầu, công cán thì phải mất 50%”.

Xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 1.200ha cà phê. Phần lớn diện tích cà phê bị rụng trái hàng loạt xảy ra trên địa bàn thôn Hiệp Thạnh 2. Người trồng cà phê ở đây hết sức lo lắng vì nguy cơ một niên vụ cà phê mất trắng đã hiện hữu.

Ông Bùi Trí Lực, Chủ tịch Hội nông dân xã Tam Bố cho biết, sau khi xuất hiện tình trạng cà phê bị rụng quả hàng loạt, Hội và cán bộ khuyến nông của xã đã báo cáo và kiến nghị ngành nông nghiệp của huyện Di Linh và tỉnh Lâm Đồng sớm có biện pháp xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào hướng dẫn cách xử lý.

“Bà con hiện giờ chỉ biết kiên trì phun, xịt thôi bởi vì giờ này cà phê đã lớn rồi. Có khả năng bà con nông dân mua chưa đúng thuốc đặc trị nên nó chưa hết được bệnh ngay. Hội nông dân và khuyến nông viên cũng có kiến nghị lên trên rồi, đề nghị có khuyến cáo cho bà con mua thuốc về để kịp trị bệnh cho cà phê” – ông Bùi Trí Lực nói.

Đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến cà phê ở xã Tam Bố, huyện Di Linh bị rụng quả hàng loạt, nên cũng chưa thể khuyến cáo cho nông dân về các biện pháp xử lý.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Hoà

    Nhà tui cũng thế bà con ạ, cả năm mới được mấy trái cà phê mà nó rụng hết rồi, lấy gì mà hái đây. Anh em nào có cách trị thì bày cho tui với. Xin thành thật cảm ơn

  2. Mai Duy Quang BaoLoc

    Mình năm nào cũng xịt phèn xanh, xịt vào đầu mùa mưa khoảng tháng 5 gì đó, thấy cũng đỡ rụng được nhiều lắm, mua loại 75000/1kg

  3. Nguyenhieu

    Tôi ở krôngnô-daknông cũng bị rụng trái nhiều lắm. có lẽ năm nay thất thu nặng rồi. tôi xịt thuốc chống nấm+phân bón lá kaly cách đây20 ngày rồi nhưng vẫn không hết rụng. Gần nhà tôi hầu như nhà nào cũng bị. chán quá các bác ạ.

      1. nongdan@

        Có trả lời thì cũng phải nói rõ lý do, bạn cho mình hỏi xịt vậy thì sao mà rụng? Vào mùa mưa anh Nguyenhieu xit thuốc nấm kết hợp kaly là hợp lý. Góp ý xây dựng cho hợp lý

      2. toanrcafe

        Thiếu dinh dưỡng trung vi lượng lại đi xịt kaly thì hợp lí cái gì?
        Đã vào diễn đàn thì cần phải đọc các bài viết để rút kinh nghiệm chứ !

  4. Chùa Bộc

    – Đừng lo bà con, tháng 7 là hiện tượng rụng trái xảy ra. Tuy nhiên, có 4 nguyên nhân chính là: thứ 1, cây sai quả quá thì hiện tượng tỉa thưa ở thực vật diễn ra dẫn tới cây rụng bớt – gọi là nguyên nhân sinh lý; thứ 2, là nguyên nhân thiếu dinh dưỡng – có thể 1 phân giả, hoặc cung cấp dinh dưỡng không kịp thời; thứ 3, do sâu bệnh hại; thứ 4, do khí hậu thời tiết.
    Tuỳ nguyên nhân mà khắc phục như sau:
    – TH1: Bổ sung dinh dưỡng qua lá, chú ý các nguyên tố vi lượng, đặc biệt là Bo, Ca.
    – TH2: Cung cấp dinh dưỡng qua lá để kịp thời khắc phục, bón phân thật để cây có dinh dưỡng.
    – TH3: Phun dung dịch thuốc gốc Đồng (Cu): Booc-đo như: Champion của cty Khử Trùng, Fugaran của công ty CP Hooc-Môn. Nếu biết pha dung dịch Boo-đô mua loại đồng thật 98.9% là Đồng Sun-phát (CuSO4) – tương ứng Đồng (Cu) là 24.5% (giá trên thị thường khoảng 75-80K/kg; đừng mua loại đồng 18-20K/kg vì dạng này chỉ là phân bón vi lượng, không đủ để trị bệnh). Hoặc loại đồng khác như Đồng Đỏ, CuCl2 (đồng clorua). Phòng trị rệp sáp, rệp vảy (loài này chích hút là mất dinh dưỡng, lại còn tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển bao phủ lá-cành-quả, khiến cây không quang hợp để tổng hợp dinh dưỡng nuôi quả).
    – TH4: có thể do mưa nhiều, không có ánh sáng để cây quang hợp được và đất quá nhiều nước khiến cây rễ không thở được. TH này bà con tự biết cách rồi, hoặc dùng những chất hỗ trợ sự sinh trưởng và phát triển của cây.
    Chúc bà con có cách xử lý phù hợp để giảm chi phí dùng thuốc BVTV, hạn chế rụng và giữ năng suất vường cà phê!
    Chùa Bộc!

    1. sharing

      Bác Chùa Bộc trả lời khá chi tiết. Còn 1 trường hợp gây rụng trái nữa là năm nay mưa nhiều nên việc bón quá nhiều đạm cũng có thể gây rụng trái. Bà con nên nhớ là thiếu đạm hoặc thừa đạm đều có thể gây rụng trái. Theo cách điều trị hiện nay đã được nhiều bà con ở Đăk Mil- Đăk Nông áp dụng thì: Phun dung dịch thuốc gốc đồng trừ nấm, bổ sung đạm chia làm nhiều đợt, phun trung vi lượng cho cây…

    2. ledaithanh2009

      Chùa Bộc nói hay. Nhà tôi cũng bị vậy thôi. Cấp dinh dưỡng chậm là bị thôi. Bị một tuần thôi cũng rụng gần hết cây rồi. Lúc này nhanh nhất là phân bón lá. Xịt cấp tốc để ăn phần còn lại, năm sau rút kinh nghiệm.

  5. dzung

    Chẳng có gì lạ cả. Mưa quá nhiều, thời tiết âm u, không nắng dẫn đến quang hợp kém thì rụng quả thôi. Nên tỉa bớt cành lá làm thông thoáng vườn. Mùa mưa, cây che bóng mát cho vườn cà phê nên chặt tỉa bớt, tỉa tót để cho ánh nắng rọi vào cây cà, đảm bảo không có hiện tượng rụng trái. Kinh nghiệm nhà vườn mà… Xịt thuốc hoặc bổ sung loại này, loại kia chỉ tổ tốn công và tốn tiền mà thôi./.

  6. nguyenhieu

    Một nửa rẫy của gia đình tôi là cafe tơ mới trồng cành lá còn ít và không có cây chắn gió cũng bị rụng trái rất nhiều. Nó bị đen ở cuống dần rồi thối và rụng cả chùm, không biết phải làm gì nữa.

  7. nguyen van thieu

    Nhà mình làm cành cách đây 1 tháng ở rẩy hôm nay vào vét hố thấy cà rụng quả rất nhiều nhìn cây cà thưa quả rất nhiều mình ở Đăk nông .

    1. KH

      Có thể là do rụng sinh lý do bón phân chưa đủ hoặc chưa cân đối, thiếu trung vi lượng.
      Trời âm u, ánh sáng kém cũng khiến cho lá cây quang hợp kém, không tổng hợp được đủ dinh dưỡng cho nhu cầu phát triển của quả, nhất là trong giai đoạn quả đang lớn nhanh.

  8. nông dân cà phê

    Nhà tôi ở Lâm Hà cà phê cũng bị rụng nhiều lắm, tôi kiểm tra kỹ thì thấy nguyên nhân là do trong chùm quả có rệp sáp màu trắng, nó hút hết dinh dưỡng của quả dẫn tới quả bị thối và rụng, chùm quả nào bị rệp tấn công thì coi như là rụng hết chùm chứ không phải rụng từng quả. Tôi đang tìm loại thuốc thích hợp để xịt mà chưa thấy có loại nào thích hợp vì chùm quả to rồi xịt thuốc không vào trong kẽ chùm quả được, không biết ai có cách trị nào hiệu quả thì phải hồi giúp bà con với.

    1. KH

      Dùng máy xịt thuốc nhưng thay vì xịt thuốc bạn chỉ xịt nước mà thôi; xịt kỹ vào kẽ các chùm quả để rệp sáp rớt xuống đất. Nhớ điều chỉnh vòi phun hợp lý để không làm rụng trái.

      1. Chùa bộc

        Nếu dùng thuốc hóa học, bạn có thể dùng một trong những loại thuốc sau:
        – thuốc có hoạt chất thuộc nhóm lân hữu cơ có tác dụng vị độc, tiếp xúc và XÔNG HƠI: Dimethoate (Bi 58), Chlorpyrifos,
        – thuốc có hoạt chất thuộc nhóm carbamate có tác dụng vị độc, tiếp xúc và LƯU DẪN: Fenorbucarb (Bassa), carbosulfan (Marshall),v.v..
        Tuỳ theo đặc tính của sâu hại mà chọn loại thuốc trên để phòng trừ hợp lý!

  9. nguyễn đức trường nguyên

    Vấn đề rụng trái chủ yếu là cây bị thiếu phân và các chất vi lượng. Hãy kiểm tra mẫu đất ở vườn nhà mình tại các tt và làm theo hd của tt. Vườn tôi ở Đăk Nông đạt bình quân 5,5kg nhân/cây/năm, rụng ko đáng kể. Chúc bà con thành công!

  10. Phân bón

    Năm nay do mưa nhiều thôi. Đất ẩm quá sẽ hạn chế việc hút dinh dưỡng nuôi trái. Bà con nên phun phân bón lá cho cà phê để cây bổ sung dinh dưỡng kịp thời, sẽ hạn chế rụng quả.

  11. thu hương

    Sao bác hay vậy? sao biết thiếu trung vi lượng trong khi chẳng có một chút thông tin gì về chất lượng đất ngoài mấy thông tin về triệu trứng bệnh?

    1. ledaithanh2009

      Vậy đem đi mà kiểm nghiệm đi. Người làm nông nghiệp tất phải tích cóp kinh nghiệm, qua đó mà nhận biết. Học sách vở cũng chính là thực nghiệm của cái kinh nghiệm được ghi chép lại qua nhiều lần nhiều năm đúc kết. Làm kỹ sư chỉ biết nhìn số liệu đất thì về vườn đi (tự làm lấy vài năm để học lại). Người ta dựa vào những dấu hiệu qua kinh nghiệm mà mọi người nói, mình nên tin trước mà làm rồi biết. Đợi đem kiểm tra tổng thể thì đem phá vườn mà tròng lại khỏi hỏi đi.

  12. hoa dai

    Thật tội nghiệp cho những người lạc hậu, ý hay thì không học thì làm sao mà khá nổi. Tôi thấy báo TN nói rất đúng đấy. Kiểm tra mẫu đất tại các trung tâm chỉ mất 20-30 ngày có kq, phí là 300.000đ/mẫu. Việc cây thiếu chất cành quả cạnh tranh dinh dưỡng rụng quả chết cành là đương nhiên. Bà con hãy làm thử xem, bài ca “rụng trái” là muôn thủa. Đúng là rượu mời không uống uống rượu độc, chỉ đi bán lá Điều và rễ Tiêu là nhanh thôi!
    Chúng ta hãy tự cứu lấy chúng ta, chứ chờ mấy ông kỹ sư hay… gì đó thì còn lâu…!

  13. Hoanglong

    Mình ở Daknong làm cfe cũng nhiều năm, Hiện tượng rụng trái có nhiều nguyên nhân. Theo kinh nghiệm, mấy năm trước dây, vào thời điểm bỏ phân đợt 2 lúc trái lớn, lượng cali nhiều và độ muối cao, sau khi vét hố rể cám bị đứt, cây nhiểm mặn, trái tổn thương nên rụng nhiều… thời gian sau mình chỉ vét hố đơt đầu, khi trái con nhỏ (gọi là mắt cua) thì thấy ít rụng hơn. Chia sẻ chút xíu.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

97