Thị trường cà phê: Một tháng không yên ả

Thị trường cà phê đang trải qua những ngày hè không yên ả. Giá co giật thất thường để rồi rơi tõm xuống sâu trong những ngày cuối tháng. Nhu cầu hàng thực đi thẳng đến các hãng rang xay không nhiều. Thị trường đang âm ỉ những đợt giông bão trong những ngày tới chăng?

Lợi suất đầu tư một số sàn giao dịch thế giới (nguồn: Newedge)
Lợi suất đầu tư một số sàn giao dịch thế giới (nguồn: Newedge)

Giá chạy theo tin đồn sản lượng

Giá cà phê có một tháng đầy gập ghềnh khi lên cao, lúc xuống thấp khó ai đoán được. Nhiều người theo dõi kỹ vẫn cho rằng họ có cảm giác như thị trường cà phê những ngày qua hầu như vận động theo tin đồn. Chỉ trong vòng nửa tháng, hai ước lượng của hai đơn vị dự báo sản lượng cho hai nước sản xuất cà phê đứng đầu thế giới đã làm thị trường nhiều phen đảo điên.

Mặt khác, trong trào lưu chung, có hiện tượng các quỹ đầu cơ rút vốn khỏi các sàn kỳ hạn hàng hóa. Trên 36 sàn giao dịch của thị trường tài chính thế giới thì có đến 23 sàn có lợi suất âm trong tháng 5-2014, trong đó 3 sàn cà phê nằm trong nhóm 5 sàn có lợi suất giảm mạnh nhất: sàn arabica New York giảm 12,6%, sàn cà phê Brazil giảm 13,5% và robusta London giảm 10,1% (xin xem biểu đồ – ba sàn cà phê được xếp đầu tiên từ trái sang phải).

Giữa tháng 5-2014, cơ quan nghiên cứu sản lượng thuộc bộ nông nghiệp Brazil (Conab) tin rằng sản lượng niên vụ 2014/15 của nước sản xuất arabica lớn nhất thế giới Brazil chỉ đạt chừng 44,6 triệu bao (60 kg x bao), giảm 9,3% so với vụ trước do hạn hán kéo dài trong mấy tháng đầu năm nay. Vừa mới đây, cấp tùy viên thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo niên vụ tới Việt Nam, nước sản xuất robusta số một thế giới, có thể đạt đến 29,2 triệu bao hay 1,75 triệu tấn và ước xuất khẩu trong vụ sẽ đạt đến 1,68 triệu tấn nhờ thời tiết thuận lợi và bắt đầu thu hoạch vụ bói của cà phê trồng mới và tái canh. Nếu đúng vậy, đây sẽ là niên vụ có sản lượng và lượng xuất khẩu cao kỷ lục.

Nghiên cứu của Conab đã giúp giá vực lên lại, công trình của USDA làm thị trường cà phê khuỵu xuống đến nay chưa lấy lại sức.

Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta trong tháng (tác giả cập nhật)
Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta trong tháng (tác giả cập nhật)

Thật vậy, giá kỳ hạn robusta London giữa tháng tưởng đã quay đầu tăng lại, đóng cửa ngày 12-5 đạt mức 2.130 đô la Mỹ/tấn. Đến ngày 28-5, giá kỳ hạn rớt chỉ còn quanh mức 1.905 đô la/tấn vào ngày 28-5. Đóng cửa hôm qua thứ Sáu cũng là ngày cuối tháng 5-2014, giá sàn robusta vẫn ì ạch chốt mức 1.937 đô la/tấn. Tính trên cơ sở đóng cửa, qua một tháng, giá niêm yết sàn robusta London mất hết 236 đô la/tấn so với ngày đầu tháng (xem biểu đồ).

Giá cà phê nguyên liệu trên thị trường nội địa dao động mạnh không kém, từ đỉnh cao 41,5 triệu đồng/tấn vào dịp giữa tháng thì chỉ còn 37 triệu đồng/tấn mới mấy ngày gần đây. Sáng hôm nay thứ Bảy 31-5, giá tại các tỉnh Tây Nguyên quanh mức 37,5-38 triệu đồng/tấn.

Phải nói rằng thị trường chỉ nhộn nhịp khi giá trên 40 triệu đồng/tấn. Dưới mức ấy, càng sâu, thị trường càng yên ắng.

Chính nhờ vậy, giá xuất khẩu robusta loại 2,5% đen bể tính trên cơ sở chênh lệch giữa giá London với giá FOB (giao hàng qua lan can tàu tại cảng đi) tăng vững, từ trừ 85 đô la/tấn nay còn chừng trừ 30-35 đô la/tấn dưới giá niêm yết của sàn kỳ hạn.

Xuất khẩu mạnh, cà phê đi đâu?

Với mức giá chào xuất khẩu hiện nay, -30 đô la/tấn FOB dưới giá London, người mua án binh bất động vì cho rằng quá mắc. Trong khi đó, bên bán chưa chắc dám bán vì khó mua được hàng giá thấp.

Dù vậy, xuất khẩu cà phê nước ta trong tháng 5-2014 theo Tổng cục Thống kê (TCTK) ước vẫn đạt 170.000 tấn, giảm 19,4% so với tháng trước là 210.750 tấn, nhưng tính từ đầu vụ đạt 1,26 triệu tấn, tăng 15,6% so với cùng kỳ cách nay một năm.

Tồn kho thuần robusta Ice Liffe tăng mạnh (nguồn: Newedge)
Tồn kho thuần robusta Ice Liffe tăng mạnh (nguồn: Newedge)

Số liệu mới nhất vào ngày 30-5 do sàn kỳ hạn robusta Ice Liffe công bố rằng trong tháng 5-2014, có 38.300 tấn, trong đó hàng của nước ta chiếm tuyệt đại đa số là 34.820 tấn, đã được chứng nhận đạt chuẩn chất lượng. “Con số này chắc chắn không dừng tại đây mà sẽ tăng mạnh trong các tháng tới”, một nhà phân tích thị trường tại TPHCM dự đoán. Hiện còn chừng vài ba trăm ngàn tấn cà phê đang sẵn sàng đến các kho thuộc sàn kỳ hạn chủ yếu tại châu Âu.

Chính nhờ vậy, lượng tồn kho sẵn sàng “đấu giá” tính đến ngày 26-5 lên 50.760 tấn, đây là tháng có lượng tồn kho thuần robusta tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2013 (xem biểu đồ 3).

Có nên đưa hàng gởi kho?

Nửa cuối tháng 5-2014, giá cà phê nội địa xuống mạnh. Nhiều người mua vào ở mức cao trên 40 triệu đồng/tấn trước đây, nay không thể bán lỗ vì giá chỉ còn chừng 37-38 triệu đồng/tấn. Để có tiền xoay xở, họ thường đưa hàng gởi vào kho của người mua, chủ yếu là khách ngoại, nhằm nhận một ít tiền tạm ứng để mong mua hàng tiếp rồi lại giao vào kho tiếp.

Theo một chuyên gia ngành hàng đó là một chọn lựa “lợi bất cập hại” vì khi gởi cà phê vào kho, người gởi hàng không nhận đủ tiền mà chỉ tạm ứng. “Cách này không khác gì tự nguyện tạo điều kiện cho người mua chiếm dụng vốn”, ông nói.

Ngoài ra, khi thấy lượng hàng gởi vào kho nhiều nhưng do giá thấp chưa chốt được, người mua biết thế nào lượng hàng ấy cũng phải được bán ra. Nên, họ sẽ tìm cách bán trước và bán mạnh trên sàn kỳ hạn, ép giá xuống sâu, tạo tâm lý hoảng loạn và đẩy người gởi hàng vào thế phải bán giá rẻ. Sau khi mua được giá thấp, họ liền đẩy mạnh giá lên để bán lấy lời. Giới cà phê gọi hiện tượng này là “sau cơn mưa trời lại sáng” là vậy.

“Kinh nghiệm cho thấy giá càng xuống, hàng gởi vào kho càng nhiều, kết quả thường là người nhận hàng vào kho vừa có hàng để xoay, vừa chiếm dụng được vốn, vừa có cơ hội mua giá rẻ; còn người gởi hàng có khi chỉ lên nhận bao không đem về vì cụt hay mất vốn, “chì mất mà chài cũng mất”.

Như vậy, ý chuyên gia này cho rằng được thì bán hay tìm một cách khác xoay xở chứ đừng đưa hàng cà phê gởi kho chờ giá, thất lợi và và rủi ro hoàn toàn nằm bên phía người bán.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. ngocthanh

    Cái vấn đề này thì mình đã nói trên diễn đàn lâu rồi. Hàng gửi kho họ mang đi bán hay làm gì tùy họ. Còn tiên ứng thì tính lãi nên cafê cứ đợi dài dài thôi.

  2. Ngô Phú Hiển

    Thị trường bị ảnh hưởng khá lớn vì hàng gửi kho, hàng trừ lùi.
    Theo tôi nghĩ hàng gửi kho và trừ lùi nên cân nhắc thật ký trưóc khi làm và chỉ nên vận dụng khi thật cần thiết và mang tính chất ngắn hạn vì những lý do sau:
    Cách làm này là vận dụng vốn của người mua để kinh doanh, cũng có nghĩa là dùng đòn bẩy tài chính tương tự như hàng giấy, khi xu hướng giá lên thì cách làm này sẽ đem lại hiệu quả, nhưng nếu rơi vào chu kỳ giá xuống sẽ có nhiều rủi ro:
    1. Đến thời hạn buộc phải bán hàng, giá thường thấp, sau khi bán xong giá lên, điều này xảy ra mãi rồi mà không hiểu sao nó có ma lực, giống như ma túy khiến các doanh nghiệp mình ghiền, biết rủi ro mà vẫn làm, phần lớn các thua lỗ của doanh nghiệp Việt Nam làm cà phê rơi vào trường hợp này – thực sự đây chính là cái bẫy của thị trường.
    Khi các doanh nghiệp nước ngoài họ mời mình gửi kho hoặc ký hợp đồng trừ lùi chính là lúc họ giăng bẫy mình vì lẽ rất đơn giản:
    Tôi là người cần mua cà phê giá rẻ, tôi cho anh mượn tiền để mua thì lẽ dĩ nhiên là tôi sẽ tìm cách ép anh vào thế phải bán cho tôi với giá thấp, chứ không lẽ họ làm điều ngược lại? cho mình mượn tiền mua cà phê để bán cho họ với giá cao làm cho họ lỗ hay sao?
    Thật là ấu trĩ khi nghĩ rằng, mình có thể mượn vốn của họ để mua hàng cho họ rồi kỳ vọng bán cho họ với giá cao, thậm chí rất cao mới hài lòng.
    Vậy mà vẫn cứ xảy ra mãi, chết mãi vì cái vụ này mà vẫn cứ lao vào như con thiêu thân.
    Các bạn hãy nghĩ đơn giản như thế này: liệu có ai muốn đưa dao cho mình để mình quay lại đâm giết họ hay không?
    2. Cách làm này có hại cho mình, cho đồng nghiệp của mình và cho bà con nông dân mình vì một lý do khác cũng rất đơn giản.
    Thông thường giá chỉ cao khi hàng hiếm, hàng thiếu, tôi thiếu hàng, tôi cần hàng thì tôi buộc phải mua hàng của anh với giá cao, nhưng giờ đây anh lại đưa hàng cho tôi xài trước, tôi không còn thiếu hàng thậm chí thừa mứa vì hàng anh gửi tôi chất đầy kho, vậy tôi đâu có dại gì mà phải trả cho anh giá cao?
    Dưới cái mồi thơm, tất sẽ có con cá chết, bà con làm kinh doanh cần hết sức thận trọng với những lời chào mời gửi kho, bán trừ lùi, phải dùng rất thận trọng và biến hóa mới có khả năng thắng ngược người ta được.
    Tôi biết hiện nay khá nhiều các đơn vị lớn nhỏ đang vướng vào cái bẫy này, họ đã lừa các bạn tự chui đầu vào cái thòng lọng của họ và mỗi ngày họ thít vào một ít cho đến khi bạn bị thít hoàn toàn.

    Về xu hướng cà phê trong thời gian tới tôi có dự kiến như sau:
    Robusta sẽ đạt đáy ở 1890 và Arabica sẽ đạt đáy ở 165. Sau đó sẽ đảo chiều tăng, trong trường hợp xấu nhất, Robusta sẽ xuống 1817 và Arabica xuống 153.
    Về trung hạn tôi chắc chắn trong năm nay Robusta sẽ có giá tối thiều là 2400 và Arabica là 230.
    Vấn đề là phương thuốc thời gian, có thể trong tháng 6 đến tháng 10.
    Điều quan trọng là khi giá lên quý vị có còn hàng để bán hay không, hay đã bị stop loss hết rồi!
    Vậy quý vị hãy đoàn kết và biến hóa thế nào đó, có thể cắt bớt hàng trong những nhịp giá phục hồi hoặc có những phương án bổ xung vốn hợp lý để làm chủ tình thế, làm chủ thị trường.
    Còn bà con nông dân tôi nghĩ những người còn hàng đến lúc này là không nhiều và đều có tiềm lực về tài chính nên có thể kê cao gối mà ngủ, không phải lo lắng gì vì tương lai không lâu nữa sẽ có giá tốt.

  3. Nguyễn Văn Toàn

    Tôi xin góp một số ý kiến:
    Theo Anh Nguyễn Quang Bình, việc bất cập lớn nhất của các nhà xuất khẩu cà phê thiếu tiềm năng về tài chính mà đem hàng gửi kho đúng là lợi bất cập hại : Nhưng: “có thể gửi kho bằng giải pháp kỹ thuật” nếu các doanh nghiệp này biết sử dụng công cụ phòng rủi ro và có chiến lược thực hiện giải pháp bù đắp và chống các rủi ro khác nảy sinh thì sẽ tạo ra được một giá trị kết hợp để giúp cho nông dân, người sản xuất và nhà kinh doanh có được những lợi ích thực sự của nó.
    +Trong vấn đề này nó là một chiến lược kinh doanh chúng ta không đem ra diễn đàn được. Chúng ta có thể hợp tác với nhau, có sự trợ giúp của Chính phủ và đặt ra một giải pháp thiết thực thì có đủ điều kiện để làm chủ thị trường, bảo đảm giá cả cho nông dân, người sản xuất và giúp cho nhà kinh doanh đem lại hiệu quả thực sự.
    Nếu chúng ta không thực hiện một gải pháp thiết thực thì nghành sản xuất và kinh doanh cofee sẽ còn vẫn gặp phải những bất cập, nó gây hệ lụy đến nông dân, người sản xuất và nhà kinh doanh rất lớn.
    Tôi xin góp thêm một ý về việc gửi kho, các bạn có thể nhìn thấy mà có thể cho là chúng ta chưa nhận biết: Chính có những lúc người ta nói hàng hóa khan hiếm thì lượng tồn kho London càng lớn và cũng đã cho thấy chính lúc lượng tồn kho cứ lớn dần thì giá cũng đã tăng dần và có lúc đã tăng rất cao. Chúng ta có thể lý giải nó trên bàn chiến lược cho thị trường coffee.
    Trân trọng

  4. Việt Thơ

    Có nên đưa hàng gửi kho?
    Chuyên gia nói không sai, rất đúng và thực tế, nhưng hiện nay các doanh nghiệp nhận gửi cà phê của các đối tác khác, hoặc của Nông dân đều phải chi tiền ứng cho họ và đều được tính lãi. Nếu hàng này không được xuất đi thì Doanh nghiệp không có tiền để xoay vòng, kể cả có tiền cũng phải xuất đi để tránh hao hụt, đặc biệt là mùa hè này nhiệt độ cao, thủy phần lúc nào cũng âm độ. Tất nhiên là lợi bất cập hại nhưng doanh nghiệp không thể không gửi nếu chưa bán được.

  5. Lê Đức Phú Cam

    Đúng là chuyện gởi kho không phải mới. Tui nghĩ tác giả chắc nghĩ đến chuyện khác vì chuyện gởi kho độc giả quá rành và chuyên nghiệp. Hay là ý tác giả sợ gởi kho, người mua sẽ chơi trò “chặn lỗ” (stop loss) để đạp giá xuống sâu hơn nay mai để mua được giá rẻ. Thua lỗ lại thuộc về đại lý mua bán đem hàng vào kho gởi mà cứ tưởng giá xuống ai hại mình, chứ không nghĩ chính bản thân mình tiếp tay hại chính mình.
    Không biết nghĩ thế này có đúng ý tác giả chưa? Nếu chưa, xin lỗi tác giả đã đọc bài và nghĩ khác đi.

  6. hiendaklak

    Kinh gửi anh Kinh Vu em nhờ anh xem dùm có phải giá cà phê ngày 2 tháng 6 năm nào cũng tăng? Vì em nghe nhiều người nói năm nào vào ngày học sinh thi tốt nghiệp phổ thông giá cũng lên mong anh tạo điều kiện giúp đỡ. Xin cảm ơn anh nhiều.

    1. Kinh Vu

      Xin chào bạn hiendaklak
      Tôi chỉ xem qua tháng của các năm 2011, 2012, và 2013 thì có kết quả như sau (đều tính theo giá tháng 7):
      – 2011: Ngày 1/6 sụt 40$ và ngày 2/6 sụt 91$
      – 2012: Ngày 1/6 sụt 22$ và ngày 2/6 không thấy giao dịch
      – 2013: Ngày 3/6 sụt 9$
      (Các ngày 2/6 không giao dịch có thể do lễ hay cuối tuần) Tôi cũng không hiểu học sinh Việt nam đi thi phổ thông thì có liên quan gỉ đến tình hình cà phê quốc tế???

  7. hiendaklak

    Cảm ơn câu trả lời của Anh Kinh Vu. Chúng Em là người dân nhiều lúc hiểu biết cũng hơi kém. Vì Em đã tra vào mạng mãi mà không thấy giá của các ngày tháng này. Nhiều lúc hơi vỡ vẩn làm anh mất thời gian. Rất mong Anh bỏ qua. Xin chúc Anh và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Xin cảm ơn Anh nhiều.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

90