Kiểm xe quá tải, nông dân… quá oải: Nông sản gánh phí vận tải

Với lý do cước phí vận tải tăng do cuộc tổng kiểm soát tải trọng xe toàn quốc, việc vận chuyển nông sản bị ách lại, người nông dân bắt buộc phải giảm giá nông sản để bù phí vận tải…

LTS: Việc đồng loạt kiểm soát tải trọng xe trên phạm vi toàn quốc từ 1.4 được coi là động thái quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải nhằm chấm dứt việc buông lỏng quản lý xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đường. Đây là một chủ trương đúng đắn nhưng trên thực tế, nông dân là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu những hệ lụy từ chủ trương này.

Với lý do cước phí vận tải tăng do cuộc tổng kiểm soát tải trọng xe toàn quốc, việc vận chuyển nông sản bị ách lại, người nông dân bắt buộc phải giảm giá nông sản để bù phí vận tải trong khi trớ trêu thay, họ cũng phải đối mặt với sự rập rình tăng giá của phân bón, thức ăn chăn nuôi cũng đều từ lý do: Cước phí vận tải tăng.

Nông dân gánh hết

Nông dân Nguyễn Văn Tiễn ở Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết, kể từ khi có “lệnh” kiểm tra tải trọng xe tải thì giá lúa rớt dài. Anh Tiễn lo lắng: “Trước 1.4, do hiệu quả chương trình tạm trữ, lúa tươi IR 50404 được giá lên tới 4.500 – 4.600 đồng/kg bán ngay tại ruộng. Nhưng từ khi việc tổng kiểm tra tải trọng xe diễn ra, giá lúa rớt dần từ 100 – 200 đồng/kg, đến nay chỉ còn 4.100 đồng/kg mà còn chưa có người mua”.

Theo các thương lái ở ĐBSCL, nguyên nhân là do việc kiểm tra tải trọng xe tải đã khiến việc vận chuyển gạo ra Bắc xuất tiểu ngạch bị tắc lại. “Tiêu thụ không được mà cước phí vận chuyển lại tăng lên gấp 2 – 3 lần khiến giá thành lúa gạo bị đẩy lên cao. Không còn cách nào khác buộc chúng tôi phải giảm giá thu mua và mua ít đi để xem xét tình hình” – bà Trần Thị Bông, thương lái mua gạo ở Thoại Sơn, An Giang phân trần.

Chưa hết, lúa chưa bán được còn giá vật tư đầu vào đã rục rịch tăng khiến nông dân lãnh đủ. Chị Thu Hằng ở Châu Phú, Đồng Tháp nói như muốn khóc: “Hôm trước bán 10 tấn lúa giá có 4.050 đồng/kg, lỗ 5 triệu đồng. Nay chuẩn bị bón phân cho vụ hè thu thì giá phân bón lại tăng 15.000 – 25.000 đồng/bao. Đại lý nói do bù lỗ cho cước phí vận tải tăng vì việc kiểm tra tải trọng xe(?). Rốt cuộc, mọi thứ đều đổ lên đầu nông dân”.

Liệu có công bằng?

Không riêng lúa gạo, sản phẩm trái cây giá cũng buộc phải giảm để bù cước vận tải. Anh Huỳnh Văn Sang – Phó Chủ nhiệm HTX Xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) cho biết, giá xoài cát từ đầu tháng 4 đến nay giảm mạnh hơn 10.000 đồng/kg các loại. Cụ thể, xoài cát loại 700 – 800g/trái từ 50.000–60.000 đồng/kg hiện còn 40.000 đồng/kg, loại 450–600g/trái xuống còn 28.000 đồng/kg, loại dưới 350g/trái tuột xuống 18.000 đồng/kg.

“Xe nhà tôi chủ yếu chở mía, sắn lát cho người dân trong huyện; giá cước cố định 170.000 – 220.000 đồng/tấn (tùy khoảng cách). Xe có tải trọng cho phép là 6 tấn nhưng thường xuyên phải chở gấp đôi (12 tấn) mới có “ăn”. Nếu chở đúng tải chỉ có lỗ, bởi tiền dầu đã chiếm hơn 1/3 tổng cước vận tải. Hơn 10 ngày qua, do phải chạy đường vòng để né trạm cân nên không có lãi, đành phải nghỉ ở nhà…”.

Tài xế Nguyễn Văn Đ (Tuy An, Phú Yên)

Ông Sang cho hay, với mức giá này nông dân cầm chắc lỗ, vì mọi năm giá xoài cát loại lớn tới 60.000 – 65.000 đồng/kg. Theo các thương lái, giá từ tháng 4 đến giờ giảm là do cước vận chuyển tăng, việc kiểm tra tải trọng làm việc vận chuyển hàng xuất bán qua Trung Quốc bị nghẽn lại, không tiêu thụ được.

Thanh long cũng giảm giá mạnh. Thanh long ruột trắng tại Long An, Tiền Giang từ 25.000 đồng/kg trong tháng 3 giảm xuống còn 17.000 đồng/kg hiện nay. Riêng thanh long ruột đỏ còn có 30.000 đồng/kg. Ông Trần Hữu Danh – Giám đốc Công ty TNHH Long Việt (Tiền Giang) cho biết, 80% thanh long của công ty ông là xuất khẩu qua Trung Quốc. Ông Danh cho biết dù giá thanh long đang rất rẻ nhưng doanh nghiệp cũng không dám mua vì cước vận tải vừa tăng lại vừa thiếu xe chở hàng. Với tình hình đó, nhập hàng về chưa chắc đã chuyển đi tiêu thụ được.

Ông Danh nhận định: “Cước vận tải về giá trị thật đâu chưa thấy, tôi chỉ thấy nông dân đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Hoàng Phước Bính – Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho rằng mọi chi phí tăng từ cuộc tổng kiểm tra tải trọng xe này rốt cuộc cũng được doanh nghiệp tính vào chi phí giá thành sản phẩm. Để bù đắp chi phí phát sinh này, doanh nghiệp chắc chắn sẽ tăng giá bán.

Ông Hoàng Phước Bính kết luận: “Rốt cuộc chỉ có nông dân lãnh đủ ở cả 2 mặt đầu vào và đầu ra. Bởi giá phân bón rục rịch tăng. Còn thị trường bị ứ đọng, nông sản không tiêu thụ được thì họ giảm giá thu mua. Tóm lại nông dân chết trước rồi mới tới doanh nghiệp”.

Đồng Nai: Lập biên bản 37 xe chở quá tải

Ngày 16.4, UBND tỉnh Đồng Nai đã họp về việc triển khai trạm cân tải trọng xe lưu động trên địa bàn tỉnh. Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết: Từ ngày 9-13.4, trạm đã kiểm tra tải trọng 344 lượt xe và lập biên bản vi phạm 37 vụ chở hàng quá tải. Cũng theo Sở GTVT, trong 5 ngày hoạt động, trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động gặp lỗi không nhận dạng hình ảnh phương tiện vào cân, camera số 1 bị hư hỏng cho đến nay. Sở GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai duyệt cấp kinh phí để thi công gia cố trước mắt 8 vị trí đặt trạm kiểm soát tải trọng trên QL51, 56 và 20 là hơn 2,6 tỷ đồng.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. thinh

    suy cho cùng thì nông dân mình chiếm đa số, nhưng luôn bị ảnh hưởng bởi các chính sách nhiều nhất, vẫn luôn là người khổ nhất, giá cà phê thì xuống, phân bón tăng 50k/ bao, về nhà thấy mọi người làm nông nghiệp mà chả thấy được hỗ trợ gì.

  2. nông dân cà phê

    Đường xá nhanh hư hỏng nguyên nhân chính vẫn là do là ẩu, ăn bớt thậm tệ. Tôi có ông bạn lảm chủ thầu các công trình giao thông. ông nói muốn xin làm một con đường thì không biết là bao nhiêu thứ tiền chi ra để đút lót. Ở nước ngoài nhận thầu 1 con đường 100 tỷ thì ít nhất là 95 tỷ đổ xuống con đường, còn ở VN ta thì chưa chắc đã đủ 50 tỷ.
    Nông dân chúng tôi yêu cầu nhà nước hãy dẹp ngay kiểu làm ăn vớ vẩn này đi đã, sau đó mới xử lý đến chuyện xe quá tải. Ở Việt Nam ta khoa học kỹ thuật chưa phát triển, nhiều chính sách hỗ trợ nông dân chưa thực sự mang lại hiệu quả, lãi vay trong nông nghiệp còn qua cao so với nước ngoài, nạn tham ô hối lộ còn nhiều nên không kiểm soát được chất lượng phân bón…. dẫn đến giá thành sản phẩn nông nghiệp làm ra còn rất cao, đến nay cước xe vận chuyển hàng hóa đầu ra, đầu vào đều tăng, vậy là nông dân chúng tôi chết chắc.
    Hỡi ông bộ trưởng GTVT Việt Nam ơi ông có thấu được nỗi khổ của nông dân chúng tôi không?
    Không biết vụ nhận hối lộ của nhà thầu Nhật Bản làm tới đâu rồi mà đến nay thấy chìm nghỉm luôn, chắc vụ này có dây mơ rễ má gì lớn lắm nên cho chìm tàu luôn.
    Cần phải dẹp hết bọn quan tham này thì dân Việt mới bớt khổ!

  3. Dân Nghèo

    Sinh ra trạm cân là cơ hội cho công an trực ở trạm cân được nhiều tiền bỏ túi hơn, xe nhỏ muốn không cân phải 500.000 đồng, xe lớn là 1.000.000 đồng
    * Chung cho cây xăng dầu
    * Chung trực tiếp cho túi công an
    Chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm vào cuộc để điều tra để tránh tình trạng hối lộ như vậy.

  4. cánh cam

    Trước nhà canhcam là một doanh nghiệp cỡ bự của 2 tỉnh Đắk Lắk , Đắk Nông. Hồi trước thấy mỗi lần xe tải loại 8 tấn vô bốc cà mỗi chuyến trên 20tấn. Dạo này thấy bốc 7 tấn. Nhưng hôm trước thấy xe loại 17 tấn bốc trên 30 tấn lên xe. Hỏi thử chuyển từ đây về SG qua ít cũng là 3 trạm cân mà họ vẫn chơi! Thế thì không có gian lận tại các trạm cân mới là lạ! Nhưng tất cả có lẽ đều được tính vô giá cà mua từ dân! Khổ! Mà không biết khổ từ đâu cứ xổ lên đầu nông dân!

  5. tý bùi

    nên xem xét xe chở quá trọng tải xe hay quá trọng tải đường. Nếu quá trọng tải xe mà xe hỏng thì nhà xe, công ty phái chịu, còn quá tải trọng đường bộ, cầu thì mới hỏng đường, cầu. ví dụ 1 xe có tải trọng cho phép là 2,5 tấn chở quá 300% củng chỉ mới có 7,5 tấn trong lúc 1 xe khác có trọng tải 20 tấn chở đúng tải cũng đã gấp hơn 3 lần xe kia rồi.

  6. Lan Nguyễn

    Cứ mỗi một chính sách của nhà nước thay đổi mục đich có thể khác nhưng cuối cùng người nông dân đều phải “gánh chịu hết”!?, “gánh chịu” mà có lợi cho nông dân thì ít nhưng Những “gánh chịu” khổ thì nhiều: Giá cà phê xanh đỏ loạn cả lên do Thị trường, nội địa áp lực của xe quá tải, chưa kịp bán cà phân lại lên giá do phí vận chuyển tăng… Nghe nói nhà nước chuẩn bị có ưu tiên cho xe vận chuyển nông sản và các loại vật tư phân bón có không ta? Là người nông dân thực thụ mong các nhà chức trách hãy quan tâm nhiều hơn nữa tới người nông dân để bà con đỡ khổ. Xin cám ơn!

  7. tede

    Tui thiết nghĩ đường mau xuống cấp là do chất lượng quá kém trước tiên, sau đó mới đến xe chở quá tải, ngay chỗ tui đang ở là đường vào thành phố có bảng hạn chế xe tải mà đường làm mới có 5 năm đã bong tróc, nứt nẻ tùm lum. Tui nghe nói ở nước ngoài người ta làm đường đến 30 mươi năm vẫn còn chạy tốt mà kinh phí rẻ hơn nước ta nhiều, vậy là sao tui ko hiểu nổi(?), ai biết chỉ dùm

  8. Nguyễn Xuân Bằng

    Tôi làm nhân viên văn phòng mà lại có quan hệ trực tiếp đến vấn đề cước phí vận tải!
    Tôi thấy việc này CHÍNH PHỦ – BỘ GIAO THÔNG cần xem xét lại. Người chịu thiệt thòi nhất là NÔNG DÂN SẢN XUẤT. Chi phí đầu vào TĂNG do chi phí vận chuyển tăng – Thu nhập giảm do HÀNG HÓA sản xuất ra bán với giá rẻ mạt.!
    Ước mong Chính phủ sẽ xem lại vấn đề này để có giải pháp nào đó lưỡng toàn hơn.

  9. hoàng vũ sơn

    Cứ đà cân xe như hiện nay thì mọi mặt hàng đều tăng gía chỉ làm khổ người dân còn lại mấy ông lớn thì hí hửng.dân thì bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà bị khổ trăm bề.còn hơn cả sống trong thời kỳ bị nô lệ áp bức ngày trước

  10. Dân nghèo

    8 tấn : 1 triêu / trạm cân .
    3 chân : 1.5 tr / trạm
    Xe 4 chân : 2 tr/ trạm.
    CSGT 100k / trạm ( quá tải hay không vẫn thế nếu không muốn ăn biên bản với bất cứ lý do gì )
    Ông bộ trưởng GT ơi. Quá tải ko dẹp được đâu, ông chỉ gián tiếp giúp người khác ăn hối lộ và làm khổ những người dân thêm thôi.

  11. nguyễn đình thung

    Theo như người dân chúng tôi làm gia hạt thóc ba sương ba nắng với được đến bây giờ phải chịu hai lần lỗ giá vận tải lên cao bán giá thì lỗ đau lỗ đớn (bởi vì cân tải trọng xe Mà người dân phải gánh chịu)

  12. Thanh Lê

    ngày mới lên Bộ trưởng Ông tuyên bố sẽ đi xe Buýt để đi làm! Nhưng không biết Ông đi được mấy lần? Ông có biết tất cả các con đường tại Việt Nam xuống cấp là do làm ẩu, ăn bớt……..Đa phần các nhà thầu là phải bỏ tiền ra mua hoặc đút lót thì mới nhận được dự án, việc mua đi bán lại của các nhà thầu cũng là một vấn đề Ông Bộ trưởng ạ! Đơn giản vì người trúng thầu không ai khác toàn là người nhà của các quan chức hoặc doanh nghiệp có mối quan hệ………..bán lại chia chác việc các nhà thầu mua lại buộc phải tìm mọi cách hạ giá thành bằng cách bớt xén, tiền đút lót để còn đươc nhiệm thu. Tại tỉnh Đăk Nông mới làm con đường tỉnh lộ 4 Gia Nghĩa đi Krông Nô đường làm chưa xong mà đã hỏng tan nát nhất là khu vưc Quảng Phú Krông Nô đường vá chằng chịt vậy mà vẫn được nhiệm thu.Tôi thường nói vui với mọi người rằng. Cảnh sát giao thông và Thanh Tra giao thông thì bán đường, dân thì mua đường còn Nhà nước thì mất đường. Tất cả đổ hết lên đầu dân, tôi nghĩ việc cần làm lúc này là phải rà soát, thẩm định lại tất cả các công trình phục vụ giao thông rồi hãy nói đến việc tải trọng. Chào Ông! Phản hồi bạn nêu có thể không sai, tuy nhiên đi hơi xa với chủ đề diễn đàn cà phê cho nên rất tiếc không được hiển thị

  13. thongnguyen

    theo cá nhân tôi thì bộ giao thông nên chấn chỉnh việc làm đường trước lúc đó mới tiến hành việc cân xe vì chất lương làm đường bây giờ qúa kém kinh phí dã bị rút ruột đề nghị các ban nghành vào cuộc để làm sáng tỏ mọi việc chứ cứ đà này thì nông dân lảnh đủ

  14. Lâm Kiên

    Lúc trước xe 8t chở 22 t, xe 15 t chở 43t. Giá cước từ 400 – 500 đ/ kg. Nay 8t chở 8t thì cươc 1200đ/ kg. Cuối cùng thì nông dân cũng phải gánh thôi. Xe qua trạm vẫn phải chi như quá tải ( ví dụ của giá cươc về Đak Lak)

  15. Hồ Xuân Anh

    Tôi thấy các Bác nói ở trên ai cũng có cái đúng của riêng mình, chẳng hạn như “xe 2,5T mà quá tải 300% cũng chỉ đến 7,5 T, chưa hỏng đường bằng xe 30T chở đúng tải” hoặc như Dân nghèo lại nói “CSGT 100k / trạm ( quá tải hay không vẫn thế nếu không muốn ăn biên bản với bất cứ lý do gì ).Ông bộ trưởng GT ơi. Quá tải ko dẹp được đâu, ông chỉ gián tiếp giúp người khác ăn hối lộ và làm khổ những người dân thêm thôi.” càng không được.
    Ta cần một xã hội công bằng , văn minh chứ không phải hổ lốn “mạnh ai nấy chạy”. Tất cả cần về giá trị thực của nó, Nhưng trình độ có hạn nên phải làm từ từ. Trước hết bộ luật phải thật “MINH” (hiện nay ta chưa có cái đó) sau đó xử lí thật “NGHIÊM” (ta cũng chưa có nốt) nên đừng kêu mà cố thực hiện đúng luật hiện hành đi, ai cũng thực hiện đúng thì sẽ cởi được từ từ cái bí này.

    1. trực trương

      cho hỏi bạn HỒ XUÂN ANH ở đâu ấy nhỉ ? bạn nói đúng đấy , nhưng tôi nghĩ nếu có tham ô thì nên diệt tham ô chứ ko nên diệt người bị tham ô . cũng giống như cây bị sâu thì diệt sâu chứ ko phải vặt hết lá được . mong các bậc ban hành luật xem xét .

  16. Văn Hoàn

    Nếu pháp luật luôn được thực hiện nghiêm túc thì xe không bao giờ quá tải, đường sẽ rất lâu hư hỏng và an sinh xã hội sẽ luôn được bền vững. Bây giờ thì mọi sự việc đã sáng rõ. Nhà nước cần phải có cơ chế quản lý, giám sát thật chặt để cho tất cả mọi thứ trở về với giá trị thực của nó: Làm đường phải đảm bảo chất lượng, xe chở phải đảm bảo không quá tải, có như vậy vừa bảo vệ được đường vừa bảo vệ được xe tức là bảo vệ được tài sản xã hội. Còn xe khi tham gia giao thông đúng tải thì làm gì có chuyện đút lót tiền mãi lộ nữa.

  17. Văn Minh Quang

    Tôi nghĩ chúng ta cần phải học tập các nước tiên tiến trên thế giới, thí dụ như ở Singapor chẳng hạn. Ở đất nước họ thực hiện pháp luật rất nghiêm túc trong mọi lĩnh vực (mọi người tham gia giao thông rất trật tự, nơi chợ búa, siêu thị không có chuyện chen lấn, thậm chí nơi vui chơi giải trí có hàng ngàn người cũng không có chuyện chen lấn, tất cả mọi sinh hoạt của họ rất có nề nếp, vì vậy an sinh xã hội luôn được bảo đảm. Họ có mức chế tài là phạt và phạt rất nặng vì vậy mọi người đều có ý thức tuân thủ pháp luật, họ giáo dục từ việc yêu cầu thực hiện pháp luật đến nhu cầu thi hành pháp luật. Còn ở ta chắc phải trăm năm nữa mới có thể theo kịp họ như bây giờ, có khi còn hơn. Vì giáo dục việc thực thi pháp luật của ta quá yếu kém.

  18. Khải đắknông

    Từ khi GT làm gắt việc trọng tải thì giá cước xe tăng cao. Vừa qua nhà tôi mua phân bón càphê đợt 1, mỗi tạ phân tăng 100 ngàn so với năm trước. Trời ơi cuối cùng nông dân là người gánh hết. GT BẮT xe, nhà xe bắt giá cước, nông dân phải mua hàng với giá cao. Trong khi hàng nông dân làm ra muốn bán cũng phải mất tiền giá cước cao. Bao giờ mới hết kiếp nông dân đây hả trời ?

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84