Tin buồn

Cà phê: tiềm ẩn sức bán ra mạnh

Tuy giá kỳ hạn cà phê tăng 23 đô la Mỹ/tấn vào ngày giao dịch cuối tuần, những dấu hiệu của sức ép bán ra có thể làm giá cà phê xuống lại trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa sàn robusta Liffe NYSE tháng 12-2013 (tác giả cập nhật)
Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa sàn robusta Liffe NYSE tháng 12-2013 (tác giả cập nhật)

Tiềm ẩn sức ép bán ra

Tuần giao dịch vừa qua, sàn kỳ hạn robusta tại London chỉ hoạt động 3 ngày thay vì 5 ngày như thường lệ do nhiều nước nghỉ lễ Giáng sinh. Sàn kỳ hạn ít sôi động, giá tăng giảm không đáng kể. Đóng cửa khuya hôm qua thứ Sáu 27-12, giá kỳ hạn robusta cơ sở tháng 3-2014 đạt mức 1.714 đô la Mỹ/tấn, tăng 8 đô la/tấn và giá tháng 1-2014 chốt mức 1.710 đô la, tăng 6 đô la/tấn so với cuối tuần trước. Lượng giao dịch rất yếu do hầu hết các nước tiêu thụ ở châu Âu và Bắc Mỹ cũng như một phần lớn các nước sản xuất tại Nam Mỹ đều nghỉ lễ Giáng sinh.

Thiếu người mua, gặp khi nghỉ lễ, giá trong nước mạnh ai nấy phát. Ở những nơi xa các trung tâm chế biến, giá cà phê nhân xô có khi chỉ được trả mức 32.000-33.000 đồng/kg, tại các khu đô thị, giá được trả quanh mức 33.500-34.000 đồng/kg. Lượng mua bán không nhiều. Tuy nhiên, một điều đáng ngại rằng ở những vùng xa, nếu nông dân chấp nhận giá 32.000 đồng, khả năng giá sẽ “tuôn” nếu như giá sàn kỳ hạn xuống mạnh và khả năng dễ tạo một sức ép bán ra trong dịp trước Tết. Chỉ còn hơn một tháng nữa là Tết Nguyên đán Giáp Ngọ (2014), rơi đúng vào ngày 31-1-2014.

Sáng nay, thứ Bảy 28-12, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn quanh mức 34.000 đồng/kg, không đổi so với tuần trước.

Biểu đồ 2: Xuất khẩu cà phê Việt Nam 1998-2013 theo Tổng cục Thống kê (nguồn NewEdge)
Biểu đồ 2: Xuất khẩu cà phê Việt Nam 1998-2013 theo Tổng cục Thống kê (nguồn NewEdge)

Một số dấu hiệu cho thấy sức bán ra từ nước ta bắt đầu mạnh dần khi mùa thu hoạch gần xong. Tổng cục Thống kê (TCTK) ước báo lượng xuất khẩu cà phê tháng 12-2013 của Việt Nam có thể đạt 120.000 tấn, giảm 26% so với cùng kỳ cách đây một năm là 162.500 tấn. Nhưng tháng 12-2013 cũng là tháng có lượng xuất khẩu cao nhất và trên 100.000 tấn, tính từ tháng 6-2013 trở lại đây. Như vậy, theo TCTK cả năm 2013 tổng lượng xuất khẩu cà phê của nước ta đạt 1,29 triệu tấn, giảm 25,7% so với năm 2012 (xin xem biểu đồ 2 – cột số màu xanh biểu thị lượng bao, màu đó biểu thị số tấn).

Những người có kinh nghiệm cho rằng nếu giá xuống thấp do sức ép bán ra, lực lượng đầu cơ nhỏ lẻ trên thị trường nội địa và cư dân đô thị tại vùng sản xuất có thể hút một lượng hàng lớn mua trữ vì cho rằng giá rẻ. Tại nước ta, nhiều người có tiền hằng năm vẫn mua vào một lượng hàng thực khá lớn như là một kênh đầu tư của họ. Chính vì thế, lượng xuất khẩu và giá nội địa ở các tháng cuối vụ phụ thuộc nhiều vào những người này. Một khi giá bán thấp hơn giá mua, họ sẽ quyết neo hàng lại và một mặt nào đó giúp cho cà phê khỏi bị ép giá. “Khi hàng ra rộ giá rẻ, chính họ là người mua hàng trữ, giúp thị trường xuất khẩu tránh được sức ép bán ra. Đấy có thể là yếu tố tích cực nhất từ mấy năm nay mỗi khi ngành cà phê nước ta đối chọi với giá thấp trong hoàn cảnh cung cao hơn cầu”, một người tên Dũng ở tại Pleiku, có trên 25 năm kinh doanh cà phê nói. Giá đỉnh của niên vụ trước là ở mức 46.000 đồng/kg, giá cà phê nội địa hiện nay đang thấp hơn mức ấy chừng 12.000 đồng/kg.

2014 – Năm khó của cà phê?

Tâm lý chung của thị trường cho rằng năm 2014 sẽ là năm khó cho nhiều mặt hàng nông sản vì các quỹ đầu cơ tài chính đang rút cược khỏi các mặt hàng này.

Tại bản tin ngày 18-12, ngân hàng ABN AMRO cho biết các quỹ đầu cơ trong năm 2013 đã thoái vốn khỏi nhiều sàn hàng hóa ở mức cao kỷ lục, chỉ tính riêng từ tháng 1 đến hết tháng 11-2013 họ đã rút ra 36 tỉ đô la Mỹ, phần lớn chuyển qua giao dịch vàng. Trang thông tin Agrimoney.com (Mỹ) nói thêm rằng chỉ trong tuần đầu tháng 12-2013, các quỹ đầu cơ này rút hết 18.000 hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn đã đặt cược vào 13 mặt hàng nông sản có giao dịch tại các sàn kỳ hạn tại Mỹ. Nguồn tin này nhận định rằng giá nông sản từ bắp đến cà phê trong năm 2014 có lẽ xuống thấp vì các nước Nam Mỹ được mùa nhờ thời tiết thuận lợi. Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cũng cho rằng “thị trường nông sản nào hình như cũng đều thấy sản lượng thặng dư…cho đến tận các năm 2014-15”.

Bồi thêm vào bức tranh tiêu cực của thị trường cà phê năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng (Cepea) của Brazil tuần trước cho rằng “nguồn cung trên toàn cầu cao, đủ để cà phê có thừa” có thể làm giá cà phê xuống nữa.

Nhìn chung, các dự báo giá cà phê gần đây đều không mấy sáng sủa như theo Macquarie, trong năm mới 2014, giá cà phê arabica có thể xuống đến 90 cts/lb, ngân hàng Robobank nói cụ thể hơn rằng trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2014, giá bình quân cà phê arabica sẽ ở mức 90 cts/lb, là mức thấp trong vòng 8 năm nay do dư thừa cà phê và đồng BRL mất giá. Ngân hàng này cũng cho rằng giá cà phê robusta thời gian ấy cũng ở mức chừng 1.400 đô la/tấn, là mức thấp nhất tính từ tháng 6-2010.

Dù sao, đó chỉ là những dự báo mang tính chất tham khảo dựa trên cung-cầu tại thời điểm hiện tại. Thị trường có thể biến động thất thường và không phù hợp với dự đoán như thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng tới sản lượng vụ tới (hạn hán, sương giá) hay đầu cơ tài chính bơm tiền vào kinh doanh trên sàn đẩy giá tăng cao…

Biểu đồ 3: Tồn kho robusta (certs) thuộc sàn Liffe NYSE (nguồn: NewEdge)
Biểu đồ 3: Tồn kho robusta (certs) thuộc sàn Liffe NYSE (nguồn: NewEdge)

Tin tồn kho giảm cứu giá cuối tuần

Báo cáo định kỳ hai tuần một lần của sàn Liffe NYSE cho biết rằng lượng tồn kho cà phê robusta được sàn này cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn giảm thêm 1.400 tấn tính đến ngày 23-12-2013, chỉ còn 30.020 tấn, hay tương đương với 500.333 bao, giảm 72% so với 106.540 tấn cách đấy 52 tuần (1,776 triệu bao) và là mức thấp nhất tính từ tháng 12-1999 đến nay (xin xem biểu đồ 3 – hàng số màu đỏ biểu thị lượng bao, hàng số màu hồng biểu thị lượng lô – 1 lô x 10 tấn). Mức giảm này lớn hơn nhiều so với dự kiến. Trước đây, nhiều hãng thông tấn và kinh doanh ước đến thời điểm cuối năm này, lượng tồn kho đạt chuẩn robusta này còn 50.000-52.000 tấn. Phản ứng giá trên thị trường khuya hôm qua tăng 23 đô la/tấn có thể xuất phát từ các con số tồn kho khiêm tốn này, tuy nhiên mức tăng ấy vẫn chưa tương xứng với lượng tồn kho giảm.

Trong khi đó, lượng tồn kho đạt chuẩn arabica thuộc sàn Ice New York ở mức 2.708.362 bao, tức 162.502 tấn, ước trong đó có chừng 110.000 tấn đang nằm tại các kho ở châu Âu.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. phuhoang

    Chào bà con ! Đây lại là một tác nhân làm giảm giá trị của caphe, chúng ta cần suy tính đó. Tôi không biết tác giả lấy nguồn tin ở đâu mà nói người dân chấp nhận giá 32-33/kg vậy. Chỗ tôi cách thị trấn 26 km, đường đất boxit mà còn bán được 33,8-34. Lượng bán ra cũng hạn chế, dù biết tết Nguyên đán là phải chi tiêu, nhưng nếu giá thấp thì ăn nhỏ thôi, qua tháng 3-4 giá 46-48 ăn tết nữa lo gì. Đúng không bà con!

    1. dinh dung

      Bác nói thế là hại bà con nữa rồi, sang tuần qua Tết Tây sẽ trả lời tất cả, giá 40 chưa chắc có huống gì mơ mộng hảo huyền giá 46 bác

      1. phuhoang

        Chào bạn. Đại ý ở đây là bán ra vừa phải, đừng vì tết mà bán ra ào ạt. Còn giá qua tết âm lịch thế nào thì chưa biết nhưng chắc hởn bây giờ 33,8-40. Đúng không?

  2. Hoàng Quỳnh

    Chào bà con!
    Tôi theo dõi diễn đàn cũng không được thường xuyên lắm, nhưng cũng đọc không ít những bài viết của tác giả NQB, không biết mọi người cảm nhận thế nào? Riêng cá nhân tôi thấy hầu như tác giả chưa có lần nào nhận định tốt về giá cà phê mà ngược lại luôn có ý dẫn dắt giá cà phê trong mọi giai đoạn, mọi thời kỳ.
    Nếu có ai thấy có bài viết nào của tác giả này nói tốt về cà phê xin chỉ giùm để tôi xem thử.

  3. trọng hồng

    Tác giả là nhà DN nên phải nói sao cho có lợi về mình chứ. Hổng lẽ đi nói cho đối phương.
    Bạn ở phía đối diện thì lập trường bạn ngược lại là chuyện đương nhiên. Bình thường mà.

    1. Hoàng Quỳnh

      Ừ nhỉ, lý do đơn giản vậy mà mình nghĩ mãi không ra. Giờ thì mình hiểu rồi, cảm ơn bạn đã soi sáng cho mình một vấn đề khiến mình cứ thắc mắc, trăn trở mãi.

  4. PHANTRONGNGHIA

    Ý của tác giả nói giá cà phê London tháng 3 về 1650-1600. VD : 1650-70=1580* 21115= 33.361.000 , lưu ý : trừ 70 usd cho tháng 3. Thân chào

  5. Mua tây nguyên

    Phân tích như anh Nguyễn Quang Bình cũng khá rõ, dân làm cà phê hay buôn cà phê lấy nhận định đó mà nghiên cứu. Bán hay trữ lại là do mình quyết định, đừg vì mình muốn lợi cho riêng mình mà quên toàn cục của ngành cà phê, bây giờ cây cà phê trồg toàn thế giới không riêng chỉ có ở VN ta đâu. Cà phê xuất khẩu tính bằng đôla, có diễn đàn Y5 rất hay và rất có lợi cho nd hay đại lý kd cà tham khảo và đưa ra quyết định bán hay không cho riêng mình. Đừng trách ai, đọc thấy có lợi, ta im lặng thực hiện, không thì thôi. Đây là góp ý thôi miển tranh luận…

  6. Trúc Lam

    Toàn miền Tây Nguyên cà phê đang nở hoa, một mùa hoa ảm đạm, báo hiệu một vụ mùa thất thu lớn chưa từng có mấy chục năm qua. Hoa nở non, hạt phấn chưa già; lại gặp thời tiết lạnh kéo dài, tỉ lệ đậu quả rất thấp và sau này quả rất nhỏ, quả một nhân và lép. Sản lượng của vụ mùa năm 2014, nhìn vào thực tế vườn cây chỉ đạt khoảng từ 30-50% so với bình thường (chi từ 80-100 triệu đồng/ha để thu được từ 2-2.5 tấn nhân/ha). Tất cả các công đoạn chăm sóc không cắt giảm được khâu nào. Các bạn tính xem giá thành sẽ là bao nhiêu. Từ đó liệu xem có nên đem bán cà phê với giá như hiện nay kể cả giá lên 40.000đ/kg. Các nhà đầu cơ sắp tới tung tiền ra mua với giá từ 40.000-43.000đ/kg, cất vào kho rồi đi chơi một năm sau đem bán từ 45.000-48.000đ/kg, có buôn bán nào đem lại lợi nhuận cao hơn ngoại trừ buôn bán ma túy.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

86