Vinacas: Ngành điều chưa cần phải có điều kiện

che-bien-dieu2(30/10) – Năm 2012, Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) đã từng có kiến nghị muốn đưa ngành điều trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng nay trước những thay đổi của thị trường, Vinacas không xem đó là giải pháp cuối cùng để giúp ngành điều phát triển bền vững.

Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Vinacas, nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng sở dĩ trước đây Vinacas muốn ngành điều là ngành kinh doanh có điều kiện là do những vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng trong thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) đã có những thông tư liên quan đến an toàn thực phẩm cũng như quy trình kỹ thuật cho các cơ sở, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều. Bên cạnh đó, một số thị trường nhập khẩu hạt điều cũng đã đưa ra những quy định khá khắt khe đối với điều nhân nhập khẩu từ Việt Nam. Do đó, Vinacas nhận thấy chưa cần phải đưa ngành điều thành ngành có điều kiện để giảm số lượng cơ sở, doanh nghiệp không đạt chuẩn như trước đây.

Theo Vinacas, hiện có khoảng 330 doanh nghiệp đang trực tiếp xuất khẩu điều nhân, như vậy, so với thời điểm cuối năm 2011 đã tăng thêm khoảng gần 40 doanh nghiệp.

Ông Giang cho rằng, việc tăng hay giảm số doanh nghiệp xuất khẩu điều trong thời gian qua và cả trong thời gian tới sẽ do thị trường điều tiết, nghĩa là doanh nghiệp nào muốn tiếp tục xuất khẩu hạt điều thì phải đáp ứng được những yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm từ các thị trường nhập khẩu mặt hàng này.

Trước đây, Vinacas có kiến nghị với Bộ NN-PTNT đưa ngành kinh doanh xuất khẩu điều sớm trở thành ngành kinh doanh có điều kiện với lý do đã có những cơ sở chế biến và xuất khẩu không tuân theo những quy chuẩn kỹ thuật khiến chất lượng hạt điều giảm, sau đó, bán với giá thấp cho các nhà nhập khẩu và họ có cớ để ép giá những doanh nghiệp còn lại.

Việc đưa ngành điều trở thành ngành có điều kiện đã bị không ít phản ứng từ các doanh nghiệp khi cho rằng Vinacas viện dẫn vì lợi ích ngành điều để tìm cách loại bỏ những cơ sở, doanh nghiệp nhỏ thông qua điều kiện quy định đưa ra quy mô sản xuất, chế biến điều mới cấp phép cho xuất khẩu là ủng hộ các doanh nghiệp lớn và không có sự công bằng cho tất cả doanh nghiệp xuất khẩu điều.

 Theo Bộ NN-PTNT, trong 10 tháng của năm 2013, lượng hạt điều xuất khẩu đạt 212.000 tấn, giá trị thu về là 1,34 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,5% về lượng nhưng chỉ tăng 8,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu trung bình 9 tháng của năm nay là gần 6.347 đô la Mỹ/tấn, giảm gần 423 đô la Mỹ/tấn, tương đương 6,24% so với cùng kỳ năm 2012.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81