Tin buồn

Vì sao G20 kiến nghị tạm hoãn hoàn thuế xuất khẩu?

Tại Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu cà phê ở TPHCM vừa qua, do Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam và Câu lạc bộ các Doanh nghiệp xuất khẩu Cà phê hàng đầu VN (G20) tổ chức, 100% đại biểu lại khẩn thiết kiến nghị tạm dừng nhận tiền hoàn thuế VAT một năm trên các hóa đơn từ 1.11.2013.

Còn đối với các Doanh Nghiệp cung ứng Cà phê xuất khẩu thì được tạm dừng nộp thuế VAT 1 năm trên các hóa đơn mua – bán Cà phê XK cũng từ 1.11.2013. Để hiểu rõ hơn hiện tượng lạ này, chúng tôi đã phỏng vấn ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Vicofa – Chủ tịch G20.

Xem thêm:
>> Mùa cà phê buồn bã
>> Mua cao bán thấp: Hành vi chiếm đoạt thuế tinh vi

chu-tich-g20-do-ha-nam
Ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Vicofa – Chủ tịch G20

Thường các Doanh nghiệp xuất khẩu khi có đủ hồ sơ sẽ được hoàn thuế VAT trong vòng 60 – 70 ngày, nhưng Vicofa và G20 lại không muốn được sớm nhận lại số tiền này, vì sao thưa ông?

– Vì tiền hoàn thuế VAT 5% (sau đó Doanh nghiệp cung ứng Cà phê phải nộp cho các chi cục thuế địa phương) đang bị thất thoát rất lớn và có thể ảnh hưởng đến các Doanh nghiệp xuất khẩu Cà phê.

Theo ông, Doanh nghiệp xuất khẩu hay Doanh nghiệp thu mua Cà phê từ nông dân (ND) đã trục lợi số tiền đó?

– Khi kê khai bảng nộp thuế XK cho Nhà nước, các thương lái lấy giá thu mua từ ND, cộng thêm 5% thuế VAT và lợi nhuận để bán cho Doanh nghiệp xuất khẩu.

Ví dụ, hiện giá Cà phê 40.000 đồng/kg, cộng với 5% VAT, thương lái bán cho Doanh nghiệp xuất khẩu 42.000 đồng/kg. Thương lái trả cho ND 41.000 đồng/kg. Nếu chiếm dụng được khoản 5% VAT, họ sẽ bỏ túi 1.000 đồng/kg, nhân số tiền này với hàng ngàn tấn Cà phê XK, thì họ sẽ kiếm được khoản tiền khổng lồ.

Tôi được biết đã xảy ra tình trạng, một số người thành lập Doanh nghiệp (gọi tắt là thương lái) đi thu mua nông sản nói chung, Cà phê nói riêng từ ND.

Sau khi nhận được 5% thuế VAT do Doanh nghiệp xuất khẩu Cà phê trả trước vào giá, lẽ ra họ phải nộp lại khoản tiền này cho ngành thuế các địa phương, nhưng họ tuyên bố phá sản hay thông báo bị thua lỗ để giải thể; thậm chí “biến mất”, ngành thuế “bó tay”, không tìm ra được đầu mối để đòi lại tiền hoàn thuế Xuất khẩu, địa phương sẽ bị thất thu ngân sách.

Như vậy, tình trạng gian lận thuế XK này đã ảnh hưởng đến các Doanh nghiệp xuất khẩu Cà phê?

– Đúng thế. Trước đây, các Doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín được hoàn trước 5% thuế VAT sau đó ngành thuế mới kiểm tra hồ sơ sau. Sau khi xảy ra tình trạng gian lận thuế XK này, ngành thuế đã áp dụng với nhiều Doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức kiểm trước hoàn sau.

Không ít Doanh nghiệp xuất khẩu hồ sơ đã hoàn tất 5-6 tháng vẫn chưa được hoàn thuế, số nợ của Nhà nước với nhiều Doanh nghiệp đã lên đến 40 – 50 tỉ đồng, khiến họ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có nguy cơ đổ vỡ nếu không được giải quyết kịp thời.

Thứ hai, do Doanh nghiệp xuất khẩu lớn không thể mua trực tiếp từ ND hay một đầu mối nào mà phải mua qua nhiều khâu trung gian mới đủ hàng XK, nhưng, khi các thương lái biến mất, ngành thuế lại bắt các Doanh nghiệp xuất khẩu phải nộp thay thuế VAT, dẫn đến tình trạng các Doanh nghiệp này phải trả thuế VAT 2 lần (một lần đã trả cho thương lái ngay khi mua Cà phê rồi).

Tại sao ngành thuế lại bắt các Doanh nghiệp xuất khẩu hoàn thuế mà không truy thu từ thương lái?

– Theo Luật Thuế thì ngành thuế phải làm việc đó. Nhưng có lẽ không tìm được ra các thương lái, thì ngành thuế phải nắm được ai đó để lấy lại khoản tiền hoàn thuế xuất khẩu trả cho các địa phương.

Mặc dù, các Doanh nghiệp xuất khẩu đã kiến nghị Nhà nước thu khoản thuế xuất khẩu 5% thay thế cho VAT để tránh mất số tiền do thương lái chiếm dụng, nhưng việc này thì các doanh nghiệp nông trường nhà nước và ND không chịu, vì họ cho rằng sẽ bị thiệt. Còn bỏ thuế VAT, kiến nghị này lại không được chấp thuận vì không đúng luật. Cuối cùng là cứ lùng nhùng như vậy mãi, chưa có lối thoát.

Theo ông, việc tạm dừng hoàn thuế VAT trong một năm sẽ mang lại những lợi ích gì?

– Thứ nhất, sau một năm thực hiện, ngành thuế sẽ có cơ hội nhìn lại rõ hoạt động XK, biết được Doanh nghiệp nào làm ăn chân chính, Doanh nghiệp nào có nguy cơ gian lận để trục lợi từ chính sách hoàn thuế XK.

– Thứ hai, ngân sách nhà nước sẽ không sớm phải bỏ ra một khoản tiền để hoàn thuế, mà không ít trong số đó có nguy cơ bị mất.

Điều này có thể gây khó khăn tạm thời cho địa phương, nhưng Nhà nước có thể dựa trên số liệu XK từ năm trước tạm ứng khoảng 80% số tiền phải hoàn cho các địa phương. Khi có số liệu đầy đủ, sẽ hoàn 100%.

– Thứ ba, ngành thuế địa phương sẽ giảm áp lực về kiểm tra Doanh nghiệp, các Doanh nghiệp xuất khẩu cũng yên tâm không lo bị truy hoàn thuế. Nếu làm được cho ngành Cà phê, thì các ngành nông sản khác cũng áp dụng tương tự. Điều này sẽ góp phần hạn chế thất thoát rất lớn do tình trạng gian lận VAT.

Xin cảm ơn ông.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. hoang thang

    Nói tóm lại là các ông không thể mua trực tiếp từ nông dân vì mấy ông là “LỚN” mà LỚN quá nên để cho thương lái mua của dân mà họ trốn thuế, còn LỚN phải chịu tội và lỗ. Trong khi FDI mua trực tiếp của dân thì các ông không chịu vì khi đó “LỖ” không thuộc các ông và cũng không có chiếu dưới để đổ tội !

    1. duthanhliem

      ” LỖ “……. sao anh nói thẳng quá vào cái sự thật này thế? túm lại chỉ là từ mồ hôi và nước mắt của người trồng cà phê mà thôi.! để FDI mua thì còn kiếm ” LỖ” làm sao?

  2. Hienle

    Việc các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê mua hàng qua nhiều cấp trung gian là mắt xích yếu nhất của ngành này. Tuy vậy giống như trời mưa đất chịu, phần thiệt lại luôn thuộc về nông dân, những người một nắng hai sương làm ra sản phẩm.

  3. tranthang

    Các DN đang hướng đến vấn đề gian lận VAT của một số DN không chân chính, nhưng chờ một năm để đánh giá DN thì không mang lại tác dụng gì vì các DN gian lận hoạt động một vụ mùa sẽ chuồn, nếu không chuồn thì cơ quan thuể đã có thể quản lý.
    Thứ 2, một khi DN đã cố tình trốn thuế thì việc không hoàn thuế hay có hoàn thuế cũng chẵng ảnh hưởng gì đến họ. Mà việc không hoàn thuế lại càng tạo áp lực cho DN, nếu DN đẩy phần này vào giá thì người trồng cà phê lại phải đối mặt với giá thấp. DN chẳng dại gì đi gánh cho nông dân.
    Vấn đề lớn ở đây là bài toán quản lý thì trường từ nguồn cung nguyên liệu, đơn vị thu mua, đơn vị xuất khẩu chưa được giải quyết triệt để.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81