Họp khẩn vì phân bón rởm

Hàng ngàn giỏ hoa, hàng tấn ngô, cà phê… của nông dân bỗng chốc chết sạch chỉ vì bón phân rởm. Lực lượng chức năng đã kiểm tra 5.372 vụ, xử lý hơn 1.390 vụ vi phạm, có vụ thu giữ 225 tấn phân DAP do Trung Quốc sản xuất.

Bóc mẽ phân bón rởm

Trong cuộc họp khẩn với Bộ Công thương về tình hình phân bón trong nước ngày 20/9, Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, chỉ trong một mùa hè năm 2013 vừa qua, tình trạng các công ty lớn nhỏ sản xuất phân bón rởm thi nhau ra đời không chỉ làm ảnh hưởng đến thị trường phân bón trong nước mà còn khiến nông dân điêu đứng.

phan bon gia
Hàng ngàn tấn phân bón giả đang được tuồn ra thị trường, gây ảnh hưởng lớn đến mùa vụ và kinh tế của người nông dân

Tính đến thời điểm hiện tại đã có đến hơn 100 cơ sở tổ hợp nhỏ và trên 30 công ty bán ra phân bón rởm trên 40 tỉnh thành. Đơn cử, một số đơn vị Công ty Hưng Thịnh, Nam Bắc, Khổng Minh, Tân Khang rải khắp các tỉnh từ Bắc đến Nam có in nhãn mác của các công ty như Công ty phân bón Bình Điền, Công ty Phan bón Supe Phốt phát Lâm Thao, Công ty Phân bón miền Nam… Không những thế, các công ty này đều ghi ngoài bao bì có tổng hàm lượng 53% dinh dưỡng nhưng khi cơ quan thị trường đi kiểm định thì có loại chỉ được 2,99% hàm lượng dinh dưỡng.

Riêng tại địa bàn các tỉnh ĐBSCL, nhiều đại lý kinh doanh phân bón đều có trang bị máy trộn bê tông và một số phương tiện pha trộn phân bón tại nhà. Nhiều đại lý luồn phân bón giả, phân bón kém chất lượng vào bán ngay đại lý cỉa mình, tỏ ra rất hợp pháp.

Để tuồn được những sản phẩm này đến tay người dân, các công ty trên sử dụng nhiều hình thức rất tinh vi như liên hệ với hộ nông dân, mở hội thảo… để thu hút người dân. Mới đây nhất, Công ty Thaibico ở Tây Ninh liên hệ với hội nông dân huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông nhờ tập hợp nông dân để tổ chức hội thảo. Ban đầu, Thabico giới thiệu phân bón ưu việt, và biếu cho mỗi người đến dự một túi mẫu phân, nông dân mang về dùng chấp nhận được. Sau đó, công ty quảng bá và bán rộng rãi cho nông dân hơn 100 tấn về bón. Chẳng ngờ, không lâu sau đó, hàng loạt rẫy cà phê, ngô rụng lá chết hết.

Tương tự, thông qua hợp đồng tín chấp và sự giới thiệu của Hội nông dân, Công ty CP Quốc tế Động Trung đa yếu tố bán cho nông dân xã Gia Hiệp, tỉnh Lâm Đồng 140 tấn phân bón, mang về bón sau 2 tuần, cà phê và ngô chết dần. Công ty TNHH phân bón Vi Dân cũng thông qua hội nông dân xã Mỹ Phong, tỉnh Tiền Giang mua về sau hơn 1 tuần làm gần 30.000 giỏ hoa và hoa màu khác chết vì phân lân đỏ…

Vì đâu đến nỗi?

“Chính nạn phân bón giả này đã khiến hàng loạt hoa màu, cây trồng của nông dân bị thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều nông dân bỏ ruộng, cấy chay, không cắt gốc rạ vụ trước để thu tái sinh vụ sau, thu nhập sản xuất nông nghiệp thấp, lợi nhuận chưa đạt đến 30%… cũng vì tình trạng này”, ông Thúy bức xúc nói.

Cũng theo ông Thúy, sự lộn xộn của thị trường phân bón hiện nay là do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Hiện phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện, có giấy chứng nhận hoặc giấy phép. Bởi thế nên nhiều cơ sở nhỏ lẻ có đủ các điều kiện cần thiết, chất lượng sản phẩm kém vẫn có thể tham gia.

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cũng thừa nhận, hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại vẫn chưa hoàn chỉnh, dễ bị lợi dụng.

Ông Lam cho biết thêm, tính từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra 5.372 vụ, trong đó xử lý hơn 1.390 vụ vi phạm trong kinh doanh, sản xuất phân bón với tổng tiền phạt hơn 17,2 tỷ đồng, tịch thu 917 tấn phân bón các loại. Đặc biệt, có những vụ việc, phân bón giả, kém chất lượng bị thu giữ có số lượng lớn lên đến 225 tấn phân DAP do Trung Quốc sản xuất.

Trước tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, Bộ đã hoàn tất dự thảo nghị định về quản lý phân bón, thay thế Nghị định 113 và Nghị định 191 hiện hành. Dự thảo hướng tới việc phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón, điều kiện để các tổ chức, cá nhân được cấp phép sản xuất phân bón. Loại bỏ những cơ sở yếu kém, không đủ điều kiện kinh doanh.

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón… cũng đang được gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định và cho ý kiến.

>> Cập nhật thêm tin tức phân bón mới nhất

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Văn Đình

    Thông tin của ông Nguyễn Hạc Thúy đưa ra về công ty Khổng Minh, Nam Bắc, Tân Khang làm giả nhãn hiệu thực ra không mới, nó đã xảy ra cách đây 3 năm, và hiện nay các công ty này đã giải thể rồi. Không lẽ hiệp hội phân bón lại “nghèo” số liệu đến thế sao?

  2. Tân GL

    Ý của Văn Đình muốn nói là họp khẩn sau … 3 năm chứ gì?
    Mà cũng đúng thôi, nạn phân bón giả tràn lan 4-5 năm nay rồi, nay mới họp để bàn biện pháp thì ko hiểu là khẩn cái nổi gì ! đúng là dân cần mà quan ko vội.

  3. Thực phẩm Hữu Cơ

    Đây có phải là cuộc họp khẩn đâu. Họp thường niên thôi và lần nào cũng nói bằng bấy chuyện. Nói chung là các cơ quan quản lý bó tay.
    Trước đó mấy ngày cũng nội dung này đã họp tại Cần Thơ rồi, khẩn gì nữa!

  4. Trúc Lam

    Cần phải xử lý nghiêm minh
    Sản xuất, phân phối phân bón giả cần phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Phạt nhẹ không đủ răn đe. Phạt nặng, giải thể, chuyển sang khung hình sự.

  5. dinh xuan eatui

    Một đất nước với hơn 70% làm nông nghiệp mà một chế tài về phân bón bàn đi cãi lại không làm được thử hỏi còn tin ai ?

  6. Giun Que

    Bọn sản xuất phân giả phải cho tù chung thân, bọn này cần nghiêm trị thiệt hại cho nông dân và giá trị hàng hóa của Việt Nam.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83