Tin buồn

Thê thảm thủ phủ cà phê miền Trung

Nhiều người trồng cà phê ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị không mặn mà với việc thu hoạch hoặc phải chuyển đổi cây trồng vì giá rớt thảm hại

Huyện Hướng Hóa là nơi có diện tích trồng và sản lượng cà phê chè (arabica) lớn nhất miền Trung, doanh thu năm 2012 đạt trên 300 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm nay, khi cà phê đã vào vụ, năng suất cao nhưng chắc rằng doanh thu sẽ thấp hơn rất nhiều so với trước vì rớt giá. Nhiều rẫy cà phê đã chín đỏ, rụng xuống đất mà người trồng vẫn không buồn hái.

Cà phê rẻ như bèo

Xã Hướng Phùng là địa phương có diện tích trồng cây cà phê lớn nhất của huyện Hướng Hóa với trên 1.500 ha. Vào thời điểm này những năm trước, lực lượng lao động đã đổ về xã Hướng Phùng để hái cà phê thuê nhưng năm nay thì hoàn toàn yên ắng.

thu hoach ca phe o quang tri
Rẫy cà phê của ông Nguyễn Văn Lợi ở thôn Kợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị
đã chín nhưng vẫn không được thu hoạch

Rẫy cà phê với diện tích 2 ha của bà Nguyễn Thị Lan (ngụ thôn Kợp, xã Hướng Phùng) trái chín đỏ rực nhưng chỉ mình bà thu hoạch. Bà Lan rầu rĩ: “Năm trước, giá đầu vụ lên tới 4.000 – 5.000 đồng/kg nhưng nay chưa tới 3.000 đồng/kg, nếu thuê nhân công thì chẳng có tiền mà trả”.

Năm 2011, bà Nguyễn Thị Hằng (ngụ xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) vay ngân hàng 250 triệu đồng mua 2 ha cà phê ở thôn Kợp với hy vọng có lời để nuôi 5 người con ăn học. Vụ đầu thu được một ít vốn nhưng đến năm nay thì gia đình bà Hằng đứng ngồi không yên vì giá cà phê quá rẻ, trong khi đã đến kỳ trả lãi ngân hàng. “Với giá cả như hiện nay thì chúng tôi lỗ trên 20 triệu đồng” – bà Hằng nhẩm tính.

Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua xã Hướng Phùng là những rẫy cà phê xanh tốt, trái chín đỏ rực nhưng không người hái, thi thoảng lại gặp những tấm bảng đề bán rẫy cà phê. Tại rẫy của ông Nguyễn Văn Lợi (ngụ xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) ở thôn Kợp, rất nhiều trái cà phê rụng xuống đất, một số cây do không chăm sóc nên bị sâu tấn công. Đã gần tháng nay, ông Lợi không lên rẫy mà nhờ hàng xóm trông coi giùm. “ Giá cà phê bèo bọt quá nên đành để vậy” – ông Lợi chua xót.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hướng Hóa, cho biết toàn huyện có gần 5.000 ha cà phê, năng suất ước đạt 50.000 tấn. Mấy ngày qua, người dân than trời vì giá thu mua tại vườn quá thấp, có nơi chỉ 1.500 đồng/kg. “Giá cả thế này thì dân sống sao nổi, chắc họ bỏ cà phê thôi” – ông Hùng nhận định.

Phát triển không bền vững

Ngày 21-8, tại hội nghị triển khai công tác thu mua – chế biến cà phê do UBND huyện Hướng Hóa tổ chức, một số doanh nghiệp cho rằng giá thu mua cà phê tại địa phương thấp do giá thế giới hiện đang rất thấp, chỉ 38 triệu đồng/tấn cà phê nhân.

Thực tế, cùng loại cà phê chè, ở Tây Nguyên, giá thu mua tại vườn là trên 6.000 đồng/kg nhưng ở huyện Hướng Hóa thì chỉ 3.000 đồng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn An – thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, Giám đốc Công ty CP Thái Hòa (Quảng Trị) – lý giải rằng ở Hướng Hóa, người dân chỉ thu hoạch vào mùa mưa nên trọng lượng cà phê tăng cao. Bên cạnh đó, chất lượng cà phê Hướng Hóa cũng không cao so với một số địa phương khác.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thu mua cà phê đầu tư cơ sở hạ tầng chế biến yếu kém, gây ô nhiễm môi trường phải đóng cửa hoặc bán cho người khác. “Cần có một chiến lược phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu, quy hoạch lại hệ thống chế biến phù hợp năng suất… thì may ra cà phê Hướng Hóa mới trụ vững được” – ông An khẳng định.

Không muốn tái canh cây cà phê

Ông Nguyễn Văn Siêu, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa, cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cũng như nguồn vốn cho người dân và doanh nghiệp vay để đầu tư vào cây cà phê…

Theo ông Nguyễn Ngọc Sắc, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, trong năm 2012, huyện Hướng Hóa đã chi 300 triệu đồng để hỗ trợ nông dân tái canh đối với diện tích cà phê trên 15 tuổi nhưng chỉ giải ngân được 50 triệu đồng vì ít người hưởng ứng.

>> Người dân Hướng Hóa không mặn mà với cây cà phê

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. k duong

    Sao cà phê gì mà rẻ quá vậy, chắc là tư thương ép giá, chứ cà phê sẻ cũng phải cỡ 6-7 ngàn 1kg chứ, sao nông dân không tự hái về phơi khô hay chế biến ướt, nếu không có tiền đầu tư máy móc thì có thể chế biến thủ công bằng công cụ thô sơ, bà con hái quả chín về ngâm trong nước rùi đầu tư máy xay tươi, các cơ sở cơ khí địa phuơng cũng làm được, sau đó cho vô bể nước vớt vỏ ra vì vỏ nổi lên, rồi đãi lấy nhân vỏ lụa mang sấy hoặc phơi tùy theo thời tiết. Vì tôi thấy cà phê mô nếu nhân khô cũng phải ngót 100 ngàn 1kg mà khoảng 5kg quả tươi cho một kg quả khô. Chúc bà con thành công.

  2. Phonui

    Sở dĩ như vậy là do ông Thái Hòa phá sản bỏ của chạy người! Thị trường cà phê ở Khe Sanh hiện giờ do một ông Bự của huyện này thao túng và ép giá cà phê quả tươi chỉ 3500đ/kg (Công thuê hái gần 2000đ/kg). Nông dân ở đây chán nản không muốn hái nữa! Cà phê Khe Sanh được thu hái 100% quả chín để chế biến ướt nên chất lượng không thể xấu để bị ép giá như vậy! Hãy cứu lấy nông cà Khe Sanh! (Nghe nói thương lái các nơi bị chặn không đến được Khe Sanh…!?)

  3. phạm ngọc tuân

    Tình hình cà phê thế này chắc chặt bỏ hết trồng lại cây khác quá, cà phê arabica ở Quảng Trị mà 1kg có 3000đ thuê người hái không đủ trả tiền công mà.

  4. lê công tuân

    Ko đồng ý với lý giải “lý giải rằng ở Hướng Hóa, người dân chỉ thu hoạch vào mùa mưa nên trọng lượng cà phê tăng cao. Bên cạnh đó, chất lượng cà phê Hướng Hóa cũng không cao so với một số địa phương khác.”
    Tại vì ở Hướng Hóa, là vùng nguyên liệu của Thái Hòa coffee. trong khi Thái Hòa coffee bị thua lỗ mấy năm nay rồi.
    Năm 2011 giá cafe tươi trung bình là 7.000 trong khi các doanh nghiệp phía Nam cho xe vào mua với giá cao hơn nhưng Hải Quan lại không cho thông khỏi Huyện HH, như vậy thì giá không làm sao thấp cho được?
    Còn thông tin về giá trị của cafe chè Khe Sanh- Hướng Hóa thì có rất nhiều nơi, ngay cả cà phê hòa tan Biên Hòa có 8 loại cafe nổi tiếng, trong đó có cafe Khe Sanh đấy thôi.
    Nếu cho phép các doanh nghiệp được cạnh tranh nhau thì có lẽ giá trị của cafe Q.Trị sẽ nâng lên.

    1. anh duc nguyen

      Hãy đi thực tế rồi mới phán. Hiện nay tại Khe Sanh có 12 nhà máy chế biến. 3 nhà xuất khẩu trực tiếp ở 2 miền đến đầu tư. Thị trường rớt giá còn 113 cent, quả đầu mùa chất lượng kém, giá thu mua tại nhà máy 5000 đến 5800 đ/kg tươi là đúng rồi.

      1. DakGlongTN

        Với giá cả thế giới hiện nay mà Khe Sanh mua cà chín sớm thường có chất lượng kém với gía khoảng 5.500 đ/kg tươi là được rồi. Do bài báo viết giá dưới 3.000 đ/kg tươi nên bà con mới lên tiếng chứ.

  5. (nick !)

    Mình ở Hướng Phùng, thực trạng giá cà phê Hướng Phùng đầu mùa 3000/kg là đúng. Còn bài viết nói chất lượng cà phê đầu vụ xấu, điều đó là phi lý… có hay chăng lấy cớ để giá giảm giá cà phê. Theo mình khảo sát thì chất lượng cà phê đầu vụ ko thua kém gì giữa vụ. Còn cà mà chất lượng kém, thì họ ép xuống còn 2000-2500/kg, không được 3000/kg đâu…, còn vận chuyển ra Khe Sanh, Hướng Hóa.. thì giá có lên 4000/kg nhưng trừ chi phí tiền xe, với hao hụt thì tính ra giá cũng như rứa thôi. Năm nào, đầu vụ cũng lặp lại điệp khúc ép giá vì cà đầu vụ. Năm ngoái, cà đầu vụ 4000-5000/kg nhưng năm nay giá như đó. Theo mình biết, cà phê thế giới năm ngoái vs hiện tại có giảm bao nhiêu đâu.

  6. Trần Quốc Tuấn

    Cái dở của báo chí là đưa tin tại một thời điểm, như một lát cắt, cho nên không lột tả hết được mọi vấn đề. Trong khi đó các bài báo có tính đánh giá sâu, phân tích sâu thì lại rất ít, chưa kể tình trạng “cắt và dán” tin giữa các trang web mạng, ít cử người đi “chiến trường”, làm cho bức tranh không đầy đủ. Gần đây tôi vào Hướng Hóa, hỏi mấy chị thu gom (tôi có ghi âm tâm sự của họ hẳn hoi) thì được biết huyện có chủ trương “bế quan tỏa cảng”, tức không cho người ngoài vào mua, không cho người trong bán ra ngoài, cho nên chợ ở Hướng Hóa mới không thể sôi động như sân vận động được. Còn đằng sau cái chính sách “trâu ta ăn cỏ đồng ta” ấy là động lực gì, chưa thấy báo chí nêu. Một sinh viên năm thứ nhất trường kinh tế cũng biết rằng không có cạnh tranh thì không có phát triển, nếu lấy nông dân làm trọng, thì phải mở cửa cho mọi người vào mua hàng cho nông dân. Chính sách đóng cửa như thế chỉ làm lợi cho mấy ông nhà ta với nhau thôi. Báo chí cần nâng cao nhận thức cho dân chúng, vì vẫn có thất bại của thị trường, vẫn có thất bại của chính phủ, … hãy để người dân được quyền định đoạt giá cả nông sản do chính họ làm ra. Chính quyền có chức năng hỗ trợ cơ chế, chính sách để nền sản xuất cạnh tranh hơn, đảm bảo các tác nhân không được cạnh tranh thiếu lành mạnh, … chứ chính quyền không đi làm hộ ai cả.
    Xin được sẻ chia với bà con một nắng hai sương.
    Quốc Tuấn
    “Sâu rễ thì mới bền gốc” “Vua phải biết khoan sức dân”.

  7. Nguyen sao mai

    Không phải vì nhà báo hay tại nông dân mà do chính sách của huyện nhằm bảo hộ những DN địa phương tại chỗ, gây khó khăn cản trở các DN ở nơi khác đến làm ăn. Sự cạnh tranh không bình đẳng làm cho họ không trụ lại được buộc phải ra đi. Chỉ còn lại DN địa phương nên họ tha hồ ép giá nông dân.

  8. Trần Đặng Phong

    Xin phép!
    Hình ảnh anh nông dân đang hái cà phê trong bài là: Anh Nguyễn Đình Đạt (thuộc) Thôn Cổ Nhỗi-Xã Hướng Phùng-Huyện Hướng Hóa-Tỉnh Quảng Trị.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83