Cho vay hỗ trợ DN cà phê: Sẽ không có “bữa trưa miễn phí”

Cơ cấu nợ cho Doanh Nghiệp có điều kiện vượt qua khó khăn, chứ không phải “hỗ trợ” cho tất cả các Doanh Nghiệp bất kể tốt xấu.

Xem thêm: Ngân hàng cam kết tài trợ cho cây cà phê

cho vay ho tro nganh ca phe
Vốn tự có của các DN kinh doanh cà phê khá thấp, nên ngân hàng dành cho hạn mức tín dụng thấp

Ngân hàng cũng là một Doanh Nghiệp, nên đảm bảo an toàn hoạt động phải đặt lên hàng đầu. Việc chia sẻ khó khăn với các Doanh Nghiệp nhằm mục tiêu cùng tồn tại để vượt qua khó khăn, chứ không có nghĩa là sẽ có “bữa trưa miễn phí” cho tất cả các Doanh Nghiệp bất kể tốt xấu. Đó là quan điểm của các ngân hàng tại Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Đắk Lắk do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức.

Đại diện một công ty đầu tư xây dựng tại Đắk Lắk mong muốn, lộ trình giảm lãi suất càng nhanh càng tốt và mức lãi suất cần ổn định lâu dài. Hiện dự án của Doanh Nghiệp đang vay trung, dài hạn tại BIDV với lãi suất ưu đãi là 13,5%/năm nhưng nợ cũ vẫn là 15%/năm. Doanh Nghiệp mong muốn được vay trung, dài hạn để đầu tư phát triển với lãi suất 10 – 12%/năm.

“Doanh Nghiệp có dự án đầu tư chợ cấp 1 của tỉnh, theo Nghị định 02 của Chính phủ quy định được ưu đãi về tín dụng đầu tư cũng như theo Nghị định 114 sửa đổi, đầu tư xây dựng chợ được vay tại Ngân hàng Phát triển (VDB), nhưng khi tiếp cận danh mục đầu tư tại VDB thì lại không có”, vị đại diện này cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Phúc Nam, Tổng giám đốc CTCP Chế biến Gỗ Trường Thành – Đắk Lắk chia sẻ, lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu và trồng rừng vừa qua đã được nhận nhiều chế độ ưu đãi của các TCTD trên địa bàn. Tuy nhiên, hàng tồn kho của Doanh Nghiệp tương đối cao do sức cầu của nền kinh tế giảm. Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng đã gia hạn nợ một chu kỳ cho Doanh Nghiệp, nhưng Doanh Nghiệp chưa tiêu thụ hết hàng tồn kho nên muốn có cơ chế nới rộng thời gian gia hạn nợ.

Ông Tăng Hải Châu, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, theo báo cáo của các TCTD trên địa bàn, đến cuối quý I/2013, tỷ trọng dư nợ có mức lãi suất trên 15%/năm giảm từ 12,8% (thời điểm cuối năm 2012) xuống còn 8,9% trên tổng dư nợ; tỷ trọng dư nợ có mức lãi suất từ 12 – 15%/năm chiếm 66,9%; tỷ trọng dư nợ có mức lãi suất dưới 12%/năm chiếm 24,2% tổng dư nợ. Trong quý I/2013, các TCTD trên địa bàn tiếp tục thực hiện việc cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ cho 7.780 khách hàng với dư nợ đạt 2.740 tỷ đồng.

“Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 34.785 tỷ đồng, tăng 0,2% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 21.191 tỷ đồng, chiếm 60,9% tổng dư nợ cho vay; giảm 1,5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 13.594 tỷ đồng, chiếm 39,1% tổng dư nợ cho vay; tăng 2,9% so với đầu năm”, ông Châu nói.

Về phía các NHTM, đại diện LienVietPost Bank, ông Phan Văn Thịnh, Giám đốc Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tại Ngân hàng dưới 13%/năm và 14%/năm cho vay trung, dài hạn. Thủ tục cho vay nhanh, gọn, thuận tiện, nhưng vẫn phải tuân thủ chuẩn mực của hệ thống ngân hàng. Vấn đề lớn nhất hiện là tìm được những khách hàng tốt để cho vay.

Giám đốc Agribank Đắk Lắk chia sẻ, hiện trên 90% dư nợ của Ngân hàng là đầu tư cho “tam nông”. Trong đó, nguồn đầu tư đáng kể được dành cho các hộ nông dân trồng cà phê và Doanh Nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê. Tuy vậy, cái khó nhất là vốn tự có của các Doanh Nghiệp kinh doanh cà phê khá thấp, ngân hàng thường cho vay tín chấp nên hạn mức tín dụng cũng hạn chế. Bên cạnh đó, câu chuyện xử lý nợ trong mùa cà phê rớt giá năm 2001 đã gây không ít khó khăn cho Doanh Nghiệp lẫn ngân hàng vẫn là bài học.

Ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ điều này khi cho rằng, ngân hàng cũng là một Doanh Nghiệp, nên làm thế nào để ngân hàng với Doanh Nghiệp xích lại gần nhau, cùng chia sẻ khó khăn là điều mà ngân hàng nào cũng muốn hướng tới. Song các Doanh Nghiệp cũng cần hiểu rằng, cơ cấu nợ cho Doanh Nghiệp là cơ cấu cho những Doanh Nghiệp có điều kiện vượt qua khó khăn để phát triển, chứ không phải “hỗ trợ” cho tất cả các Doanh Nghiệp bất kể tốt xấu.

“Vốn cho Doanh Nghiệp vay không thiếu, nhưng một thực tế hiện nay là cả ngân hàng và Doanh Nghiệp nhiều lúc lại sợ cho vay và đi vay. Bởi nếu cho vay mà Doanh Nghiệp không còn cơ hội để hồi phục thì lại gây khó cho cả ngân hàng lẫn Doanh Nghiệp”, ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN nhận định, năm 2013 nền kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn nên việc Doanh Nghiệp và các NHTM cùng phối hợp để giúp nhau vượt sóng là rất cần thiết. Ngay từ năm 2012, các ngân hàng đã giảm lãi suất, trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ, dù điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn thu, lợi nhuận… Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn còn khiêm tốn bởi lý do chủ yếu là tồn kho hàng hóa khiến dòng tiền chưa luân chuyển được. Năng lực tài chính của Doanh Nghiệp cũng còn nhiều vấn đề, nên NHTM còn e ngại là điều bình thường.

“Mức lãi suất hiện là phù hợp, sắp tới nếu CPI tiếp tục khống chế ở mức thấp bên cạnh các yếu tố vĩ mô ổn định, NHNN sẽ tính toán việc hạ lãi suất tiếp. Ngoài ra, NHNN sẽ trao đổi cụ thể với Bộ Tài chính về những vấn đề liên quan đến các chính sách của VDB”, ông Đào Minh Tú nói.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. redcross

    Có bác nào ở Agribank Gia Lai chi nhánh Biển Hồ cho hỏi thăm có cách nào vay được tiền của Agribank bằng của chính. Hơn 3 năm nay cư lên liên hệ vay đầu tư cho cà phê được trả lời 1 câu là chưa huy động được vốn, đành sang mấy ngân hàng khác vay dù lãi suất cao hơn nhưng được cái thủ tục nhanh gọn lẹ…

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87