Nhiều mặt hàng nông sản cán đích tỉ USD

Tính đến giữa tháng 9-2012, trong số mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn của Việt Nam đã có bảy mặt hàng gia nhập câu lạc bộ tỉ USD gồm thủy sản, lúa gạo, cà phê, cao su, đồ gỗ, khoai mì, hạt điều.

Nhưng theo nhiều doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông sản năm nay tăng do việc tăng sản lượng trong khi giá bán lại giảm.

Phân loại cà phê xuất khẩu
Phân loại cà phê xuất khẩu ở huyện Cư Jút, Đắk Nông – Ảnh: T.B.D.

Danh sách “tỉ đô”

Niên vụ 2011-2012 đánh dấu ngành cà phê của Việt Nam đạt kỷ lục mới về sản lượng lẫn giá trị. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tám tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt trên 1,26 triệu tấn với kim ngạch 2,68 tỉ USD, tăng trên 30% về khối lượng và 25,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cà phê xuất khẩu trong niên vụ từ tháng 10-2011 đến hết niên vụ (tháng 9-2012) thì khối lượng niên vụ vừa qua của Việt Nam lên đến 1,5 triệu tấn với giá trị trên 3 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Theo Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa), bên cạnh sản lượng xuất khẩu tăng, chất lượng của cà phê Việt Nam xuất khẩu niên vụ 2011-2012 đã được cải thiện rõ rệt, thể hiện ở loại cà phê loại 1 tăng lên. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nhiều hơn vào công nghệ chế biến để nâng giá trị xuất khẩu. Theo ông Lương Văn Tự – chủ tịch Vicofa, bằng việc đầu tư vào dây chuyền chế biến để làm cà phê chất lượng cao thì mỗi tấn cà phê xuất khẩu có thể tăng thêm giá trị từ 65-100 USD.

Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia ngành hàng cà phê, cho biết niên vụ 2011-2012, cà phê được giá từ đầu đến cuối vụ với mức bình quân khoảng 40.000 đồng/kg nên nông dân là người được lợi. Nguyên nhân vì vụ vừa qua nông dân điều chỉnh lượng bán ra từ từ với mức giá vừa phải và thế giới đã phải chấp nhận mua hàng theo cách mà nông dân bán ra. “Có thể nói thắng lợi của ngành cà phê niên vụ 2011-2012 thuộc về nông dân” – ông Bình nói.

Một loại nông sản khác đạt được thành tích nổi bật trong những năm qua là hồ tiêu. Hồ tiêu đạt cả ba yếu tố về thiên thời (cầu thị trường luôn cao hơn cung), địa lợi (nhiều vùng đất Việt Nam phù hợp trồng cây này) và nhân hòa. Trong đó, theo ông Trần Đức Tụng – chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, yếu tố quan trọng nhất là do nông dân trồng hồ tiêu đã chủ động điều tiết lượng hàng hóa bán ra, qua đó áp đặt được giá bán.

Không được như cà phê hay hồ tiêu, các mặt hàng nông sản còn lại người dân ít được hưởng lợi vì giá trị xuất khẩu tăng nhưng giá bán sản phẩm của người dân lại giảm như hạt điều, cá tra, lúa gạo, khoai mì…

Xuất khẩu các nông sản chính trong tám tháng đầu năm

Năm Thủy sản Gạo Cà phê Hạt điều Cao su Ðồ gỗ Khoai mì
2010 2,98 2,33 1,22 0,67 1,18 2,13 0,35
2011 3,8 2,71 2,1 0,88 1,94 2,48 0,68
2012 3,95 2,51 2,68 0,96 1,77 2,99 0,97

Cần chiến lược xuất khẩu

Theo các chuyên gia nông nghiệp, dù nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang đứng đầu thế giới nhưng sức cạnh tranh và áp đặt vị thế của người đứng đầu lên thị trường hầu như không có. Nguyên nhân là Việt Nam chủ yếu chạy theo số lượng và không có một chiến lược rõ ràng đối với xuất khẩu nông sản nói chung và từng ngành hàng cụ thể nói riêng. Trong nhiều ngành hàng, thay vì tìm cách nâng giá bán có lợi cho doanh nghiệp và nông dân, các công ty lại cạnh tranh bằng hạ giá sau đó quay lại ép giá nông dân.

Phát biểu trong một cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần thừa nhận “trên thế giới chỉ có Việt Nam xuất khẩu cá tra, nhưng các doanh nghiệp lại liên tục hạ giá thay vì tăng giá lên”. Ông Nguyễn Văn Kịch, tổng giám đốc Công ty thủy sản Cafatex, cho biết xuất khẩu cá tra trong tám tháng đầu năm nay đạt trên 1,1 tỉ USD nhưng nhìn lại người dân vẫn bán lỗ tới 3.000-4.000 đồng trên mỗi ký cá, nhiều người phá sản hoặc ngưng nuôi. “Lỗi này chủ yếu là do các doanh nghiệp đã tự ý hạ giá xuất khẩu rồi quay lại ép nông dân. Với tình hình giá cả hiện tại, dù cho lãi suất là 0% thì người dân cũng như doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng không dám nuôi cá chứ đừng nói đến chính sách giảm lãi suất về 11% của Nhà nước” – ông Kịch cho biết.

Tương tự như vậy, đã năm năm qua xuất khẩu điều của Việt Nam dẫn đầu thế giới với sản lượng và giá trị năm sau cao hơn năm trước, nhưng người trồng điều đang phải đốn bỏ vườn điều để chuyển sang trồng các loại cây khác đem lại giá trị kinh tế cao hơn như tiêu, cao su… Đối với mặt hàng lúa gạo, chính sách xuất khẩu giật cục đã nhiều lần làm mất cơ hội bán giá cao của Việt Nam, gây khó khăn cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu thị trường (Bộ Thương mại), cho rằng việc định giá quá cao gạo xuất khẩu từ cuối năm 2011 đến đầu năm 2012 theo Thái Lan đã làm khách hàng bỏ Việt Nam chuyển qua các thị trường khác như Ấn Độ, Pakistan… kéo theo giá gạo trong nước giảm mạnh do không thể tiêu thụ. “Việt Nam ký hợp đồng nhiều nhưng rất nhiều trong số đó là hợp đồng giá thấp” – ông Bích cho biết.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79