Thị trường cà phê: Bài học thực tiễn quý giá

Tồn kho chỉ từ tăng nhẹ đến giảm, xuất khẩu cà phê robusta tháng 5-2012 tăng mạnh, dự báo sản lượng tăng, nhưng giá sàn kỳ hạn robusta vẫn không rớt. Giá tăng nhưng không bồn chồn, không bán ào ạt…Liệu đây đã là lối đi mới cho xuất khẩu cà phê nước nhà?

Dự báo sản lượng cà phê tăng, giá cứ cương

Trong tuần, có khá nhiều báo cáo tỏ ra gây bất lợi cho giá cà phê robusta. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hiệu chỉnh lại dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2011/12 của Việt Nam lên 21 triệu bao, tức 1,26 triệu tấn, tăng thêm 8%. Thị trường chưa kịp tiêu hóa, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cũng đưa con số ước lượng sản lượng cà phê nước ta tăng từ 18,3 triệu bao lên 20 triệu bao, thêm 9%.

Chưa hết choáng váng vì tin tức dồn dập, con số xuất khẩu cà phê hàng tháng của Tổng cục Hải quan bồi thêm lo lắng: xuất khẩu cà phê tháng 5-2012 ước đạt trên 203.000 tấn; đây là một tháng xuất khẩu cao bất ngờ kể từ đầu vụ đến nay.
Song, giá sàn robusta Liffe NYSE và giá nội địa có một tuần tăng khá đẹp mắt.

Bên trọng bên khinh

Biểu đồ Giá cà phê robusta Liffe NYSE
Biểu đồ 1: Giá kỳ hạn robusta Liffe NYSE nửa đầu tháng 6

Các yếu tố khủng hoảng nợ và suy thoái kinh tế tại Âu Mỹ vẫn tiếp tục diễn ra. Có lúc rất căng, như lo ngại Hy Lạp chia tay khối các nước sử dụng đồng euro (eurozone) sau cuộc bầu cử ngày mai Chủ nhật 17-6-2012. Ai sợ tình hình bấp bênh mặc ai, giá sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE và giá nội địa tại nước ta vẫn tăng đều.

Thật vậy, giá arabica Ice tại New York lại “bỏ của chạy lấy người”. Sau một tuần giao dịch, giá sàn này lại giảm từ 156,60 cts nay chỉ còn 150,05 cts/lb, mất 5,55 cts hay gần 130 đô la Mỹ/tấn.

Trong khi đó, giá sàn kỳ hạn Liffe NYSE hầu như đã “bỏ ngoài tai” tất cả để tự vươn dậy sau một cơn chỉnh xuống đau đớn vào tuần trước, có lúc chỉ còn quanh 2.020 đô la/tấn. Giá robusta kỳ hạn táng 7-2012 đã tăng ngoạn mục từ 2.074 đô la lên 2.095 đô la/tấn, tăng 21 đô la quí hiếm khi đóng cửa khuya hôm qua tức rạng sáng thứ Bảy 16-6 giờ Việt Nam (xin xem biều đồ phía trên).

Nhờ vậy, giá nội địa vẫn giữ vững từ mức 41.500 – 42.000 đồng/kg trong suốt tuần, tăng 1.000-1.500 đồng so với tuần trước. Tuy nhiên, điều đáng nói là giá xuất khẩu dựa trên cơ sở chênh lệch so với giá kỳ hạn (differentials) đã nhích tăng dần từ trừ 30 đô la dưới giá niêm yết nay còn chừng trừ 10 đô la/tấn FOB.

Giá tăng làm mình thêm ngại

Biểu đồ chênh lệch giá cà phê Robusta, giá cà phê arabica
Biểu đồ 2: Giá các biệt 2 sàn kỳ hạn robusta arabica và robusta

Giá kỳ hạn arabica rớt nhanh không ai ngờ. Mới đầu tháng 1-2012, giá arabica Ice đang còn mức chung quanh 245 cts thì hôm nay chỉ còn 150 cts, mất 95 cts hay mất xấp xỉ 2.000 đô la/tấn.

Nhiều yếu tố làm giá arabica xuống nhanh như sản lượng niên vụ đang ra của Brazil 2012-13 có thể rất được mùa, đồng real Brazil mất giá so với đồng đô la Mỹ…

Tuần qua, có tin rằng Mỹ, nước tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, trong thời gian qua, đã “âm thầm” nhập robusta từ Brazil với lượng tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Thực ra, Brazil dễ có cơ hội bán hàng cho Mỹ vì cước tàu rẻ hơn do khoảng cách giữa 2 nước gần hơn Việt Nam rất nhiều.

Vả lại, trong suốt thời gian ấy, giá arabica quá cao nên rang xay Mỹ đã phải mua robusta nhiều hơn để đấu trộn và chủ yếu để giảm giá thành.

Một khi hàng robusta trong kho đã khá, nhu cầu mua thêm loại này của rang xay sẽ giảm nhất là khi giá cách biệt giữa arabica và robusta đang co lại, đưa arabica về thế “rất rẻ” trên thị trường hiện nay.

Tính đến sáng hôm nay, giá cách biệt giữa arabica Ice và robusta Liffe NYSE chỉ còn xấp xỉ 54,75 cts/lb hay 1.200 đô la/tấn, mất gần 3.000 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 2 phía trên).

Tồn kho cà phê tăng… chớ khéo lo

Biểu đồ Tồn kho cà phê Robusta
Biểu đồ 3: Tồn kho cà phê các loại tại châu Âu ECS đến hết tháng 4-2012

Một loạt báo cáo xuất hiện trong tuần qua cũng không làm giá robusta Liffe NYSE nao núng.

Tính đến hết cuối tháng 4-2012, tồn kho cà phê các loại tại châu Âu theo Liên đoàn Cà phê Châu Âu (European Coffee Federation) tăng 49.441 tấn so với tháng trước đó, đạt 9.369.611 bao. Song vẫn giảm 2.093.822 bao so với tháng 4-2011.

Tồn kho cà phê arabica
Biểu đồ 4: Tồn kho robusta certs lại giảm đến nửa đầu tháng 6-2012

Báo cáo tồn kho mới nhất của sàn robusta Liffe NYSE báo giảm sau khi tăng nhẹ vào đợt trước: đến hết ngày 11-6, tồn kho robusta được xác nhận chất lượng giảm 7.350 tấn, chỉ còn 168.840 tấn hay giảm đến 58% so với con số cách nay 1 năm. (Xin xem biểu đồ 4 phía trên).

Cuối cùng, Hiệp hội Cà phê Nhân Mỹ (Green Coffee Association) cho rằng tính đến hết tháng 5-2012, tồn kho cà phê các loại trên đất Mỹ tăng nhẹ, thêm 49.441 bao đạt 4.570.778 bao, song vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái 3,3%.

Khủng hoảng nợ và suy thoái kinh tế tại các nước Âu Mỹ và trên toàn thế giới đang “thiên biến vạn hóa” và làm cho nhiều thị trường chao đảo mất định hướng.

Rõ ràng, đầu cơ tài chính không thể bỏ qua cơ hội này. Ngay cả kim loại vàng, trước đây đã từng có thời kỳ dài làm “bảo chứng”, thì nay đầu cơ tài chính đang mạnh tay tận dụng làm thành hàng hóa, đá giá lên xuống để “kiếm ăn”.

Cà phê từ trước đến nay vẫn được xem là một trong vài món hàng hóa “dễ bảo” nhất của đầu cơ. Nên, đường đi nước bước hạt cà phê của từng nước xuất khẩu được họ nghiên cứu rất kỹ.

May mà, trong vài năm qua, giá tăng, nông dân khá dần, đã cùng với ngành cà phê điều tiết lượng hàng xuất khẩu một cách hài hòa: vừa đủ lượng thị trường cần, vừa giữ được giá niêm yết, vừa giữ được mức chênh lệch cao so với giá niêm yết. Đây là cách đóng góp một cách thực tiễn nhất mà nông dân đem lại cho ngành cà phê từ 2 niên vụ nay.

Trước sau, lời nhắc nhở của nông dân cà phê đối với nhà xuất khẩu, người bạn đồng hành hay “hấp tấp”: “hãy liệu cơm gắp mắm” hay “cơm không ăn, gạo còn đó”.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tân Hưng

    Hình như tôi thấy biểu đồ “Liffe rob đóng cửa” không chính xác, phải không các bạn? Hay tác giả có ý gì khi tổng hợp biểu đồ vậy chứ không lẽ tác giả sai?

  2. Gia Hưng

    Nhìn biểu đồ của London trên bài tổng hợp tuần 24 rồi nhìn biểu đồ do tác giả tự tổng hợp, đúng là không chịu được!

  3. V. Đ. Hùng

    Các bạn Tân Hưng và Gia Hưng,
    Tôi thấy rất lờ mờ không biết các bạn phê bình đúng hay tác giả sai. Nói như các bạn thì thì phải vẽ sao cho chính xác. Khi phê bình, bạn nên đem các con số hay giá đóng cửa các ngày trên biều đồ mới dẫn chứng mới nói được sai và đúng.
    Còn bạn Gia Hưng đọc chưa hết chữ – tác giả nói giá của “nửa đầu tháng 6” chứ không phải 1 tuần đâu bạn.
    Khi muốn phê bình sai và đúng, mình phải chứng minh được cái mình đúng mới gọi người ta sai. Bạn nên đưa các con số giá đóng cửa từ ngày 1/6 đến 15/6 lên mạng này, để bà con cùng phát hiện tác giả sai và yêu cầu tác giả chỉnh sửa. Nếu các bạn không đúng, nên xin lỗi bạn đọc và tác giả. Đó mới là người văn minh và lịch sự.

  4. Tâm cafe

    Tôi không thấy tác giả ghi biểu đồ giá của tháng mấy nên cũng ngạc nhiên với ý kiến của các bạn. Tìm tư liệu xem thì mới thấy giá tháng 7, 9 của ngày 6/6, 7/6, 8/6 đều không có số nào dưới 2.050. Không biết có nhầm lẫn ở đâu không?
    Khi xem biểu đồ thì tâm lí trực quan là chính, thường chú ý các đỉnh và đáy trước rồi mới xem chi tiết sau. Vì vậy những diểm này có sức tác động nhất định. Nên tôi cũng không hiểu khi viết -tự vươn dậy sau một cơn chỉnh xuống đau đớn vào tuần trước- ý tác giả là gì? Ai biết xin chia sẻ.

  5. ca ngot

    Bạn Dambri là nhà đầu cơ hay sao mà dọa cho những người yếu bóng vía để họ tuôn hàng ra à. Nhưng bà con năm 2012 khác rồi, chứ ko phải như những năm trước đâu nghe bạn nói vậy là tuôn hàng ra, vì bà con cực khổ nhiều với hạt cà phê nên họ cũng kinh nghiệm đầy rồi bạn ah!

  6. Ngô Phú Hiển

    Cả 2 biểu đồ đều đúng cả.

    Biểu đồ trên kết nối các mức giá đóng cửa cuối ngày (phiên ngày)

    Biểu đồ (tổng hợp tuần 24) kết nối các mức giá đóng cửa cuối mỗi 10 phút (phiên 10 phút)

    ví dụ:
    biểu đồ ngày thể hiện mức giá mở cửa, đóng cửa, cao nhất, thấp nhất trong 1 đơn vị thời gian là 1 ngày,
    biểu đồ 10 phút thể hiện mức giá mở cửa, đóng cửa, cao nhất, thấp nhất trong 1 đơn vị thời gian là 10 phút,

    Lưu ý:
    Biểu đồ dạng đường kẻ chỉ thể hiện giá đóng cửa cuối phiên mà thôi,
    Biểu đồ dạng thanh hoặc dạng nến mới biểu diễn được các mức giá mở cửa, đóng cửa, cao nhất, thấp nhất trong 1 phiên giao dịch.

    Các phiên giao dịch tiêu chuẩn thường dùng trên biểu đồ gồm có 1′, 5′, 10′, 15′, 30′, 60′, 240′, 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng.

    Biểu đồ 1′ giúp bạn theo dõi diễn biến thị trường trong từng phút,
    biểu đồ 5′ giúp bạn theo dõi diễn biến thị trường trong từng 5′

  7. Tâm cafe

    Đúng là thế nào? Anh Hiển coi lại giá đóng cửa những ngày đó tại London rồi hãy khẳng định nhé. Tìm xem có số nào dưới 2050 ko? (áng chừng biểu đồ tác giả vẽ khoảng 2020 thôi)
    Theo tôi, cuối tuần này chưa thể lên 2200 đâu. Có thể T7 xuống lại, còn T9 ở mức 2100 thôi. Tuần sau mới hi vọng!

  8. Ngô Phú Hiển

    Các bạn tinh thật!

    Ban đầu nhìn qua tưởng như 2 biểu đồ chỉ khác nhau về khung thời gian, còn bản chất là giống nhau, nhưng xem kỹ lại đúng là biểu đồ này giá có vẻ không chính xác.

    Cụ thể là ngày 7/6 giá đóng cửa Liffe trên biểu đồ này khoảng 2020 nhưng thực tế thì giá đóng cửa cùng ngày trên kỳ hạn tháng 7 là 2123. kỳ hạn tháng 9 là 2127.

    Tác giả có sai sót gì chăng?

Tin đã đăng

Tin mới nhất

90