Thị trường hạt tiêu Việt Nam vẫn “bình chân như vại”

Những ngày qua, biến động giá trên thị trường hạt tiêu Ấn Độ không chỉ làm cho cả thế giới “sững sờ” mà còn làm cho người sản xuất lẫn giới kinh doanh hạt tiêu Việt Nam gần như bị mất phương hướng.

Từ ngạc nhiên…

Nhu cầu hạt tiêu thế giới gia tăng bình quân 5% mỗi năm, nhưng sản lượng tại các nước trồng tiêu sụt giảm nên đã khẳng định trong năm 2011 thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 35.000-40.000 tấn hạt tiêu các loại.

Hội nghị quốc tế về hồ tiêu tại Bali Indonesia do IPC tổ chức cuối năm vừa qua tiếp tục khẳng định, năm 2012 thế giới tiếp tục thiếu hụt hạt tiêu mặc dù sản lượng dự kiến sẽ thu được 320.000 tấn so với 298.000 tấn của năm trước. Trong đó các nước sản xuất tiêu hàng đầu là Ấn Độ giảm 5.000 tấn xuống còn 43.000 tấn, Việt Nam sẽ tăng 10% lên 110.000 tấn và Indonesia sẽ tăng 24% lên 35.000 tấn.

Thế mà, giá hạt tiêu kỳ hạn trên thị trường Kochi-Ấn Độ từ đầu năm đến nay chỉ thấy tăng, không hề giảm.

Còn nhớ, kỷ lục trên thị trường kỳ hạn thế giới đầu tiên còn ghi nhận là ngày 1/11/1999 với 265 Rupi/kg cho tiêu xô và 275 Rupi/kg cho tiêu chọn. Đến ngày 30/4/2011, nghĩa là sau hai năm rưỡi, thiết lập mốc kỷ lục mới ở 280 Rupi/kg cho tiêu xô và 290 Rupi/kg cho tiêu chọn. Các nhà quản lý thị trường khi ấy cho rằng giá đang hướng tới mốc 300 Rupi/kg sẽ không còn xa khi mà chưa có năm nào thị trường hạt tiêu thế giới tăng nóng như năm 2011.

Không chỉ như vậy, giá tiêu thế giới đã lập đỉnh kỷ lục của năm 2011 vào ngày 21/9 khi tiêu chọn đạt 364 Rupi/kg và tiêu xô đạt 360 Rupi/kg, mức cao chưa hề có và không một nhà kinh doanh hạt tiêu chuyên nghiệp nào dám nghĩ tới . Sau đó giá tiêu thế giới quay đầu và dự báo hứa hẹn sẽ tăng cao trở lại khi các nước sản xuất chính hoàn tất mùa thu hoạch tiêu năm nay.

Cần khẳng định đến thời điểm này thu hái sớm như Ấn Độ mới chỉ được khoảng 3/4 sản lượng và Việt Nam, nước có sản lượng đứng đầu thế giới, cũng mới chỉ có 1/3 diện tích thu hoạch xong. Nhưng giá hạt tiêu thế giới đã vô cùng nóng. Kỷ lục mới, sớm được thiết lập ngày 7/3/2012 vừa qua, khi thị trường Ấn Độ có giá 400 Rupi/kg cho tiêu xô và 413 Rupi/kg cho tiêu chọn. Mức giá kỷ lục mà theo một nhà môi giới “có nằm mơ cũng không nghĩ đến”, còn các nhà phân tích thị trường hạt tiêu thế giới cũng chỉ biết lặp đi lặp lại mấy từ “tăng, tăng và tăng ; nóng, nóng và nóng ; cay, cay và cay”… để nói về thị trường hạt tiêu Ấn Độ lúc này.

Không chỉ các nhà kinh doanh hạt tiêu thế giới sững sờ ngạc nhiên mà những ai quan tâm đến thị trường hạt tiêu Việt Nam cũng ngạc nhiên không kém, vì “cả thế giới đang xôn xao mà Việt Nam bình chân như vại”…

bieu do gia hat tieu the gioi Thị trường hạt tiêu: Cả thế giới xôn xao, Việt Nam bình chân như vại

…đến mất phương hướng

Khi có thông tin sàn SMX tại Singapore sẽ đưa hạt tiêu vào giao dịch kỳ hạn, nguồn hàng được lấy từ một kho ngoại quan ở Việt Nam, không chỉ làm cho nhà xuất khẩu mà cả nông dân nước ta đều vui mừng. Vì khoảng cách đến với người tiêu dùng được rút ngắn cũng đồng nghĩa là hạt tiêu nước ta bớt được những khâu trung gian và người sản xuất sẽ hưởng lợi. Niềm vui còn nhân lên gấp bội khi trong phiên giao dịch đầu tiên ngày 10/2/2012, giá khởi điểm của loại tiêu 550 Gr/l, loại tiêu phổ biến ở các nước Đông Nam Á, được ấn định cho kỳ hạn giao tháng 3 là 6.050 USD/tấn.

Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi giá tiêu kỳ hạn tại sàn NCDEX (Ấn Độ) liên tục tăng nóng, thiết lập đỉnh mới với giá cao ngất ngưởng lên đến xấp xỉ 8.700 USD/tấn thì tiêu kỳ hạn tại sàn SMX (Singapore) vẫn ì ạch quanh quẩn mức giá 6.000-6.500 USD/tấn, chênh lệch hơn 2.000 USD/tấn, là không thể chấp nhận được.

Các thương lái trong nước những ngày đầu còn theo dõi giá trên sàn Sing để mua bán, rồi sau đó phải đợi giá từ nhà thu mua xuất khẩu. Nhưng đến khi hai sàn trái chiều nhau thì sự lúng túng lộ rõ ở tất cả mọi giới tại thị trường nội địa. Giá mua bán trong ngày phải chỉnh đi chỉnh lại vì không biết nên dựa theo sàn nào. Và gần đây nhất, trong khi sàn Ấn vẫn diễn ra bình thường với khối lượng giao dịch hàng ngày vẫn duy trì khoảng 5-6 ngàn tấn thì sàn Sing không có một hợp đồng mở nào, khiến nhà kinh doanh thực sự mất phương hướng.

Nhìn vào các sàn giao dịch hạt tiêu hiện nay chợt nghĩ: Không biết các nhà quản lý nước ta nghĩ gì khi đã xây dựng sàn BEC (tại Buôn Ma Thuột) lại còn cho sàn hàng hóa Triệu Phong giao dịch cà phê, trong khi ý đồ xây dựng các sàn điều, tiêu là mặt hàng chiếm vị trí số 1 thế giới vẫn cứ bỏ ngỏ. Như vậy xuất khẩu nông sản các loại chiếm vị trí hàng đầu thực sự đã vững chắc hay vẫn còn nhiều phụ thuộc khác nữa?

Anh Văn

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. van long

    Theo tôi nghĩ các nhà làm chính sách của chúng ta ko mặn mà với mấy cái vụ nông sản cho lắm, mà chỉ quan tâm mấy cái to lớn như là công nghiệp hóa, công nghệ cao… thôi. Vì tầm nhìn phải xa thì mấy bác ấy mới thể hiện được tài năng của mình chứ mấy cái nông sản theo mấy bác ấy nghĩ thì thu nhập được bao nhiêu. Vì theo tôi nếu nhà nước muốn và quyết tâm thì có thể thành lập công ty để làm sàn giao dịch các loại hàng hóa mà đâu cần phải qua SING qua ẤN mà giao dịch vừa mất phí vừa chẳng tạo dựng được thương hiệu gì cho đất nước. Nếu các bác có lập sàn để giao dịch thì phải làm cho bài bản cho lớn hẳn luôn để mà cho đủ tầm cỡ quốc tế người ta mới đến mà giao dịch với lại phải cho người ta được có đầy đủ quyền như trong giao dịch quốc tế như giao dịch kỳ hạn, tương lai… Vì “cây to gọi gió” !

    1. dinh xuân eatul

      Có lẽ bạn cũng trồng tiêu phải không, tiêu nhà mình vừa rồi bị tháo đốt hơi bị nhiều có thuốc gì chữa hiệu nghiêm không chỉ giúp với. Mình nghĩ giá tiêu hiên giờ đủ sống rồi nhưng các doanh nghiệp xuât khẩu tiêu có vấn đề sợ dân giàu nên ép chơi thôi. Các sếp nhà mình khi nào có lợi cho cá nhân là họ vào cuộc thôi.

      1. van long

        Xin lỗi bạn nha, nhà tôi không có trồng tiêu nên không có kinh nghiệm gì để trao đổi giúp bạn được!

    2. dinh xuân eatul

      Có khi nào lãnh đạo các cấp của nước nhà nghĩ đến và tâp trung xây dựng Việt Nam thành một cường quốc về nông nghiêp không. Theo tôi nghĩ một đất nước đứng đầu về xuất khẫu hạt tiêu, gạo, cafe vậy mà khi nào cũng phụ thuộc nước ngoài. Trong khi đó sân chơi Wto ta đã gia nhập vậy mà tiếng nói cũa chúng ta hình như không có trọng lượng trên trên thê giới

  2. Nông Dân

    Kính chào bà con Nông Dân và những người có liên quan, tôi xin mạn phép chia sẻ một số suy nghĩ cá nhân tôi với mọi người như sau:

    Làm sao mà lấy giá sàn giao dich SMX làm giá tham chiếu được? sàn này mới bắt đầu giao dịch tiêu cách đây chưa đầy 1 tháng, khối lượng giao dịch vô cùng ít ỏi so với sàn KoChi của Ấn Độ. Theo cá nhân tôi thì SMX rất có tiềm năng và sẽ vượt mặt sàn KoChi Ấn Độ về khối lượng giao dịch sản phẩm tiêu tương lai không xa (do sàn SMX dễ dàng cho người nước ngoài tham gia, KoChi thì hạn chế người nước ngoài), nhưng ít nhất không phải năm nay!

    Việc giá tiêu Việt Nam không tăng như đáng được tăng là cơ hội cho các nhà đầu cơ tiêu thế giới gom hàng giá thấp của nông dân Việt Nam, khi gom được khối lượng lớn rồi, họ sẽ làm cho giá tiêu trên sàn tăng vô cùng nóng như bên sàn tiêu KoChi. (Dự kiến từ giữa tháng 3 trở đi)

    Về phí Nông Dân: không nên nôn nóng bán tiêu với giá thấp như hiện nay, giá sẽ đạt đỉnh điểm vào khoảng tháng 9, tháng 10 dương lịch.

    Về phía nhà cầm quyền, cơ quan chức năng cần xem lại trách nhiệm của mình

    Nói thêm vể sàn giao dịch cafe Buôn Ma Thuột: Cần phát huy ưu thế của nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới. Muốn phát triển mạnh mẽ như các sàn của Anh, Mỹ, Ấn…ta sẽ cần thay đổi về cách quảng cáo tiếp thị ra thế giới, cần bỏ ngay luật phải ký quỹ bằng cafe vật chất trên sàn (quy định này gạt bỏ rất nhiều nhà đầu tư, đầu cơ… Mà chính những nhà đầu tư, đầu cơ mới làm cho sàn phát triển mạnh)

    Kính chúc bà con Nông Dân và mọi người sức khỏe và thành công

    1. Châu Huế

      Tại sao không lấy giá sàn SMX tham chiếu được ? Tại sao không phải năm nay? Giải thích thế nào khi sàn Ấn tăng 2.700$/tấn mà nội địa chỉ tăng 10.000 đ/kg ? Tại sao giá tiêu VN không tăng như đáng được tăng? Tháng 9, 10 năm nào chẳng đạt đỉnh, cần gì phải dự kiến nữa.

  3. BAOPN

    Mình rất quân tâm đến lĩnh vực nông nghiệp. Xin hỏi mọi người, có thể cho mình biết được. Cây tiêu trồng bằng hạt ươm lên thì thời gian cho trái là bao nhiêu không?
    Theo ý mình nghĩ thì nó khoảng 3 năm, nếu chăm sóc tốt. Nếu trồng bằng cách này chắc cây tiêu bền hơn.
    Mong mọi người cho ý kiến !

  4. trung_tin_727

    Tiêu trồng bằng hạt thì khỏang 6,7 năm thì phải, mà cây tiêu không ổn định đâu,năng suất lại kém nữa.

  5. tieuphong

    Có ý kiến cho rằng, tiêu trồng bằng hạt rễ tiêu sẽ nhiều và ăn sâu xuống lòng đất, chịu hạn hơn, tuổi thọ cao hơn, khỏe hơn tiêu trồng bằng dây lươn hoặc dây ác. Muốn đạt năng suất thì phải ghép những giống tiêu mình ưa thích, BAOPN hãy làm thử một ít đi. Chúc bạn thành công và tìm thấy niêm vui trong công việc.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

87