Giao dịch hàng hóa phái sinh các mặt hàng như: bạc, ngô, cà phê… đang dần thu hút nhiều nhà đầu tư. Với các nhà đầu tư mới, việc hết sạch tiền (cháy tài khoản) là nỗi lo lớn nhất.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do các nhà đầu tư này thiếu kinh nghiệm quản lý vốn và tâm lý khớp lệnh vội vàng. Vì vậy, các giải pháp quản trị rủi ro là điều cần thiết và việc này cũng đang được Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam chú trọng áp dụng kịp thời.
Tháng 4 vừa qua, giá dầu thô WTI của Mỹ đã có mức giá âm, giảm từ mức 18 USD/thùng xuống còn -38 USD/thùng.
Vì chưa từng xảy ra trong lịch sử, hầu hết các hãng môi giới và công ty thương mại đều không có sự chuẩn bị. Tại Mỹ và Nga, nhiều nhà đầu tư đã kiện các hãng môi giới, sàn giao dịch khi đã không kịp thời đưa ra cảnh báo, hoặc không cho phép nhà đầu tư thực hiện các giao dịch mới để giảm thiểu thua lỗ.
Sau bài học về giá dầu, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đã ngay lập tức thực hiện các biện pháp để quản trị rủi ro. Ví dụ như sử dụng các thuật toán để đưa ra mức xử lý cắt lỗ hợp lý, áp dụng hệ thống thông báo tự động, khi các tài khoản giao dịch rơi vào trạng thái rủi ro.
“Đôi khi có biến cố, như dịch bệnh, thiên tai đến bất ngờ. Các thành viên kinh doanh tuân thủ nghiêm ngặt quy định về quản trị rủi ro. Ví dụ như trường hợp xử lý cắt lỗ, đảm bảo nhà đầu tư không bị mất sạch tài sản của họ“, ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Khối Quản lý rủi ro Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, cho biết.
Trên thực tế, một số trường hợp các công ty thành viên chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định, như không cảnh báo các nhà đầu tư khi tài khoản có nguy cơ bị “cháy”. Các trường hợp này sẽ bị xử phạt, cảnh cáo toàn thị trường và dừng bảo lãnh khi yêu cầu mở tài khoản mới cho khách hàng.
Theo chia sẻ của một số nhà đầu tư có kinh nghiệm, bên cạnh các giải pháp quản trị rủi ro từ Sở Giao dịch, họ thường đặt ra các nguyên tắc giao dịch riêng cho mình, ví dụ chỉ giao dịch tối đa 30 – 40% số vốn, hoặc luôn đặt các lệnh cắt lỗ tự động ngay khi bước vào giao dịch.
Xem thêm: Nguyên tắc cần nhớ để tránh thua lỗ khi giao dịch hàng hóa
Theo VTV