Tin buồn

Mất quá nhiều thứ trong nửa đầu vụ cà phê 2014/2015

Giá cà phê nội địa và kỳ hạn xuống mức thấp nhất kể từ nhiều tháng qua. Những yếu tố lũng đoạn giá hoành hành mạnh trên thị trường. Nông dân đang thua lỗ đậm do mất giá, giới kinh doanh đang thiếu hàng giao dẫn đến tình trạng thanh lý hợp đồng: mất uy tín.

Biểu đồ 1: Diễn biến giá robusta sàn kỳ hạn Ice châu Âu trong tháng 3-2015 (tác giả tổng hợp)
Biểu đồ 1: Diễn biến giá robusta sàn kỳ hạn Ice châu Âu tháng 3-2015 (tác giả tổng hợp)

Mất giá

Giá cà phê nhiều nơi trên các tỉnh Tây Nguyên mất 3 triệu đồng/tấn ngay khi Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2015 vừa chấm dứt vào ngày 12-3-2015. Đây là thời gian giao dịch chậm lại do các nhà xuất khẩu tập trung với các hoạt động lễ hội.

Đến sáng nay 14-3, hai ngày sau khi lễ hội chấm dứt, giá cà phê chỉ còn 35 triệu đồng/tấn so với cuối tuần trước là 38 triệu đồng/tấn. Đấy cũng là mức thấp nhất của niên vụ 2014/15 bắt đầu từ 1-10-2014.

Giá cà phê xuất khẩu loại 2,5% đen bể được chào bán ở mức trừ 10 đô la Mỹ/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB) dưới giá niêm yết sàn kỳ hạn Ice châu Âu, nhiều hơn 20-30 đô la/tấn so với cách nay mấy tuần. Tuy nhiên lượng khớp lệnh trong giao dịch không nhiều do các nhà nhập khẩu chê mắc, chỉ những ai cần giao hàng gấp với các hợp đồng nhỏ từ 40-60 tấn mới mua.

Trên sàn kỳ hạn robusta châu Âu, giá bất ngờ giảm cực mạnh, đóng cửa phiên ngày 13-3 chỉ còn 1.708 đô la/tấn, là mức thấp nhất kể từ 14 tháng nay (xin theo dõi biểu đồ 1).

Tuy nhiên, nhiều người còn hàng trong tay vẫn kiên tâm đợi chờ như một người ở thành phố Pleiku tự xưng là “Lão nông tri điền” phát biểu trên một mạng thông tin thị trường: “Giá rơi tự do rồi cũng phải dừng. Tôi còn 4 tấn, chờ đến vụ tới bán luôn thể vì sản lượng chưa chắc được…”

Biểu đồ 2: Diễn biến chỉ số đồng đô la Mỹ tăng (nguồn: tradingchart.com)
Biểu đồ 2: Diễn biến chỉ số đồng đô la Mỹ tăng (nguồn: tradingchart.com)

Yếu tố mất giá trong những ngày này còn được tăng cường bởi chỉ số đồng đô la Mỹ trong rổ tiền tệ tăng mạnh. Chỉ số này hôm qua đã vượt trên 100 điểm làm giá nhiều loại hàng hóa lấy đồng đô la Mỹ làm đồng tiền thanh toán một phen suy vi như kim loại vàng, dầu thô, bắp, đường ăn, đậu nành và cà phê cũng không được miễn trừ (xin xem biểu đồ 2 phía trên).

Mất mùa?

Thật vậy, chỉ trong vài ngày, giá rơi mạnh làm nhiều người lo lắng dù ước báo của quan chức thuộc Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (VICOFA) tại một cuộc họp trong khuôn khổ lễ hội cà phê ở Buôn Ma Thuột cho rằng sản lượng niên vụ 2014/15 chỉ đạt chừng 22,17 triệu bao (bao=60 kg), giảm 20% so với niên vụ trước.

Ước báo của VICOFA có phần hợp lý vì xuất khẩu cà phê trong mấy tháng gần đây giảm rõ rệt. Tổng cục Hải quan cho biết hai tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cà phê nước ta giảm 25,3% chỉ đạt 241.000 tấn.

Không chỉ riêng tại nước ta, tin đồn mất mùa liên tục được dấy lên tại nước sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới là Brazil, kích thích thêm ý định trữ hàng chờ giá tăng. Tuần qua, một tổ chức có tên Fundacao Procafé nói rằng tuy tại Brazil có mưa nhưng đã quá trễ, không cứu kịp sản lượng vụ mùa năm sau của nước này. Tổ chức này ước báo sản lượng cà phê năm tới của Brazil chỉ ở mức 40,3-43,25 triệu bao, giảm ít nhất 2 triệu bao so với niên vụ này. Dự báo này so ra có nhỏ hơn các con số của các đơn vị khác như của Terra Forte – 47,28 triệu bao, Olam International – 49 triệu bao, Volcafe – 49,5 triệu bao, Conab – 44,1-46,6 triệu bao.

Mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) Roberia Silva cho rằng sản lượng năm nay mất đã đành, năm tới thế giới còn thiếu đến 8 triệu bao do hạn hán tại Brazil quê hương ông. Những phát biểu thế này lại có thể kích động phong trào trữ hàng mạnh. Tuy nhiên mình càng trữ, Brazil càng bán ra. Trong tháng 2-2015, Ủy hội Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) báo rằng nước này xuất khẩu 2,19 triệu bao (bao=60kg) cà phê arabica, và robusta đạt 249.324 bao, so với cùng kỳ năm 2014 tăng 68%. Tuy lượng không nhiều nhưng có thể trám được thiếu hụt và giành thị phần xuất khẩu loại cà phê này của nước ta.

Mất mặt!

Ngay đầu vụ, giá cà phê nội địa được đẩy lên 41 triệu đồng/tấn khi giá trên sàn kỳ hạn được đẩy lên quanh mức 2.200 đô la/tấn. Sau hơn 5 tháng, giá kỳ hạn nay chỉ còn quanh mức 1.700 đô la/tấn và nội địa 36 triệu đồng/tấn. Giá còn đi tới đâu nữa? Chưa ai dám nói điều gì.

Theo biến động của thị trường, giá tăng đầu vụ là một “quả lừa” gây họa nhiều hơn phúc vì nhiều người cứ tưởng giá còn tăng khi vào vụ và đua nhau trữ hàng, thiếu tiền mua hàng, đua nhau gởi hàng, để rồi hàng chủ yếu đổ vào kho của vài tay đầu cơ.

Giá kỳ hạn xuống mạnh đang gây áp lực chốt giá hàng gởi trên sàn. Chốt giá “chặn lỗ” (stoploss) được thực hiện cả tự nguyện lẫn tự động khi hai bên mua bán sợ giá xuống sâu hơn mức tiền đã tạm ứng, thường vào khoảng 70% giá trị thị trường thời điểm, bên bán phải chốt bán giá rẻ bao nhiêu, bên mua hứng mua thoải mái bấy nhiêu.

Mặt khác, do siết hàng không bán hoặc bao nhiêu hàng bán ra đều vào tay các nhà đầu cơ nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp, nhiều nhà xuất khẩu nước ta đang dở khóc dở cười đàm phán thanh lý hợp đồng chịu phạt do không có hàng giao (wash-out).

Hiện tượng này đã từng xảy ra trong niên vụ 2010/11 khi ngành cà phê bị tai tiếng do không có khả năng thực hiện hợp đồng.

Chỉ điều có khác là trước đây giá tăng mạnh, các nhà xuất khẩu bán ra nhiều nên thua lỗ đành phải thất hứa. Còn hiện nay, giá quanh mức 40-41 triệu đồng/tấn trong thời gian dài, nhưng hàng không đủ để xuất khẩu qua đường chính thức dù giá ấy có thể chấp nhận được.

Cách đây mấy năm, có người đã từng lên tiếng phản ứng với chủ trương tạm trữ và cho rằng tạm trữ là “tự trảm”. Những gì đang xảy ra trên thị trường cà phê nước ta hiện nay quả không sai.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Lão Nông Tri Điền

    Đại đa số chúng ta vẫn biết rằng: bán chậm, bán từ từ, không ký gửi hàng. Nhưng trong bối cảnh năm nay mất mùa đậm thì ai cũng có tâm lý trữ hàng lại, đặc biệt đối với nhà buôn nhỏ lẻ. Hơn nữa chỉ số đô la Mỹ đang dao động quanh mức 100 điểm, cùng với một vài yếu tố khác nữa đang được giới cá mập khai thác. Nói chung người làm cà phê như tôi đang lâm vào cảnh “rắn mất đầu” không cảm nhận được giá cà phê sẽ đến phương nào. Thôi thì cứ giữ hàng lại có lẽ vẫn tốt hơn.

    1. LƯU HÙNG LẠC

      – chú ơi! Hay là chú bán hết lượng cà phê còn lại để cầm tiền chuyển sang một số kênh đầu tư khác như mua vàng, gửi tiết kiệm …, theo cháu thấy giá này có lẽ sẽ kéo dài hơi lâu vì các nhà đầu cơ dường như đang cố ý hạ thấp ngưỡng kỳ vọng về giá của người nông dân. Giống như bài viết này nguyên nhân làm suy yếu thị trường chưa hẳn là do cung cầu, mà còn do tác động từ nhiều phía, nổi bật trong bài viết này là do các quyết định sai lầm và vô trách nhiệm của giới đầu tư.

  2. Bùi vũ

    tôi dự đoán cà phê có thể tiếp tục mất thêm vài ba giá nữa nhưng sẽ phục hồi khuyên bà con đừng nôn nóng bán tháo mà rơi vào bẫy của giới đầu cơ

  3. Trịnh Thức Pleiku

    Nông dân thiếu tiền đầu tư, cho con đóng học, ăn uống hàng ngày… là phải bán hết, hoặc ứng tiền không thì đi vay lãi, chính vì vậy cá mập rồi đại lý thu mua họ đâu có lo. Năm ngoái tháng 10 hay 11 giá lên 42 tui bán hết 8 tấn gửi ngân hàng rồi mua vàng giờ khỏe re. Đầu vụ bán tươi 10k/cân ngon lành khỏi suy nghĩ. Được giá là bán thôi mình cầm đằng lưỡi mà sao địch lại họ được.

    1. tlm

      Chúc mừng trình thức vì bạn đã thoát được chữ tham, từ đầu là mình đã thấy cố gắng khuyên mọi người bán nhưng bị ăn gạch giờ thấy thương quá mà đành chịu… Bà con nào đã lỡ ôm hàng thì cố ôm luôn có thể xuống đến 1100 nhưng sau đó sẽ vượt lên rất nhanh trong ngắn hạn,

  4. THANH DUY

    Chào bà con.
    Theo dõi diễn đàn đã lâu em nhận thấy một thực tế thế này, thực tế chung của người nông dân VN:
    Mình trồng ca phê, mình nắm giữa cà phê, mình mong muốn giá cà phê lên, lên mãi, nhưng mong là một chuyện, thực tế thì giá cà phê lại không do VN quyết định & cũng không do bất kỳ nước nào quyết định được, kể cả Brazil. Em nói đến đây chắc chắn có nhiều bà con sẽ phản đối. Bây giờ bà con bình tâm lại 5 phút nhé, cố gắng nhớ lại trong vòng 30 năm qua, có khi nào bà con tự hỏi: Quái lạ, sao ai cũng bảo cả phê mất mùa mà giá lại giảm thế này cơ chứ? Hay ngược lại: Quái lạ, sao báo chí, tivi nói là cà phê thế giới được mùa mà giá vẫn tăng ầm ầm thế này….
    Đôi khi cái chuyện lên xuống của giá cà phê chẳng dính dáng gì chuyện được mùa, mất mùa ở đây cả, cả thế giới chứ chẳng riêng gì VN mình. Giá cà phê & rất nhiều mặt hàng khác như vàng, dầu, kim loại, nông sản… đều do “bầy thú điện tử” điều khiển. Bà con có ai từng nghe từ “bầy thú điện tử” chưa ạ? Hiểu nôm na là 1 thế lực & nhóm siêu cá mập tài chính quốc tế dùng nhiều “thủ đoạn” kinh tế để điều khiển giá cả một hoặc nhiều mặt hàng theo ý của chúng để tìm kiếm những khoản lợi nhuận khổng lồ.
    Đây là một đề tài rất rộng, có thể em sẽ nói rõ trong một bài viết khác.

    Một chuyên gia phân tích chia sẻ quan điểm đầu tư của mình với chúng tôi, rằng “Đừng cố gắng đoán trước điều gì mà hãy đi theo dòng tiền để kiếm lợi nhuận”. Theo chuyên gia, hãy mua khi dòng tiền có dấu hiệu đi vào một nhóm cổ phiếu, nắm giữ khi tiền vẫn chảy vào và chỉ bán khi thấy tiền bị rút ra.
    Trên thị trường (bất cứ thị trường nào chứ không riêng gì cà phê) thì có rất, rất nhiều cái vô lý bác ạ, mình cứ đi tìm “cái lý” của nó thì nhiều khi nó đã giảm 20-30-40% rồi, thậm chí còn nhiều hơn thế nữa. 30-40% là rất nhiều đó các bác ạ, có khi đó là khoản tiền dành dụm, chắt bóp của cả gia đình mấy năm trời.
    Em nhớ một câu nói của ai đó:
    – Hòn đá lăn xuống dốc thì đừng cố mà cản nó, nó sẽ đè chết !
    – Bụp măng nhú lên đón ánh nắng mặt trời thì cũng đừng có mà cả nó, tất cả chỉ là vô ích.

    1. yennguyen

      Thật chí lý, rất mong bạn có nhiều bài viết để cộng đồng tham khảo, chúc bạn sức khỏe để có nhiều đóng góp cho cộng đồng nông dân trồng và kinh doanh cà phê.

    2. Trịnh Thức Pleiku

      Đúng ý tui. Thuận theo lẽ tự nhiên, được giá là bán mà đã bán giá lên cao cũng ko tiếc. Biết trước ai cũng giàu rồi.

  5. donthuan

    Làm con người ai mà chẳng có lòng tham. Ai mà chẳng muốn làm giàu. Nhưng ai mà biết trước được thời thế nó đổi thay ra sao. Cũng đã lỡ rồi bây giờ tiến thoái lưỡng nan. Ai đã lỡ đu dây rồi thì cố thôi

  6. Trịnh Duy Cần

    Theo tôi nghĩ do cach kinh doanh của các doanh nghiệp VN mà thôi, đa phần vay vốn trử và ký gửi rồi bị ép giá vì gửi quá nhiều (trên một triệu tấn).

    1. Thịnh còi

      Theo nguồn từ tổng cục thông kê đến năm 2013 cả nước có 18 tỉnh thành trồng cà phê, với tổng diện tích là 635,000ha

  7. bautran

    Thanchao dung vach ao cho guoi xem tat ca nhung gi minh dangtoatinhnua Bạn cần gõ có dấu tiếng Việt để được hiển thị

  8. trần văn biên

    hiện giờ caphe giá 36, tôi tính sẽ mua 20 tấn, đợi giá lên tôi sẽ bán. tôi xin các bác cho tôi ý kiến: tôi có nên mua vào thời điểm nay được không? thanks.

  9. THANH DUY

    Chào anh chị !

    Em có một câu chuyện nhỏ về cà phê, muốn kể với mọi người.
    World Cup 2014 diễn ra từ 12/6 – 13/7/2014 trên đất Brazil, giá cà phê Robusta lúc đó biến động xoay quanh mốc 2.000 đô la/tấn. Dịp đó em có về quê chơi, cô em là đại lý cà phê ở Hà Lan, lúc ấy cô em và nhiều người kỳ vọng rằng nhân dịp World Cup giá cà phê sẽ tăng, lập luận của mọi người là Wolrd Cup mọi người sẽ thức xem bóng đá và uống cà phê nhiều hơn nên giá cà phê sẽ tăng, ngoài ra World Cup lần này còn tổ chức tại Brazil – xứ sở cây cà phê. Lúc ấy em mới khuyên cô em là trên thị trường không nên kỳ vào vào những điều mơ hồ, vì khi mình kỳ vọng như thế là mình đã áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình đối với Thị trường, mà thị trường thì do cung cầu, đầu cơ, các thế lực tài phiệt quốc tế quyết định. Khi thị trường không diễn ra như ý định mình thì mình lại đổ thừa này nọ, dẫn đến những “cay cú” ăn thua với thị trường sẽ làm cho mình mất đi sự tỉnh táo và tính kỷ luật cần thiết trong một thị trường đầy biến động như cà phê. Hãy nhớ thị trường thì luôn luôn đúng.

    Sau đó thì giá cà phê vẫn biến động trong cái hộp 1.950-2.100/tấn 6 tháng liền, trước khi sụp đổ về 1.700 đô la/tấn và vẫn chưa có điểm dừng.

    Em cũng hay theo dõi diễn đàn cà phê của giacaphe.com, em để ý thấy một chuyện thế này:
    Những bình luận “tốt” về thị trường cà phê thì được rất nhiều người tán thành. Ngược lại những người tâm huyết có ý kiến đóng góp bình luận giá cà phê sẽ giảm thì sẽ bị mọi người lao vào “ném đá” không thương tiếc bằng những lời lẽ rất chi là “nặng nề” dù những lập luận đó có dẫn chứng, có sự phân tích bằng số liệu, dẫn chứng thuyết phục thế nào đi nữa.

    Như thế thì lần sau làm sao những người có tâm huyết với diễn đàn ai dám vào viết bài đóng góp xây dựng nữa.

    Em giả sử thế này, cách đây 3 tháng, giá cà phê lúc đó là 2.100 đô la/tấn. Trên diễn đàn có 2 bài viết phân tích, dự báo giá cà phê:
    – Bài 1: Tác giả sau khi phân tích, lập luận cho rằng giá cà phê sẽ lên 2.500 – 2.600 đô la/tấn – Như thông lệ chắc chắn mọi người sẽ thích thú, sẽ tung hô tác giả bài viết này.
    – Bài 2: Tác giả sau khi phân tích, lập luận cho rằng giá cà phê sẽ xuống 1.600 – 1.700 đô la/tấn – Như thông lệ chắc chắn mọi người sẽ lao vào “ném đá” tác giả bài viết này không thương tiếc.

    Bây giờ sau 3 tháng, mọi sự đã rõ, vậy tác giả nào là người MANG LẠI LỢI ÍCH CHO BÀ CON NẾU BÀ CON NGHE THEO HỌ – Hãy nhớ, thị trường luôn luôn đúng !

    Quyết định mua/bán vẫn là ở mỗi chúng ta, không ai có thể thay thế chúng ta, nhưng khi chúng ta đọc các bài phân tích của các nhà báo, chuyên gia chắc chắn chúng ta sẽ bị tác động tâm lý ít nhiều từ đó sẽ dần đến những quyết định mua bán của chúng ta. Mà con người thì có xu hướng THỊ TRƯỜNG PHẢI TUÂN THEO MONG MUỐN CỦA MÌNH – Trong khi thực tế thị trường nhiều khi lại diễn ra không như ta mong muốn !

    Trân trọng !

    Anh Thịnh ơi, tất cả những gì em viết trên đây cũng chỉ muốn bà con mình, vốn đã quá khổ sở vất vả một nắng hai sương vì cây cà phê có một cái nhìn nhiều chiều và thay đổi tư duy về thị trường.

      1. THANH DUY

        Dạ, em cám ơn anh rất nhiều vì đã cho em cơ hội được chia sẻ thông tin, quan điểm của em với bà con !

        Diễn đàn rất cần sự đóng góp của mọi người với cái nhìn đa chiều.

        Mục đích cuối cùng: Cùng nhau tìm kiếm lợi ích tối đa cho mỗi chúng ta trong việc ra quyết định mua bán.

  10. CafeDon

    Chào cả nhà. Tôi cũng có theo dõi thị trường cafe, xin có chút ý kiến: giá Arabica cao nhất 52 tuần là 231, cũng trong 52 tuần qua, đồng Real Brazil đã mất giá đến 50%…. Brazil chắc chắn cũng có xuất khẩu Robusta … Theo thiển nghĩ, Brazil Real bị phá giá để đẩy mạnh xuất khẩu, trong khi đó VNĐ vẫn giữ vững (không theo xu hướng chung của thế giới), nên giá cafe có thể còn giảm nữa , tôi cho rằng giá Arabica có thể về quanh mức 120 … vậy nên tranh thủ lúc thị trường phục hồi mà bán ra, lỗ hay lãi cũng đành ….

  11. Tâm Cà

    Chư Păh hôm nay có mưa giông lớn. Nhiều vùng cà phê thoát khỏi nắng hạn. Năm ngoái vùng mình nhận mưa đầu mùa là 13/3 năm nay 15/3. Thời tiết thuận lợi cho vụ tới

    1. Bùi vũ

      Xuân Phân năm nào cũng có mưa, đột xuất chỉ có một vài năm hạn như năm 1975 và năm 1987 là không có mưa xuân phân. Có 2 điều không dễ đoán trước là thời tiết và giá cả, nhưng có lẽ thời tiết dễ dự đoán hơn

  12. HuyCafe

    Đồng Real bị phá giá mạnh quá đã kích thích Brazil xuất khẩu mạnh, cho dù giá Arabica có bị xói mòn. Không biết giá Arabica sẽ rơi về đâu, kéo theo giá Robusta nữa ….

  13. hieudlk

    Giá này nói thanh lý hợp đồng mất uy tín thì thật là buồn cười, bởi đơn giản nếu là ng lầm cà phê cũng thừa hiểu giá dưới 40 là cắt lỗ, ai bán ra cho mà mua hàng , chỉ có kẻ điên mới ký hợp đồng dưới 40k. và nếu giá lên 41k cũng không có tình trạng bán ồ ạt, bởi ngay từ đầu mùa giá cà tích trữ đã là trên 41k. Bà con cứ yên tâm, tôi cho rằng giá xuống là do giới đầu cơ, ng năm cà trong tay đẩy giá xuống, chứ nhà rang xay không được lợi gì đâu, bởi làm gì có cà phê mà mua, xuống thì xuống thế thôi chứ, nếu giá này những ng nắm số lượng khủng có thể thay đổi được giá cả họ không bao giờ chịu lỗ đâu.
    Tốt nhât bà con không nên để ý đến giá cả làm gì cho lo lắng thêm, hãy tự tin chờ giá, và gia có cao cũng không bán ra ồ ạt, nông dân Việt Nam và thế giới bậy giờ thông minh và khôn rồi, không để cho mấy ông lái giá nữa đâu. bị dính nhiều vố đau rồi mà.
    Năm nay mất mùa lớn tại Việt Nam, mà câu hoi đạt ra tại sao giá lại tụt thế.
    Có ng nói có lẽ do Ucraina và khu is bận đánh nhau không có thời gian uống cà phê hiiiiiiiii

    1. Kinh Vu

      Bạn hieudlk thân mến
      Tôi có cảm giác bạn chưa nắm được cơ chế stoploss khi Bạn nói: “ai bán ra cho mà mua hàng, chỉ có kẻ điên mới ký hợp đồng dưới 40k”.
      Trong bài tác giả đang nói về hai cơ chế góp phần khiến cho giá sụp đổ nhanh chóng là “tự động chốt theo cơ chế stoploss và hoảng loạn tự chốt để chấp nhận lỗ”. Nếu bạn nắm rõ cơ chế này thì sẽ không còn buồn cười nữa đâu. Trong bài tác giả buộc phải sử dụng một số thuật ngữ thông thường của thị trường, để tìm hiểu thêm về những thuật ngữ đó bà con click vào chữ màu xanh để dẫn đến bài viết giải thích.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

92