Tin buồn

Cà phê Việt Nam và những cơ hội phía trước

Festival cà phê Buôn Ma Thuột – 2005 đã chính thức khai mạc vào tối 2/12 tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk sau tiếng trống khai hội của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Lạng và quyền Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cà phê Việt Nam Phan Đăng Hiên.

Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột được long trọng công bố sau đó đồng thời giấy chứng nhận thương hiệu cũng được trao cho Tổng công ty cà phê Việt Nam, Công ty TNHH cà phê Trung Nguyên, Công ty cà phê Thắng Lợi và Công ty xuất nhập khẩu 2-9. Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Vân Thành Huy (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa), xung quanh sự kiện này cũng như triển vọng của ngành cà phê Việt Nam.

* Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột diễn ra trong thời điểm hiện nay là khá lý tưởng. Cà phê vùng Tây Nguyên hiện đang bước vào vụ thu hoạch, những ai tham dự lễ hội đều có thể chứng kiến thời gian điển hình nhất trong hoạt động của ngành sản xuất cà phê. Đây được xem là ngày hội của ngành cà phê Việt Nam.

Lễ hội cà phê cũng là dịp công bố thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột được bảo hộ theo tên gọi xuất xứ hàng hóa. Ngành cà phê thế giới sẽ càng chú ý đến cà phê Việt Nam, đặc biệt là cà phê Buôn Ma Thuột. Điểm đặc biệt nữa là lễ hội được tổ chức ngay sau Hội nghị triển vọng cà phê 2005 vừa diễn ra ở TP Hồ Chí Minh.

Các đại biểu quốc tế sẽ được thấy rõ hơn những thành tựu của ngành cà phê Việt Nam, cùng chia sẻ thông tin, trao đổi, giao lưu giữa các nhà sản xuất, nhà kinh doanh xuất khẩu để cùng hướng về tương lai tốt đẹp của ngành cà phê đồng thời cùng trải nghiệm, thưởng thức “văn hóa cà phê” của Việt Nam ngay tại xứ sở cà phê Đắk Lắk.

van thanh huy
Ông Vân Thành Huy (ảnh: T.N.Q)

* Tại lễ hội sẽ có một hội thảo về mua bán cà phê qua sàn giao dịch quốc tế. Ông có thể nhận xét gì về việc tham gia thị trường kỳ hạn của các doanh nghiệp cà phê Việt Nam?

– Thời gian qua, ngành cà phê đã đạt những bước phát triển nhanh, đưa khối lượng xuất khẩu từ 100.000 tấn/năm trong những năm 1990 lên mức 800.000 tấn/năm trong những năm gần đây. Chúng ta có thể tự hào về sản lượng, tuy nhiên chất lượng và hiệu quả kinh doanh xuất khẩu cà phê thì còn thấp, giá trị gia tăng chưa cao, nhất là hoạt động thị trường, các phương thức kinh doanh còn hạn chế. Hiện cả nước đã có hơn 30 đơn vị tham gia thị trường kỳ hạn quốc tế và đã mua bán được hơn 70.000 lot (5 tấn/lot) cà phê. Nhiều doanh nghiệp đã thành công.

Có thể nhận định rằng, việc tham gia thị trường kỳ hạn mang ý nghĩa sống còn đối với ngành cà phê. Một doanh nhân nước ngoài nói với tôi: việc mua bán trên sàn giao dịch của cà phê Việt Nam lẽ ra phải thực hiện cách đây 5-7 năm; nếu bây giờ không thực hiện được thì đến năm 2010, khó có doanh nghiệp cà phê nào tồn tại trước những rủi ro của thị trường.

le hoi ca phe buon ma thuot 2005
Đàn voi diễu hành chào mừng Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2005 (ảnh: N.H.T)

* Người nông dân cũng có thể kinh doanh với phương thức hiện đại này?

– Với cách kinh doanh trên thị trường kỳ hạn, các doanh nghiệp có nhiều quyền lựa chọn hơn trong giao dịch và phòng ngừa rủi ro. Người trồng cà phê cũng có thể ký hợp đồng kỳ hạn, bán trước hàng hóa của mình. Còn nếu lo ngại giá cà phê tương lai sẽ giảm, người trồng cà phê có thể hợp đồng kỳ hạn mua hoặc bán cà phê tùy thuộc vào khả năng tài chính và sự nhạy bén của mình.

* Cám ơn ông!

>> Cà phê Việt Nam cần có thương hiệu

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

79