Tin buồn

Vì sao giá cà phê tăng?

“Ngựa theo đường cũ”, giá cà phê lên đỉnh vào sáng thứ Sáu nhưng rồi sụp đổ ngay trong ngày y hệt như đường đi của tuần trước. Tin mưa về làm dịu cây cà phê tại Brazil và làm bớt nóng sàn kỳ hạn.

Song, thời tiết chỉ là mặt bên này của đồng tiền. Hình như thị trường cà phê đang bị chi phối bởi mặt kia nữa.

Cuối tuần, giá chững lại

bieu do gia ca phe theo tuan
Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE trong tháng 2-2014 (tác giả cập nhật)

Một đại lý tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng hôm qua thứ Sáu 14-2 cho biết họ đã mua được vài chục tấn cà phê nhân xô với mức 35.800 đồng/kg, cao hơn 1.000 đồng/kg so với giá cuối tuần trước và là mức đỉnh của tuần này. “Muốn mua nhiều hơn cũng không có vì người có hàng tin rằng, nay mai giá sẽ cao hơn do ảnh hưởng của hạn hán tại Brazil và thị trường cà phê đang thiếu hụt”, chủ đại lý cho biết.

Tuy không sụp mạnh như ngày thứ Sáu tuần trước (7-2) với mức rớt 78 đô la Mỹ/tấn, hôm qua giá sàn kỳ hạn Liffe NYSE London quay đầu giảm sau bốn ngày liền có giá tăng. Đóng cửa hôm qua, giá sàn robusta giảm 16 đô la/tấn cơ sở tháng 5-2014 (nay là tháng giao dịch chính), nhưng cả tuần lại tăng 39 đô la/tấn (xem biểu đồ 1). Trong khi đó, giá arabica New York chốt mức 142,30 xu Mỹ mỗi pound (cts/lb), tăng 4,45 cts/lb hay 98 đô la/tấn.

Vì thế, sáng nay thứ Bảy 15-2, giá nội địa chỉ còn quanh 35.000-35.200 đồng/kg, tăng so với tuần trước từ 200-400 đồng/kg.

Giá xuất khẩu tính theo mức chênh lệch (differential) ít thay đổi, ở mức trừ 50 đô la/tấn cơ sở tháng 5-2014 niêm yết tại sàn kỳ hạn robusta London đối với loại 2,5% đen vỡ.

Hãng khí tượng thủy văn Somar của Brazil dự báo sẽ có mưa rải rác tại nhiều vùng trồng cà phê nước này, riêng bang Minas Gerais, là vùng trồng cà phê lớn nhất Brazil, có thể nhận lượng mưa khá lớn dịp cuối tuần này. Những thông tin ấy đã làm thị trường nghĩ rằng khô hạn sẽ giảm tác hại, nhờ vậy giá các sàn kỳ hạn dịu đi sau những đợt tăng mạnh và biến động thất thường từ hai tuần nay.

Giá tăng không chỉ do thời tiết

“Chắc chắn sẽ còn những thông tin giật gân hơn ở phía trước, nhất là khi Brazil vào mùa đông, không chừng lại có tin rét đậm rét hại…có thể giúp giá cà phê có dịp tăng nữa”, một nhà phân tích thị trường tại Tp. HCM nói.

bieu do chi so usd index
Biểu đồ 2: Chỉ số đồng đô la đến hết ngày 13-2

Hiện đã có nhiều ước báo sản lượng niên vụ tới của thế giới giảm, chủ yếu do đợt khô hạn lâu nay của nước sản xuất cà phê đứng đầu thế giới này. Nếu như trước đây nhiều người cho rằng năm tới, sản lượng cà phê Brazil sẽ ở mức 57-60 triệu bao (60 kg x bao), thì nay họ đồng loạt giảm. Như Olam và Wilmar International, là các hãng kinh doanh nông sản hàng đầu châu Á có trụ sở tại Singapore ước rằng sản lượng sắp tới chỉ chừng 50-51 triệu bao, nhiều hãng kinh doanh khác ước sẽ giảm từ 5-10% nhưng Cooxupe, hợp tác xã cà phê lớn nhất thế giới đóng tại Brazil ước sản lượng nước họ sẽ giảm đến 30%.

Song, “nếu nhìn đợt tăng giá cà phê vừa qua để nói chỉ do thời tiết chi phối là chưa đủ và coi chừng bị dính bẫy của đầu cơ tài chính, tung tin mạnh yếu tố này để giấu một hành động khác”, nhà phân tích cho biết.

Thật vậy, nếu theo dõi kỹ, đã hơn hai tuần nay, không chỉ giá các sàn cà phê tăng mà nhiều mặt hàng khác đều lên cao. Giá tại các sàn kim loại quý, như vàng chẳng hạn, trong suốt thời gian này tăng mạnh, có lúc lên trên 1.320 đô la/oz hay dầu thô trên 100 đô la/thùng, ca cao 2.977 đô la/tấn. Chỉ số đồng đô la Mỹ từ hai tuần nay giảm liên tục đã kích thích giới đầu cơ tài chính đặt cược thêm vào hàng hóa (xem biểu đồ 2).

“Có lẽ đấy là một chất xúc tác khác để giúp giá cà phê tăng, có tầm quan trọng không kém. Chừng nào đồng đô la còn yếu thế này, giá hàng hóa, trong đó có cà phê vẫn còn có cửa tăng”, nhà phân tích nói thêm.

Vì thiếu hàng nên giá cà phê tăng?

Đầu tháng 2-2014, cấu trúc giá sàn kỳ hạn robusta ở thế nghịch đảo, có nghĩa rằng giá tháng giao dịch gần cao hơn tháng xa. Bấy giờ, giá tháng 3-2014 cao hơn tháng 5-2014 đến 32 đô la/tấn. Khi giá ở thế nghịch đảo, thị trường hiểu nguyên nhân là do thiếu hàng cho tháng giao hàng gần nên giá tháng ấy tăng mạnh.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, thế nghịch đảo này không còn căng thẳng như trước. Tính đến sáng nay thứ Bảy 15-2, giá tháng 3-2014 chỉ cao hơn giá tháng 5 là 4 đô la, hay thị trường báo vấn đề thiếu hàng đang bớt căng thẳng (xem biểu đồ 1: đường màu xanh biểu thị giá tháng 3 và đỏ là giá tháng 5-2014, giãn xa đầu tháng, hiện nay đang co lại gần nhau).

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu cà phê tháng 1-2014 của nước ta đạt 143.000 tấn, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, theo cơ quan này, lũy kế bốn tháng đầu vụ bắt đầu từ 1-10-2013 chỉ đạt 420.100 tấn, giảm 31,3% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Do lượng xuất khẩu từ nước ta không nhiều, tồn kho robusta được sàn Liffe NYSE xác nhận cũng giảm trong lần báo cáo định kỳ mới nhất. Tính đến hết ngày 3-2-2014, tồn kho thuần robusta này chỉ còn 24.960 tấn, giảm 2.810 tấn so với lần báo cáo trước đó.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Các Nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe), xuất khẩu cà phê tháng 1-2014 của nước này đạt 2,7 triệu bao, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu robusta tăng gấp 3 lần đạt 115.403 bao. Lũy kế xuất khẩu 12 tháng của nước này đạt 31,61 triệu bao, tăng 10% so với cùng kỳ.

Nhìn vào cấu trúc giá kỳ hạn, nếu dùng bức tranh xuất khẩu và tồn kho để giải thích, thế nghịch đảo của cấu trúc giá đang dịu dần, có nghĩa rằng thị trường không còn căng thẳng vì thiếu hàng như trước đây. Lượng xuất khẩu của Brazil và một số nước khác như Indonesia, Colombia…hình như đang bù vào phần thiếu do nước ta cắt giảm xuất khẩu, arabica đang được chuộng hơn.

Song, nhà kinh doanh cà phê sẽ rất dễ bị lạc đường nếu không tính đến yếu tố tiền tệ: đồng đô la Mỹ yếu đang hỗ trợ giá cà phê tăng mấy bữa nay. Mong cho yếu tố tiền tệ này không đóng vai chính trong thời gian vừa qua; nếu không, thị trường hàng hóa và cà phê lại sẽ bấp bênh trong những ngày tới khi đồng đô la Mỹ mạnh trở lại.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nhu Pham

    Đúng là thị trường biến động chóng mặt. Khi thì lên tới 1.500đ. Hôm sau lại giảm ngay 1.200d. Rồi sau đó cứ lên được 100d thì lại giảm 200d. Người dân ta chưa kịp tính toán đã hụt hẫng trở tay không kịp. Chỉ thương cho những người dân đâu phải ai cũng biết lên mạng xem giá rồi phân tích thị trường nên bị đại lý ép giá cũng phải chịu.
    Thương lắm người dân cuả tôi ơi.

  2. ho nam

    Cuộc chiến giá cà phê trên thế giới hiện nay vũ khí đang được sử dụng là các thông tin. Nay nói này mai nói nọ. Mục đích là khuynh đảo thị trường nhằm thu lợi nhuận cao của giới kinh doanh cá mập!

  3. Tiểu Thiên

    Giá trị đồng USD liên quan như thế nào đến giá cà vậy mọi người? Trong kỳ này cả 2 thị trường xuất khẩu cà phê lớn như Brazil và VN đều trữ hàng chờ giá, mà đến tháng 4-5 là Brazil thu hoạch đợt 1 vậy hắn sẽ ko thể gìm hàng đến cuối tháng 3 được đúng ko ạ? Nhà em có ít nhưng cũng không cần đến tiền nên đang thi gan với mức giá cao nhất. Em còn non nớt và cũng mới biết đến Giacaphe.com mong mọi người chỉ bảo thêm ạ.
    Câu hỏi ngoài lề: bây giờ em muốn mua giống cà hạt to và năng xuất cao thì nên lấy giống ở đâu ạ? và đất cần phải tái tạo như thế nào khi cà kinh doanh nhà em mới phá bỏ, đất chắc và ít màu mỡ? cần phải bón loại phân gì cho thời gian đầu ạ. Em xin Chân thành cảm ơn!

  4. huy

    thế là giá cà đã lên được 38100đ rồi. có lẽ trong nay mai cũng lên tới 46000đ/kg thôi vì Brazin bị hạn hán nặng rồi.

  5. hoang tuan

    Giá cafe một phần do hạn hán kéo dài ở Brazin thôi, còn những yếu tố khác khiến cafe càng tăng. Bên cạnh đó đồng USD là loại tiền giao dịch trực tiếp khi xuất khẩu. Nếu đồng USD mà giảm thì các mặt hàng xuất khẩu sẽ tăng giá, trong đó có cafe.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

84